Thực hiện vai trò Phật giáo là đạo nhà, là tín ngưỡng tâm linh căn bản của dân tộc
Hòa thượng Thích Quảng Đức viết “Thân tôi dù cháy linh thiêng máu, Thân thức tôi luôn giúp đạo nhà”.
“Đạo nhà” ở đây là tín ngưỡng tâm linh căn bản, là đạo lý sống của dân tộc. Ở nước ta, đạo nhà là thờ tổ tiên và thờ Phật. Đạo Phật ở Việt Nam đã hòa nhập và hòa hợp nhuần nhuyễn với đạo thờ Tổ tiên, thống nhất sâu sắc với những giá trị tinh thần tốt đẹp của Việt Nam và đã trở thành đạo Phật dân tộc. (Tôn giáo dân tộc, về thực chất, có mặt khác với tôn giáo Nhà nước, “quốc đạo”).
Trong lịch sử, đã có những giai đoạn Phật giáo được sùng bái, đề cao, trở thành lực lượng tinh thần chủ yếu chi phối và chỉ đạo xã hội như vào các triều đại Lý – Trần; hay được triều đình chính thức bảo trợ như dưới thời một số chúa Nguyễn ở đàng Trong. Lịch sử đã chứng thực sự đóng góp của Phật giáo vào nền thịnh trị, hùng cường và an lạc của các giai đoạn lịch sử ấy như thế nào. Thế nhưng, đến thời Lê Mạc và các triều vua Nguyễn, nhất là dưới ách thống trị của thực dân Pháp gần một thế kỷ, cũng như nhiều tinh hoa và giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp khác của dân tộc, đạo Phật đã bị hủ hóa, suy thoái, thậm chí trộn lẫn cả mê tín, lai tạp về lòng tin và dung tục về hành đạo. Thực dân Pháp (và tay sai), cũng như các thế lực thực dân đế quốc xâm lược thống trị khác, thi hành âm mưu thủ đoạn thâm độc là đánh phá, đàn áp và nô dịch về văn hóa tinh thần, đặc biệt về văn hóa tâm linh, để làm phôi pha, xóa bỏ bản chất, bản sắc và cội nguồn của dân tộc bản địa. Chính sách xâm lược và nô dịch về văn hóa là những khâu mở đầu, thường xuyên và kết cục, phối hợp chặt chẽ và bảo đảm cho chính sách xâm lược, nô dịch về quân sự và chính trị. Thực dân Pháp và tay sai coi thờ Phật cũng như thờ Tổ tiên. “Đạo Phật và đạo Ông bà”, chỉ tín ngưỡng cúng bái cổ truyền, thuộc về văn hóa phong tục dân gian, và như thế cũng không phân biệt rõ ràng với mê tín dị đoan. Họ chỉ duy nhất thừa nhận đạo Công giáo (dân gian trước đây gọi là đạo Thiên Chúa hay Gia-tô) và rộng ra, các đạo thờ Đức Chúa trời ba ngôi, là tôn giáo. (Ở đây, tôn giáo được họ nhìn nhận như là “tín ngưỡng tâm linh và thờ phụng chân chính”.) Đã có những định nghĩa kinh viện chính thức yêu cầu đặt yếu tố đầu tiên và bắt buộc để được công nhận tôn giáo phải có “đấng chủ thể sáng tạo”, chí ít có thần linh siêu nghiệm với thần quyền tuyệt đối. Tất nhiên, điều đó hoàn toàn xa lạ với tín ngưỡng tâm linh Phật giáo và cả đạo thờ Tổ tiên. Thần thánh, cho đến cả “ông trời” của đạo thờ Tổ tiên không phải là “đấng chủ thể sáng tạo” của các loại nhất thần giáo, của thần quyền mê tín và nô lệ hóa con người. Còn đối với đạo Phật, “các loài trời” (chư thiên) cũng chỉ là một loại chúng sinh chưa thoát khỏi sáu nẻo luân hồi.
