Rồi cô ta để lại đứa bé ở lại chùa, nói rằng: “Tôi để cho bố nó phải nuôi nấng người con của mình”. Và cô ra về, mất dạng luôn, không ai còn thấy mặt mũi cô ấy nữa.
Tất cả tăng chúng và Phật tử trong chùa đều chưng hửng, sửng sốt, chẳng một ai còn biết ăn nói ra sao nữa. Sau đó vị sư trưởng mới cho gọi sư Ân lên, và nói lại sự việc vừa xảy ra cho nhà chùa. Rồi sư cụ mới tra hỏi sư Ân về đầu đuôi sự việc. Ðáp lại, sư Ân chỉ nói có mỗi một câu gọn lỏn: “Thế à!”.
Kết cục là vị sư trẻ tuổi này phải nhận việc nuôi nấng chăm sóc cho đứa bé, trước sự lạnh nhạt khinh miệt của các Phật tử và các tu sĩ ở chùa.
Năm tháng trôi qua, đứa bé lớn dần và đã rời khỏi chùa lúc trưởng thành. Rồi bỗng một ngày người mẹ năm xưa của đứa bé bỗng lại xuất hiện. Lúc này chị đã lớn tuổi, chững chạc lắm rồi. Chị phân bua với các vị sư trong chùa là: Chị rất hối hận là năm xưa đã “đổ oan cho sư Ân”. Thực ra người bố của đứa nhỏ là người khác. Nhưng vì anh ấy lại bỏ đi mất tiêu, nên chị ta bí quá, nên đành phải đổ vấy cho sư Ân.
Ðến nay, thì chị thấy lương tâm bị cắn rứt quá, và rất ân hận về cái chuyện đã gây ra sự oan ức tày trời như vậy. Và chị xin cải chính về việc này. Sự việc được nói lại cho sư Ân nay đã lớn tuổi và trở thành một nhà sư đáng kính. Nghe xong đầu đuôi câu chuyện, nhà sư cũng y hệt như hồi trước, lại chỉ thốt ra 2 tiếng “Thế à!”
Và kể từ đó, sư Ân được người đời tặng cho cái biệt hiệu là “Hòa Thượng Thế À”.
Câu chuyện này cũng na ná như chuyện “Oan Thị Kính” của Việt Nam vậy. Nàng Thị Kính cầm con dao để cắt sợi râu trên mặt người chồng, lúc ông đang ngủ, thì bị bà mẹ chồng nghi là dung dao nhằm giết chồng. Nên nàng đã phải cải trang là người nam và đi tu ở chùa.
Rồi nàng cũng bị một người con gái tên là Thị Màu quyến rũ, vì cô ta mê sắc đẹp của người tu sĩ trẻ. Nhưng cô lại bị cự tuyệt, nên khi có con, thì lại đổ oan cho tu sĩ hầu báo thù cho sự cự tuyệt này. Và kết cục, vị tu sĩ trẻ đành phải nhận nuôi đứa trẻ, mà không hề bao giờ minh oan cho mình.
Mãi đến khi vị tu sĩ này chết đi, thì người ta mới khám phá ra đó là một phụ nữ giả làm người nam để đi tu, nương náu nơi cửa thiền. Vì thế mà nhân gian mới có chuyện “Oan Thị Kính”.
Bài viết này có tiêu đề “Con phải ráng tập để mà biết thua người ta,” đã được chuẩn bị từ lâu, khi tác giả được người bà con tặng cho một bức thư họa từ ở trong nước mang qua, mà có nhan đề là chữ “Nhẫn” với câu thơ như sau:
“Nhẫn một chút, sóng yên gió lặng
Lùi một bước, biển rộng trời cao.”
Ðối với một người đã bước vào cái tuổi “thất thập cổ lai hi” như tôi bây giờ, thì câu thơ này thật là tâm đắc. Và tôi đã treo bức thư họa này trên bức vách trong phòng làm việc ở nhà mình. Ðến nay, thì các con của tôi đã trưởng thành với tuổi 30-40, đủ chín chắn khôn ngoan cả rồi. Và nhiều người cháu là con của mấy anh chị lớn của tôi, thì cũng đã vào tuổi 50-60 nữa.
