Trang chủ PGVN Cụ Hồ Chí Minh và Đạo Phật

Cụ Hồ Chí Minh và Đạo Phật

278

Hôm nay nhân dân Việt Nam long trọng kỷ niệm một sự kiện lịch sử trong cuộc đời của một bậc vĩ nhân nhưng cũng là một sự kiện trọng đại của cả một Dân tộc. Đó là kỷ niệm vừa tròn 100 năm người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước ( 5/6/1011- 5/6-2011).

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, cụ Hồ Chí Minh đã sống ở nhiều nước, tiếp thu nhiều nền văn hóa khác nhau. Nhưng người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh bao giờ cũng hết sức trân trọng và đánh giá rất cao Đạo Phật và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. 

Nghị quyết của Ðại Hội đồng UNESCO lần thứ 24 tại Pa-ri, từ ngày 20-10 đến 20-11 năm 1987 số 24C/18.65 vinh danh người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”. 

Từ ngàn đời nay hình bóng mái chùa Việt Nam đã gắn liền với nếp sống văn hóa tâm linh của dân tộc. Tinh thần gắn bó sâu xa của Phật giáo với người dân Việt Nam đã được thể hiện qua câu thơ của Thiền sư Mãn Giác:

Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống bao đời của tổ tiên

Thật vậy mái chùa Việt đã là nơi chở che cho thân phận của biết bao nhiêu cảnh đời bất hạnh. Hơn thế nữa mái chùa Việt còn là biểu tượng của sức sống dân tộc chống lại sự xâm lấn của ngoại bang. Mái chùa Việt cũng chính là nơi tập hợp những con người có tâm huyết, có tinh thần yêu nước mang chí lớn không chịu cúi đầu cam chịu cảnh nghèo hèn nô lệ của quốc gia dân tộc

Theo nhiều nhà nghiên cứu thì chính cụ Nguyễn Sinh Sắc thân sinh Hồ Chủ Tịch trong thời gian dạy học ở Đồng Tháp đã chủ trương phục hưng phong trào Phật giáo như là nền tảng để phát động tinh thần yêu nước thương nòi của mọi tầng lớp sĩ phu nhằm chống lại giặc ngoại xâm.

Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cùng với việc lớp lớp nhà sư tạm cởi bỏ tấm áo cà sa lên đường ra trận thì nhiều ngôi chùa Việt Nam đã là nơi hội họp bí mật và nơi cất giấu tài liệu cách mạng và vũ khí trong những ngày cách mạng còn trong trứng nước.

Ngôi chùa Việt Nam cũng là nơi che chở cho các lãnh tụ của cách mạng Việt Nam như Nguyên Tổng bí thư Trường – Chinh, Nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Mối quan hệ mật thiết giữa đạo Phật với dân tộc cũng đã được Bác Hồ khẳng định khi Người đến thăm chùa Quán Sứ vào năm 1945, sau khi Người đọc Tuyên ngôn Ðộc lập. Trong buổi nói chuyện với các nhà lãnh đạo Phật giáo, Người đã nói rằng: "… Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một. Tôi mong các Hòa thượng, tăng ni và phật tử hãy tích cực thực hiện tinh thần Từ bi, Vô ngã, Vị tha trong sự nghiệp cứu nước, giữ nước và giữ đạo để cùng toàn dân sống trong Ðộc lập, Tự do, Hạnh phúc". (Hòa thượng Thích Ðức Nghiệp, Hồ Chủ tịch, một biểu trưng nhân bản Việt Nam, Ðạo Phật Việt Nam, NXB TP Hồ Chí Minh, 1995, Tr.321)

Tiếp theo đó trong buổi tuyên thệ đoàn kết giữa các đảng phái tại chùa Bà Đá Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nói: "Nhân ngày lễ Phật rằm tháng Bảy, tôi kính cẩn cầu nguyện Đức Phật bảo hộ Tổ quốc và đồng bào ta và tôi gửi lời thân ái chào các vị trong Hội Phật tử. Từ ngày nước ta trở nên Dân chủ Cộng hoà, Hiến pháp ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, thì Phật giáo cũng phát triển một cách thuận tiện".

