Trang chủ Từ Thiện Xã Hội Ủng hộ xây chùa Công đức xây chùa Hồi Long (Thanh Hóa)

Công đức xây chùa Hồi Long (Thanh Hóa)

501

 

 
 
 
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
TỈNH HỘI PHẬT GIÁO THANH HÓA
BAN ĐẠI DIỆN HUYỆN HỘI PHẬT GIÁO HOẰNG HÓA
 
THƯ KÊU GỌI CÔNG ĐỨC
Chùa Hồi Long xã Hoằng Thanh – huyện Hoằng Hoá – tỉnh Thanh Hoá
 
Kính Bạch chư Tôn Đức!
 
Kính thưa quý vị cùng toàn thể Phật tử trong nước và ngoài nước!
 
Chùa Hồi Long được xây dựng vào Thời Lý, thế kỷ thứ XI, là một trong số những ngôi chùa lớn nổi tiếng. Sách địa chí Văn hoá Hoằng Hoá xuất bản lần thứ nhất trang 411 phần chùa chiền có viết: “Những ngôi chùa xa xưa và nổi tiếng là chùa Bảo Phúc ở Phú Khê, chùa Hồi Long ở Lương Hà…”. Dãi dầm qua năm tháng, trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, chùa không có điều kiện tu sửa và hư hỏng nặng nhưng khói hương chưa bao giờ tắt. Ngày 29/07/1996 UBND huyện Hoằng Hoá đồng ý cho phục dựng lại chùa.
 
Đáp ứng lòng mong mỏi của Phật tử gần xa, ngày 25/11/2008 Giáo hội Phật Giáo Việt Nam – Ban trị sự tỉnh Hội Phật giáo tỉnh Thanh Hoá ra Quyết định số 198/QĐ – BTSPQ bổ nhiệm Sư cô Thích Nữ Đàm Ngoan về trụ trì chùa Hồi Long.
 
Ngày 18/03/2009 Công an tỉnh Thanh Hoá cấp con dấu thực hiện giao dịch theo quy định của Pháp luật.
 
Ngày 12/10/2009  UBND tỉnh Thanh Hoá ra Quyết định số 3563 về việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chùa thực hiện dự án xây dựng, phục hồi và mở rộng chùa với diện tích 14.030m2.
 
Ngày 19/09/2010 Lễ Phạt Mộc làm chùa được tiến hành. Sau một năm với 30 nghệ nhân nghề mộc nổi tiếng của Hà Nam, Hà Tây, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá…đã miệt mài làm việc đến nay đã bước vào giai đoạn thứ 2 dựng chùa.
 
Ngày 17/09/2011 vào hồi 12h Lễ dựng chùa được thực hiện. Trong tiếng hò reo phấn khởi của Phật tử, nhân dân khắp xa gần. Bốn cột cái dài 11,8m, cao sừng sững đã được cố định. Công việc dựng được tiếp tục kéo dài tới 05/10/2011(tức ngày 09/09 năm Tân Mão lễ Đặt Thượng Lương chính thức được thực hiện.
 
Trong quá trình xây dựng chùa, sư cô Thích Nữ Đàm Ngoan đã được tiếp xúc với nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, cơ nhỡ, khốn khó,… Để làm vơi đi nỗi bất hạnh của những mảnh đời khốn khó, không nơi nương tựa sư cô Thích Nữ Đàm Ngoan đã xin phép các cơ quan chức năng động thổ khởi công xây dựng Trung tâm từ thiện cùng ngày, giờ với Lễ Đặt Thượng Lương.
 
Với trách nhiệm lớn lao trước Phật tử xa gần. Sư cô Thích Nữ Đàm Ngoan thiết tha kêu gọi và mong đợi sự ủng hộ, phát tâm của nhân dân, phật tử, các tổ chức Chính trị – Xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước hãy giúp đỡ về vật chất, tinh thần để công trình có ý nghĩ lớn lao này sớm được hoàn thiện.
 
