Công nghệ truyền hình là phương tiện hiệu quả chuyển tải các buổi thuyết pháp đến với Tăng Ni Phật tử
Thuyết pháp là một trong những hoạt động cơ bản, chủ yếu của hoạt động hoằng pháp. Trên các kênh truyền hình Phật giáo Đài Loan, Thái Lan… các chương trình truyền hình thuyết pháp chiếm một tỷ lệ thời lượng rất cao và được quan tâm đầu tư đặc biệt. Trên các kênh truyền hình tôn giáo nói chung, nhất là các kênh Tin Lành, Hồi giáo và Ấn Độ giáo, thuyết giảng cũng là nội dung chính (chương trình của kênh truyền hình Tin Lành Miracle Net hầu hết đều là giảng đạo bằng nhiều hình thức và lặp đi lặp lại).
Các chương trình truyền hình thuyết pháp trên các kênh truyền hình Phật giáo cũng như các chương trình thuyết giảng trên những kênh truyền hình tôn giáo nói chung thường có hai loại: thuyết giảng một chiều (chỉ một diễn giả nói trong buổi thuyết giảng với một bài giảng đã chuẩn bị sẵn) và đối thoại (thuyết giảng lồng vào hình thức vấn đáp, hoặc người thuyết giảng giao lưu với người nghe qua nhiều phương tiện truyền thông).
Tại Việt
Công nghệ truyền hình trong thực tế đã là phương tiện hết sức hiệu quả để chuyển tải các buổi thuyết pháp đến đông đảo Tăng Ni Phật tử.
Các chương trình video thuyết pháp là những tác phẩm Phật học
Cho đến nay, dù là các phương tiện ghi âm và ghi hình đã trở nên phổ biến, vẫn có định kiến cho rằng các tác phẩm văn hóa chỉ là những tác phẩm vật thể, việc trước tác, sáng tác phải là viết và thể hiện bằng văn bản hoặc các chất liệu thích hợp. Cũng từ quan điểm sai lầm này, một số nhà nghiên cứu tôn giáo, nhất là từ các tôn giáo bạn, đã cho rằng đức Phật đã không biên soạn một tác phẩm nào cả và kinh Phật là những tác phẩm được các đệ tử Phật viết lại về sau. Lập luận này rõ ràng là không ổn, vì từ xa xưa, trong điều kiện truyền thông chỉ sử dụng văn bản giấy, thì một bài nói được một người không phải là người nói ghi lại vẫn được xem là tác phẩm của chính người nói. Việc nhìn nhận một bài nói, cũng có thể một cuộc đối thoại, là một tác phẩm, đã được ý thức từ rất lâu, đặc biệt là trong Phật giáo (với nhiều tác phẩm dạng ngữ lục). Trong điều kiện chưa có các phương tiện ghi âm và ghi hình, việc dùng giấy ghi lại các bài nói, các cuộc đối thoại là điều bắt buộc với tất cả sự giới hạn của nó, vì phải loại bỏ những yếu tố kèm ngôn ngữ. Trên thế giới, từ lâu đã phổ biến quan niệm về sáng tác phi vật thể, chẳng hạn, Stanilavski, đạo diễn người Nga nửa đầu thế kỷ XX, đã tổng kết rằng, một tác phẩm sân khấu thực sự (vở diễn), phân biệt với một kịch bản văn học, là một tác phẩm “sinh trong đêm và chết trong đêm”. Việc sáng tạo và cảm thụ tác phẩm sân khấu (tức vở diễn) được chấm dứt khi vở diễn kết thúc trên sàn diễn (trong điều kiện chưa có phương tiện ghi hình như hiện nay).
Trong cách nhìn như vậy, không có lý do gì để coi một buổi thuyết pháp, cũng như một buổi tọa đàm Phật giáo, không có giá trị là một tác phẩm học thuật Phật giáo. Chúng ta đang dần dần trong quá trình ý thức, đúng hơn là ý thức lại điều này, với việc sử dụng ngày càng nhiều các phương tiện ghi âm, và gần đây là các phương tiện ghi hình, để phổ biến các chương trình thuyết pháp. Và ngày càng có đông người tiếp nhận tư tưởng Phật giáo, không phải từ sách vở hay tham dự trực tiếp các buổi thuyết giảng, mà thông qua các phương tiện ghi âm, ghi hình.
