Trang chủ Quốc tế Công cuộc hoằng pháp tại Hoa Kỳ và những đóng góp của...

Công cuộc hoằng pháp tại Hoa Kỳ và những đóng góp của Phật giáo Việt Nam (phần 2)

103

2.4.  Truyền Thống Triều Tiên:


Người Triều Tiên bắt đầu đến Mỹ sau chiến tranh kết thúc năm 1951. Những cộng đồng Triều Tiên thành lập những ngôi chùa khắp nơi, hiện nay khắp nước Mỹ có khoảng 90 cơ sở. Năm 1972, thiền sư Soen-sa-nim đến Mỹ làm việc trong tiệm giặt ở Providence, Rhode Island. Dần dần các sinh viên kéo đến học thiền và Providence Zen Center được thành lập. Hằng ngày các thiền sinh thực tập lạy 108 lạy và tụng kinh nửa giờ vì phương pháp này giúp hành giả dễ tập trung tư tưởng. Thiền sư Soen-sa-nim hay Seung Sahn sinh năm 1927 trong gia đình theo đạo Tin Lành. Tốt nghiệp đại học Dongguk. Năm 1948, không thỏa mãn với đời sống chính trị xuất gia tu tập. Ngài thành lập nhiều trung tâm thiền khắp nước Mỹ.


2.5.  Truyền Thống Tây Tạng:


Sau khi Trung cọng xâm lăng Tây Tạng, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma giả dạng làm dân quê, rời kinh thành Lhasa để sang Ấn Ðộ tỵ nạn cùng với hơn trăm ngàn dân Tây Tạng. Họ định cư tại Dharamsala. Trong số những người tỵ nạn đó có rất nhiều vị là những bậc cao tăng thạc đức của Phật Giáo Tây Tạng. Do đó bắt đầu từ những năm 60, các vị Lạt Ma Tây Tạng đã bắt đầu sang hoằng pháp tại các nước Tây Phương và đạt được rất nhiều thành tựu to lớn: rất nhiều người Tây Phương xuất gia tu học. Hiện nay trên khắp nước Mỹ có trên 200 trung tâm Phật Giáo Tây Tạng, gần như tại mỗi thị trấn của 50 tiểu bang của Mỹ đều có những trung tâm tu tập Mật Tông. Trong những năm 60, 70 khi nói đến Phật Giáo là nói đến Thiền, ngày nay Tây Tạng đã thay thế địa vị đó. Phật Giáo Tây Tạng hành trì Mật Tông và phương pháp đó vẫn được duy trì tại Hoa Kỳ. Nếu có chuyển dịch chỉ là những bài tụng xưng tán hạnh đức của Phật, còn các ấn chú vẫn được mật truyền từ thầy qua trò. Phật Giáo Tây Tạng sử dụng tất cả hình tượng, màu sắc, âm thanh cho việc tu tập: những pho tượng Phật, Bồ Tát hay Hộ Pháp với những biểu hiện phong phú, những màu sắc rực rỡ của các tranh thờ, y phục, trang trí, những pháp khí, mùi nhang trầm tinh khiết, những giọng tụng đọc trầm hùng.. làm cho năm giác quan như mở ra  và tâm trí như đang tập trung vào bầu khí an lạc, linh thiêng của buổi lễ. Với sự có mặt của nhiều cao tăng, với truyền thống phong phú và vững mạnh, Phật Giáo Tây Tạng là giáo đoàn có ảnh hưởng mạnh nhất hiện nay. Dưới đây là những đại sư danh tiếng của Tây Tạng:


–    Chogyam Trungpa Rinpoche (1939-1987) là một trong những đạo sư Tây Tạng đầu tiên mang Phật Pháp đến phương Tây. Năm 1963 được học bổng để du học tại Ðại Học Oxford. Năm 1967 sau khi tốt nghiệp Ngài thành lập Trung Tâm Thiền Samaye-Ling tại Scotland với phương pháp thiền áp dụng vào đời sống hàng ngày. Ngài nhận thấy hình thức cư sĩ thuận tiện hơn trong việc hoằng pháp, sau đó Ngài hoàn tục. Năm 1974 Ngài thành lập Học Viện Phật Giáo Naropa tại Boulder, Colorado. Khóa đầu tiên có 2000 sinh viên ghi danh. Học Viện quy tụ những giáo sư nổi tiếng như: Trungpa (dạy Kim Cang Thừa), Ram Dass (Bhagava Rita), Jack Kornfield (Phật Giáo Nguyên Thủy), Joseph Goldstein, Mahasi Sayadaw, Anagarika Munindra (Nguyên Thủy).


–    Ðức Karmapa Gyalwa (1923-1981): tổ sư đời thứ 16 phái Karmapa, hoằng pháp tạI Âu Mỹ từ 1974 đến 1981. Xây dựng chi nhánh tổ đình tại Woodstock, New York.


–    Kalu Rinpoche sinh năm 1905, xuất gia năm 13 tuổi. Năm 25 tuổi nhập thất 12 năm. Năm 1971 thăm viếng nước Pháp thành lập nhiều trung tâm tu học. Năm 1976 hướng dẫn khóa tu nhập thất 3 năm tại trung tâm mới thành lập tại Pháp.


–    Dudjom Rinpoche (1904-1987) đến Mỹ năm 1972 dùng phương pháp dĩ độc trị độc, tìm Niết Bàn ngay trong sinh tử, tìm giải thoát ngay trong phiền não.


–    Tarthang Tulku phái Nyingma, sinh năm 1935, đến Mỹ năm 1968 thành lập Trung Tâm Nyingma tại Berkeley, California. Ngài là một học giả uyên thâm về Phật Học, Sanskrit. Ngài thành lập Học Viện Nyingma và phiên dịch kinh sách thuộc truyền thống Nyingma. Năm 1975 thành lập Trung Tâm Văn Hóa Odiyan trên khu đất 900 mẫu tây. Xây cất ngôi chùa trong 20 năm với công sức của giáo sư và sinh viên Ðại Học Berkeley.


–    Sakya Tridzin thuộc phái Sakya, thành lập Tu Viện Sakya tại Mussoorie năm 1964.


–    Sogyal Rinpoche sinh năm 1940, du học Anh. Năm 1975 thành lập Dzogchen Orgyen Choling tại Luân Ðôn. Giảng dạy khắp nơi, trước tác nhiều sách trong đó có cuốn The Tibetan Book of Living and Dying (Tạng Thư Sống Chết).


–    Yeshe Thubten Lama (1935-1984) thuộc phái Gelugpa, có nhiều ảnh hưởng trong giới môn sinh Âu Mỹ. Năm 1971 thành lập Tu Viện Kopan tại Kathmandu, Nepal. Cùng môn đệ thành lập 28 Trung Tâm Ðại Thừa tại 13 quốc gia.


–    Lama Osel gốc người Tây Ban Nha, sinh năm 1985 và được công nhận là tái sinh của Lama Yeshe Thubten.


3.     Những Ðóng Góp của Phật Giáo Việt Nam:


Sau năm 1975 làn sóng người Việt sang định cư tại Hoa Kỳ càng lúc càng nhiều. Tổng số lên đến hai triệu người ở rải rác trên khắp 50 tiểu bang của Mỹ. Tập trung đông nhất ở hai tiều bang CaliforniaTexas. Sau khi cuộc sống đã ổn định, nhu cầu tín ngưỡng là nhu cầu cấp thiết. Phần vì cần điểm tựa tinh thần nơi đất khách quê người, phần vì muốn duy trì văn hóa tín ngưỡng dân tộc, phần vì nhớ thân nhân, phần vì nhớ quê hương là những động cơ thúc đẩy người Việt lập chùa. Sau những giờ làm việc cực nhọc đến chùa gặp những người thân quen hàn huyên cho vơi đi nỗi buồn xa xứ:


Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.                     


(Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.                         


 Hoàng Hạc Lâu, thơ Thôi Hiệu – Tản Ðà dịch)


Từ năm 1975 đến nay khắp nước Mỹ người Việt đã xây dựng được trên 200 ngôi chùa. Nơi nào có người Việt nơi đó có chùa. Với số lượng chùa nhiều, Phật tử đông và chư tăng ni hùng hậu, Phật Giáo Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể cho việc hoằng pháp tại Hoa Kỳ. Trong số đó có những bậc cao tăng như Hòa Thượng Thích Thiên Ân, Hòa Thượng Thích Mãn Giác, Hòa Thượng Thích Tâm Châu, Hòa Thượng Thích Huyền Vi, Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh..


3.1  Hòa Thượng Thích Thiên Ân (1936-1980):


Là vị sư Việt Nam đầu tiên đến Hoa Kỳ hoằng pháp. Năm 1966 trong chương trình trao đổi giáo sư giữa Ðại Học UCLA và Vạn Hạnh, Hòa Thượng đã đến Mỹ và giảng dạy tại đây. Hòa Thượng tốt nghiệp học vị tiến sĩ văn chương tại Ðại Học Waseda, Tokyo năm 1962. Về nước làm Khoa Trưởng Văn Khoa tại Ðại Học Vạn Hạnh và giảng dạy tại Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn. Năm 1970 thành lập Quốc tế Thiền Viện tại Los Angeles, California. Năm 1973 thành lập Viện Ðại Học Ðông Phương tại Los Angeles. Năm 1975, thành lập Chùa Việt Nam, ngôi chùa Việt đầu tiên trên đất Mỹ. Năm 1976 thành lập Chùa A Di Ðà. Năm 1978 cùng với Hòa Thượng Mãn Giác tổ chức Ðại Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ và tiến tới thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ và Ngài là vị Hội Chủ đầu tiên. Ngoài công việc giảng dạy, Ngài hướng dẫn những khóa thiền. Ngài độ cho những người Mỹ xuất gia. Những đệ tử của Ngài ngày nay đảm nhiện những thiền đường tại vùng California.


3.2 Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh:


Sinh năm 1926, xuất gia tu học tại Chùa Từ Hiếu, Huế. Tốt nghiệp Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn và du học tại Ðại Học Princeton, Hoa Kỳ. Hòa Thượng là một thiền sư, nhà văn, nhà thơ. Năm 1966 rời Việt Nam sang Mỹ vận động hòa bình, sau đó bị chính quyền miền Nam cấm không cho hồi hương. Năm 2005 chính phủ Việt Nam mời Hòa Thượng về thăm quê hương.


Hòa Thượng hoằng pháp tại nhiều quốc gia Âu Mỹ cũng như Á Châu. Thành lập Làng Mai (Plum Village Meditation Center) tại Pháp, Lộc Uyển (Deer Park Monastery) tại California và Rừng Phong (Maple Forest Monastery) tại Vermont. Khoảng 100 trung tâm thiền thuộc truyền thống Làng Mai. Hoà Thượng trước tác mấy chục cuốn sách về Thiền, Phật Giáo, thơ, truyện. Cuốn Ðường Xưa Mây Trắng đang được dựng thành phim.


Tại Tây Phương Hòa Thượng cùng Ðức Ðạt Lai Lạt Ma là hai nhà lãnh đạo lớn của Phật Giáo có ảnh hưởng mạnh trong vấn đề hoằng pháp tại phương Tây. Sách của Hòa Thượng bày bán tại khắp các tiệm sách ở Mỹ và Âu Châu. Sách viết giản dị dễ hiểu. Với lối văn trong sáng, nhẹ nhàng, bình dị, Hòa Thượng đã giảng giải những khái niệm Phật học phức tạp. Sách được dịch ra nhiều thứ tiếng. Phương pháp tu tập của Hòa Thượng đặt căn bản trên các kinh Nam Truyền và Bắc Truyền, nhưng được đơn giản hóa và áp dụng vào cuộc sống hằng ngày. Cách hành trì được đơn giản hóa cũng như Tây hóa và không chú trọng nhiều đến hình thức. Chính vì chủ trương Tây hóa khiến một số các Phật tử Việt Nam lớn tuổi cảm thấy khó khăn trong việc hành trì. Hòa Thượng là người đã có công giới thiệu đạo Phật đến với người Tây Phương. Nhờ những sách đó mà nhiều người biết đến đạo Phật, được mệnh danh là Phật tử tiệm sách.


3.3.  Các Chùa Việt Nam:


Ða số các chùa thuộc truyền thống tổng hợp Tịnh Ðộ và Thiền, một số thuộc truyền thống Thiền, một số thuộc Nam Tông và một số thuộc truyền thống Khất Sĩ. Phần lớn các chùa đều có tổ chức thanh thiếu niên như Gia Ðình Phật Tử và lớp học tiếng Việt. Trên phương diện chăm sóc đời sống tinh thần cho Phật tử Việt Nam, các chùa đã có những đóng góp đáng kể, góp phần xây dựng an lạc hạnh phúc cho xã hội. Các sinh hoạt chính đều thực hiện vào cuối tuần vì ngày thường mọi người phải đi làm. Vì thế những ngày lễ lược đề phải thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh sống.


Về kiến trúc, phần lớn các chùa đều sử dụng căn nhà có sẵn để làm nơi sinh hoạt. Chỉ có một số ít các chùa xây cất theo kiến trúc Á Ðông. Một số khác mua các nhà thờ cũ để làm chùa.


Nhìn qua chúng ta ai cũng đều có cái nhìn lạc quan về đạo tâm của Phật tử trong việc duy trì và phát huy văn hóa tín ngưỡng truyền thống của dân tộc Việt. Tuy thế cũng không tránh khỏi những ưu tư về vấn đề duy trì trong tương lai:


– Hầu hết các chùa chỉ có sinh hoạt bằng ngôn ngữ tiếng Việt cho người Việt. Trong khi đó các em nhỏ thuộc thế hệ thứ hai đã mất lần tiếng mẹ đẻ. Nếu không có những sinh hoạt song ngữ thì chúng ta khó duy trì.                                                     


– Hầu hết các chùa không có chương trình tu học cho người Mỹ. Như thế sẽ trở ngại trong vấn đề hội nhập và khó duy trì trong tương lai một khi cộng đồng nói tiếng Việt không còn tồn tại.                                                                                        


– Phần lớn các chùa đều chú trọng nhiều về mặt tín ngưỡng hơn là những sinh hoạt tu tập. Chính sự tu tập sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống và tăng trưởng tín tâm. Gần đây những phong trào tu niệm Phật được phát triển. Ðây là điểm son cho Phật Giáo Việt Nam.                                                    


 – Một số các chùa vẫn chưa có tăng ni hướng dẫn tu tập. Hy vọng trong tương lai sẽ thỉnh được các vị trụ trì.                      


 – Các chùa vẫn chưa có một đường hướng sinh hoạt chung, hổ trợ nhau trong việc tu học.


Với những ưu tư trên chúng ta hy vọng trong tương gần sẽ có được những giải đáp. Tình trạng các chùa Việt tại Mỹ ngày nay không ở vào hoàn cảnh cách ly như các chùa của người Hoa trong thế kỷ trước. Do đó không sợ sẽ bị rơi vào tình trạng đào thải.


3.3.  Chùa Hải Ấn:                                                   


 Sau đây xin giới thiệu những sinh hoạt tại Chùa Hải Ấn, tiểu bang Connecticut như một tham khảo cho nổ lực hoằng pháp tại Hoa Kỳ.


–    Lớp Thiền: hang tuần mỗi tối thứ năm từ 6.30PM đến 8.30PM. Chương trình gồm dâng hương, lễ Phật, tụng kinh, toạ thiền, kinh hành, thiền trà và pháp đàm. Thứ năm thứ nhì trong tháng có lễ tụng giới và sau đó chỉ hành thiền, không có pháp đàm.                                                                                 


Lớp Phật Pháp: chương trình ba năm. Năm đầu tiên sẽ học về những tác phẩm viết về Phật Giáo để trang bị tầm nhìn tổng quát. Năm thứ hai sẽ học các kinh điển thuộc các tông phái lớn như Nam Tông, Bắc Tông, và Mật Tông. Khóa học không nghiêng về một tông phái nào mà sẽ trang bị một kiến thức tổng quát về các truyền thống chính như: Nam Tông, Mật Tông, Thiền, Tịnh Độ, v.v… Năm Thứ Ba đi sâu vào các tông phái như Duy Thức, Hoa Nghiêm, tìm hiểu những tương quan giữa Phật Giáo và Khoa học, Phật Giáo với các tôn giáo khác. Khóa học dành một phần thời gian cho những ngày thiền tập nhằm nhấn mạnh đến khía cạnh thực tập của Phật Giáo .         


Ðào tạo giáo thọ: sau khi tốt nghiệp các học viên sẽ tham dự một chương trình đặc biệt cung cấp những kiến thức cần thiết cho một vị giáo thọ. Ðiều kiện thiết yếu để trở thành một giáo thọ là sự thành tâm và nổ lực. Sau đó sẽ được Thầy viện chủ mời tham dự chương trình đào tạo Giáo Thọ kéo dài một năm. Sự chọn lựa tùy thuộc vào sự thành tâm và những tiến bộ trên con đường tu tập Phật Pháp.                                                      


 –  Phật Pháp cho tù nhân: hiện nay Chùa Hải Ấn cọng tác cùng Chuang Yen Monastery trong công tác thực hiện chương trình Phật Pháp cho tù nhân. Chương trình này do Giáo Thọ Richard Baksa đảm trách. Số ghi danh hiện nay là hơn 300 học viên. Khóa học hàm thụ, chương trình ba năm tương tự như chương trình Lớp Phật Pháp.


4.     Phật Giáo Mỹ:


Với những đạo sư danh tiếng của thế giới đến từ những truyền thống lâu đời, Hoa Kỳ đã có diễm phúc để thâu nhận những tinh hoa đó để dung hợp thành một đạo Phật đặc thù. Sự kiện đó là điều hy vọng có thể xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên trong hiện tại đã có những khuynh hướng đi về nẻo đó:           


   Dung hợp: ngày nay trên đất Mỹ, hầu như các truyền thống Phật Giáo đều có mặt. Ðây là một cơ hội hiếm có để chúng ta có thể học hỏi với các truyền thống khác để làm phong phú cho sự hiểu biết và hành trì của mình. Hoàn cảnh Phật Giáo tại Mỹ không cho phép tinh thần độc tôn. Phật Giáo Việt Nam với tinh thần dung hợp các truyền thống khác nhau như Tịnh Ðộ, Thiền và Mật Tông trên phương diện tu tập sẽ đóng góp tích cực vào việc hình thành một đạo Phật tổng hợp.               


 –  Thực dụng: người Mỹ rất thực tế. Với tôn giáo cũng thế, họ luôn đặt câu hỏi tin theo một tôn giáo để được lợi ích gì? Trước những khổ đau của con người từ thể xác đến tinh thần, tôn giáo giải quyết như thế nào? Ðạo Phật với phương pháp ăn chay sẽ giúp con người tránh khỏi những cơn bệnh ngặt nghèo. Với phương pháp thiền định sẽ giúp con người tìm thấy lại sự bình an trong tâm hồn, lạc quan hơn, tự tin hơn và sáng suốt hơn.                                                                            


 –    Khoan dung: con người càng có cơ hội tiến xúc với nhiều hoc thuyết khác nhau thì con người càng chấp nhận và kính trọng nhau hơn. Phật Giáo với tinh thần khoan dung chấp nhận mọi dị biệt trong quan niệm 84.000 pháp môn chỉ cho chúng ta thấy rằng có rất nhiều con đường để đi đến chân lý.                 


