Trang chủ Tu học Lời Phật dạy Cội nguồn của bất an

Cội nguồn của bất an

106

Có bao nhiêu loại pháp, bạch Thế Tôn, khi khởi lên trong nội tâm một người, sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an cho người ấy?


 


Thưa Đại vương, có ba loại pháp, khi khởi lên trong nội tâm một người, sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an cho người ấy. Thế nào là ba? Tham pháp, sân pháp và si pháp khi khởi lên trong nội tâm một người, sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an cho người ấy.


 


Ba pháp này, thưa Đại vương, khi khởi lên trong nội tâm một người, sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an cho người ấy.


 


(ĐTKVN, Tương Ưng I, chương 3, phẩm Thứ nhất, phần Người, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr. 164)


 


 LỜI BÀN:


 


Con người sống ở đời, ai cũng mong muốn được hạnh phúc, an vui. Tuy vậy, đa phần trong chúng ta đều phải chấp nhận một thực tại của đời sống vốn dĩ vui ít, khổ nhiều. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những đau khổ, phiền muộn và bất an nhưng cội nguồn vẫn là do tham sân si dấy khởi và chi phối.


 


Tham lam, sân hận và si mê vốn là những thuộc tính cố hữu, gần như là bản chất của con người, vì thế kinh Phật gọi chúng là căn bản phiền não. Chỉ có từ bậc Thánh A la hán trở lên mới hoàn toàn đoạn tận, dập tắt tham sân si, còn hạng phàm phu chúng ta thì ai cũng bị chúng chi phối, nhiễu loạn. Chỉ sai khác ở chỗ là tùy căn tánh, nghiệp lực và nỗ lực tu tập của mỗi người mà bị tham sân si chi phối, làm tổn hại với những cấp độ khác nhau.


 


Khi tham sân si tạm thời lắng xuống, nội tâm tĩnh lặng đó là thời điểm mà chúng ta cảm thấy bình an, hạnh phúc nhất. Hạnh phúc và an vui đích thực chính là lúc ta có được sự an tịnh của tâm hồn. Những ai đã từng trải nghiệm với được mất, thăng trầm, vinh nhục… trong đời thì sẽ thấu hiểu điều ấy. Song, sự “ngủ yên” hiếm hoi của tham sân si chỉ có tính cách tạm thời, chúng sẽ bùng lên và đem đến bất an cho con người bất cứ lúc nào.


 


Do vậy, thực tập pháp để tự chủ với những biến động của nội tâm và ngoại giới, chế ngự và làm giảm thiểu tham sân si chính là minh triết trong đời sống của những người con Phật. Hạnh phúc đích thực của đời người không phải nhờ giàu có, danh vọng… thỏa mãn ngũ dục nói chung mà chính là sự bình ổn của thân tâm khi tham sân si không còn chi phối.