– Hai chị em ngủ sớm đi, mai khoảng lăm giờ thì đi, đi càng sớm càng tốt vì ngày mai là Phật Đản nhà chùa làm lễ lớn, dì con mình ra chùa phụ giúp nhà chùa một tay con ạ.
Vậy là mai hai chị em nó sẽ lạy Phật làm Thầy, không biết là sau khi đã đọc năm điều Phật dạy chúng có hiểu và thuộc không, có thực hành đúng được trong suốt cuộc đời hai đứa không? hai đứa chúng thật may mắn là được biết phật pháp từ nhỏ, chắc chắn nó sẽ hơn mình nhiều, chúng thật có phước hơn ông bà, cha mẹ chúng.
Mặc dù chưa tới giờ điện thoại báo thức, nhưng tôi đã dậy sớm hơn vì không sao ngủ tiếp được. Tôi đang lúi húi ở bếp để chuẩn bị cho bữa ăn sáng thì đã thấy hai chị em nó rón rén đi xuống làm cho tôi giật cả mình.
– Ơ hai đứa hôm nay giỏi ghê hà, không phải réo gọi như mọi khi, thôi đi đánh răng rửa mặt rồi ăn sáng nhanh còn đi.
– Chúng con xong hết rồi dì ơi. dì cho con ăn trứng ốp la nhé,
– Con ứ ăn trứng, con ăn bánh mì với thịt chiên cơ
– Hôm nay đi chùa chúng ta ăn chay cho thanh tịnh thôi, chứ ăn mặn mà đến chùa không được tốt lắm con ạ .
– Vâng thế cũng được dì ạ
Con chị thì vui vẻ còn thằng em thì có vẻ không thích lắm, nhưng nó cũng ăn hết khẩu phần của nó. Ba dì cháu lên đến chùa trời mới mờ mờ sáng .
– Nam Mô A Di Đà Phật, con chào Thầy.
Sư Thầy chào lại dì cháu tôi và mỉm cười xoa lên cái đấu húi cua của thằng nhỏ. Nó cũng hay được tôi dắt đi chùa quen rồi vì vậy mà không còn e ngại như lúc đầu nữa.
Giờ khóa lễ cũng đã đến, tôi từ bếp nhà chùa đi lên giảng đường để xem hai chị em nó lễ lậy ra sao, nhất là thằng em có chịu ngồi yên không. Tôi cố tìm xem trong hơn ba trăm người đang quí trước Tam Bảo kia xem hai chị em nó ở chỗ nào, nhưng mãi không tìm thấy vì hôm nay số người qui y có bọn trẻ đông quá, hơn nữa chúng lại mặc quần áo mầu lam giống nhau, tôi lại đứng từ sau nhìn vì vậy tìm mãi mà chưa thấy.
A kia rồi, hai chị em nó cũng đang chắp tay quì lậy nghiêm túc lắm, thế là từ nay hai chị em nó cũng đã là Phật tử rồi. Tôi mỉm cười thỏa mãn lắm. Để thuyết phục được cha mẹ chúng cho làm lễ qui y là cả một thời gian rất dài tôi mới thuyết phục được đấy, nhưng cha mẹ chúng thì lại ra điều kiện cho tôi là “Dì không được cho chúng ăn chay đâu đấy”. Tôi biết thuyết phục cho cả nhà ăn chay tháng hai lần là khó lắm, đành chấp nhận điều kiện này đã.
Ba giờ chiều thì dì cháu tôi ra về, thằng em vừa leo lên xe nó quay ra hỏi con chị.
– Thế từ nay mình không được nói dối hả chị?
Còn con chị thì ra vẻ đăm chiêu, không thấy chị trả lời .
– Dì có phải thế không dì ?
– Đúng rồi con ạ
– Thế thì chán chết, thế là không được …
Nó im bặt không nói tiếp nữa, tôi biết là vì sao nó không nói tiếp là vì nó cũng thỉnh thoảng nói dối mẹ nó để đi chơi với mấy đứa nhà bên. Ba dì cháu về đến nhà cũng hơn hai giờ chiều .
– Các con mệt thì đi tắm nước nóng và ngủ đi một chút, sáng nay dậy sớm rồi.