Và bài này, tôi có ý viết dành riêng cho lớp con và cháu đó, cũng như cho con cháu của một số bạn thân thiết của tôi nữa. Vì thế tôi rất thoải mái, chân tình bộc lộ suy nghĩ và tình cảm của bản thân mình, trong bàu không khí thân mật ấm cúng của nội bộ gia đình. Mà khỏi cần phải “rào trước đón sau” gì cả.
Kinh nghiệm cho ta thấy là ngay trong nội bộ của mỗi gia đình, thì thường các vụ sứt mẻ đổ vỡ đều bắt nguồn từ sự “háo thắng, nóng nảy” của anh chị em mà phát sinh ra cả. Người này thì đố kỵ, tỵ hiềm hay mặc cảm trước sự thành đạt vẻ vang của người kia.
Cụ thể như hai chị em mà thấy con cái của người kia đậu đạt thành công, thì thay vì vui mừng cho đứa cháu của mình, thì lại đâm ra ghen tức vô lối mà xa cách, lạnh nhạt với chính người ruột thịt của mình.
Xét cho kỹ, thì đó cũng đều do cái tính vị kỷ, cái bệnh kiêu căng hợm hĩnh, quá coi trọng cái “bản ngã” của mình mà đâm ra vừa “tự tôn”, vừa tự ti” ngay cả đối với anh chị em trong gia đình mình.
Cần phải ghi lại cái tinh thần truyền thống cố hữu mà vốn là rường cột để giữ vững một gia tộc gắn bó keo sơn bền chặt lâu đời với nhau, đó chính là do niềm tự hào, mảnh đất chung của mọi thành viên trong tập thể dòng tộc (pride and common ground of the collectivity).
Như lời phát biểu của văn hào Antoine de Saint-Exupery người nước Pháp: “Yêu nhau là cùng với nhau nhìn chung về một hướng”. Và trong nội bộ một gia đình, thì cái hướng nhằm đó chính là để xây dựng tương lai tươi sáng cho lớp con, lớp cháu. Và muốn được như vậy, thì mỗi thành viên trong gia đình phải biết nhường nhịn lẫn nhau, phải biết “chịu thua người anh, người chị em của mình” đi, cốt yếu để mà giữ được cái sự hòa khí thuận thảo, ấm cúng trong nhà với nhau.
Ðiều này cha ông chúng ta đã dậy bảo rất kỹ lưỡng, trong câu nói ngắn gọn mà rõ rệt này: “Một câu nhịn, chín câu lành.” Hay trong khẩu hiệu chỉ với bốn chữ: “Dĩ hòa vi quý.” Trong kinh cầu nguyện của người Công giáo, cũng có lời khuyên nhủ như sau: “Nhịn kẻ mất lòng ta.”
Ðó là chuyện trong nội bộ của gia đình. Còn ở ngoài xã hội, với tình trạng “bá nhân, bá tính”, thì cái chuyện thuận hòa, thuận thảo giữa nhiều người với nhau lại càng khó khăn, phức tạp hơn gấp bội phần. Thông thường thì người có tài ba, có quyền thế, có tiền của hơn người khác, thì dễ đâm ra kiêu căng, tự mãn và tỏ thái độ coi rẻ, khinh thường đối với người khác. “Có tài, có tật” như dân gian thường nói là như vậy.
Ấy thế mà nếu ta cứ chấp nhất, bắt lỗi với họ, thì ta sẽ luôn luôn gặp phải sự đối đầu căng thẳng, khiến cho tạo ra sự bất an, khó chịu cho chính bản thân mình trước đã. Gặp trường hợp như thế, tốt nhất là ta nên tránh né đi là hơn, như tục ngữ vẫn nhắc: “Tránh voi chẳng hổ mặt nào!”
