Cột đá chùa Dạm nằm ở cấp nền thứ hai bên trái của chùa Dạm. Cột đá liền khối cao trên bốn mét, đặt trên bệ đá hai cấp cao gần một mét. Phần cột được chia làm hai phần rõ rệt, phần hộp vuông cao hai mét. Phần trụ tròn cao hơn hai mét, đường kính gần mét rưỡi.
Trên phần trụ tròn chạm nổi đôi rồng ngoắc đuôi vào nhau quấn quanh cột, chân trước hai con chụm vào cùng nâng đỡ một viên ngọc. Hai đầu trong tư thế chầu nhau, ở giữa có một lá đề chạm nổi, mỗi con ngậm một viên ngọc, mắt sáng trong tư thế hướng lên bầu trời. Thân rồng uốn khúc hình sin, hai chân sau tựa vào khối hộp vuông phía dưới tạo cho đôi rồng uốn lượn như đang bay.
Đôi rồng được chạm khắc tinh tế, đường nét sinh động trau chuốt. Sự bào mòn của nắng mưa làm cho các chi tiết của đôi rồng bị hủy hoại nhiều phần, riêng phần đầu và đuôi còn tương đối nguyên vẹn. Thân rồng mềm mại, khỏe khoắn mang nét tự nhiên của văn hóa Việt bản địa. Đầu rồng mang nét đẹp và phóng khoáng, thể hiện vương quyền của thủy quái Macrada – linh vật trong văn hóa Chămpa.
Ngoài đôi rồng, người thợ còn dùng những chi tiết hoa văn cúc dây để “trám” vào những chỗ trống. Do chất liệu được sử dụng là đá cát, lại trải qua gần nghìn năm dãi dầu mưa nắng nên phần đỉnh của cột đã bị gãy nên không biết được chiều cao toàn bộ của cột lúc khởi dựng là bao nhiêu. Nhiều mảng vỡ mang theo cả những chi tiết trang trí làm nền cho đôi rồng.
Tại phần trụ tròn cách đỉnh gần một mét có sáu lỗ hình chữ nhật khoét sâu vào thân cột phân bố đều xung quanh.
Linga hay cột đỡ?
Nhưng cũng chính sự ảnh hưởng của văn hóa Chămpa đã khiến nhiều nhà nghiên cứu giải mã cây cột thành một linga. Ông Nguyễn Hùng Vĩ (ĐH KHXH-NV Hà Nội) cho rằng điều này hoàn toàn suy diễn. “Các lỗ ngàm đã rõ là các lỗ lắp dầm chống nghiêng, đường rãnh còn nguyên trên đầu cột cho ta thông tin về dầm chịu lực tương tự cột đá đang còn ở chùa Xã Đàn. Như vậy, phần trên làm sao mà đọc thành linga được”, ông Vĩ phân tích.
TS Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ) cũng cho rằng với sáu lỗ mộng ở trên đầu cột không thể coi đây là linga. Theo ông, với “dị tật” như vậy, nếu là linga thì làm sao có thể sinh sôi nảy nở được.
Ông Hùng Vĩ đồng tình với ý kiến của các bậc tiền bối như kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng, nhà dân tộc học Từ Chi, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đỗ Cung coi cột là chiếc cột đỡ một tấm kiến trúc nào đó.
Ông Vĩ còn cho rằng, nếu xét chùa Dạm với tương quan những chùa thời Lý khác sẽ thấy cột đá trên không thể là một linga. “Hiện vật đá, gốm đời Lý thể hiện những triết lý, giáo lý, điển tích Phật giáo mạnh mẽ. Dãy 10 con thú ở Phật Tích là hiện thân của Phật. Những con uyên ương chính là bồ tát trong điển Ngũ bách nhạn thỉnh kinh hóa bồ tát. Các thế long tọa, liên tọa đều là các biểu tượng Phật giáo. Chính vì thế, thật khó lòng hình dung một biểu tượng nguyên khởi của đạo Hindu là linga lại chen vào chốn thiền lâm đó được”, ông phân tích.
Cũng dựa trên những lỗ mộng trên cột đá, ông Vĩ đã nhờ người tính hộ tải trọng của bộ dầm đặt trên đó: “Mỗi phần chìa ra của mỗi dầm, chúng tôi tạm cho là bằng đường kính trụ đá tròn, chúng ta có thể vẽ được bản vẽ kỹ thuật kết cấu bộ dầm chịu lực của công trình. Việc tính tải trọng của bộ dầm này là hoàn toàn có thể và hết sức khả quan. Qua nhờ người tính hộ, chưa kể sức chịu của dầm chống nghiêng, với dầm gỗ lim, sức tải của bộ dầm là 54 tấn”.
Là người chịu trách nhiệm thám sát mới nhất tại chùa Dạm, TS Phụng lại đi tìm giải thích về cột đá trong quan hệ của người xây chùa Dạm (vua Lý Nhân Tông) và cha ông (vua Lý Thánh Tông). Vua cha đã xây chùa Một Cột sau giấc mơ hoa sen. Kết hợp với nghiên cứu chùa Một Cột, ông Phụng cho rằng, 6 lỗ mộng của cột đá phải để nâng đỡ kiến trúc gỗ bên trên tương tự chùa Một Cột: “Nghĩa là cột như di ảnh của người cha do người con làm”.
Khẳng định này của ông có vẻ có cơ sở khi gần đó có một dấu tích giếng – một phần giấc mơ hoa sen của vua Lý Thánh Tông. Ông cũng cho rằng trên cột đá chùa Dạm người ta thờ Phật Quan âm – gắn liền với hình ảnh hoa sen.
Đại danh lam từ thời Lý
Chùa Dạm, hay chùa Rạm, dựa vào núi Dạm, nhìn về phía sông Đuống, là đại danh lam từ thời Lý và là một di tích quan trọng của tỉnh Bắc Ninh ngày nay, với lịch sử gần 1.000 năm. Theo nhân dân địa phương, vào những năm 1946-1947, quân đội thực dân Pháp về đây đóng bốt, nhân dân địa phương đã đốt chùa để tiêu thổ kháng chiến. Khi phá chùa, tượng mẫu nguyên phi Ỷ Lan và tượng vua Lý Nhân Tông được gửi vào chùa Hàm Long gần đó nên mới giữ được đến ngày nay.
Tuy nhiên, từ đó đến năm 2008, chùa chưa một lần được trùng tu theo đúng hình hài xưa. Hiện tại, 100 gian xưa giờ được thay bằng ba gian điện nhỏ thờ thần Phật (ở nền cấp thứ ba) và ba gian đền (ở nền cấp thứ tư) thờ hai cổ vật còn sót lại là tượng nguyên phi Ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông. Cả chùa và đền mới đều được xây dựng từ năm 1996, do nhân dân địa phương đóng góp. (Theo Wikipedia)