Các bài kinh Phật đã là các kịch bản chương trình truyền hình hoàn chỉnh
Từ cơ sở kiến thức truyền hình hiện đại, khi đọc lại những bài kinh Phật, cả kinh Bắc tông lẫn Nam tông, chúng tôi hết sức ngạc nhiên về dáng dấp một kịch bản truyền hình chi tiết của phần lớn các bài kinh. Mỗi bài kinh đều bắt đầu bằng sáu điều chứng tín hay sáu điều thành tựu là tín (pháp được nghe nội dung của bài kinh sẽ được thuật lại), văn (người thuật lại pháp chính mình đã nghe), thời (thời điểm thuyết pháp), chủ (chủ tọa thuyết pháp), xứ (nơi thuyết pháp), chúng (khán thính giả). Sáu điều ấy là một trong những phần cấu tạo nên hệ thống của toàn bài kinh, xác định sự tồn tại của bài kinh đó giúp cho tín tâm của người học Phật phát khởi, thâm nhập giáo nghĩa mầu nhiệm dễ dàng. Trong một chương trình truyền hình, dù là một bản tin, phóng sự, ghi nhanh, phim tài liệu…, yếu tố giới thiệu không gian bao giờ cũng là yếu tố mở đầu. Trong các bản kinh Phật (nói chính xác hơn là văn bản ghi các bài thuyết pháp của Phật), giới thiệu không gian bao giờ cũng là một trong những nội dung mở đầu bản kinh, và thường theo thứ tự từ rộng đến hẹp, từ lớn đến nhỏ, không khác ngôn ngữ điện ảnh. Thí dụ, Kinh A di-đà: “…Phật tại Xá Vệ quốc” (đơn vị lớn rộng), “Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên” (đơn vị hẹp hơn). So sánh với ngôn ngữ điện ảnh (trừ những trường hợp sáng tạo phá cách) để giới thiệu sự việc, các kịch bản đều thể hiện yêu cầu giới thiệu địa điểm thể hiện, từ rộng đến hẹp, thí dụ sự việc diễn ra ở giảng đường một trường đại học, thì trước tiên thể hiện toàn cảnh ngôi trường (hoặc có thể đại toàn cảnh, nhấn mạnh đến ngôi trường trong hình ảnh của một góc thành phố), rồi dẫn vào giảng đường (hẹp dần) rồi bục giảng (hẹp hơn nữa)… Nguyên tắc giới thiệu không gian này được vị tôn giả kết tập kinh điển tuân thủ rất chặt chẽ, chứng tỏ ý muốn của người xưa muốn phản ánh chân thực và đầy đủ bối cảnh của buổi thuyết pháp, không khác gì ngôn ngữ hình ảnh động (điện ảnh và truyền hình) hiện đại. Sau đó, nội dung các bài kinh điểm qua khung cảnh và nhân vật tham dự buổi thuyết pháp (tổng quan số người dự nghe, giới thiệu danh sách chi tiết một số nhân vật đáng chú ý…). Trình tự này cũng là trình tự ngôn ngữ truyền hình (thể hiện toàn cảnh, dẫn vào trung cảnh, trung cận cảnh của bối cảnh và giới thiệu nhân vật nơi diễn ra sự việc…).
Đi vào phần chính, phần lớn các bài kinh tập trung miêu tả cử chỉ, hành động, đặc biệt là lời nói của đức Phật. Với cách thể hiện như vậy, ngày nay, chúng ta có thể đóng diễn lại một cách khá chính xác diễn tiến của từng buổi thuyết pháp mà đức Phật đã thực hiện thuở xưa.
Trình bày vấn đề một cách dông dài như vậy, chúng tôi muốn nhằm vào mục tiêu chứng minh rằng, ngày nay, nếu chúng ta tổ chức sản xuất các chương trình video thuyết pháp, thì vấn đề cũng không phải là mới, mà chúng ta cũng chỉ kế thừa tiếp tinh thần, tư duy của đại tôn giả Anan, người tiên phong trong sự nghiệp hoằng pháp cách đây XXV thế kỷ mà thôi. Có điều ngày ấy, do chưa có camera thu hình, nên hoạt động phản ảnh các buổi thuyết pháp chỉ dừng lại trên văn bản kinh, mà dáng dấp một kịch bản truyền hình đã là rất rõ, như vừa được trình bày.
