Một trong những nguyên nhân chính khiến Phật giáo suy thoái, theo các nhà cải cách, chính là sự xuống cấp của Tăng già, thể hiện cụ thể chủ yếu trên 2 phương diện là sự dốt và hư của tăng đồ, và sự chia rẽ các tông phái. Nhiều bài viết trên báo chí đã phản ánh rõ nét thực trạng phổ biến này trong tăng giới đương thời(1).
Trong bối cảnh như vậy, để chấn hưng Phật giáo, một trong những công việc cần kíp là tăng sĩ phải được đào tạo bài bản, đặc biệt phải được tu học theo lối mới.
Nhận thức được sự quan trọng và cấp thiết này, Hội Phật giáo Bắc Kỳ coi công tác giáo dục tăng ni là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Ban Giáo sư là một trong mười ban “chức việc” được lập ngay khi Hội Phật giáo Bắc Kỳ ra đời năm 1934(2). Công tác giáo dục tăng ni luôn là một trong những nội dung chính của các cuộc họp đầu tiên của Hội(3). Ngay sau buổi Lễ Suy tôn Thiền gia Pháp chủ (1936), Hội Phật giáo Bắc Kỳ đã trù liệu ngay việc mở trường Tăng học và thỉnh Đại Tạng Kinh. Bởi vì, “Phật giáo có trỗi dậy được nữa hay không hoàn toàn trông cậy ở các tăng đồ chân tu thực chứng, gánh nổi cái trách nhiệm hoằng pháp lợi sinh”(4).
Hội trưởng Nguyễn Năng Quốc trong bài diễn thuyết đọc tại buổi lễ khai giảng Trường Phật học Bằng Sở thừa nhận: “Thoạt khi bắt đầu tổ chức nên Hội Bắc Kỳ Phật giáo chấn hưng này, cái công cuộc chấn hưng thứ nhất là tôi đã để ý muốn săn sóc ngay đến việc học ở chốn Thiền môn. Sự săn sóc đến việc học đó, tức là trau dồi về đường tinh thần của nền Phật giáo, nghĩa là muốn chấn hưng Phật giáo nước nhà, thì tất phải chú trọng về mặt tinh thần, cũng như là về đường vật chất”(5).
Trước khi các trường Phật học các cấp do Hội Phật giáo Bắc Kỳ lập ra tăng ni tu học theo cách truyền thống. Về đại thể, có thể chia cách tu học truyền thống làm 2 dạng chủ yếu sau:
Dạng thứ nhất, việc tu học của tăng ni được tiến hành ở mỗi ngôi chùa. Các tăng ni ở chùa nào thường làm đệ tử cho một vị hoà thượng, thượng toạ hay chí ít cũng là sư thầy trụ trì ở chùa đó. Các vị hoà thượng, thượng toạ hay sư thầy trụ trì có trách nhiệm hướng dẫn chỉ đạo các đệ tử không những về mặt lĩnh hội tinh thần của giáo lí mà cả về mặt giáo luật và tổ chức các nghi lễ Phật giáo. Nhiều tăng ni không thoả mãn với sự chỉ bảo của sư thầy chùa mình nên đã cất công tìm đến những vị cao tăng uyên thâm Phật pháp mong được nghe những lời chỉ giáo những tinh tuý và cao thâm của đạo Phật. Chính các vị cao tăng này tập hợp xung quanh mình một loạt đệ tử có trình độ cao và chỉ bảo các đệ tử hiểu giáo lí và giới luật theo cách riêng của mình, rồi các đệ tử đó trưởng thành toả đi các nơi hoằng dương Phật pháp. Mỗi vị cao tăng như vậy với ngôi chùa của mình được gọi là một Tổ đình. Các tổ đình giống như cái lò để các tăng ni tu học và rèn luyện(6).
Cách tu học này, trong những thời điểm lịch sử cụ thể, với một số bậc cao tăng cụ thể, đã đạt được những thành tựu rất đáng kể. Sách Thiền Uyển Tập Anh cho biết trong thời Lý, khi Thiền sư Thiền Lão trụ trì ở chùa Trùng Minh trên núi Thiên Phúc (huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh) “học trò đến theo học đông có tới hơn nghìn người, chùa trở thành một chốn tùng lâm sầm uất”. Hay chùa Quang Minh (tỉnh Bắc Ninh) của Thiền sư Đạo Huệ, học trò cũng đông hơn nghìn người…(7). Trong thời Trần, một trong những danh tăng được sử sách nhắc nhiều là Thiền sư Pháp Loa, Đệ nhị Tổ Thiền phái Trúc Lâm. Ông đã nhiều lần độ tăng ni, mỗi lần không dưới một nghìn người. Cho đến năm Khai Hựu thứ nhất (năm 1329), Pháp Loa đã độ được một vạn năm nghìn tăng ni…(8).
