Đầu năm là dịp người dân nô nức đi trảy hội, lễ chùa. Và dường như, những ngôi chùa càng ở trên núi cao như Chùa Hương, Yên Tử… thì lại càng đông người đến lễ Phật.
Cụ bà Nguyễn Thị Nga (82 tuổi, Đông Hưng Thái Bình) vui vẻ kể về những chuyến leo núi của cụ những năm về trước. “Ngày đó, chùa Hương… đều chưa có cáp treo nên hành trang của chúng tôi chỉ có những chiếc gậy tre. Để leo lên động Hương Tích cũng phải mất 2 tiếng đồng hồ đấy. Nhẩm tính ra, tôi cũng leo chùa Hương 10 năm liền liên tiếp nhau bằng gậy tre đấy. Leo chẳng thấy mệt gì cả!”
Cụ kể, có năm trời mưa đi trơn trượt nên không dám đi nhanh nhưng trong đoàn cũng không ai dám ngồi nghỉ, hoặc ngắm nghía hàng quán hai ven lối lên động. “Mình đi lễ phật chứ không phải đi vãng cảnh mà mua bán rầm rộ. Nếu đi lễ chùa mà cảm thấy mệt, uể oải là chưa trọn đường tu với phật”.
Đứng tại động Hương Tích (Chùa Hương), chúng tôi được tiếp xúc với cụ Phan Thị Định (80 tuổi, ở Ninh Bình) đeo ba lô đi hành hương cùng đoàn nhà chùa địa phương. Cụ bảo: “Tôi gần đất xa trời rồi, con cháu nó không cho đi lễ xa thế này đâu, nhưng tôi chỉ có một mong ước là trước khi nhắm mắt phải tự mình leo lên đến động một lần nữa”. Nói rồi cụ bảo: “Bọn nó (con của cụ) cứ lo xa, tôi có thấy mệt gì đâu. Chắc tại các Ngài phù hộ cho tôi đấy!”
Mặc dù có cáp treo nhưng cụ Định vẫn kiên quyết đi bộ từ Bến Đục lên tận động Hương Tích. Trái ngược hẳn với cụ, khu vực mua vé đi cáp treo lại đông nghịt các bạn trẻ đang chen chúc nhau.
Cụ định bảo: “Từ chân Bến Đục lên đến động còn phải qua biết bao nhiều chùa, đền. Mình đi bộ còn lễ phật, nếu đi cáp treo là không có lòng thành”.
Tương tự, tại Yên Tử, khách thập phương muốn lên tận chùa Đồng (đỉnh cao nhất của núi) mất khoảng hơn 5 km, nếu leo bộ cũng mất đến 4 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, người ta vẫn gặp rất nhiều cụ già với đôi dép lê, chiếc gậy tre leo bộ lên đến đỉnh chùa.
Mặc dù trong người mệt nhưng các cụ vẫn cố gắng leo đến đỉnh cuối cùng. Ảnh DT |
Các cụ già mắc tim mạch không nên leo núi
Theo lí giải của bác sĩ Nguyễn Văn Long (Bệnh viện Lão khoa Trung ương), việc các cụ già leo núi, đi lễ chùa… khỏe hơn thanh niên thực chất chỉ là cảm giác về mặt tâm lí và cảm tính.
Về mặt khoa học, sức khỏe người già không thể nào tốt bằng người trẻ. Trên thực tế đã có rất nhiều người cao tuổi bị đột tử vì leo núi.
Khi về già, ở đầu xương bao giờ cũng có một lớp sụn, lớp sụn này giúp cho khớp trơn tru, dễ dàng trong vận động. Lớp sụn này luôn được đổi mới, tái tạo và phục hồi để tránh sự mài mòn. Từ khoảng 50 tuổi trở đi, quá trình tái tạo lớp sụn này giảm dần đi, do đó sụn khớp ngày cảng mỏng đi, mất tính đàn hồi và giảm độ trơn nhẵn gây đau nhức cho người già khi phải hoạt động nhiều.
Thực chất người già không thể dẻo dai như người trẻ |
Thầy Theo thầy Thích Đẳng Trí, trụ trì chùa Quan Nhân, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng, đối với người già, cái tâm của họ tin tưởng vào Phật. Họ cho rằng, Phật đã nâng bước chân họ, chỉ cần chân bước, mồm cầu khấn, tay cầm chuỗi vòng trên tay, thì Phật sẽ đưa họ đến bên Ngài. Chính niềm tin ấy đã giúp họ vượt núi cao, xa đến cửa Phật một cách dễ dàng. Trong khi đó, thanh niên đi lễ chùa chủ yếu là du xuân, nên dễ có tâm lý mệt mỏi hơn người già.
Trong dịp mùa lễ hội này, bác sĩ Long khuyên, các cụ khi đi leo núi không nên cố leo. Khi thấy mệt thì cần nghỉ ngơi để lấy sức rồi đi tiếp. Đặc biệt, chỉ nên uống một lượng nước vừa đủ, không uống quá nhiều, sẽ khiến ra nhiều mồ hôi và càng mệt hơn. Đối với những người bị tim mạch thì cần cẩn trọng, tránh nguy cơ đột quỵ.
Cách tốt nhất, các cụ già khi đi leo núi cần có con cháu đi cùng để bảo vệ và tránh những tai nạn đáng tiếc.