Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Cội rễ của yêu thương và hạnh phúc

Cội rễ của yêu thương và hạnh phúc

102

Kinh Phật dạy rằng: “Các pháp hữu vi như sao rơi, bóng tối, ngọn đèn, giấc mộng, như sương, giọt nước, chiêm bao, bóng chớp, đám mây; nên quán sát như vậy”. Cội rễ yêu thương và hạnh phúc trong cuộc sống thường bắt nguồn từ những giây phút trải nghiệm của dòng suy tưởng tự thân, để nhìn rõ thực tại và tự chuyển hóa thân tâm trước sự biến chuyển của không gian vô tận, thời gian vô cùng, như Thiền sư Suzuki từng khuyến giáo: “Hãy tự nhìn lại mình, bạn sẽ thấy tất cả”.


Mỗi khi tự thân chúng ta thẩm thấu sự thật cuộc đời hằng biến chuyển như thế, hiển nhiên, bạn sẽ có thái độ sống quán chiếu nội tâm để nhìn nhận vấn đề và giải quyết nó một cách thỏa đáng. Hay nói cách khác, bạn sẽ tự kiểm soát dòng suy tư, lời nói, việc làm… được biểu hiện qua các hành vi của thân-khẩu-ý bằng cách tự điều chỉnh và thiết lập quy trình chuyển hóa khi tiếp cận giao lưu với các mối quan hệ trong các môi trường tương ứng ở mọi lúc mọi nơi. Mục đích cuối cùng, tối thiểu là lúc nào, ở đâu, bạn cũng nhận chân được sự bình an, hạnh phúc trong phút giây hiện tại: “trời vẫn xanh, đất vẫn nở hoa”.


Đức Phật và các bậc Thánh đã từng trải nghiệm một đời sống thiết thực hiện tại như thế. Chính Thế Tôn từng dạy:


“Quá khứ không truy tìm


Tương lai không ước vọng


Quá khứ đã đoạn tận


Tương lai lại chưa đến


Chỉ có pháp hiện tại


Tuệ quán ở nơi đây.” (1)


 Như vậy, thời gian và không gian vật lý, cần phải thấu hiểu như là khái niệm được xác lập trên nguyên lý vô thường theo tính vận động không ngừng của vạn vật. Cuộc sống luôn trôi chảy, cho nên những gì đã xảy ra của ngày hôm qua so với bây giờ của ngày hôm nay đều thuộc về quá khứ. Những gì chưa xảy ra so với hiện tại của ngày hôm nay đều thuộc về tương lai xa xôi.


Do đó, trong đời sống bình nhật, hơn ai hết, bạn cần phải nắm bắt thực tại bây giờ và ở đây. Ngày hôm qua đã thuộc về dĩ vãng, dầu bạn có muốn níu kéo vẫn không bao giờ trở lại. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, sự hối tiếc về một lời nói làm phiền lòng, hay có khi đem lại sự tổn thương người khác: một cử chỉ, ánh mắt, nụ cười thiếu thiện cảm đối với người mình tiếp cận; một hành vi, việc làm để lại những hậu quả tác hại khôn lường của những chuỗi ngày đã qua không thể cứ cho chúng đeo đẳng trong lòng bạn mãi hoài.


Trong trường hợp, hoàn cảnh nào đó mà nó vô tình vọng về trong tâm thức, có còn chăng, bạn chỉ nên xem nó như là những bài học kinh nghiệm thiết thực, cần phải tỉnh thức không theo vết xe đổ. Trên hết, bạn cần phải tẩy rửa để tâm trở nên vắng lặng và đón nhận những gì đang đến tốt đẹp hơn được biểu lộ ra bên ngoài bằng các hành vi chứa đựng hạt giống tốt lành.