Dạng thứ hai, tu học trong các kì an cư kiết hạ. An cư thường diễn ra vào 3 tháng mùa hè nên gọi là kiết hạ(9), nhưng cũng có nơi an cư diễn ra vào mùa đông nên gọi là kiết đông. Có chùa (Trường Hương), một năm an cư 2 lần (kiết hạ và kiết đông), có chùa một năm an cư 1 lần (hoặc kiết hạ hoặc kiết đông)(10).
Với Phật giáo, an cư là thời gian các tì kheo sống chung (ít thì năm bảy người, nhiều thì vài trăm người) để thảo luận Phật pháp, thực hành thiền định, nâng cao việc tu học. Nhìn chung, trong thời gian an cư, các tì kheo không được tự ý ra khỏi cương giới nếu không có lí do đặc biệt. Khi có những lí do đặc biệt, chủ yếu trong ba trường hợp quan trọng liên quan đến cha, mẹ và vị thầy bổn sư của mình, sau khi thưa trình trước tăng chúng, tì kheo được phép vắng mặt ở hai trường hợp về mặt thời gian: dưới 7 ngày và từ 7 ngày đến 40 ngày. Nếu tì kheo vắng mặt trên 40 ngày xem như là bị phá hạ, không được kể là đã an cư một mùa. Nội quy dành cho các tì kheo trong các trường hạ là rất nghiêm khắc, cụ thể: có 10 điều phải sám hối, 34 điều trách phạt, 32 việc bất tường nên tránh, 22 điều tẩn quy. Trong đó, những điều phải sám hối là nhẹ nhất, mắc phải những điều bất tường sẽ bị cảnh cáo, còn nặng nhất là tội tẩn quy. Nếu vị tì kheo nào phạm một trong các điều tẩn quy thì bị đánh phạt trước đại chúng, thu y bát, rồi đuổi ra khỏi trú xứ an cư(11).
Nội dung tu học trong các trường hạ chủ yếu là sự kết hợp giữa tụng niệm, tọa thiền và học các bộ kinh. Những kinh luật thường được dạy ở các trường hạ chủ yếu là bộ Sa Di Luận Giải, Pháp Bảo Đàn Kinh, Pháp Hoa Kinh. Bên cạnh nội điển, trong một số thời kì và một số nơi, tì kheo có thể còn được học những kiến thức ngoại điển, có lẽ chủ yếu là kinh sách của Nho giáo và Đạo giáo.
Chính vì ý nghĩa đặc biệt của mùa an cư, nên trong thời gian kiết hạ hoặc kiết đông, các tì kheo phải gác lại một số việc để tập trung thời giờ tu học. Số mùa an cư được tính là số tuổi đạo của cuộc đời một tì kheo.
Nhìn vào đối tượng tu học, nội dung và phương pháp giảng dạy trong các trường hạ ở nước ta, chúng ta có thể nói rằng, đó là sự tu học mang tính truyền thống của Phật giáo Việt Nam. Đó là sự hòa trộn của các tông phái: Thiền – Tịnh – Mật, sự kết hợp giữa Hiển Tông và Mật Tông, giữa Thiền Tông và Giáo Tông, giữa nội điển và ngoại điển, v.v…
Có thể thấy, các hình thức tu học truyền thống của Phật giáo Việt Nam đạt được những kết quả rất đáng kể khi được tổ chức nghiêm túc và nhất là khi có được những vị cao tăng thạc đức, Phật học uyên thâm. Tuy nhiên, các hình thức tu học theo kiểu truyền thống này đã lộ rõ một số hạn chế khi xã hội Việt Nam có những biến động lớn thời cận đại, nhất là sau khi thực dân Pháp chính thức đặt ách thống trị trên toàn bộ lãnh thổ nước ta. Một trong những hạn chế của hình thức tu học truyền thống là thầy dạy trò chủ yếu những kiến thức Phật học, thiếu hẳn những kiến thức thế học, thậm chí ngay cả những kiến thức Phật học cũng chưa chắc đã đầy đủ. Lại thêm, dưới thời Pháp thuộc, đối mặt với sự rối ren của xã hội, sự xuống cấp của Tăng già, chính sách với Phật giáo của chế độ thực dân nhìn chung có phần kì thị, nên không ít vị cao tăng thanh tịnh hoặc mũ ni che tai, hoặc tìm đến chốn thâm sơn ẩn dật tu hành. Tệ lậu trong Phật giáo theo đó càng có điều kiện phát triển. Công việc đào tạo tăng tài trong giai đoạn này yếu và có nhiều điểm cần phải thay đổi cho phù hợp với sự biến đổi của xã hội và thời đại.