–    Tự lực: dân tộc Mỹ là một dân tộc với tinh thần tự lực rất cao. Tinh thần của đạo Phật cũng nhấn mạnh đến khía cạnh tự lực, con người tự giải thoát mình. Ðây là chỗ gặp gỡ giữa Phật Giáo và tinh thần của dân tộc Mỹ.                                                


 –    Thực chứng: những kinh nghiệm bản thân về sự tu tập là những minh chứng hùng hồn cho sự chân thật của lý thuyết. Những đạo sư phải là những người biết đem giáo lý áp dụng vào cuộc sống hằng ngày.                                                          


 –    Tự do: tinh thần yêu chuộng tự do rất cao trong cách hành xử của người Mỹ. Phật Giáo là một tôn giáo rất tự do, không bị đóng khung trong tổ chức, không bị vướng mắc vào giáo điều hay hình thức tôn giáo. Mục đích của đạo Phật cũng chỉ để đạt được sự tự do tuyệt đối ngoài sự chi phối của sinh tử.   


–  Cá nhân: Niềm tin tôn giáo là vấn đề cá nhân. đạo Phật chủ trương con người tự trách nhiệm lấy cuộc đời của mình trong đạo lý Nghiệp và phương pháp tu tập là phát huy khả năng cá nhân để tự giải thoát mình.                                                        


 – Hình thức: chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi nhìn thấy những thiền sư người Mỹ để tóc dài và mặc quần jean. Về hình thức chúng ta không nên quá câu nệ, mỗi quốc độ có mỗi loại y phục khác nhau.                                                               


 – Vấn đề: những vấn đề khó khăn hiện nay là: phụ nữ, đồng tính, phá thai, nhân bản (cloning), môi sinh.. Ðạo Phật với tinh thần bình đẳng, từ bi, trí tuệ sẽ giúp con người tìm thấy những giải đáp thỏa đáng.                                                                     


   Ngoài ra, Phật Giaó Mỹ chưa hình thành được một tăng đoàn xuất gia thanh tịnh. Các trung tâm Phật Giáo phần lớn do các thiền sư, giáo thọ cư sĩ lãnh đạo. Ðiều này do hoàn cảnh văn hóa đặc thù cuả nước Mỹ đã hình thành một Phật Giáo nhập thế. Mô hình này tạo điều kiện cho mọi thành phần trong tăng đoàn, Tăng Ni và Phật tử, cùng tham gia công cuộc hoằng pháp.


Vì những tương đồng trên, đạo Phật đã được đón nhận từ những ngày đầu khi đến Mỹ như một tôn giáo của hoà bình, khoan dung, trí tuệ. Trong giai đoạn đầu đạo Phật được đón nhận như một tôn giáo huyền bí, giai đoạn sau đó giới trí thức được chinh phục bởi những triết lý sâu sắc và nhân bản, và giai đoạn hiện nay đạo Phật được khám phá như một trị liệu mưu tìm hạnh phúc. Những đạo sư lớn của thời đại như Ðức Ðạt Lai Lạt Ma và Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh tiêu biểu cho hai khuynh hướng hơằng pháp: truyền thống và canh tân, đáp ứng được những đòi hỏi khác biệt của con người. Với tinh thần vô ngã, vị tha đạo Phật sẽ có mặt trong cuộc sống không như một thế lực tôn giáo, nhưng như là một phương pháp trị liệu giúp con người tìm thấy hoà bình, an vui và hạnh phúc. Ðạo Phật tại Hoa Kỳ với những giá trị cố hữu sẽ đi sâu vào lãnh vực thiền quán và đạo Phật Hoa Kỳ sẽ giúp đạo Phật Á Châu phục hồi lại giá trị của thiền định.


 Sách tham khảo:


1.    Ricks Fields, How the Swans Come to the Lake – A Narrative History od Buddhism in America – Shambhala, Boulder, 1981.                                                                        


 2.  Charles S. Prebish and Kenneth K. Tanaka edited, The Faces of Buddhism in America, University of California Press:Berkeley, Los Angeles, London,1998.                          


3.  Trần Quang Thuận, Phật Giáo Mỹ, Trung Tâm Học Liệu Phật Giáo, 2000.