Trang chủ Tết Việt Cảm xúc Tết Còn mãi những mùa xuân

Còn mãi những mùa xuân

105


Có lẽ vì thế xuân luôn là đề tài cho thi nhân rung động trước cảnh: cảnh thiên nhiên, cảnh đời mà chấp bút đề thơ – Xuân hà hơi, tiếp sức cho thi sĩ hóa thân vào cuộc đời. với nhà thơ Thanh Hải – Xuân đáng trân trọng làm sao. Bài thơ: “Mùa Xuân nho nhỏ” của ông là một ví dụ. Thật ra, Xuân đối với Thanh Hải không hề “nho nhỏ” mà Xuân đang mang trong mình hơi hướm của sự sống. Xuân lung linh, đầy sắc màu của tình yêu: yêu đời, yêu người tha thiết.


Mở đầu bài thơ, tác giả đã miêu tả đặc trưng của Mùa Xuân, chỉ có mùa Xuân mới có cảnh vật ngạt ngào như thế :


“ Mọc giữa dòng sông xanh


Một bông hoa tím biếc”


Dòng sông xanh là một dòng sông thanh bình yên ả – đó là tín hiệu báo mùa xuân dần về sắc tím biếc của bông hoa nổi trội, đậm đà, nồng ấm cả dòng sông xanh- Xuân là thế, dịu dàng mà nồng đượm sắc hương. Bông hoa là có thật, hay chỉ là dáng hình của miềm tin ? Niềm hy vọng là sắc màu tím biếc thân quen của quê hương mãi in đậm trong tâm tưởng nhà thơ thấp thoáng trong câu thơ màu tím của chiếc áo dài nữ sinh xứ Huế từng là ấn tượng khó phai của người dân Cố đô. Mùa Xuân ở đây thật hào phóng nên sẵn sàng trao tặng cho ai biết trải rộng lòng mình:


“ Ơi ! con chim chiền chiện


Hót chi mà vang lừng


Từng giọt long lanh rơi


Tôi đưa tay tôi hứng …”


Tiếng gọi “ơi” nghe sôi nổi và tha thiết biết bao. Nhà thơ đã đón nhận mùa xuân với tất cả sự thăng hoa của tâm hồn, điêu luyện trong ngòi viết. Câu thơ cứ như câu nói tự nhiên không trau chuốt từ ngữ nhưng vẫn mang âm hưởng thi ca. Câu hỏi tu từ “ hót chi” thể hiện tâm trạng đùa vui, nô nức của tác giả trước giai điệu của mùa Xuân. Tiếng chim hót trong trẻo, vang lừng xa như gần lại rõ ràng, tròn trịa kết thành những giọt sương óng ánh sắc màu, đọng lại thành giọt long lanh rơi, rơi mãi. Nhà thơ đã tưởng tượng bằng tất cả sự rung động của tâm hồn “tôi đưa tay tôi hứng” Người đang hứng những tiếng chim hót cứ như là hứng những giọt mưa rơi. Từ tưởng tượng tác giả chuyển sang cảm giác thật tinh tế và tài hoa. Làm sao có thể hứng những âm thanh không hình dáng, kích thước ấy nhưng thật ra âm thanh đó đã rót vào trái tim mẫn caûm với cuộc sống tinh tế với mọi âm thanh, sắc màu:


“ Ta làm con chim hót


Ta làm một nhành hoa


Ta nhập vào hòa ca


Một nốt trầm xao xuyến”


Ðến đây, nhà thơ không còn cầm bút nữa mà đang ôm đàn, gõ phách hát bài ca mùa Xuân, bài ca cuộc sống. Nhà thơ muốn hóa thân vào muôn loài vạn vật, làm tươi đẹp rộn ràng cho cuộc sống: một tiếng chim hót trong buổi sáng mai bắt đầu một ngày mới; một nhành hoa tô điểm cho vườn hoa cuộc đời; một nốt trầm làm xao xuyến vạn trái tim. Tất cả đã thể hiện niềm khát khao sống, khát khao hiến dâng đến khôn cùng của tác giả. Ðiều đáng nói ở đây là khi sáng tác bài thơ, nhà thơ đang nằm trên giường bệnh. Trong cái tuổi đương xuân của đời người ấy có mấy ai chấp nhận được sự thật là mình sắp lìa khỏi cõi đời với phong thái yêu đời an nhiên giữa mùa xuân như thế.


Với Thanh Hải, không ai đoán trước được bài thơ “Mùa Xuân nho nhỏ” của ông sẽ tồn tại bao lâu nhưng ít ra trước khi ra đi, ông đã để lại cho độc giả một bài thơ yêu đời, hồn nhiên đến lạ và giữ lại trong ông một phong cách thơ bình dị, chân thành.


Xin cám ơn mùa Xuân, cám ơn thi nhân đã để lại cho đời những vần thơ vượt thời gian làm ấm lòng độc giả trong những nỗi mưu sinh nhọc nhằn của cuộc sống.