Ngay sau khi Hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập, công tác giáo dục tăng ni đã được coi trọng và công việc này đã đạt được một số thành tựu sau đây.
Bên cạnh các kì an cư kiết hạ thường niên, Hội Phật giáo Bắc Kỳ đã mở được các trường Phật học theo lối mới ở 3 cấp học. Từ giữa năm 1935 đến năm 1936, Hội đã mở được 2 lớp/trường Tiểu học và Trung học, một đặt tại chùa Quán Sứ, một đặt tại chùa Bồ Đề (Gia Lâm – Hà Nội), với số lượng tăng sinh được hơn 30 vị. Giảng sư của các lớp học ban đầu này chỉ có Hòa thượng trụ trì chùa Phù Lãng Trung (Bắc Ninh) dạy về Phật pháp và cư sĩ Tú Tiến (Đông Châu) dạy phần Quốc văn(12).
Cuối năm 1936, trường Phật học cấp đại học chính thức khai giảng tại chùa Bằng Sở, tỉnh Hà Đông. Số lượng học tăng có trên 60 người. Trường do chính Hòa thượng Trung Thứ, trụ trì chùa Bằng Sở, làm giám đốc và giáo thụ. Giảng sư cho Phật học đường Bằng Sở là Hòa thượng Thích Thanh Thuyên (Tuệ Tạng) và một vị cư sĩ dạy phần Quốc văn.
Ngoài ra, Hội còn mở và duy trì được 2 lớp tiểu học tại chùa Cao Phong, tỉnh Phúc Yên và chùa Côn Sơn, tỉnh Hải Dương.
Chương trình Phật học được áp dụng tại các trường Phật học do Hội Phật giáo Bắc Kỳ chủ trì như sau:
Cấp Tiểu học (4 năm):
Năm thứ nhất: Luật Sa Di, Phật Tổ Tam Kinh, Phật Học Khoá Bản Tam Tự Kinh, Quốc Ngữ, Toán.
Năm thứ hai: Địa Tạng, Thuỷ Sám, Báo Ân, Thích Giáo Tam Tự Kinh, Hộ Pháp Lục, Quốc Ngữ, Toán.
Năm thứ ba: Hiền Ngu, Mục Liên, Di Đà Sớ Sao, Cảnh Sách Lục, Tịnh Độ Hoặc Vấn Lục, Trúc Song Lục, Quốc Ngữ, Toán.
Năm thứ tư: Di Đà Đại Bản, Lương Hoàng Sám, Trường A Hàm, Bảo Huấn Lục, Quốc Ngữ, Toán.
Cấp Trung học (3 năm):
Năm thứ nhất: Pháp Hoa, Tâm Kinh Chú Giải, Trung A Hàm, Luật Tứ Phận, Lục Truy Môn, Luận Khoá Hư, Luận Hiển Thức, Quốc Ngữ, Toán.
Năm thứ hai: Lăng Nghiêm Bạch Văn, Lăng Già Ký, Pháp Hoa Tri Âm, Thập Lục Quán Kinh, Luật Chỉ Nam, Lục Quy Nguyên, Luận Trang Nghiêm, Quốc Ngữ, Toán, Luận Ngữ.
Năm thứ ba: Duy Ma Cật, Thủ Lăng Nghiêm, Luật Trùng Trị, Lục Trung Phong, Lục Lục Đạo, Lục Phụ Giáo Biên, Quốc Ngữ, Toán, Việt Sử Trung Học, Đại Học, Trung Dung.
Cấp Đại học (3 năm):
Năm thứ nhất: Bát Nhã Phóng Quang, Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Di Đà Viên Thông, Luật Huyền Ty, Lục Pháp Uyển Châu Lâm, Thiền Uyển Tập Anh, Trúc Lâm Tam Tổ, Quốc Ngữ Diễn Văn, Đông Tây Triết Học, Kinh Thư, Kinh Lễ.
Năm thứ hai: Niết Bàn Chính Văn, Pháp Hoa Ôn Lăng, Phạm Võng Lược Sớ Luật, Đại Thừa Khởi Tín, Đại Trí Độ Luận, Vạn Thiện Đông Quy, Nhân Quả, Quốc Ngữ, Đông Tây Triết Học, Kinh Dịch, Kinh Lễ.
Năm thứ ba: Viên Giác Kinh, Bảo Tích Kinh, Phạm Võng Lược Trú Luật, Phạm Võng Nghĩa Sớ, Tông Kính Lục, Vạn Thiện Quy Tâm, Đại Thừa Trang Nghiêm Luận, Quốc Ngữ, Đông Tây Triết Học, Bắc Sử Quan Hành(13).
