Vì vậy, Thánh Paul của Thiên Chúa Giáo có câu thời danh: “Điều thiện mà tôi muốn làm thì tôi không làm, điều ác mà tôi không muốn làm, thì tôi cứ làm” (chuyển dẫn từ bài “Christ versus Socrates”, tác giả: Reinhold Siebshr, trong tập “Toward Liberal Education”, Cựu Ước, trang 774).
Qua nhận xét trên, chúng ta lại càng hiểu rõ thêm vì sao Phật giáo đời Trần lại cho rằng cốt lõi của sự tu hành là Biện tâm. Biện tâm là từ ngữ vua Trần Thái Tông, đồng thời là một Thiền sư lỗi lạc đời Trần, đã dùng trong tác phẩm Khóa Hư Lục với câu thường được dẫn chứng: “Đừng hỏi ẩn tu giữa thành thị hay ẩn tu trong núi rừng, không nên phân biệt xuất gia hay tại gia, tăng hay tục, mà chỉ cần biện tâm …”
Biện tâm là tìm hiểu tâm, cải tạo tâm, sử dụng tâm như ý mình muốn.
Thế nhưng con người hiện đại, như tất cả chúng ta có mặt tại đây biện tâm như thế nào? Qua kinh nghiệm tu học bản thân, tôi thấy có bốn phương pháp biện tâm mà con người hiện đại, ở đâu, lúc nào và làm gì đều có thể thực hành. Đó là:
1) Luôn luôn tỉnh giác trong mọi hoạt động và sinh hoạt hàng ngày (sách Phật, cũng gọi là hành thiền tích cực), còn các Thiền sư Tây Tạng giảng thuyết ở phương Tây, thì dùng từ đơn giản là đưa tâm về nhà.
2) Mở rộng trái tim, mở rộng tình thương.
3) Khi có điều kiện, thì thực hành điều gọi là hành thiền tuyêt đối, tức là giữ tâm thật tĩnh lặng để tìm hiểu cái tâm thật sự tĩnh lặng như thế nào.
4) Trong đời thường, hãy cố gắng thực hành nếp sống theo tám điều dạy của Đức Phật (sách Phật gọi là Bát Chánh Đạo).
Như chúng ta biết, Phật giáo là cả một kho kinh nghiệm quí báu, tích lũy trong gần 3000 năm, về các biện pháp tìm hiểu tâm, cải tạo tâm và sử dụng tâm, nói tóm lại tức là biện tâm, mà vua Trần Thái Tông, trong cuốn Khóa Hư Lục đã giới thiệu như là biện pháp tu tập hàng đầu của Tăng Ni Phật tử đời Trần.
Nội dung bài viết sau đây chính là giới thiệu các pháp biện tâm đó.
*
Như chúng ta thấy, ngay dưới đời Trần, vua Trần Thái Tông đã nhận thức về một Đạo Phật dành cho tất cả mọi người, ai cũng tu được, ở đâu cũng tu được, hành trì được miễn là chúng ta biết biện tâm. (Mạc vấn đại tiểu ẩn, hưu biệt xuất gia tại gia, bất câu tăng tục nhi chỉ yếu biện tâm …); nghĩa là: đừng hỏi ẩn tu giữa thành thị hay ẩn tu trong núi rừng, không nên phân biệt tại gia hay xuất gia, tăng hay tục mà chỉ cần biện tâm …).
Như vậy, tu hành theo Đạo Phật chủ yếu là ở biện tâm, nghĩa là tìm hiểu tâm, cải tạo tâm và sử dụng tâm. Qua học hỏi và kinh nghiệm bản thân, tôi thấy có những phương pháp biện tâm sau đây thích hợp với đời sống của con người ở mọi lứa tuổi hiện đại:
I – Hành thiền tích cực toàn tâm hết lòng làm mọi việc trong cuộc sống hàng ngày.
Người Nhật gọi đó là hành thiền tích cực (positive samadhi). Do tâm chúng ta như con khỉ luôn luôn động, lăng xăng không yên cho nên biện pháp hay nhất là làm việc gì cũng biết gắn tâm mình vào đấy, không xao lãng mà trái lại luôn luôn tỉnh giác. Kinh nghiệm bản thân chúng tôi thấy đó là một phương pháp rất hiệu quả để làm cho tâm dần dần bình lặng.
