Trang chủ Bài nổi bật Con đường thanh cao nhất mà ở đó con người được giải...

Con đường thanh cao nhất mà ở đó con người được giải thoát

282

Bạch sư phụ,

Khi tham gia những hoạt động tình nguyện, con luôn muốn nhẹ“nghiệp” của mình, con muốn được người khác ca ngợi, trong lòng con cũng trào lên khát vọng muốn học thêm những kĩ năng mà mình còn yếu kém. Với tâm thế như vậy, sự “cống hiến” vì bản thân này có thể được gọi là “cống hiến” hay không?

Đáp: Những việc mà người ta làm ở trên đời có thể được chia thành ba loại. Loại thứ nhất là lao động giống như nô lệ, hay còn gọi là sự lao động không được báo đáp, chẳng khác nào nô dịch bị ép buộc. Nhìn lại lịch sử nhân loại, từ bao đời nay, có vô số người đã từng bị ép buộc phải cống hiến thành quả lao động của mình cho kẻ khác. Khoảng 80-90% dân số bị giai cấp thống trị sử dụng theo ý mình để phục vụ cho cuộc sống xa hoa, an nhàn, cao ngạo của họ.

Loại thứ hai là lao động tiền lương, nghĩa là dùng tài nghệ, trí tuệ và sức lực của mình để đổi lấy tiền lương. Ngày nay, đại đa số mọi người đều thuộc vào loại lao động này, họ được gọi là nhóm người làm công ăn lương.

Loại thứ ba là những người tuy đã bỏ ra sức lao động, nhưng lại không được trả công gì. Nguyên nhân là bởi, loại lao động này là phục vụ bản thân mình. Chẳng hạn, sau khi đã rửa mặt sạch sẽ, bạn có thể chìa tay xin tiền người khác không? Hay là sau khi đã tắm rửa sạch sẽ, sảng khoái, có thể đòi lương không? Tắm gội cho người khác còn có thể nhận tiền, chứ tắm cho mình thì có thể mở miệng đòi tiền ai? Làm việc gì đó cho bản thân thì không cần thiết phải đắn đo về tiền. Nếu có thể không phân biệt ta và người, coi người kia cũng là người một nhà, coi việc ngoài đời là việc của mình, có vậy thì dù là việc gì cũng không so đo thu nhập. Điều này cũng giống như đem trí tuệ và tài năng của mình phục vụ cho bản thân, cho xã hội. Đó được gọi là sự cống hiến tự nguyện, nhà Phật gọi là “Bồ tát hạnh”. Tuy nhiên, sự cống hiến tự nguyện này đôi lúc dễ bị nhầm lẫn với lao động bắt buộc, bởi vì cả hai loại lao động này đều không được trả lương. Điểm khác nhau nằm ở tính tự phát và tính bắt buộc.

Bạn muốn cống hiến là bởi bạn tin rằng “kỹ nghệ và tài năng của tôi không phải là thứ thuộc về riêng tôi”. Vì vậy, khi “tôi” phục vụ xã hội, đó là tấm lòng chân thành của tôi, tích cực lao động là lẽ đương nhiên, chứ không ham được đền đáp. Tâm thế ấy xuất phát từ quan niệm “vô sở hữu” của nhà Phật. Ranh giới giữa “ta” và “người” không cần phải quá rõ ràng, việc của ta và việc của người cũng không cần tính toán quá minh bạch, làm cho anh, cũng chính là làm cho tôi, cống hiến cho xã hội, cũng chính là cống hiến cho bản thân. Nếu đã thành tâm đến vậy, đâu còn phải tính toán thiệt hơn?

Đó mới là tinh thần cống hiến tự nguyện chân chính. Phụng sự là con đường mà hàng ngàn năm về trước đức Phật đã giác ngộ và chỉ ra cho chúng sinh. Con đường ấy bằng phẳng, thênh thang, đưa người ta thẳng tiến tới sự giải thoát. 