Sau khi tốt nghiệp đại học, học tăng có thể tiếp tục nghiên cứu nâng cao ở chương trình Bác học Cao Đẳng, kéo dài trong 5 năm, với các tác phẩm kinh điển như: Hoa Nghiêm Sớ, Niết Bàn Sớ, Lăng Nghiêm Tông Thông, Phật Tổ Thống Kỷ, Duy Thức Thuật Ký, Nhân Minh Đại Sớ, Đại Bát Nhã Kinh, Tam Luận Sớ, Đại Thừa Nhất Thiết Luận, Đại Thừa Chỉ Quán Thiên Thai, Chỉ Nguyệt Lục, Duy Tôn Luận Sớ, Thành Duy Thức Luận, Đại Thừa Trang Nghiêm Mật Kinh, Tu Tập Chỉ Quán Toạ Thiền Pháp Yếu, Kim Cương Lược Sớ và Duy Thức Luận(14).
Để học tăng có được kiến thức toàn diện, bên cạnh những môn Phật học, chương trình đào tạo chú trọng đến ngoại điển và các môn thế học. Nếu như ở cấp tiểu học, thế học chỉ bao gồm Quốc ngữ và Toán, thì sang đến cấp trung học và nhất là đại học, chương trình chú trọng tới các môn như Triết học Đông Tây, Việt Sử, Quốc Văn, Cách Dư, Địa Chí, các thư tịch và kinh điển của Nho giáo.
Đây có lẽ là chương trình đào tạo cơ bản áp dụng chung ở các cấp học. Tuy nhiên, ở từng thời điểm và ở từng trường lớp cụ thể, chương trình có thể có những thay đổi nhất định. Danh sách các môn học trong kì sát hạch của học tăng năm thứ hai Trường Phật học Bồ Đề năm 1939 là một ví dụ.
Chương trình sát hạch này cho thấy các học tăng phải học và thi những môn sau đây: Hán văn (1 bài viết và 1 bài thi vấn đáp), Việt văn (1 bài viết và 1 bài thi vấn đáp), Quốc văn giáo khoa, Phật học giáo khoa, Thuỷ sám, Trung Quốc Phật học sử, Việt sử, Cách trí, Địa dư, Tứ Thập Nhị Chương, Di Giáo Kinh, Giảng kinh diễn thuyết, Lễ nghi Phật giáo, … (15).
Mọi sự chi dùng cho các trường Phật học của Hội Phật giáo Bắc Kỳ chủ yếu thu từ các nguồn sau:
Thứ nhất, tiền đóng góp của các vị bảo trợ. Hội thành lập ra hai ban bảo trợ là Ban Tăng già Bảo trợ và Ban Thiền học Bảo trợ. Mỗi thành viên của Ban Tăng già Bảo trợ đóng 2 hào/tháng, còn thành viên của Ban Thiền học Bảo trợ đóng 3 đồng/tháng. Điều lệ Ban Thiền học Bảo trợ quy định: Mỗi Ban Trị sự (tỉnh, thành, huyện, thị-LTĐ) giúp cho 1 học tăng học thành tài trong thời gian là 11 năm. Về quyền lợi, nếu vị nào giúp đủ liền trong 12 năm, tức 36 đồng, hoặc cúng một lúc từ 50 đồng cho đến 300 đồng, khi ốm đau, có giấy báo, chư tăng trong trường sẽ làm lễ cầu nguyện bình an, hoặc đến nhà tụng kinh; khi quá cố được chư tăng trong trường tụng báo ân bộ Kinh Hoa Nghiêm (gồm 83 quyển), cử hành một tuần đại lễ cầu nguyện vãng sinh, tuần tứ cửu có sớ truy tiến, có bài điếu văn(16).
Thứ hai, tiền thu từ việc công đức của tăng ni và cư sĩ các địa phương. Nếu nhà sư nào trong đối tượng này cúng cho trường Phật học ở mức từ 200 đến 500 đồng, khi quá cố, trường sẽ cử một người đến phúng viếng, tới tuần tứ cửu được cả tòa đốc học cùng chư tăng trong trường đến chùa tụng một bộ Kinh Địa Tạng; ở mức từ 600 đến 1000 đồng, khi mất, được chư tăng trong trường cùng chư tăng của 5 chi hội đến tụng Kinh Hiền Ngu hoặc Kinh Báo Ân; ở mức từ 1.500 trở lên được chư tăng trong trường cùng chư tăng của 10 chi hội đến tụng Kinh Pháp Hoa(17).
Thứ ba, tiền thu từ việc dịch in và bán kinh sách Phật giáo (từ Hán văn ra Quốc văn).
Thứ tư, thu nhập từ ruộng của Hội. Năm 1938, Hội đã mua được tổng cộng hơn 59 mẫu ruộng ở Thái Bình(18).