Chắc bạn còn nhớ câu chuyện: thời Đức Phật, có bà mẹ ôm đứa con thơ vừa giã từ cuộc đời trên tay và khóc lóc bi thảm, đi tìm Thế Tôn, mong Ngài làm phép để con mình sống lại khiến ai cũng động lòng. Bà khẩn thiết van xin Thế Tôn khi trao hài nhi yêu thương của mình cho Ngài xem:


“Con của con đã chết, con làm sao bây giờ, Ngài hãy giúp con. Hãy cứu nó sống dậy! Ngài là chúa tể của sự sống chết, đã vượt qua sự sống chết. Hãy cứu chúng con. Nó là niềm vui của gia đình. Từ nhiều năm nay, chúng con không mong gì hơn là được đứa con. Bây giờ nó chết vì một thứ bệnh hiểm nghèo. Hãy mang ánh sáng lại trong mắt của nó. Hãy công bằng. Đứa con nhỏ tuổi này chết đi quá sớm”.


Trước nỗi tuyệt vọng của người đàn bà mất con, Đức Thế Tôn đã ôn tồn nói:


“Hãy nghe ta, hỡi người đàn bà tốt dạ và trung thành. Nàng hãy đi từ nhà này qua nhà khác trong đô thị này và hãy xin một hạt cải của một nhà chưa có ai chết. Hãy mang hạt cải về đây và để xem ta có thể làm gì được không?“.


Với niềm tin và lòng thương con vô bờ bến, bà đã quỳ dưới chân Thế Tôn và cảm tạ Ngài. Một nguồn năng lượng an lạc từ Thế Tôn đã lan tỏa sang bà khi Ngài để hai bàn tay trên đầu bà. Cuộc hành trình đã khởi điểm, suốt cả ngày không có ngôi nhà nào trên các nẻo đường mà bà không gõ cửa để xin một hạt cải của một nhà mà chưa có người thân nào chết cả. Người ta quá cảm động về tình mẫu tử này đã cho vài hạt cải với lời đề nghị giấu chuyện trong nhà có người chết. Cảm đức từ bi của Phật, bà không thể cất lên tiếng nói không chân thật với Phật, bà chỉ mong sao tìm ra một gia đình mà trong đó chưa có ai chết cả.


Khi hoàng hôn phủ xuống, là lúc bà hướng nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc hành trình đi tìm lại những cái đã “trôi qua” mà chính mình cố níu kéo lại. Chẳng có hạt cải nào cả được cất chứa trong một ngôi nhà chưa có ai chết và cũng không ai thoát cái khổ mà trước đó chỉ có một mình phải gánh chịu:


“Ta không phải là một ngoại lệ, con ta không phải là người duy nhất phải chết”. Lần đầu tiên bà nghĩ thế. “Cái gì có sinh ắt có diệt. Đó là điều không thể thay đổi, vì thế ta phải kiếm cái không bao giờ sinh và cũng không bao giờ diệt, phải tìm cái chân lý trường cửu mà các bậc hiền nhân và Đức Phật đang giảng thuyết. Ngài đã đưa ta vào đúng đường”.


Cuối cùng bà đã hiểu một điều:


“Bạch Thế Tôn từ bi, con đã hiểu những gì Ngài muốn nói. Đã là vô thường thì phải chết, không thể tránh khỏi. Nhờ Ngài, con đã thấy một chút chân như, cái chân như đó không chết trong con và trong mọi thứ. Cái chân như đó cũng chính là cái mà đứa con của con đã thấy, ít nhất là trong một chốc ngắn ngủi, trước khi nó tìm kiếm một đời sống khác. Và cái chân như ấy con đã tìm thấy ngay lúc con còn sống. Ánh sáng tự tính thường hằng là cái duy nhất vĩnh cửu. Và từ nay về sau, con xin dựa vào nó thôi”.


Đức Phật cùng chư Tăng đặt thi hài đứa trẻ lên một đống lửa và tiếp độ tâm thức của đứa trẻ về cõi của tự tính, an lành (2).


Rõ ràng một tâm lý, một thái độ sống luôn “truy tìm về quá khứ” hay “than khóc việc đã qua” thường dẫn đến hệ lụy; nếu thay vào đó một thái độ sống tỉnh thức, an trú trong hiện tại, sẽ mở ra chân trời mới được khơi nguồn từ tình yêu bất tận, tự do không cùng, và hạnh phúc tràn ngập.