– Dì à, khó quá dì nhỉ, làm sao mà thực hành được hết năm điều dạy của Phật đó chứ ?
– Ờ khó thật, nhưng chúng ta cùng nhau cố nhé .
Tôi mỉm cười nhìn theo hai chị em nó đang đi lên cầu thang mà vui buồn lẫn lộn . Vui vì các cháu tôi nó đã biết trăn trở làm sao mà thực hiện được năm điều Phật dạy, điều đó có nghĩa là sáng nay chúng đã lắng nghe rồi. Buồn vì ngay đến cả tôi mặc dù đã là Phật tử cũng đã gần hai năm rồi, mà tuổi đời cũng lớn nhưng trong tôi sao lòng tham, sân, si còn lớn quá, mặc dù giờ đây tôi đã thay đổi đến tám mươi phần trăm rồi đấy.
Trước đây đi chợ tôi phải chọn con tôm, con tép, con cá còn sống mới mua, giờ thì không. Những ngày đầu ăn chay là một cực hình với tôi, chỉ mong sao cho chóng hết một ngày để ngày mai mình lại được ăn thịt cá, một tháng ăn chay có hai ngày là một điều khổ sở, ngày đó ăn chay chỉ với khái niệm giảm bớt tội lỗi, còn bây giờ tháng sáu ngày ăn chay, gần như tất cả các bữa sáng là tôi ăn chay, có thời gian tôi ăn chay dài nhất tới ba mươi lăm ngày. Sáng sáng trước khi đi làm tôi đều rắc gạo nuôi đàn chim sẻ ở nơi mình ở.
Bữa trưa đến bao giờ cũng phần cho đàn chim sẻ ở cổng công ty vài muỗng cơm, nhìn thấy các chú chim sẻ ríu rít là bao mệt mỏi vơi đi, hôm nào không thấy các chú về ăn là trong lòng đã lo âu lắm rồi. Mỗi lần nhìn thấy một chú cún đi lạc là hình ảnh ngơ ngác, hoảng sợ của chú làm cho tôi buồn như chính người thân của mình đang bị lạc đường ấy.
Hai chị em nó đâu có biết được cá tính thời còn trẻ của dì nó thì rất hiếu thắng, thích nổi trội, bao giờ cũng muốn hơn người khác và rất thích được khen, nóng tính và rất hay nói thẳng, vô duyên trong giao tiếp… nói tóm lại dì nó là một con người tham, sân, si đầy mình.
Buồn vì biết nhiều việc mình đã và đang làm vẫn không đúng lời Phật dậy mà không sao dứt ra được.
Buồn vì mỗi lần tụng kinh là không thể nào nhất tâm được, nhiều lúc tôi cứ phải lấy tay vỗ vào trán để cho mình tập trung, nhưng chỉ được một lúc là đâu lại vào đó, vì vậy mà không biết bao nhiêu năm tụng cuốn kinh A Di Đà mà mãi vẫn không thuộc.
Buồn vì Dì nó thời trẻ cũng biết bao lầm lỗi, cũng đã làm bao người bị tổn thương, cũng cãi lời cha, mẹ, cũng mải miết ham làm ăn mà phó mặc việc chăm sóc cha, mẹ cho các em, cứ nghĩ gửi tiền về là được, mỗi năm chỉ về bên cha mẹ được vài ngày tết, ngay đến ngày ông, bà ngoại chúng nhắm mắt rồi Dì nó mới về bên cạnh được.
– Dì, dì làm gì mà ngôi thừ người ra vậy?
– À không có gì , sao con không ngủ à
– Quá giấc rồi con không ngủ được. Con dậy làm cơm cùng dì.
Chuyện lạ đây, bọn học sinh đứa nào mà không thiếu ngủ vì vậy mà chúng ngủ lúc nào mà không được, có khi ngủ quên cả ăn cơ đấy.