Mọi nguồn thu được đưa về Ban Quản trị Phật học – với vai trò chủ yếu của Ban Thiền học Bảo trợ. Tài chính chi tiêu trong các trường Phật học do Ban Thiền học Bảo trợ đảm nhiệm. Lãnh đạo ban này bao gồm: Hòa thượng Trung Hậu, Thượng tọa Tố Liên, cư sĩ Nguyễn Hữu Kha và Thượng tọa Thích Trí Hải.
Học tăng trong các trường Phật học của Hội Phật giáo Bắc Kỳ, một số vị tự túc kinh phí (được gọi là tư lương hoặc tư cấp), những vị công cử được hưởng lương bảo trợ. Ví dụ, trong 29 học tăng trường Bằng Sở niên khóa 1937, có 22 vị tư lương, 7 vị được hưởng lương bảo trợ của Ban Thiền học – mỗi tháng 3 đồng; hoặc trong 38 học tăng trường Quán Sứ có 10 vị tư cấp, 15 vị được hưởng lương bảo trợ của Ban Tăng già, chỉ có 10 vị được hưởng lương bảo trợ của Ban Thiền học – mỗi tháng 2,5 đồng(19).
Đối tượng được Hội Phật giáo Bắc Kỳ chú trọng đào tạo là đội ngũ tăng ni trẻ.
Tuy nhiên, những khóa học, lớp học đầu tiên của các trường Phật học ở Bắc Kỳ chỉ dành cho tăng giới (học tăng). Chính vì vậy, giữa năm 1937, ni sư Tâm Nguyện đã rất bức xúc trước tình hình các trường Phật học do Hội đã mở trong thời gian qua chỉ dành cho tăng giới và cho rằng, điều này là một sự thiên vị và “khinh thường ni giới chúng tôi”. Từ đó, một mặt, ni sư mong Hội mau chóng lập trường Phật học dành cho ni giới “để chị em nữ ni niên thiếu có nơi học hành, có thầy dậy bảo, mong một ngày kia cũng xin đương vai gánh vác Phật pháp tuyên dương giáo hóa cho nhân dân, cho khỏi phụ trí hướng xuất gia đầu Phật”. Mặt khác, để thể hiện sự nhiệt huyết của mình, ni sư Tâm Nguyện còn đề nghị phía ni giới phải chủ động “hợp sức cùng nhau mở trường Phật học để chị em ta có nơi ăn học, chứ không nên bắc nước chờ gạo người”. Việc này, theo ni sư Tâm Nguyện, là có tính khả thi cao, bởi vì: “Nếu bây giờ các vị thượng tọa bên ni hiệp sức cùng nhau, nhờ bên tăng giúp đỡ phương pháp (LTĐ nhấn mạnh), thì trường học của chúng ta dựng thành dễ như trở bàn tay”(20).
Sau nhiều năm chuẩn bị, mãi đến ngày 26/9/1949, trường Phật học dành cho ni giới (học ni) mới khai giảng khóa đầu tiên tại chùa Vân Hồ(21).
Bên cạnh việc đào tạo ở trong nước, với mục đích “khảo cứu Phật giáo nước ngoài để bồi bổ cho Phật giáo nước nhà”, ngày 16/4/1937, Hội Phật giáo Bắc Kỳ đã cử Thượng toạ Thích Trí Hải cùng với Thượng tọa Thích Mật Thể ở Hội An Nam Phật học, sang tu học ở Trung Quốc. Tại Tĩnh An, họ đã được gặp Hoà thượng Thái Hư – vị thủ lĩnh của phong trào chấn hưng Phật giáo của Trung Quốc. Chính Hoà thượng Thái Hư là người giới thiệu hai vị sư trẻ Việt Nam đến tu học tại Trường Trung học Phật giáo ở chùa Định Tuệ, núi Tiêu Sơn, huyện Trấn Giang, tỉnh Giang Tô. Tại đây, hai vị được học Phật pháp, Quốc văn (Trung văn – LTĐ) và nghề thuốc. Học tập được khoảng trên 3 tháng thì chiến tranh Trung – Nhật xảy ra. Vì lí do này nên Thích Trí Hải và Thích Mật Thể quyết định về nước. Trên đường về, họ đã ghé thăm Thế giới Phật học uyển (ở Vũ Hán) và Tạp chí Hải Triều Âm (ở Vũ Xương) – là cơ quan và tờ báo đều do Thái Hư lập ra. Thời gian toàn bộ cho cả chuyến đi là 1 năm(22). Ngày 28/12/1938, theo lời mời của Trường Phật học Cao Miên, Hội Phật giáo Bắc Kỳ đã cử Thượng toạ Đỗ Trân Bảo và Thượng toạ Thanh Giản đi tu học ở Campuchia(23).