Cuộc sống luôn tiếp diễn với những điều kỳ diệu đang và sẽ xảy ra chung quanh chúng ta. Ngay bây giờ, tại đây, nếu bạn không làm gì và làm chẳng ra một việc gì có lợi ích cho mình và cho tha nhân thì trong tâm thức của bạn sẽ không bao giờ cất chứa và hiểu được ý niệm “tương lai” là gì cả. Có chăng, đó chỉ là những ảo giác, viễn mộng xa rời về một đời sống, một thế giới ngày mai mà bạn mơ tưởng.


Ngày mai bao giờ cũng bắt nguồn từ ngày hôm nay, tương lai bao giờ cũng được xuất phát từ hiện tại. Hay nói cách khác, chỉ có hiện tại mới định hình cho một đời sống hiện hữu và phát triển. Đời sống của một con người chỉ thực sự có ý nghĩa khi biết sống cho hiện tại với thực tại, điều đó, tự có ý nghĩa vun đắp cho tương lai. Thế nên, bạn cần có thái độ sống thiết thực hiện tại, bước ra ngoài thế giới phi thực mà Đức Phật từng khuyến cáo nên từ bỏ, đoạn tận:


“Do mong việc sắp tới


Do than việc đã qua,


Nên kẻ ngu héo mòn


Như lau xanh lìa cành” (3)


Đời sống hiện thực cho chúng ta thấy, những ai thường mơ tưởng những viễn cảnh mà tự thân không chịu vận động thì thường dễ rơi vào lối sống buông thả, hoặc bất cần, mặc cho dòng sống cuốn trôi với những tâm lý lo âu sợ hãi, hồi hộp, thậm chí tự ti, bế tắc…


Rõ ràng, với một đời sống như thế, nó không chỉ có nguy hại đến cá nhân mà còn gây ảnh hưởng tác hại đến người khác trong chiều hướng tiêu cực.


Câu chuyện về người đàn bà nô lệ nghèo khổ tại nước A Bàn Đề thời Đức Phật còn tại thế là một minh chứng cụ thể (4). Vì tâm vọng tưởng nên đã dẫn đến suy nghĩ bế tắc, cho rằng chỉ có cái chết mới chấm dứt sự hệ lụy, hy vọng mở ra con đường sống thoát khổ cho riêng mình và người đàn bà đã ôm tài sản duy nhất của mình ra bờ sông khóc lóc thảm thiết để tự vẫn. Chính Tôn giả Ca Chiên Diên đã đưa bà trở về con đường thiết thực hiện tại bằng cách mua “cái nghèo” qua các việc làm hướng thiện, thực thi pháp hành bố thí. Nhờ Tôn giả Ca Chiên Diên chỉ giáo mà bà tỉnh thức, biết sống và làm việc một cách thiết thực theo hoàn cảnh và môi trường sống thích nghi với chính mình.


Và như thế, để bước ra ngoài thế giới tâm thức hoang vu, thiếu nguồn sinh lực phát triển, Thế Tôn khuyến cáo người Phật tử phải thường xuyên quán chiếu, tự nhìn nhận lại mình để mở ra những con đường cần phải từ bỏ, những con đường phải hướng đến bằng cách phản tỉnh và phản tỉnh nhiều lần. Hơn ai hết, tự mình suy tư, tự mình chiêm nghiệm, tự mình sẽ có phương thức giải quyết vấn đề một cách tốt đẹp trong ý nghĩa lợi mình, lợi người, lợi cả hai. Chính Đức Phật từng dạy La Hầu La hãy thực thi nếp sống như vậy để an trú tự thân và mở ra cái nhìn vào thực tại đầy sống động với những gì đang vận động, đang tiếp diễn không ngừng xung quanh chúng ta:


“Này La Hầu La, khi nhà ngươi đang làm, đã làm thân nghiệp, nhà ngươi cần phải phản tỉnh thân nghiệp ấy như sau: Thân nghiệp này ta đang làm, đã làm đưa đến tự hại, đưa đến hại nguời, đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem quả báo đau khổ. Một thân nghiệp như vậy, này La Hầu La, nhà ngươi cần phải tỏ lộ, cần phải trình bày cho các vị đạo sư hay các vị đồng phạm hạnh có trí. Sau khi đã thưa lên, tỏ lộ, trình bày, cần phải phòng hộ trong tương lai”.