Chúng ta nhớ câu của Quốc sư Viên Chứng nói với vua Trần Thái Tông: Tâm lặng mà biết thì đó là vị Phật thật (Tâm tịch nhi tri thị vi chân Phật).
Nếu suy nghĩ logic thì như thế này: Tâm lặng thì sáng, sáng thì thấy, thấy thì ít phạm sai lầm. Biện pháp tuy đơn giản như vậy, nhưng hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài đều rất lớn. Hãy nghĩ xem: đại bộ phận các tai nạn giao thông đều ít hay nhiều do người điều khiển phương tiện giao thông và cả người đi đường nữa thường để tâm ở đâu đâu!
Làm việc gì từ nhỏ đến lớn, nếu biết để hết tâm mình vào đấy, thì công việc dễ dàng thành công mỹ mãn.
Còn nói tác dụng xa thì đó là con đường dẫn chúng ta tới giác ngộ và giải thoát. Khi hàng ngày ngồi thiền theo dõi hơi thở ra, vào, chúng ta cột tâm của chúng ta lại, cột vào hơi thở ra vào, không để cho nó chạy lung tung. Tự nhiên, dần dần chúng ta cũng cảm thấy bình lặng.
Hành thiền kiểu như vậy cũng là một phép dưỡng thần rất tốt. Đây là cái chìa khóa đem lại an lành và sức khỏe, không kể những tiến bộ tâm linh mà phương pháp đó đem lại cho chúng ta mỗi ngày.
Hành thiền tích cực là đảm bảo tâm có mặt trong mọi ý nghĩ, lời nói và việc làm của chúng ta, dù chúng ta ở đâu hay làm gì. Làm như vậy không những để tránh phân tán tư tưởng trong mọi hành động, lời nói và ý nghĩ của chúng ta, mà còn nhờ đó hành động, lời nói và suy nghĩ của chúng ta tập trung hơn, hiệu quả hơn. Có thể nói đây là cái chỉa khóa, cái bí mật của mọi thành công ở đời. Sống với cái tâm luôn luôn tỉnh giác, thì sẽ sống an toàn, sống có hiệu năng, sống hạnh phúc và an lạc. Nhưng có một điều rất tốt nữa là sống tỉnh giác có quan hệ đến chuyện biện tâm mà vua Trần Thái Tông nói đến trong Khóa Hư Lục – bài Khuyến phát tâm văn, nghĩa là muốn biện tâm thì trước hết không để cho tâm chạy nhảy lung tung. Như trong Kinh Pháp Cú dạy:
Tâm hoảng hốt dao động,
Khó hộ trì, khó nhiếp (Kệ 33)
Tâm này vùng vẫy mạnh (Kệ 34)
Khó nắm giữ, kinh động,
Theo các dục quay cuồng. (Kệ 35)
Hay:
Ai tâm không an trú,
Không biết được chân diệu pháp. (Kệ 38)
Đức Phật mô tả tâm chúng sinh như vậy cho nên Ngài khuyên nhủ chúng ta phải biết uốn nắn, điều phục và an trú tâm. Hành thiền tích cực đảm bảo tâm luôn luôn có mặt trong mọi hành động, lời nói và suy nghĩ của mình, hay là nói như trong sách Phật, tức là luôn luôn tỉnh giác, sống trong tỉnh giác, hành động nói năng, suy nghĩ trong tỉnh giác.
Theo tôi đó là biện pháp hữu hiệu nhất để thực hành biện tâm trong thời đại hiện nay.
II – Mở rộng trái tim.