Cùng với việc đào tạo cơ bản ở 3 cấp học, trong cuộc họp bất thường Đại hội đồng ngày 16/10/1937, khi đề cập đến công tác đào tạo tăng tài, Hội Phật giáo Bắc Kỳ đề nghị mở thêm lớp học gọi là tốc thành sư phạm. Học sinh của lớp học này sẽ được lựa chọn từ chi hội Phật giáo các tỉnh. Mỗi tỉnh hoặc mỗi chi hội lớn được phép lựa chọn từ 2 đến 3 vị tăng có học thức và hạnh kiểm tốt tham gia lớp học.
Theo Hội Phật giáo Bắc Kỳ, lớp tốc thành sư phạm lập ra sẽ nhằm ba mục đích. Thứ nhất, cung cấp những cao tăng đến dạy học và truyền giáo ở những chi hội Phật giáo địa phương ở Bắc Kỳ đã, đang và sẽ được thành lập với tốc độ ngày một nhanh, nhất là ở những tỉnh miền thượng du. Thứ hai, Trung ương Hội mong muốn có những vị cao tăng không những am hiểu sâu sắc giáo lí Phật giáo để phục vụ công việc truyền bá Phật pháp mà còn phải thông thạo cả luật pháp hiện hành của quốc gia để biết cách bảo vệ tín đồ. Thứ ba, về lâu dài, nếu có thể, mỗi chùa có một trường học. Các vị tăng sĩ trụ trì sẽ kiêm luôn chức đốc giáo để dạy bảo các em nhỏ trong làng.
Để có thể đào tạo ra được những vị cao tăng, thời gian của mỗi lớp tốc thành sư phạm dự kiến là 3 năm, hoặc 6 năm, thậm chí là 9 năm.
Lớp tốc thành sư phạm là một ý tưởng hay và táo bạo. Chính vì vậy, Trung ương Hội Phật giáo Bắc Kỳ thậm chí đã bầu ra ban tổ chức lớp để định cách chọn tăng sinh và đặt chương trình giáo dục cho lớp học. Tuy nhiên, cho đến cuối năm 1938, do tăng sinh nhập học quá ít, lại thêm công việc làm chùa Hội quán Trung ương (chùa Quán Sứ) rất bận rộn (có lẽ còn do kinh phí hạn hẹp) nên Hội phải hoãn lớp tốc thành sư phạm(24).
Có ý kiến đề xuất, ngoài đào tạo cơ bản, chương trình giáo dục tăng ni của Hội Phật giáo Bắc Kỳ còn phải nhắm tới sự chuyên sâu. Sự chuyên sâu này không những phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp chấn hưng Phật giáo mà còn phục vụ cho nhân quần xã hội. Các học tăng được lựa chọn chuyên học Kinh để thuyết pháp, chuyên học Luật để giáo hoá luật cho Tăng già, chuyên học Luận để “nghiên chân hạch ngụy hiển chính tồi tà”, chuyên về việc đi giảng đạo, chuyên về việc khảo cứu kinh điển, chuyên về lịch sử Phật giáo, chuyên về học thuốc chữa bệnh, chuyên về nghề kiến trúc, về canh nông, về các công nghệ. Bên học ni cũng phải học chuyên về các nghề nữ công như dệt, thêu, may, nhuộm, làm bánh, làm cỗ, phải học cả cách trông nom việc nhà thương(25).
Mấy nhận xét
1. Việc Hội Phật giáo Bắc Kỳ mở các trường Phật học ở 3 cấp đào tạo theo lối mới là một bước ngoặt trong công tác giáo dục tăng ni của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Bắc Kỳ nói riêng. Một số ý tưởng và kế hoạch đã đặt ra mới chỉ thực hiện được phần nào hay vẫn còn ở tình trạng dự phóng, như kết hợp giữa nội điển và ngoại điển, giữa Phật học và thế học, đào tạo nâng cao, đào tạo chuyên sâu, chú ý đào tạo lớp tăng ni trẻ, tăng ni phải học các nghề nghiệp xã hội thế tục, gửi học tăng học tập ở các nước đồng đạo. Đây là những bài học vẫn còn nguyên giá trị đối với công tác giáo dục tăng ni của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay.
2. Mặc dù vậy, dễ nhận thấy, kết quả đào tạo của Hội Phật giáo Bắc Kỳ đạt được còn khiêm tốn. Về mặt số lượng, theo thống kê bước đầu của chúng tôi, từ năm 1935 đến năm 1945, tổng số các học tăng nội trú của các lớp đã mở khoảng gần 100 vị. Con số này chưa được kiểm chứng bởi các tài liệu dẫn ra có phần khác nhau và không tập trung vào một nguồn cố định nào. Có thể, số thực học còn cao hơn vì còn một số học tăng và học ni chỉ học dự thính tại các trường Phật học. Dẫu vậy, có thể nói, số tăng sĩ được đào tạo của Hội Phật giáo Bắc kỳ và các chi hội cơ sở còn ít hơn rất nhiều số lượng tăng sĩ thất học, hoặc học dở dang trong phạm vi Bắc Kỳ khi đó.