Đến năm 1947 khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trong giai đoạn khó khăn khốc liệt nhất, trong bức thư “Gửi Hội Phật tử Việt Nam”, cụ Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nước có độc lập, thì đạo Phật mới dễ dàng mở mang… Đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn. Nguời phải hy sinh đấu tranh, diệt lũ ác ma. Nay đồng bào ta đại đoàn kết hy sinh của cải, xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc.

Chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ. Trong cuộc kháng chiến cứu nước, đồng bào Phật giáo đã làm được nhiều. Tôi cảm ơn đồng bào và mong đồng bào cố gắng thêm, cố gắng mãi, cho đến ngày trường kỳ kháng chiến thắng lợi, thống nhất, độc lập thành công”.

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh chúng ta thấy có nhiều nét tương đồng với các tư tưởng lớn của Phật giáo. Đó là :

1-   Tư tưởng hy sinh cho nhân loại và chúng sinh
2-    Tư tưởng vì con người, lo cho con người
3-    Tư tưởng sống thanh bạch, giản dị, tránh xa hoa lãng phí
4-    Tư tưởng chống chủ nghĩa cá nhân, chống thói hư tật xấu tha hóa về đạo đức

Cụ Hồ Chí Minh là người suốt đời cống hiến cho nhân dân Việt Nam. Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn , ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".

Người thấm nhuần sâu sắc tư tưởng từ bi hỉ xả của Phật giáo. Khi nhìn thấy một tù binh Pháp bị thương đang run lên vì gió rét, Người đã không ngần ngại cởi ngay tấm áo đang mặc khoác lên người tù binh trước con mắt ngạc nhiên và cảm phục đến thẫn thờ của hàng nghìn tù binh Pháp trong trận Điện Biên Phủ.

Đối với cụ Hồ Chí Minh khi đã là hàng binh thì họ cũng là những con người và cần được đối xử một cách nhân đạo. Cử chỉ ấy của cụ sau này đã được nhiều tù binh Pháp kể lại trong hồi ký của mình , trong đó có nhiều người đã trở thành các nhà lãnh đạo quốc gia.

Tư tưởng sống thanh bạch, giản dị, tránh xa hoa lãng phí của cụ Hồ Chí Minh cũng rất gần gũi với tư tưởng “Thiểu dục tri túc” của Phật giáo. Cụ luôn luôn nhấn mạnh phải không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng trí công vô tư, quét sạch chủ nghĩa cá nhân vì chủ nghĩa cá nhân là tai họa cho cách mạng và nhân dân.

Điều này rất tương đồng với tư tưởng chống “tam độc” tham, sân, si của Phật giáo

Với tăng ni và Phật tử Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về đạo đức , tinh thần hết lòng hy sinh cống hiến cho dân tộc. Hòa Thượng Thích Trí Quảng – Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh trong tham luận khoa học về Đại thắng mùa xuân 1975 đã nói: "Nói đến Ðại thắng mùa Xuân 1975 là nói đến sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người rất thân thương, gần gũi với dân tộc chúng ta. Người đã khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để đưa con thuyền Việt Nam đến bến bờ vinh quang là Ðại thắng mùa Xuân 1975".

Một trăm năm đã trôi qua, kể từ ngày 5 tháng 6 năm 1011,  khi người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng xuống tàu đi tìm đường cứu nước. Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi chính là mục tiêu đã dẫn dắt người đi tìm hình của nước. Từ một dân tộc nô lệ lầm than không có tên trên bản đồ thế giới, cụ Hồ Chí Minh đã đưa cả dân tộc Việt Nam bước lên những nấc thang vinh quang được cả nhân loại ngợi ca.

Trong ngày lễ kỷ niệm trọng đại này, cùng với hàng chục triệu người dân trong cả nước Tăng Ni Phật tử Việt nam và những người mến mộ Đạo Phật xin được mượn lời nói sau đây của cố Hòa Thượng Thích Thiện Châu để bày tỏ niềm kính trọng sâu xa với cụ Hồ Chí Minh – Anh hùng giái phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới: "Bác Hồ là Bồ tát, là vị La hán, bởi vì Người đã dành tất cả cho mọi người, không giữ gì riêng cho mình cả. Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ như đóa sen giữa rừng hoa dân tộc Việt Nam, hội tụ đức tài của đất nước". (Báo Nhân Dân ngày 22-1-1997).