Trang chủ Tết Việt Du xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc trước ngày khai hội mùa xuân

Côn Sơn – Kiếp Bạc trước ngày khai hội mùa xuân

72

Chùa Côn Sơn, Đền thờ Nguyễn Trãi nườm nượp dòng người du xuân, đi lễ. Mặc dù lượng người đông, song môi trường khu vực nội tự và bên ngoài khu di tích rất sạch sẽ. Hệ thống loa liên tục nhắc nhở du khách chấp hành nghiêm các quy định bảo vệ môi trường. Các hàng quán được bố trí đúng nơi quy định. Đặc biệt, tại đây không còn tình trạng chèo kéo, “chặt, chém” khách hay các hoạt động xem bói, ăn xin như đã từng xuất hiện những năm trước. Bác Đỗ Văn Thiêm, 67 tuổi, người xã Lê Ninh (Kinh Môn) đi lễ chùa cho biết: “Đây là lần thứ 3 tôi đến với Côn Sơn. So với các lần trước, Côn Sơn giờ có nhiều đổi thay, các công trình kiến trúc được tôn tạo khang trang, nhất là khu đền thờ Nguyễn Trãi. Hương nhang được hướng dẫn đốt đúng nơi quy định. Không còn gặp cảnh chèo kéo làm phiền khách. Các nhân viên phục vụ tại khu di tích, bãi để xe đều nhiệt tình, chu đáo”.

 


Tuy chưa đến chính hội song nhiều hoạt động văn nghệ như hát quan họ, các trò chơi dân gian đã được tổ chức. Tại tam quan nội, có hai bàn cho chữ đầu xuân do các hội viên của Câu lạc bộ Hán Nôm tỉnh mở phục vụ du khách từ mồng 2 Tết. Bác Đỗ Gia Trụ, hội viên Câu lạc bộ Hán Nôm tỉnh cho biết: Nhu cầu xin chữ đầu xuân đã trở thành nét đẹp của người Việt. Trung bình mỗi ngày có trên 100 du khách tới xin chữ. Những chữ được xin nhiều là Thành, Đạt, Phúc, Trí… Chúng tôi sẽ phục vụ du khách đến hết hội”.

 

 

 

Ông Nguyễn Khắc Minh, Trưởng ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc cho biết: “Phải đến ngày 14 tháng giêng mới bước vào hội chính song ngay từ đầu năm mới đã rất đông người đến di tích đi lễ, chơi xuân. Từ mồng 1 Tết đến ngày 21/02 (tức ngày 12 tháng giêng), khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đã đón hơn 12 vạn lượt du khách tham quan, dâng hương, tăng hơn 20% so với năm ngoái. Trong đó, các ngày mồng 5 và 6 Tết có tới 2,5 vạn lượt người/ngày.

 


Lễ hội truyền thống mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc năm nay diễn ra từ ngày 23 đến ngày 26/02 (tức 14 đến 17 tháng giêng) nhằm tưởng niệm 679 năm ngày mất của Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả (1334-2013), tôn vinh công đức to lớn của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm trong sự nghiệp thống nhất tôn giáo, bảo vệ Tổ quốc; hưởng ứng Năm du lịch quốc gia khu vực đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013; tiếp tục tuyên truyền quảng bá các giá trị của khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc được xếp hạng quốc gia đặc biệt năm 2012; nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống và phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của đông đảo nhân dân cả nước. Đặc biệt, lễ hội năm nay còn có sự kiện công bố Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt 1.

 


Bởi vậy tại Côn Sơn các nghi lễ truyền thống đã được duy trì, phục dựng như lễ dâng hương tại đền thờ Trần Nguyên Đán, đền thờ Nguyễn Trãi, Lễ khai mạc hội xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc, lễ dâng hương tưởng niệm 679 năm ngày viên tịch của Đệ tam tổ Huyền Quang tôn giả, lễ tế trên núi Ngũ Nhạc Linh Từ, lễ đàn Mông Sơn thí thực được tổ chức quy mô lớn hơn và nâng cao về chất lượng. Các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật như chọi gà, hát quan họ, viết thư pháp… cũng phong phú hơn so với các năm trước. Hưởng ứng Năm du lịch quốc gia khu vực đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013, ngoài hội thi đấu vật dân tộc truyền thống, tại Côn Sơn còn diễn ra hai hoạt động văn hóa lớn của tỉnh là Hội thi gói bánh chưng, giã bánh dày và Hội thi pháo đất. Tại di tích Kiếp Bạc cũng có nhiều hoạt động được tổ chức như lễ dâng hương, khai hội mùa xuân, các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật.

 


Bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc cho biết: Ngay từ trước Tết, Ban Tổ chức Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc đã thành lập các tiểu ban an ninh trật tự, nội dung – tuyên truyền, tài chính – hậu cần và đoàn kiểm tra liên ngành với hơn 100 thành viên. Từ trong Tết, Công an thị xã Chí Linh, phường Cộng Hòa, Công an các xã Hưng Đạo, Lê Lợi và lực lượng bảo vệ khu di tích đã tổ chức tuần tra, kiểm soát nhằm bảo vệ cổ vật, đồ thờ, công trình kiến trúc, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn giao thông, ngăn chặn các hiện tượng trộm cắp, các hành vi lừa đảo, cá cược, đánh bạc. Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra hoạt động của các hộ bán hàng, kinh doanh nhà nghỉ, yêu cầu các hộ ký cam kết không “chặt, chém”, ép giá, giữ an toàn, vệ sinh thực phẩm. Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc phối hợp với Ban Văn hóa xã Hưng Đạo thành lập tổ giám sát đội ngũ viết sớ và xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm tại đền Kiếp Bạc. Các loại xe ô-tô bị cấm đi vào khu vực trước tam quan đền Kiếp Bạc nên từ Tết du khách hành hương về đông song không xảy ra tình trạng lộn xộn, ùn ách.

 


Nhìn dòng người nối nhau hành hương về Côn Sơn – Kiếp Bạc những ngày đầu xuân đủ thấy nơi đây có vị trí quan trọng thế nào trong đời sống văn hóa, tâm linh của cộng đồng người Việt.

 

 

 

Chương trình Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc mùa xuân năm 2013

– Ngày 23/02 (14 tháng giêng): thi gói, luộc bánh chưng tại sân đá chùa Côn Sơn.
– Sáng 24/02 (15 tháng giêng): Lễ dâng hương tại chùa Côn Sơn, Đền thờ Trần Nguyên Đán, Đền thờ Nguyễn Trãi. Thi giã bánh giày.
– Sáng 25/02 (16 tháng giêng): Lễ khai hội Côn Sơn – Kiếp Bạc, dâng hương tưởng niệm 679 năm ngày mất Đệ tam tổ Huyền Quang tôn giả, công bố Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Hội thi pháo đất.
– Buổi chiều diễn ra hội vật truyền thống.
– Sáng 26/02 (17 tháng giêng): Lễ tế trên núi Ngũ Nhạc Linh Từ, hội thi đấu vật truyền thống.
19 giờ, lễ đàn Mông Sơn thí thực.
– Ngày 4/3 (23 tháng giêng): Lễ giỗ Đệ tam tổ Huyền Quang tôn giả.
– Các hoạt động: Chọi gà, hát quan họ, viết thư pháp, biểu diễn nghệ thuật… được tổ chức trong cả 3 ngày trọng hội (16 đến 18 tháng giêng).