3. Về mặt chất lượng, rõ ràng các trường Phật học của Hội Phật giáo Bắc Kỳ chưa đào tạo được một đội ngũ nhà sư trẻ tài năng, đi đầu trong hai lĩnh vực Phật học và thế học, đủ sức kế thừa, phát triển sự nghiệp hoằng dương Phật pháp và lôi cuốn quần chúng.
Để thử lí giải về vấn đề này, theo chúng tôi, có 3 nguyên nhân chính sau đây:
Nguyên nhân thứ nhất, nằm ngay trong sự suy thoái của Phật giáo Bắc Kỳ kéo dài từ khi đất Bắc không còn là trung tâm hội tụ của nhân tài trong suốt thời nhà Nguyễn, đặc biệt là từ nửa cuối thế kỉ XIX về sau. Có thể nói, đà suy thoái này đã khiến cho Phật giáo ở Miền Bắc đi theo truyền thống của từng sơn môn trong phạm vi từng địa phương và từng chùa mà thiếu đi một sự liên kết đào tạo rộng rãi giống như Miền Trung và Miền Nam. Dù kết quả vẫn có những bậc cao tăng thạc đức nhưng quy mô ảnh hưởng của các vị không rộng rãi, nếu như không nói là tự bó mình vào bên trong.
Nguyên nhân thứ hai, theo chúng tôi là do xã hội đương thời quy định. Do chính sách cai trị của thực dân Pháp, ở nước ta đã hình thành một tầng lớp trí thức Tây học, thạo tiếng Tây, đọc sách Tây và tiếp thu được phương pháp phân tích, phê phán một cách khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu xã hội, nên họ có khả năng nhìn nhận và nghiên cứu lịch sử dân tộc một cách khách quan. Trong lịch sử đó, họ nhận thấy di sản Tam giáo (Phật, Nho, Đạo) là một truyền thống lâu đời và đã trở thành bản sắc của dân tộc. Do vậy, họ đã dành một sự chú ý thích đáng đến Tam giáo, đặc biệt là Phật giáo, thực sự coi Phật giáo là một di sản cần có sự nghiên cứu sâu sắc hơn để hiểu rõ tình cảm và truyền thống dân tộc, qua đó bày tỏ tinh thần yêu nước của mình. Nhưng, họ lại không phải là những người tu tập Phật giáo, những gì họ đề cập đều dừng ở mức độ nghiên cứu và bước đầu thâm nhập vào giáo lí và kinh tạng. Cho nên, họ không thể đóng vai trò người hướng dẫn và đào tạo Phật học thực sự giống như các trí thức cư sĩ ở Trung Kỳ và Nam Kỳ.
Mặt khác, trong giai đoạn này, sự thâm nhập của tư tưởng phương Tây, mà kết quả là sự du nhập của chủ nghĩa Mác vào Việt Nam và sự ra đời và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo ra một phong trào chống thực dân và chính quyền phong kiến cuốn hút nhiều thanh niên trí thức tham gia, khiến cho sự quan tâm của tầng lớp này đối với Phật giáo suy giảm đi. Do đó, khả năng tạo nguồn của Phật giáo cũng suy giảm theo. Vì vậy, số tăng ni được đào tạo chỉ chiếm thiểu số trong số thanh niên trí thức.
Nguyên nhân thứ ba, là hệ quả của hai nguyên nhân trên. Trong công tác giáo dục tăng ni ở Hội Phật giáo Bắc Kỳ, vai trò của các cư sĩ đã thể hiện rõ, nhưng chỉ tập trung vào hai khía cạnh là bảo trợ và tổ chức, chưa phải là những giảng sư có uy tín trong lĩnh vực giảng giải giáo lí và tu tập như các cư sĩ ở Huế mà điển hình là Tâm Minh Lê Đình Thám và một số nhân vật khác./.
Ghi chú
1. Xin xem: Thanh Quang. Hiện trạng Phật giáo ở xứ ta. Đuốc Tuệ, số 178, năm 1942; Khánh Vân. Phật giáo ở nước ta vì đâu chịu cái hiện trạng suy đồi. Duy Tâm, số 18; Dương Bá Trạc. Vấn đề chỉnh đốn Tăng già. Đuốc Tuệ, số 101, năm 1939; Thiều Chửu. Con đường học Phật ở thế kỷ XX. Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2002; v.v…
2. Xem: Biên bản số VII, cuộc họp Hội đồng Ban Quản trị và Ban Đạo sư Trung ương Hội Phật giáo Bắc Kỳ, tại chùa Quán Sứ ngày 14 tháng 12 năm 1934. Trong: Công việc của Hội từ tháng 10 năm 1934 đến tháng 4 năm 1935. Kỷ yếu Hội Phật giáo. Tháng 5/1935, tr. 48.