Vứt bỏ quan niệm “hi sinh bản thân vì xã hội”

Sự “cống hiến” mà chúng ta đang nói, vẫn đang ở trong giai đoạn quá độ từ lao động tiền lương chuyển sang lao động tự nguyện. Khi chúng ta bỏ ra sức lao động đáng giá cả triệu, nhưng lại chỉ được trả lương trăm ngàn, điều đó sẽ thể hiện được tấm lòng muốn “cống hiến” của chúng ta. Vì là tự nguyện cống hiến, nên sẽ không ngần ngại chuyện báo đáp, người cống hiến chỉ mong sao tấm lòng của mình được người khác thấu hiểu, sự lao động vất vả cũng được người khác biết đến, và trong lòng thầm mong được nghe người khác nói một câu “anh/chị vất vả quá!”. Nếu đã lao động mệt nhọc mà chẳng được người ta ngợi khen, cũng sẽ cảm thấy hụt hẫng, chẳng khác nào không nhận được khoản tiền mà lẽ ra được nhận.

Sự “cống hiến” mà chúng ta đang nói ở đây vẫn chưa hoàn toàn được coi là cống hiến. Đã bao lâu nay chúng ta lao động và được hưởng lương, khi thực sự thể nghiệm việc cống hiến tình nguyện, cho dù là không nhận tiền, nhưng vẫn muốn được tiếng tốt hay một thứ gì khác để thay thế cho tiền thù lao. Nếu muốn đạt đến sự cống hiến thực sự, buộc phải có tinh thần “Bồ tát hạnh”.

Vị độc giả nêu câu hỏi nói rằng sau khi tham gia hoạt động tình nguyện, luôn mong muốn được người khác quan tâm và khen ngợi, điều này hoàn toàn có thể hiểu được. Bởi vì, có rất nhiều người chưa từng tham gia tình nguyện, các tình nguyện viên nhận được sự tôn trọng và ngợi ca âu cũng là lẽ đương nhiên. Ngày nay, ở các nước phương Tây, có không ít người đầu tư vào các hoạt động tình nguyện. Gần đây, ở Hàn Quốc cũng có rất nhiều người tham gia tình nguyện, và càng ngày con số đó càng tăng thêm. Trong các dịp Thế vận hội Olimpic, World Cup không thể thiếu bóng dáng của các tình nguyện viên, hay các hoạt động quốc tế cũng thường xuyên chiêu mộ họ. Nếu chỉ nói là “phục vụ”, rất có thể sẽ bị hiểu sai nghĩa, cho nên, sau từ “phục vụ” phải cho thêm hai chữ “tình nguyện” thì mới có nghĩa là tình nguyện cống hiến. Hay nói cách khác là thành tâm thành ý muốn cống hiến chút sức lực của mình mà không cần đền đáp.

Tuy nhiên, người tu hành lại chính là “Bồ Tát”. Họ là những người cống hiến thực sự. Những người tu hành đang quyết tâm theo dấu chân Phật bước lên con đường chí thiện, song nếu còn cảm thấy đang hi sinh thân mình để tạo phúc lợi cho chúng sinh, cho nhân loại, thì thực ra, họ đã không cùng đường đức Phật rồi. Vì suy nghĩ ấy sau cùng rồi cũng sẽ biến thành thù ghét và oán hận.

“Tôi đã hi sinh cho người nhiều như vậy, mà người không báo đáp lại tôi chút nào”, người tu hành dù chỉ tự tâm niệm như vậy thôi cũng không được. Bạn đã cống hiến, rồi lại muốn được ca ngợi, chứng tỏ ở nơi sâu thẳm trái tim, bạn vẫn mong muốn được báo đáp, cho dù không phải là tiền thì cũng là một điều gì đó kiểu như một lời khen ngợi. Điều này tuy có thể coi là sự “cống hiến” trong thế tục, nhưng lại cách xa cảnh giới “Bồ tát” và cũng chưa thể được đứng ngang hàng với tinh thần cống hiến triệt để mà người tu hành hằng theo đuổi.

Do đó, bạn hãy cứ tiếp tục hoạt động tình nguyện, phụng sự của mình, đồng thời hãy tịnh tâm, thanh lọc tâm hồn và từ bỏ mong muốn được người đời tán dương, dần dần lĩnh hội tinh thần cống hiến chân thành, không chút tư lợi của bậc tu hành.

Trích “Thiền trong công việc”

M.Thuận – M. Hương lược dịch