Đúng như nhận xét của Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: “Những giá trị tư tưởng sâu sắc của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni về hoà bình, hoà hợp, hoà giải, vị tha, nhân ái vốn đã có từ hơn 2.500 năm trước vẫn còn nguyên giá trị trong thế giới ngày nay”.
 
Để chùa không chỉ là nơi cầu nguyện mà còn là nơi chở che cho mọi tấm lòng, để nơi đây trở thành thắng cảnh, khiến mỗi lúc ghé thăm chúng ta thấy hồn quê ở đó, dẫu có đi xa ta luôn nhớ về quê cha đất tổ.
 
Xin cảm tạ những tấm lòng phát tâm công đức! Nhà Chùa sẽ ghi số vàng, ghi nhận sự hảo tâm công đức, khắc tên vào hiện vật cúng Dàng của các gia đình.
Nguyện cầu hồng ân tam bảo Chư phật, Chư Đại Bồ Tát gia hộ cho công duyên, phận sự này sớm được thành tựu!
 
Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát!
 
Mọi chi tiết xin được liên hệ với Sư cô Thích Nữ Đàm Ngoan qua số điện thoại: 0988. 669. 746 để được biết thêm chi tiết.
 
Hoằng Thanh, ngày 20 tháng 09 năm 2011
 
SƯ THẦY TRỤ TRÌ
Thích Nữ Đàm Ngoan
 
THIỆP MỜI
 
          Kính thưa quý liệt vị!
         
Nhờ Hồng Ân Tam Bảo gia hộ và sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành, cơ quan đoàn thể, sự Phát tâm của Tín đồ Phật Tử và Nhân dân. Đến nay ngôi Đại Hùng Bảo Điện Chùa Hồi Long xã Hoằng Thanh huyện Hoằng Hoá đã đến giai đoạn bước vào hoàn thiện. Để công trình được tròn quả phúc, nhà chùa và UBND xã Hoằng Thanh, long trọng tổ chức lễ đặt thượng lương ngôi Đại Hùng Bảo Điện và khởi công xây dựng trung tâm từ thiện.
 
Trân trọng Kính mời: Các quý vị đại biểu, Phật tử và nhân dân khắp mọi miền về dự lễ.
 
Thời gian: 07 giờ 30 phút, ngày 05 tháng 10 năm 2011 (tức ngày 09 tháng 09 năm Tân Mão).
 
Địa điểm: Chùa Hồi Long xã Hoằng Thanh huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá.
 
Sự hiện diện của Chư Tôn Đức và Quý vị đại biểu là một trợ duyên lớn cho công tác trùng tu tôn tạo ngôi Đại Hùng Bảo Điện và xây dựng trung tâm từ thiện được viên tròn quả phúc.
         
Rất mong được đón tiếp!
 
TM. NHÀ CHÙA
TRỤ TRÌ

Tỷ khiêu ni Thích Diệu Ngoan

 
 

TÓM TẮT LỊCH SỬ CHÙA HỒI LONG
XÃ HOẰNG THANH – HOẰNG HOÁ – THANH HOÁ

Chùa Hồi Long ở làng Lương Hà – Tổng Ngọc Chuế xưa, nay là 8 xã vùng biển Hoằng Hoá cũng được xây dựng vào thời kỳ này, thế kỷ thứ 11.

Theo gia phả của dòng họ Nguyễn, năm 1558 một gia đình họ Nguyễn đã công đức cùng các phật tử xây dựng lại chùa vào năm 1558 gồm 3 ngôi:

– Ngôi Tam Bảo 05 gian với năm hàng cột, cột hiên bằng đá, gỗ làm chùa tất cả đều là Lim xanh Thanh Hoá. Kiến trúc theo kiểu thượng rường hạ kẻ, xà xoi ống móc lòng, má kiệu, cửa lim bích bàn. Bức đại tự khắc 3 chữ “Phú Thiên Môn” và đôi câu đối “Thiên khai Ngọc Chuế danh lam thắng – Địa dẫn Hồi Long cổ tích truyền”.