3. Xem: Biên bản số XII, cuộc họp Hội đồng Trung ương Hội Phật giáo Bắc Kỳ tại chùa Quán Sứ ngày 17 tháng 2 năm 1935. Trong: Công việc của Hội từ tháng 10 năm 1934 đến tháng 4 năm 1935. Kỷ yếu Hội Phật giáo. Tháng 5/1935, tr. 51; Biên bản số XXII, họp Đại hội đồng thường niên Trung ương Hội Phật giáo Bắc Kỳ, ngày 10 tháng 5 năm 1935 tại chùa Quán Sứ. Trong: Công việc của Hội trong tháng 6 năm 1935. Kỷ yếu Hội Phật giáo. Tháng 6-7/1935, tr. 95.
4. Thiều Chửu. Con đường học Phật ở thế kỷ XX. Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2002, tr. 41.
5. Đuốc Tuệ, số 62, năm 1937, tr.20.
6. Nguyễn Đức Sự. Đạo Phật Hà Nội ngày nay. Trong: Đặng Nghiêm Vạn (chủ nhiệm). Vai trò của tôn giáo trong xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Thủ đô. Đề tài khoa học mã số 01X-12/07-2000-1. Hà Nội 2000.
7. Dẫn lại theo: Hà Văn Tấn. Chùa Việt Nam. Nxb KHXH. Hà Nội 1993, tr.40.
8. Hà Văn Tấn. Sđd, tr.42.
9. Trong lịch sử Phật giáo nước ta, kiết hạ thường diễn ra từ ngày mùng 8 tháng Tư đến ngày mùng 8 tháng Bảy âm lịch hằng năm. Đến gần cuối thế kỉ XX, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chuyển ngày lễ Đản sinh Đức Phật Thích Ca từ mùng 8 tháng Tư sang ngày 15 tháng Tư, do vậy, kiết hạ thường diễn ra từ ngày 15 tháng Tư đến ngày 15 tháng Bảy.
10. Xem: Hòa thượng Thích Minh Cảnh. Đạo Phật ngày nay. Trong Webside: Buddhismtoday.
11. Xem thêm trong: Thích Chơn Thiện. Tăng già thời Đức Phật. Nxb Tôn giáo. Hà Nội 2000; và Hòa thượng Thích Minh Cảnh. Đạo Phật ngày nay. Trong Webside: Buddhismtoday.
12. Hòa thượng Thích Trí Hải. Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam. Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2004, tr.38.
13. Báo Đuốc Tuệ, Số 50, ngày 24/11/1936, tr. 6-8.
14. Báo Đuốc Tuệ, Số 50, ngày 24/11/1936, tr. 8-9.
15. Đuốc Tuệ, số 103, năm 1939, trang 41-43.
16. Đuốc Tuệ, số 53, ngày 15/1/1937, tr. 39-42.
17. Đuốc Tuệ, số 53, ngày 15/1/1937, tr. 42. Cổ vũ cho công việc này, báo Đuốc Tuệ thường xuyên đăng danh tính các nhà sư và cư sĩ cúng tiền cho trường Phật học. Xem: Đuốc Tuệ số 53, tr.44.
18. Xem: Biên bản Hội đồng của Ban Trị sự Phật học Trung ương. Đuốc Tuệ, số 74, 1/12/1937, tr.18-19; và Hòa thượng Thích Trí Hải. Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam. Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2004, tr.50.
19. Biên bản Hội đồng của Ban Trị sự Phật học Trung ương. Đuốc Tuệ, số 74, 1/12/1937, tr.17-18.
20. Lời than phiền của ni cô Tâm Nguyện. Đuốc Tuệ, số 60, ngày 1/5/1937, tr.4-5.
21. Phương Tiện, số 4, năm 1949, tr. 28-32.
22. Xem: Hoà thượng Thích Trí Hải. Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam. Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2004, tr. 39-46; Cuộc tiễn hành tăng học sinh sang du học Trung Quốc. Đuốc Tuệ, số 61, ngày 15/5/1937, tr. 19-23.
23. Đuốc Tuệ, số 103, ngày 15/2/1939, tr.11-17.
24. Xem: Biên bản kỳ hội đồng bất thường chư Tăng. Đuốc Tuệ, số 72, ngày 1/11/1937, tr. 43-44; Công đức Thuyền học của Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Đuốc Tuệ, số 90, ngày 1/8/1938, tr. 9-10.
25. Đại Hải. Chấn chỉnh Tăng già. Đuốc Tuệ, số 171, năm 1942, tr. 9-10.