Rồi họ nói chuyện không ngớt về chùa, về những vị tăng ni đạo hạnh mà họ hằng gần gũi bằng một niềm tự hào khôn tả. Câu chuyện dần dần đưa họ về với quá khứ xa xăm, với những hình ảnh lễ Phật, với những câu kinh lời kệ, với những ân nghĩa thầy trò. Thế rồi mỗi người một ngả…
Chẳng biết từ “cơm bụi chay” có từ bao giờ, nhưng đó là danh từ mà chúng tôi thường dùng để chỉ cho các quán chay bày bán dọc đường ở Huế vào mỗi mùa Phật đản. Danh từ này ít người biết vì ít được nhắc đến, nó chỉ xuất hiện ở một số Phật tử vào mỗi mùa Phật đản, bởi vì chỉ vào dịp lễ này, khi người dân đi chùa lễ Phật, vui chơi thì mới có cơm chay bụi bày bán dọc hai bên đường.
Ban đầu khi nói đi ăn cơm chay bụi, nhiều người nghe rất lạ tai nên ít ai chấp nhận, bởi thành kiến nặng nề từ âm “bụi”. Tên gọi này gợi cho người nghe tưởng như bụi bặm, bụi đời. Nhưng rồi nó dần dần trở thành quen thuộc và gần gũi hơn.
Ngày thường đi làm về, buổi trưa lỡ đường, ai cũng có thể tạt vào lề đường, thế là có một bữa cơm “bụi” không đến nổi tồi. Cơm bụi như thế ở đâu cũng có, vùng nào cũng có, trên đất nước ta. Nhưng cơm bụi chay thì có lẽ chỉ ở Huế mới có, cũng là nét đặc trưng mà cửa thiền đem đến cho Huế. Hôm nay, ngày Phật đản, không phải lỡ đường đi chơi hay lỡ bữa làm việc mà tôi ghé vào quán cơm này, mà là lỡ đường đi chùa. Thật ra, ở Huế vào các dịp lễ lớn, du khách đi chùa lễ Phật lỡ đường, bất cứ ai ghé vào chùa cũng có cơm chay để ăn, dù không thịnh soạn nếu vào đúng bữa. Nhưng tôi ít khi ghé vào ăn ké cửa chùa, một mặt vì ngại quý tăng ni phải vất vả, mặt khác tôi lại muốn thưởng thức một bữa ăn trong không khí lễ hội an lành cùng với người dân. Cơm bụi lúc này, tuy có nhiều người “cùng cảnh ngộ”, nhưng lại khác rất nhiều so với cơm bụi thường ngày, không đầy ắp người công sở, cũng không có thịt cá như mọi khi, nhưng mọi người cùng ăn ngon miệng, lại nói cười vui vẻ nữa. Người qua lại có hơi đông nhưng không xô bồ.
Quán đầy thực khách nhưng không ồn ào. Tiếng gọi cơm, tiếng thưa dạ nhịp nhàng như hai tiếng thở vào thở ra có chánh niệm. Đẹp nhất là quán cơm này phảng phất những tà áo dài lam hiền dịu của những người chị dắt em, người mẹ dắt con và người bà dắt cháu đến chùa. Tiếng lách cách của bát muỗng nghe mới vui tai làm sao. Lạ chưa! Không một ai trong quán có vẻ vội vả cả. Họ dùng bữa rồi lại hỏi han nhau: “Chị đi chùa nào?”, khác với những lần tôi được làm quen “Chị làm ở đâu?”. Rồi họ nói chuyện không ngớt về chùa, về những vị tăng ni đạo hạnh mà họ hằng gần gũi bằng một niềm tự hào khôn tả. Câu chuyện dần dần đưa họ về với quá khứ xa xăm, với những hình ảnh lễ Phật, với những câu kinh lời kệ, với những ân nghĩa thầy trò. Thế rồi mỗi người một ngả…
Tôi nhìn những người đến chùa, nhìn những thực khách trong quán cơm bụi chay liên tục vào ra, chào nhau, cười nhau, nghe những mẩu chuyện nho nhỏ từ phía họ mà tự dưng lòng tôi trào lên một niềm tin khó diễn tả. Tin rằng, ngày nào cũng như ngày hôm nay, người người đều chào nhau như vậy, họ nói chuyện với nhau như vậy, thì hành vi, việc làm của họ cũng sẽ như vậy. Không nói gì Phật giáo một ngày sẽ hưng thịnh, nhưng điều đó cũng đủ góp phần làm cho xã hội ngày càng văn minh hơn, như khung cảnh thật văn hóa trong một quán cơm bụi chay nho nhỏ bên lề đường.