– Ngôi thờ Tổ, thờ Mẫu mỗi ngôi 3 gian làm bằng gỗ Lim. Hiên lát bằng đá xanh chạm trỗ. Ngai thờ, khám thờ tất cả làm bằng gỗ Vàng Tâm, sơn son thiếp vàng, đường nét trang trí tinh xảo. Tượng Phật phần lớn làm bằng gỗ Mít, sơn son thiếp vàng, bài trí theo thứ bậc. Nhìn mỗi pho tượng mỗi vị một vẻ, toát lên sự uy nghiêm khiến mỗi ai bước vào nơi cửa Phật cũng phải tự ngẫm mình, tượng gỗ cao nhất là 1,5m (tượng Long quan và Thổ địa). Ngoài các pho tượng bằng gỗ Mít còn lại có một số pho tượng bằng Đồng kích cỡ bé hơn, tượng Long quan và Thổ địa 50cm. Đồ thờ một số bằng gỗ còn lại hầu hết bằng đồng thau, đồng hun, sành sứ. Một số sành sứ thờ ở chùa có từ đời Lý. Hiện vật còn lại 1 tượng Ngọc Hoàng – cao 80cm, 1 chóe đựng nước từ thời nhà Minh – cao 45cm, bao lần bán đi chuyển lại. Nay gia đình có hiện vật đã trao lại cho chùa, giá trị hiện vật hàng chục triệu đồng.

– Chùa Hồi Long nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tổng Ngọc Chuế, giữa cồn cát nơi địa thế cao không bao giờ ngập lụt. Lưng tựa núi Linh Trường, trước mặt là điểm hội thuỷ của 3 dòng nước: Sông Mã – Sông Cung và thuỷ triều lên. Phía Đông dải đất cao ven biển gồm các xã: Hoằng Trường, Hoằng Hải, Hoằng Tiến, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ. Phía Tây là dải đất màu mỡ do phù sa bồi lắng gồm các xã: Hoằng Yến, Hoằng Tiến, Hoằng Ngọc, Hoằng Đông. Tương truyền ông Tả Ao có lần qua đây ngắm phong thuỷ ông cho khơi rộng thêm cái ao (phía Tây của chùa) để mắt Rồng lộ rõ. Chùa nhiều người cảm nhận là tối uy linh, vì thế nơi đây quanh năm không ngớt khói hương, nhân dân khắp nơi về đây cầu cúng, người tạ điều may, người sám hối lỗi lầm – nam thanh, nữ tú xem hầu đồng, hầu bóng ở Phủ Mẫu để cầu duyên, trả nghiệp. Vì thế có câu:

“Chùa Hồi Long khánh Đá chuông Đồng,
Muốn chơi trả của cho chồng mà chơi”

Thế mới biết chùa Hồi Long xưa không chỉ là thắng tích mà còn là cán cân công lý vô hình giúp mọi người thành tâm hướng Đạo.

Trước năm 1945 nơi đây là nơi trú ẩn hội họp của các cán bộ tiền khởi nghĩa. Những chủ trương đường lối cách mạng Việt Nam được phổ biến tại đây do đồng chí Tố Hữu chủ trì. Những lớp học về chủ nghĩa Mác – Lê Nin, về cách mạng Tháng Mười Nga cũng được tổ chức nhiều đêm ở chùa này.

Năm 1946 một lần về tham lại nơi hoạt động cũ của Đoàn đại biểu Quốc hội khoá I tỉnh Thanh Hoá do ông Lê Tất Đắc dẫn đầu, cùng đi còn có Vua thoái vị Bảo Đại. Trước cảnh đẹp nên thơ khi đoàn ngắm Hòn non bộ do một nghệ nhân Hậu Lộc cung tiến, nhìn cây Hồng không hạt trĩu quả, con Rùa Vàng bò đi ngoảnh lại như gặp được người thân, tường ngói rêu phong bao phủ, xung quanh chùa là cả một đồi cây cổ thụ lớn nhỏ khác nhau, dây leo chằng chịt, chỉ để lại lối đi cho khách thập phương. Chiều đến từng đàn chim di cư cũng về nơi cửa chùa tụ họp, như mong muốn sự bình an. Tiếng Cuốc, tiếng Cò hoà quyện vào nhau cùng tiếng chuông chùa sâu lắng, tạo nên một không gian tĩnh mịch khi hoàng hôn buông xuống. Cảm nhận vẻ đẹp nên thơ này ông Vĩnh Thuỵ tặng chùa đôi câu đối:

“Thời thời thiên lộc đáo
Nhật nhật địa phúc lai”

Dãi dầm qua năm tháng và trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp – Chống Mỹ chùa không có điều kiện tu sửa nên đã xuống cấp và hư hỏng nặng, năm 1968 UBND xã đã đưa về xây dựng trường học. Đến nay dấu tích chùa xưa chỉ còn lại một cổng Tam quan, hoạ tiết trang trí nay đã mờ nhưng cũng đủ cho ta thấy sự tinh xảo và chất liệu màu sơn bền đẹp khiến ta không thể không ngưỡng mộ danh thắng của một thời ở chùa này. Sách địa chí Văn hoá Hoằng Hoá xuất bản lần thứ nhất phần chùa chiền có viết: “Những ngôi chùa xa xưa và nổi tiếng là chùa Bảo Phúc ở Phú Khê, chùa Hồi Long ở Lương Hà…”

Có lẽ vì sự nổi tiếng đó mà sau 28 năm dỡ bỏ (1968) đến 1996 nhân dân trong làng đã tự nguyện cùng nhau phục dựng với ý nguyện là để xây dựng lại cảnh quan, xây dựng lại sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, giữ gìn bản sắc văn hoá, đem lại giáo lý phật đà cho mọi người.

Đáp ứng nguyện vọng chính đáng đó, ngày 29/07/1996 UBND huyện Hoằng Hoá đã phê duyệt cho phép phục dựng lại chùa. Trong quá trình phục dựng, việc di dời hàng nghìn ngôi mộ xung quanh Tam quan là một việc làm hết sức khó khăn, phức tạp liên quan đến tâm linh của hàng nghìn hộ gia đình, không chỉ bên Lương mà còn cả bên Công giáo.

Vì vậy, UBND huyện Hoằng Hoá cho phép di dời về phía trước cổng Tam quan cũ (phía Nam) 40m. Đây là vị trí đáp ứng được nguyện vọng của mọi người dân, đáp ứng tâm linh của hàng nghìn hộ gia đình có mồ mả, đồng thời đảm bảo được các yếu tố phong thuỷ của chùa: Toạ Sơn, hướng Thuỷ.

Suốt 13 năm qua Phật tử và khách thập phương về đây ngày một đông. Trước thực tế này UBND xã Hoằng Thanh đã kính trình UBND huyện Hoằng Hoá – Ban trị sự Phật Giáo Hoằng Hoá, Ban trị sự Tỉnh hội Phật Giáo Thanh Hoá xin bổ nhiệm sư trụ trì điều hành hoạt động tín ngưỡng tôn giáo đạo Phật.

Ngày 25/11/2008 Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Ban trị sự Tỉnh hội Phật Giáo Thanh Hoá ra Quyết định số 198/QĐ-BTSPG bổ nhiệm sư cô Thích nữ Đàm Ngoan về trụ trì chùa.

Ngày 18/03/2009 Công an tỉnh Thanh Hoá cấp con dấu theo quy định số 2885 QĐ/CATH đề điều hành hoạt động và thực hiện quy định theo pháp luật

Ngày 12/10/2009 UBND tỉnh Thanh Hoá ra Quyết định số 3563 về việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chùa Hồi Long tại xã Hoằng Thanh để thực hiện dự án xây dựng, phục hồi và mở rộng chùa với diện tích 14.030m2

Trong đời sống con người ngoài mặt “Hiện hữu” còn có mặt “Phi hiện hữu” đó là tâm linh. Tâm linh có vai trò quan trọng trong xây dựng mối quan hệ cộng đồng làng xã, mối quan hệ giữa người với người là nền tảng đạo đức mà mỗi chúng ta đang xây dựng hướng tới Chân – Thiện – Mỹ góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc.