Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Công bố những tư liệu ít người biết về chùa Việt

Công bố những tư liệu ít người biết về chùa Việt

1529

 

1/ Hậu cung của chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội) vốn là nơi ít người được vào. Đặc biệt những kiến trúc đặc biệt với hai vì Nóc gian không tỳ lực lên hai cột cái như thường thấy, mà lại gác lên hệ đấu củng nằm ở ván gió xà cộ cái. Dạ rường dưới cùng được đỡ bởi bốn thanh gỗ dài nằm trên cùng của hệ đấu củng qua đấu vuông thót đáy. Kẻ góc của cả mái dưới và mái trên đều gác lên các cụm đấu củng ở đầu cột quân và cột cái. Đây là một kiến trúc hiếm có và người bình thường ít có dịp chiêm ngưỡng vì khu vực Hậu cung là nơi linh thiêng, không mở cửa rộng rãi. Những bức ảnh cận cảnh có thể cho thấy được hình dung rõ hơn về kiến trúc ngôi chùa thế kỷ 17 này.

 

 


TS Nguyên Hồng Kiên (đồng chủ biên, bên phải) trong buổi ra mắt cuốn sách

 

“Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích – tập 1”, do TS Hoàng Đạo Cương, TS Nguyễn Hồng Kiên biên soạn, gồm 224 trang, in tại Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc. Nhiều hình ảnh hiếm có về kiến trúc 10 ngôi chùa Việt được giới thiệu trong cuốn sách lần này sẽ là nguồn tư liệu quý giá cho những ai nặng lòng với kiến trúc nước nhà. Cho dù những ngôi chùa được nhắc đến đều là các ngôi chùa quen thuộc với người Việt Nam như chùa Hương, chùa Sổ, chùa Kim Liên, chùa Bổ Đà… thì hẳn không ít người sẽ vẫn ngỡ ngàng về vẻ đẹp của chúng trong sách.

 

 

Nhiều hình ảnh được chụp theo mặt phẳng cũng mang tới góc nhìn rõ ràng, trực quan hơn về các kiến trúc. Chẳng hạn như dòng niên đại trên Thượng lương của chùa Bổ Đà (Việt Yên, Bắc Giang) là một góc mà ít người để ý, lần này được chụp với ống góc rộng và rõ nét. Hay hình ảnh các di vật phong phú ở chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội) được chụp cận cảnh, thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc. Hoặc những chữ khắc trên đấu trụ, vì nách trước Tiền đường, chạm khắc trên vì nóc Thiêu hương chùa Giám (Cẩm Giàng, Hải Dương) cũng cho thấy sự đặc trưng của kiến trúc chùa thế kỷ 17. Đặc biệt cuốn sách cũng đề cập đến tình trạng bảo tồn hiện nay của ngôi chùa thuộc “hàng hiếm” này đang ở mức báo động, trong đó các chi tiết trang trí, các kết cấu kiến trúc đã bị hư hại, xuống cấp nặng nề. Biển đồng Bảo vật quốc gia Cửu phẩm Liên hoa đã bị bắt vít gắn thẳng vào hiện vật – ảnh hưởng không nhỏ tới di vật hiếm trong hệ thống chùa Việt này.

 

2/ Về mặt khảo cứu, các bài viết trong cuốn sách đều đưa ra một tổng thuật đầy đủ về lịch sử – kiến trúc – điêu khắc trang trí của 10 ngôi chùa với nhiều kiến giải mới. Có 94 trang bản vẽ, trong đó nhiều bản vẽ ghi đạc họa bằng tay từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, nhiều bản vẽ được đánh giá là “di sản”. Rất hiếm công trình nào giới thiệu đầy đủ đến thế về các ngôi chùa, với tình trạng được cập nhật như vậy.

 

Việc xuất bản cuốn sách này cho thấy sự kỳ công của đội ngũ tác giả, biên tập của Viện Bảo tồn di tích. Ngoài những tư liệu là thành quả của nhiều năm nghiên cứu, lưu giữ, việc chuẩn bị cho cuốn sách này cũng không dễ dàng bởi lượng ảnh trong sách khá lớn. Khác với cuốn sách về kiến trúc đình làng Việt trước đó, những ngôi chùa lần này đều được giới thiệu toàn cảnh bằng không ảnh (sử dụng flycam). Góc nhìn này mang lại nhiều cảm xúc mới mẻ người xem vì lần đầu, những ngôi chùa được nhìn bao quát từ trên cao xuống.

 

TS Nguyễn Hồng Kiên (đồng chủ biên cuốn sách) chia sẻ: Trong tương lai, Viện Bảo tồn di tích sẽ lần lượt ra sách về các loại hình di tích kiến trúc cổ trên cả nước. Năm tới chúng tôi có ý định xuất bản cuốn sách về kiến trúc đền tháp Chăm Pa theo hình thức sách ảnh này. Các tư liệu khác đã khá đầy đủ. Nhưng việc chụp ảnh cả ngoài và trong các di tích đền tháp Chăm Pa không đơn giản, khá tốn kém, nên chúng tôi cũng đang suy tính.