So sánh việc tiếp thụ một buổi thuyết pháp thông qua văn bản, qua phương tiện ghi âm và phương tiện ghi hình
Nhược điểm nổi bật nếu tiếp thụ một bài thuyết pháp qua các phương tiện ghi âm hoặc ghi hình là tốn nhiều thời gian hơn rất nhiều so với đọc trên văn bản. Một buổi thuyết pháp 90 phút, qua bản ghi đầy đủ, người đọc có thể lãnh hội được nội dung chỉ trong khoảng chưa tới 10 phút. Theo trình tự ngược lại, nếu đóng diễn lại các buổi thuyết pháp của đức Phật ngày xưa theo các bản kinh và thể hiện theo ngôn ngữ điện ảnh truyền hình hiện đại, một chương trình truyền hình thuyết pháp cũng có thể tốn thời gian ước lượng gấp 5-7 lần thời gian đọc bản kinh.
Nhưng, xem một buổi thuyết pháp trực tiếp tại chỗ, hoặc qua màn hình TV, ngoài sự sinh động hấp dẫn của màu sắc, âm thanh, người xem sẽ cảm nhận những yếu tố ngoài ngôn ngữ, vốn rất quan trọng trong việc hoằng pháp. Đây chính là điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh.
Chỉ khi xem một chương trình video thuyết pháp hoặc có mặt tại chỗ, người Phật tử mới có thể thấy được ánh mắt, nụ cười, nét mặt, thần thái, cử chỉ… của vị giảng sư. Đối với những vị tôn túc có đạo lực thâm sâu, thì điều này càng có ý nghĩa. Nghe băng, có thể nghe được giọng nói giảng sư, theo dõi và cảm thụ “màu sắc” và những quãng lặng ngữ điệu, nhưng, nếu có thêm hình ảnh, người xem mới cảm thụ, lãnh hội hoàn toàn nội dung của buổi thuyết pháp, mà phần quan trọng của nó có thể nằm ngoài ngôn từ. Chẳng hạn, khi đề cập đến khái niệm giải thoát trong đạo Phật, phải chăng cốt cách, phong thái thật sự giải thoát của nhà sư lại hàm chứa nội dung truyền đạt sâu sắc, có giá trị không kém nội dung thuyết giảng bằng ngôn ngữ? Giá trị của công nghệ truyền hình hiện đại chính là ở chỗ này. Nó có thể ghi lại những ánh mắt, những động thái, vẻ mặt đi kèm với ngôn ngữ và tạo động lực cho sự thăng hoa của ngôn ngữ. Thực tế, có những điều ngôn ngữ không nói được, mà chỉ có cử chỉ ánh mắt, cốt cách, phong thái của vị giảng sư trên pháp tòa mới nói lên được, và ghi lại điều đó cho nhiều người cùng xem, cho con cháu nhiều thế hệ vẫn có thể xem là điều hết sức cần thiết. Rất may, hiện nay, chúng ta đã có các phương tiện truyền hình, ghi hình để làm điều đó.
Cảm nhận một bài thuyết pháp qua việc đọc những bản ghi trên những trang giấy và qua có mặt trực tiếp tại giảng đường (hoặc qua màn ảnh TV) là khác hẳn. Nhưng việc cảm nhận bài thuyết pháp với những yếu tố kèm ngôn ngữ như đã phân tích, so sánh giữa việc có mặt tại chỗ và thông qua màn hình TV, thì trong một số trường hợp, việc tiếp thu qua màn hình TV với các phương tiện ghi hình lại có ưu thế nhất định. Có mặt tại giảng đường, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể ngồi gần vị giảng sư, nhưng camera truyền hình có thể giúp chúng ta ghi nhận đến từng cái chớp mắt, từng tia nhìn của vị giảng sư, mà đối với những vị đạo cao đức trọng thì mọi ánh mắt, cử chỉ trong lúc thuyết pháp đều không tách rời với nội dung bài thuyết pháp. Có những cử chỉ, ánh mắt… mà xem lần đầu qua băng, đĩa, chúng ta chưa thể cảm nhận được gì, nhưng với lần thứ 2, lần thứ 3, chúng ta mới có thể hiểu và cảm nhận. Với những bài thuyết pháp ghi hình, ưu thế của nó là giúp người xem đến gần giảng sư và xem lại rất nhiều lần. Chính ưu thế này sẽ giúp rất nhiều cho việc hiểu, tin và thực hành Phật pháp.
(Còn tiếp)