Trang chủ Văn hóa Công bố thêm 13 kỷ lục Phật giáo chào mừng Đại hội...

Công bố thêm 13 kỷ lục Phật giáo chào mừng Đại hội PGVN lần VI

467

1. Ngôi chùa có bao lam “bách điểu” lớn nhất Việt Nam



Chùa Giác Viên tọa lạc số 161/35/20 đường Lạc Long Quân, Q.11, TP.HCM. Chùa có 58 bao lam lớn nhỏ, trong đó phải kể đến bao lam “Bách điểu”. Bao lam này có chiều cao 2,48m, chiều ngang 2,25m và chiều rộng nhất 67cm (từ mép cạnh đến họa tiết dơi ngay giữa bao lam).


2. Bản kinh viết bằng thư pháp do nhiều người tham gia nhất



Bản kinh Vu Lan và Báo Ân Cha Mẹ viết bằng thư pháp, được làm bằng chất liệu giấy xuyến chỉ và lụa tơ tằm Việt Nam, dày 108 trang, kích thước 90x160cm do 108 họa sĩ và nhà thư pháp thực hiện nhân mùa Vu lan báo hiếu năm 2007 tại TP.HCM.


Tác phẩm được hoàn tất sau 4 tháng, người khởi xướng là ĐĐ.Thích Chỉnh Tuệ và nhà thơ – nhà thư pháp Song Nguyên cùng các thành viên của CLB Thư pháp Giác Ngộ.


3. Ngôi chùa có tượng Bồ Đề Đạt Ma lớn nhất Việt Nam



Chùa Tây Tạng được xây dựng vào khoảng năm 1930. Thiền sư Minh Tịnh sau khi xuất dương chiêm bái Phật tích Ấn Độ và Tây Tạng, đã trụ trì chùa vào năm 1938. Bên trong chùa tôn trí nhiều tượng Phật, Bồ tát và đặc biệt nhất, tượng Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma – đệ tử đời thứ 28 của Đức Phật Thích Ca.


Ông Nguyễn Khắc Bửu cùng với các ông Nguyễn Chí Cơ và Tôn Ngọc An đã tôn tạo bức tượng trong 2 năm 1982, 1983. Tượng gồm 3 phần rời nhau, được gắn lại bằng keo dán. Chỉ trừ phần khung được làm bằng sắt còn chất liệu chủ yếu bằng tóc, mật rỉ đường và vôi vữa mà trong đó tóc là chiếm một phần quan trọng. Tóc được thu nhận từ các Phật tử. Tượng có chiều cao 2,32m, chiều ngang tính từ túi Càn khôn đến kinh Lăng Già là 1,74m.


4. Ngôi chùa có nhiều bình gốm nhất Việt Nam



Đó là chùa Pháp Hoa tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM do HT.Thích Như Niệm trụ trì. Hiện nay, chùa đã lưu giữ một bộ sưu tập đồ sộ với hơn 1.000 chiếc bình bằng gốm các loại, đủ màu sắc, hoa văn, kích thước, niên đại. Có 4 chiếc bình có kích thước cao nhất là 2,17m và 4 chiếc có chiều cao là 1,70m đặt trong chánh điện.


5. Ngôi chùa có bản Khóa hư lục viết trên giấy lớn nhất Việt Nam



Bản kinh do cư sĩ Đặng Như Lan viết tại chùa Vĩnh Nghiêm, Q.3, TP.HCM năm 1966. Bản kinh viết dựa theo Khóa hư lục của Trần Thái Tông (1218-1277) có kích thước rộng 1,78m, dài là 2,7m, hiện đang được trưng bày tại chùa Phổ Quang, TP.HCM.


6. Ngôi chùa tạo tác bằng nhiều mảnh sành nhất Việt Nam



Chùa An Phú, Q.8, TP.HCM xây dựng vào những năm đầu thời vua Tự Đức (1848-1883). Chùa cùng với ông Lê Văn Rớt – một nhà thiết kế mỹ thuật – đã tìm cách vận động thu lượm các loại chén đĩa kiểu đã bị nứt, sứt mẻ tại các chợ An Đông, Bình Tây, Phú Nhuận, Bà Chiểu… rồi đập bể, cắt theo các góc cạnh, sau đó gắn vào các cột, các chi tiết kiến trúc theo hình họa, đường nét mỹ thuật tạo hình do ông Rớt thiết kế.


7. Ngôi chùa có số lượng đĩa kiểu trang trí nhiều nhất Việt Nam



Chùa Giác Lâm, số 118 đường Lạc Long Quân, P.23, Q.Tân Bình, TP.HCM được xây dựng vào năm Giáp Tý (1744), được Bộ Văn hóa công nhận Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia.


Đặc biệt, chùa sử dụng một số lượng 7.454 đĩa kiểu trang trí cẩn dọc theo hai mặt tường của Tây đường, chánh điện, tháp Tổ… Loại đĩa kiểu trang trí này được làm ra tại các cơ sở gốm tại Lái Thiêu (Bình Dương), ngoài ra, một số có xuất xứ từ Trung Quốc, Nhật Bản.


8. Ngôi chùa có tháp bằng gốm sứ cao nhất Việt Nam



Chùa Viên Giác, số 193 Bùi Thị Xuân, P.1, Q.Tân Bình, TP.HCM. Trong khuôn viên chùa xây dựng tháp Đẳng Quan khởi công vào năm 1996 và khánh thành vào tháng 4-1999. Tháp gồm 4 tầng, có chiều cao 22m từ nền tới đỉnh hình bát giác 3 tầng 7 mái. Nét độc đáo và đặc biệt của ngôi tháp này là sử dụng hoàn toàn bằng gốm sứ Việt Nam do các cơ sở trong hệ thống gốm sứ Minh Long và Bát Tràng sản xuất. Ý tưởng xây dựng tháp do TT.Thích Lệ Trang, ĐĐ.Thích Đồng Văn, thể hiện bản vẽ kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Thiện, thực hiện các mẫu phù điêu tạo hình cho gốm là điêu khắc gia Bàng Nghiêu Dân.


9. Khóa An cư kiết hạ có số Tăng tập trung an cư nhiều nhất Việt Nam



Trong năm 2004- PL.2548 Tỉnh hội Phật giáo Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức khóa An cư kiết hạ từ ngày 16-4 đến ngày 10-7 âm lịch, giúp Tăng Ni về kiết giới tu học tại chùa Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm với số lượng tham dự lên đến 1.200 Tăng Ni.


10. Ngôi chùa có vườn tượng Phật Dược Sư lớn nhất Việt Nam



Chùa Hải Sơn với tên thường gọi là chùa Hang, tỉnh Kiên Giang được xây dựng vào đầu thế kỷ XVIII. Năm 2005, nhà chùa khởi công xây dựng vườn tượng Phật Dược Sư. Do vườn tượng có đến 49 tượng Phật Dược Sư nên được gọi là Bộ tượng Thất Châu Thất Đàn Dược Sư, do ông Lê Văn Lai tạo tác.


Vườn tượng chia làm 7 cụm, mỗi cụm tượng gồm 7 vị và chia làm 3 cấp tọa vị. Vườn tượng Phật Dược Sư được tôn trí trên một diện tích 2.400m2 dựa vào vách núi chùa Hang.


11. Khu du lịch tổ chức đại lễ Vu lan lớn nhất Việt Nam



Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên đã phối hợp với Thành hội Phật giáo TP.HCM, Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai, Báo Giác Ngộ và Báo Công An TP.Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Đại lễ Vu lan – Mùa Báo hiếu hàng năm tại Long Hoa Thiên Bảo – một điểm hành hương tâm linh trong khu du lịch.


Trong Đại lễ Vu lan – Mùa Báo hiếu năm 2007 (12-7 đến 18-7 âm lịch), Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên đã cung thỉnh 1.108 vị chư tôn giáo phẩm và Tăng Ni quang lâm (mỗi ngày trên 100 vị) cùng với trên 100.000 Phật tử và du khách đến từ TP.HCM và các tỉnh thành lân cận tham dự.


12. Tuần lễ buffet chay có số lượng người tham dự nhiều nhất



Trong 7 ngày (từ 24-8 đến 30-8-2007) tại Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên đã diễn ra Đại lễ Vu lan – Mùa Báo hiếu, cùng với những hoạt động lễ hội, nơi đây tổ chức chương trình “Buffet chay miễn phí”. Mỗi ngày có khoảng 10.000 suất ăn chay miễn phí dành cho mọi người. Đã có 67.000 thực khách tham dự tiệc buffet chay trong 7 ngày.


13. Mõ gia trì bằng gỗ lớn nhất Việt Nam


Mõ gia trì bằng gỗ mít của chùa Phật Quang, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận hợp cùng với chuông gia trì đã tạo thành một bộ pháp khí độc đáo.


Mõ được làm từ gỗ mít được lấy từ huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, và do 3 người thợ Quảng Nam chế tác.


Sau 4 năm thực hiện (từ 1997 đến 2004), chiếc mõ được đưa về chùa Phật Quang dùng trong việc thờ cúng và tụng kinh. Mõ có chiều cao 0,8m, chiều ngang 0,92m, được đặt tại chính điện của chùa.