Cùng với hành thiền theo kiểu tích cực như đoạn trên vừa nói, nếu chúng ta biết mở rộng trái tim tỏ lòng mẫn cảm và thương yêu đối với mọi người, mọi vật thì đây cũng là một biện pháp biện tâm rất tích cực. Tình thương là một xu thế tự nhiên và bản năng trong mỗi người, mỗi sinh vật. Nếu người cha, người mẹ, đặc biệt là người mẹ biết bồi dưỡng tình thương ở nơi con mình bằng bú mớm, săn sóc, nuôi dưỡng chu đáo với tất cả tình thương của người mẹ thì khi lớn lên người con cũng biết yêu thương mọi người, mọi vật. Biết sống với tình thương, đó là hạnh phúc chân chính và là ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Tình thương đó chính là lòng từ mà Đạo Phật dạy. Sống với lòng từ chính là sống với tâm trạng tốt nhất ở thế gian này. Tình thương trong sáng là suối nguồn của mọi sáng tạo, mọi điều lành, điều thiện. Tình thương cũng là cái nôi giúp cho trí tuệ bừng sáng. Sống với tình thương đối với mọi người, mọi vật là biểu hiện lòng thành tín cao nhất. Không phải không có lý do mà Ngài Đạt Lai Lạt Ma Tenzin Gyatso đã từng phát biểu: Trái tim tôi là ngôi chùa của tôi, tình thương là triết lý của tôi. Tôi không cần một triết lý phức tạp nào khác.(Cuốn sách Tây Tạng của sự sống và sự chết – Sogyal Rinpoche, The Tibean book of living and dying).
III – Hành thiền tuyệt đối.
Với hành thiền tuyệt đối người Phật tử không phải đơn thuần theo dõi mọi hành tướng của thân và tâm một cách tỉnh giác, nhằm đạt tới hiệu quả dự định. Trong hành thiền tuyệt đối (Absolute samadhi) chúng ta tuy vẫn giữ nguyên thái độ tỉnh giác nhưng ngưng dòng tư duy lại, giữ tâm hoàn toàn bình lặng. Tâm lặng mà biết, đó là ông Phật thật – theo lời Quốc sư Viên Chứng nói với vua Trần Thái Tông khi vua từ bỏ kinh đô lên núi Yên Tử để tìm Phật.
Câu nói ngắn gọn đó, trên thực tế là một phương pháp hành thiền mà các thiền sư sau này gọi là hành thiền tuyệt đối, nhằm thành tựu một sự bình lặng tuyệt đối trong tâm, không bợn một ý niệm, một cảm xúc nào hết. Đấy là điều, là cảnh giới mà Trần Thái Tông mô tả là Tọa thiền tức niệm, vật sanh kiến giải (Tọa thiền luận, Khóa Hư Lục). Nghĩa là: Ngồi thiền, dứt bỏ mọi niệm, không có tìm hiểu gì hết. Đó là một cảnh giới không thể nghĩ bàn, siêu việt tư duy bình thường.
Cái khó nhất của người Phật tử sống trong thời buổi bận rộn hiện nay của xã hội hiện đại, là trong một ngày dành được cho mình một ít thời gian để hành thiền tuyệt đối. Nhưng số thời lượng đó thật đáng giá, vì trong những giờ phút hiếm hoi đó, dành cho hành thiền tuyệt đối, con người có khả năng siêu việt thân phận người, đạt tới một cảnh giới không nghĩ bàn … Điều đó cũng đồng nghĩa là con người sẽ không bị cám dỗ, rơi vào suy nghĩ, hành động theo dục vọng thường tình, sẽ nhận lấy những kết quả xấu.
IV- Sống theo Bát chánh đạo.
Nhưng rồi, cuộc sống bình nhật lại kéo chúng tạ trở về với nhịp sống bận rộn của xã hội hiện đại, với trăm công nghìn việc không thể bỏ qua. Lúc này chúng ta lại tỉnh giác thực hành nếp sống gồm tám yếu tố, tức là con đường diệt khổ mà sách Hán Bắc Tông gọi là Bát chánh đạo . Đó là:
(1) Nhận thức đúng đắn: Kinh sách Hán Bắc tông thường dịch là Chánh tri kiến. Giải quyet bất cứ gì cũng bắt đầu bằng một nhận thức đúng đắn đối với công việc đó.