Khi Phật giáo đã không được coi là tôn giáo, thì tất nhiên tổ chức giáo hội của Phật giáo (mặc dù đã có một phần thích nghi mà ít nhiều bắt chước tổ chức và giáo quyền của phương Tây) cũng không được coi là giáo hội của tôn giáo, mà chỉ là như hiệp hội, hội ái hữu, những hội đoàn khác… thậm chí cụ thể như hội đồng hương, hội xe kéo, hội bóng đá v.v…
Mặt khác, cái “logic mất nước thì mất chùa và bàn thờ tổ tiên” lật đổ đã trở thành số phận hiện thực đau buồn ở nhiều nơi của Phật giáo và của cả dân tộc. Đi ngược lại ý muốn của mọi tín đồ thờ Chúa lương thiện và chân thật, thực dân Pháp và tay sai đã ngang ngược đập bỏ chùa, tháp Báo Thiên – đại khí trấn quốc ở Thăng Long để xây Nhà thờ lớn và chùa Khải Tường, chùa Cây Mai ở Gia Định…, cũng như đặt mìn phá hoại chùa Một Cột ở Hà Nội khi rút chạy khỏi miền Bắc nước ta sau thảm bại ở Điện Biên Phủ. Và ai cũng thấy, cái đuôi của âm mưu thủ đoạn, thuộc về bản chấ và truyền kiếp ấy, chính là chính sách kỳ thị tôn giáo và đàn áp Phật giáo của anh em nhà họ Ngô.
Ngày nay, đất nước ta đã hoàn toàn độc lập và hòa bình thống nhất. Đường lối văn hóa của chúng ta là bảo tồn, phát huy tinh hoa, bản sắc văn hóa quý báu của dân tộc và trên cơ sở đó, lựa chọn tiếp thu những giá trị văn hóa tốt đẹp, tiên tiến của nhân loại. Chúng ta phải làm rõ và khẳng định vai trò của đạo Nhà, của tín ngưỡng, đạo lý thờ Phật và thời Tổ tiên trong đời sống văn hóa tâm kinh và tôn giáo của toàn dân tộc và xã hội.
Cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng tôn giáo gồm hai mặt, như hai vế ghép lại thành một cơ thể: “tín ngưỡng tự do và lương – giáo đoàn kết”. Lương bao gồm thờ Tổ tiên và thờ Phật, rộng hơn là thờ tam giáo. Thờ Tổ tiên và thờ Phật là thờ bản chất cội nguồn và truyền thống của đời sống tín ngưỡng tôn giáo và văn hóa tâm linh dân tộc. Lương chiếm đại bộ phận nhanạ dân, yếu tố bao gồm thờ Tổ tiên, thờ Phật của đa số nhân dân ấy là trung tâm, là hạt nhân của quan hệ lương – giáo. Đó là lập trường quan điểm và là chỗ dựa căn bản của dân tộc ta, nhân dân ta trong lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo. Từ đó mà có thái độ và đường lối chính sách đúng đắn đối với đạo thời Tổ tiên và với đạo Phật dân tộc. Và ở nước ta, đạo Phật dân tộc bao hàm cả đạo thờ Tổ tiên.
Với vai trò lãnh đạo đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: Đề cao tín ngưỡng tôn giáo dân tộc, bảo hộ thờ cúng Tổ tiên. Lập trường quan điểm và chính sách đó rất căn bản và kịp thời; thật là hồng phúc cho dân tộc và đạo Pháp.