Phật giáo cũng thường khuyên con người phải tập cho được cái tinh thần “vô chấp” trước mọi nghịch cảnh trên đời; thì đó mới chính là cái bí quyết để sống thanh thản hạnh phúc vậy.
Nhà hiền triết Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết một câu thơ bất hủ như sau:
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người kiếm chốn lao xao.
Cái gương của Trương Lương-Hàn Tín trong lịch sử Trung Quốc thật đáng cho ta suy ngẫm. Cả hai người đều có công trạng rất lớn lao để giúp Lưu Bang gây dựng được cơ đồ nhà Hán. Nhưng khi thành công rồi, thì Trương Lương lại bỏ đi biệt tăm, không hề màng gì đến danh lợi với bổng lộc phú quý. Trong khi đó thì Hàn Tín ở lại và được cử làm Thừa tướng với mọi quyền bính, danh vọng giàu sang phú quý. Nhưng rốt cuộc, thì sau cùng Hàn Tín lại bị chết thảm, lúc triều đình đổi ngôi.
Thành ra “cái dại” của Trương Lương lại chính là sự khôn ngoan, mà sau này được ghi thành khẩu hiệu sau đây: “Công thành, thân thoái”, tức là lúc thành công rồi, thì người khôn ngoan phải tìm cách thoái vị đi, và nhờ vậy mà thoát được hậu họa như trường hợp của Hàn Tín.
Từ xưa cha ông ta vẫn thường nhắc nhủ là: “Phải thêm bạn, mà bớt thù.” Nhờ vậy mà ta mới có được cuộc sống an vui, hạnh phúc, không còn gặp những điều phiền phức khó chịu do nhiều kẻ thù địch thường hay gây ân oán với mình.
Nói thì dễ, nhưng mà đem áp dụng lời khuyên bảo này trong thực tế cuộc sống, thì phải rất là kiên nhẫn, chịu đựng lắm mới có thể thành công được. Kinh nghiệm của cha ông ta thuở xưa thường được đúc kết trong những câu phong dao, tục ngữ ngắn gọn, dễ nhớ. Cụ thể như câu : “Lạt mềm buộc chặt”, “Nhu thắng cương”, “Nhân nghĩa thắng hung tàn”… Tức là các cụ có ý nhắc con cháu như sau: Cứ từ tốn, nhỏ nhẹ, khiêm tốn, mà nhã nhặn kiên nhẫn, thì rốt cuộc thế nào ta cũng sẽ vượt thắng được mọi thử thách, nghịch cảnh khó khăn đó thôi.
Cái bài học quý giá nhất mà tôi tiếp thu được của Ðỗ Ngọc Yến từ trên 40 năm nay, kể từ lúc anh giữ chức vụ tổng thư ký của Chương Trình Công Tác Hè năm 1965 tại Saigon, đó chính là cái thái độ khiêm tốn, nhã nhặn và luôn luôn đề cao, khích lệ vai trò tích cực của các bạn đồng sự với mình. Rõ ràng là Yến có cái tâm trong sáng, cái đức tận tụy hy sinh, và nhất là sự chịu đựng nhẫn nhục trước những khiêu khích ngang bướng của những người không ưa thích, hoặc hiểu lầm đối với mình. Và nhờ cái đức độ lớn lao như vậy, mà Ðỗ Ngọc Yến mới quy tụ được bao nhiêu bạn hữu với tài ba thật đa dạng, phong phú để cùng hợp tác xây dựng được nhiều công trình tốt đẹp, mà bền vững
Ðiều này, tôi vẫn thường nhắc nhủ lũ con của tôi là “Các con nên theo gương của chú Yến đó. Chú luôn luôn nhường nhịn, chịu thua người ta. Mà nhờ vậy, chú ấy mới làm được những việc mà ít có người trong lứa tuổi của chú lại có thể làm được…”
Tấm gương trong sáng của Ðỗ Ngọc Yến là một minh họa rất thích hợp cho lời tôi khuyên nhủ với lũ con và cháu của tôi như đã ghi tại nhan đề của bài này:
“Con phải ráng tập để mà biết thua người ta.”
California, Tháng Hai 2009