(2) Động cơ đúng đắn: Làm bất cứ việc gì cũng phải có động cơ đúng đắn. Sách Hán Bắc tông viết là Chánh tư duy nghĩa là suy nghĩ đúng đắn, ý nghĩa so với Kinh sách Nam Tông tuy có rộng hơn nhưng không cụ thể bằng.
Đối với Phật học cũng vậy, chúng ta cần nhận thức đúng đắn mục đích của Phật học, Phật pháp là giúp chúng ta nhận thức đúng đắn, ở đời thế nào là khổ đau, phiền não và thế nào là an lạc hạnh phúc và con đường dắt dẫn chúng ta từ đau khổ đến hạnh phúc như Đức Phật đã vạch ra là như thế nào?
Con đường đó ngoài hai điều nói trên là nhận thức đúng đắn và động cơ đúng đắn còn đòi hỏi chúng ta phải:
(3) Nói năng đúng đắn: (Sách Hán: Chánh ngữ) Nghĩa là nói sự thật thay vì nói dối, nói hòa nhã thay vì nói ác độc, nói đoàn kết thay vì nói chia rẽ và nói lời có ích thay vì nói lời vô nghĩa.
(4) Hành động đúng đắn: (Sách Hán: Chánh nghiệp) nghĩa là không giết mà coi trọng mạng sống là thiêng liêng. Không lấy của không cho mà bố thí, không tà dâm mà sống nếp sống trong sáng.
(5) Sinh sống đúng đắn: (Sách Hán: Chánh mạng) nghĩa là sống bằng nghề nghiệp chính đáng , lao động chính đáng, không lừa đảo, buôn gian bán lận, không tham nhũng, chiếm của công làm của riêng.
(6) Siêng năng đúng đắn: (Sách Hán: Chánh tinh tấn) nghĩa là siêng năng tránh mọi điều ác làm mọi điều lành, luôn giữ tâm ý trong sáng thanh tịnh.
(7) Nghĩ, nhớ đúng đắn: (Sách Hán: Chánh niệm) tức là giữ chánh niệm tỉnh giác, luôn hướng tới điều lành, điều thiện, hướng tới giác ngộ và giải thoát.
(8) Tập trung tư tưởng đúng đắn: (Sách Hán: Chánh định). Nhờ có 7 điều trên làm được tốt mà tâm người Phật tử dần dần trở thành bình lặng, tập trung sáng suốt. Cái tâm bình lặng đó là căn bản của hạnh phúc và an lạc chân chính, của giác ngộ và giải thoát chân chính.
Trong tám điều nói trên, thậm chí chúng ta không nghe nói tới Phật và Phật pháp. Bởi lẽ tám điều đó đều minh bạch có lợi ích rõ ràng, dù là Phật tử hay không phải Phật tử đều sống theo được, xuất gia hay tại gia, nam hay nữ đều sống theo được.
Học Phật không gì hay hơn là học lối sống mà Đức Phật dạy tức là Bát chánh đạo. Thực hành Đạo Phật cũng không gì hay hơn là thực hành Bát chánh đạo.
Nhìn qua thì đơn giản vô cùng, nhưng lại mầu nhiệm, sâu xa không lường. Nếu chúng ta ngày ngày học tập và thực hành 8 điều của Bát chánh đạo từ nhận thức đúng đắn đến nghĩ, nhớ đúng đắn thì một cách tự nhiên không phải cố gắng, tâm chúng ta trở nên bình lặng, trong sáng, nhuần nhuyễn lạ thường. Chúng ta không khó nhọc lắm tiến vào cảnh giới hành thiền tuyệt đối không thể nghĩ bàn.
Làm việc gì cũng hết mình hết lòng, mở rộng trái tim thương yêu mọi người, mọi vật, hành thiền tích cực mọi lúc, mọi nơi. Hành thiền tuyệt đối khi có điều kiện và bao quát lên tất cả là sống theo Bát chánh đạo, theo lời dạy của Đức Phật.
Theo tôi, đây có thể là phương pháp tiếp cận Đạo Phật một cách sống động nhất hiệu quả nhất. Ai cũng có thể học được, làm được; ở đâu cũng có thể học được, làm được.