Con đường trưởng dưỡng đạo tâm, kiên cố đạo lực, trang nghiêm và hòa hợp tăng già, sách tấn tứ chúng, cải thiện và tăng cường phương tiện độ sinh
Thấm nhuần lý duyên sinh, Phật giáo nhất thiết không tranh chiếm địa vị độc tôn. Nhưng để đảm đương vai trò trách nhiệm đối với Đạo Pháp, dân tộc và nhân sinh, giải pháp nên là: “Toàn thể Tăng Ni, Phật tử phải tinh cần tu học, kiên trì củng cố nâng cao đạo tâm, đạo lực và trình độ và khả năng thiệp thế độ sinh đảm bảo yêu cầu phụng sự trong thời kỳ mới; loại trừ và bổ cứu những yếu kém về cả hai mặt tu hành và giúp đời. (thậm chí không ít hiện tượng mê tín và chịu ảnh hưởng của tiêu cực xã hội). Đặc biệt phải đặt lý tưởng và lợi lạc vì dân tộc và Đạo Pháp lên trên hết, khống chế diệt trừ tham sân si, quyết tâm hạn chế những dị biệt bản thân cũng như những chướng ngại cho ngoại duyên đưa tới, nỗ lực vãn hồi và tăng cường hòa hợp chúng, trước hết trang nghiêm và hòa hợp Tăng già. Mặt khác, hết sức chú ý trưởng dưỡng, dìu dắt hàng đạo hữu tại gia, vì chính đông đảo thiện nam tín nữ, vừa làm tròn bổn phận người Phật tử, vừa chu toàn vai trò trách nhiệm công dân, chính là lực lượng trực tiếp đưa Đạo vào Đời, thiết thực góp phần hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh, xây dựng bảo vệ tổ quốc, hòa bình hữu nghị với đạo hữu và nhân dân thế giới.
Tóm lại, là tín ngưỡng tôn giáo dân tộc, là đạo lý sống và tinh thần văn hóa tâm linh căn bản của dân tộc, Phật giáo bao gồm tứ chúng Tăng Ni Tín đồ phải tiếp tục tăng cường khế hợp với văn hóa tinh thần và khế cơ khế lý với vận mệnh của dân tộc cũng như với các trào lưu tiến bộ của thời đại. Chúng ta hãy cùng nhau tâm niệm và thực hành di ngôn thiết tha soi đường chỉ lối của Hòa thượng Thích Quảng Đức:
“Gấp sửa thân tâm vì đại cuộc
Nghìn năm sử Việt vẫn Phật gia”
Đó là điều kiện căn bản để vươn lên chủ động góp phần làm nòng cốt thực hiện lương – giáo đoàn kết về cả hai phương diện văn hóa tinh thần xã hội, tham gia củng cố đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở các tiêu chí tinh tấn và từ bi, dân tộc, dân chủ cùng tiến bộ.
Phật pháp là đạo lý hướng dẫn, điều chỉnh nhân sinh và xã hội, không tách rời các pháp thế gian chân chính, góp phần xây dựng con người và cộng đồng công dân, phù trợ an lạc hòa bình thế giới… Nhưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với tư cách là tổ chức tôn giáo, không trực tiếp xử lý công việc thế gian, không hoạt động chính trị và xã hội như các tổ chức Chính phủ, phi chính phủ của xã hội và không vượt khỏi vai trò, tư cách đó. Giữa Đạo và Đời, nên vừa có quan hệ hài hòa vừa có ranh giới phân biệt.
Nên chăng, phát huy truyền thống của dân tộc và Phật giáo dân tộc, đồng thời tuân thủ, vận dụng định chế xã hội hiện tại (bao gồm của nước ta) đối với tín ngưỡng, tôn giáo, Phật giáo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần tích cực tham gia xây dựng bảo vệ tổ quốc, xây dựng xã hội “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”, đồng thời nghiêm túc bảo trọng vài trò, tính chất, tư cách của mình.
Chúng ta noi gương thiền sư Trúc Lâm Tam Tổ Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông suốt đời thương dân giúp nước, đồng thời tu tập, hộ trì Phật pháp. Ngài cũng từng dạy: “Hoằng Pháp tại quân vương”. Cũng như tấm gương của các ngài Sĩ Nhiếp, Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông… của nước ta, lịch sử nhân loại vẫn lưu truyền những bài học kinh nghiệm sâu sắc và trong sáng về mối liên hệ giữa Phật giáo với xã hội và triều đình các vua A Dục, Lương Vũ Đế và Đường Thái Tông… Có thể ở đây gợi lên vấn đề Phật giáo cần có thái độ đối với xã hội và Nhà nước của nhân dân như thế nào và ngược lại, Nhà nước của nhân dân nên đối xử và hộ pháp như thế nào.
Nguyễn Chính – Nguyên Quyền Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