Chiều nay, hai dì cháu tôi tự dưng có “âm mưu” làm một bữa cơm chay thật ngon, nhưng phải giữ bí mật cho đến khi tất cả cùng ngồi vào bàn ăn mà vẫn không biết được toàn là đồ chay mới được. Thế là con bé vội gõ Google xem món chay nào ngon nhất. Vừa làm hai dì cháu vừa thích thú với ý đồ đột xuất này, tôi thì làm với quyết tâm chứng minh cho anh chị tôi biết là ăn đồ chay rất ngon, tốt cho sức khỏe và vẫn đảm bảo phát triển trí thông minh cho bọn trẻ. Còn con bé thì thích trổ tài ta đây cũng giỏi nữ công gia chánh để lấy điểm với Ba Mẹ nó. Mải mê với những món chay hấp dẫn cũng ngốn hết thời gian của hai dì cháu tôi tới hơn hai giờ đồng hồ cơ đấy.
– Con lên gọi em dậy đi, ba mẹ con sắp về rồi đấy
– Vâng, nhưng dì để con trang trí cho đẹp nhé, dì đừng có làm đấy, dì làm xấu lắm.
Giờ cơm đã tới, cả nhà tròn mắt với những dĩa thức ăn được tranh trí rất đẹp trên bàn .
– Dì đi về đã mệt lại còn bầy vẽ ra làm gì thế này, để thời gian mà nghỉ ngơi.
– Hai dì cháu làm đó, không phải làm một mình đâu mà chị lo em mệt.
– A trời hôm nay mưa đây, xem nào những món gì mà trông hấp dẫn ghê.
– Ngon quá, hai dì cháu nấu được đấy, mở nhà hàng đi. Nhưng sao lại không thấy thịt cá mà toàn là rau, củ thôi vậy?
– Nhà hàng cao cấp mà ba, thịt, cá được say thành bột cán mỏng thái ra như miếng măng, miếng đậu đấy thôi, rồi khử mùi mà.
Con chị thì luyến thắng trả lời để cho ba, mẹ nó tưởng thật, thằng em thì cứ ăn, nhìn cái miệng nó ăn ngon lành, mẹ nó thì tủm tỉm cười.
– Anh này thật ngốc, đồ chay đấy, thế mà cũng tin con Thảo.
– A chị nói xạo rồi nhé, Thầy vừa dạy sáng nay xong mà nói xạo là không tốt.
Con chị tức quá cầm cái đũa cốc nhẹ vào đầu em một cái và ra hiệu im cái miệng, thằng em không chịu vừa.
– Ứ ngon bằng đồ ăn ở chùa trưa nay, con ăn tới ba chén đầy cơ, ngon ơi là ngon.
– Không ngon sao chị thấy em bỏ thức ăn đầy chén vậy ?
– Trưa nay tại vì em đói quá mà, mãi gần một giờ mới được ăn cơm làm gì mà không ngon.
Tôi cứ nặng thinh, chỉ tủm tỉm cười, mặc cho cả nhà ôn ào, bàn tán món này ngon hơn món kia, rồi thằng em thì kể cho ba mẹ chúng nghe ăn cái gì ở chùa… tóm lại là cả nhà ăn một bữa ăn ngon miệng và rất vui vẻ.
Cả nhà có biết đâu sau bữa ăn này tôi đã đạt được nhiều thứ lắm. Nào là nhà ăn bữa cơm chay rất ngon, nhất là ông anh tôi thì “ Ăn chay ai mà ăn được chứ, anh là cứ phải có thịt, cá mới ăn được…”. Thằng con cưng của anh chị tôi thì đã biết ăn cơm chay và còn khen cơm ở chùa rất ngon, đặc biệt còn biết nói xạo là xấu nữa.
Tôi chỉ mong các cháu tôi biết những việc làm nào là tốt, việc nào là đáng xấu hổ, biết thương yêu mọi người, có tình thương với tất cả loài vật, sống có trách nhiệm với bản thân chúng là hạnh phúc lắm rồi, chứ không cầu mong chúng phải làm ông này, bà nọ gì cả. Hoặc nếu chúng có gặp phải dông bão trong cuộc đời thì chúng cũng không gục ngã. Hay có làm tới ông gì, bà gì thì tôi tin rằng các cháu khi ở vào cái tuổi về già sẽ không phải ân hận, day dứt về những điều đáng lẽ không được hoặc không nên làm, vì chúng đã được thấm nhuần giáo lý nhà Phật dậy chúng làm người từ rất nhỏ này.
Sài Gòn tháng 3 năm 2012