“Lại nữa, nếu trong khi phản tỉnh, này La Hầu La, nhà ngươi phải biết như sau: Thân nghiệp này ta đã làm, không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc. Do vậy, này La Hầu La, nhà ngươi phải an trú trong niềm hoan hỷ, tự mình tu học ngày đêm trong các thiện pháp” (5).


Với lời dạy quý báu này, lần nữa, Đức Phật xác định cuộc sống của bạn chỉ hạnh phúc an lạc và tràn ngập sự yêu thương đối với mọi người, đối với cuộc đời khi bạn biết sống với chính mình ngay trong hiện tại được khởi đầu từ những giây phút của ngày hôm nay. Bạn chẳng cần bận tâm hoài niệm, truy tìm về quá khứ những việc làm, lời nói, suy tư mang âm hưởng bi sầu của những ngày hôm qua và hãy xóa đi những ảo vọng mơ màng về một viễn cảnh tương lai đầy lo lắng của những ngày sắp đến.


Suy cho cùng, Đức Phật chỉ muốn khuyến cáo mọi người hãy cố gắng sống trong tỉnh thức với một tâm hồn trong sáng, nhu nhuyến được chứa đựng các hạt nhân tốt lành. Nó chỉ hóa hiện khi được bắt nguồn từ trong giây phút hiện tại, thông qua những việc làm, lời nói, những suy tư của ngày hôm nay, như thế và mãi mãi. Được như thế, sự ăn năn, hối tiếc, dày vò về những việc làm, lời nói, ý nghĩ không được hay lắm của những ngày tháng đã qua đối với ai đó sẽ trở thành quá khứ, chẳng bao giờ hiện hữu trong tâm thức bạn. Hơn thế nữa, sự bắt đầu của ngày hôm nay, trong hiện tại được thành tựu tốt đẹp sẽ là hành trang để bạn thăng tiến trong tương lai của chuỗi ngày tháng sắp đến.


Xem ra, giá trị của cội rễ yêu thương được bắt nguồn từ trong giá trị thiết thực hiện tại. Mọi giá trị khác có thiết lập hiện hữu trong cuộc đời này hiển nhiên phải xuất phát từ đó. Quá khứ, hiện tại, tương lai của một đời người thực chất là một đời sống trôi chảy không ngừng, không có điểm đầu và điểm kết thúc. Từ trong thực tính Duyên khởi bước ra, bạn hãy tỉnh thức sống thật với chính mình bằng nguồn sống:


“Thở vào, tâm tĩnh lặng


Thở ra, miệng nở cười


An trú trong hiện tại


Giây phút thật tuyệt vời”.


Sách tham khảo


(1) Kinh Trung Bộ III, Kinh Nhất Dạ Hiền Giả (bản dịch của HT. Thích Minh Châu), Trường Cao cấp Phật học VN ấn hành, 1986, trang 336.


(2) Dẫn theo Nguyễn Tường Bách, Sư tử tuyết bờm xanh (bản dịch) NXB TP.HCM, 1999.


(3) Kinh Trung Bộ III, Kinh Nhất Dạ Hiền Giả (bản dịch của HT Thích Minh Châu), Trường Cao cấp Phật học Việt Nam ấn hành, 1986, trang 337.


(4) Thích Minh Tuệ, Phật và Thánh chúng, THPG TP.HCM, 1990, trang 188, 189, 190.


(5) Kinh Trung Bộ II và III, Kinh 61, 62 và 147 (Bản dịch của HT Thích Minh Châu), Trường Cao cấp Phật học Việt Nam ấn hành, 1986, trang 337).