Trang chủ Đời sống Cổ vật cháy theo cổ tự Hội Sơn

Cổ vật cháy theo cổ tự Hội Sơn

121

Một khung cảnh bề bộn đầy màu đen hiện ra trước mắt khi chúng tôi vừa bước vào chánh điện. Đây đó vương vãi những mảnh sành, mảnh gỗ, mảnh phù điêu hình long thần dài cả thước từ trên nóc rớt xuống gãy gập, cùng những cột gỗ tồn tại cả trăm năm cháy đen với những đường nứt ngoằn ngoèo sắp ngã. Tượng Phật Quan Âm Chuẩn Đề bằng gỗ quý cao 1 m, ngang 0,6 m – một trong 46 hiện vật quý lưu giữ tại cổ tự này – đã bị lửa nung xém, chỉ còn sót lại chút dáng dấp trông tựa một bức tượng được tạo hình bằng than củi. Một số bàn tay bằng gỗ của Phật này bị rơi lìa xuống đất, người nhà chùa lượm lên, đặt tạm trên cái bàn nhỏ gần đó.

 

Cổ vật cháy theo cổ tự Hội Sơn  
Tượng Phật Quan Âm Chuẩn Đề bị cháy – Ảnh: Giao Hưởng

 

 
 

Chùa Hội Sơn là một cổ tự do thiền sư Đạo Thành Khánh Long khai sơn khoảng cuối thế kỷ 18. Sau hơn 200 năm tồn tại, nay nhà nước đã công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật từ đầu năm 1993. Đây cũng là thắng cảnh nổi tiếng được Trịnh Hoài Đức nhắc đến qua Gia Định thành thông chí: “khách thập phương khi leo lên đến chùa cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng thanh tịnh như thoát ra ngoài cõi tục lụy vậy”. Điều cần biết thêm chùa Hội Sơn còn có di chỉ khảo cổ học thuộc nền văn hóa cách đây khoảng 3.500 – 4.000 năm.

 

Bước vào phía trong, bên trái chánh điện có một tượng Phật tuy cháy xém nhưng kim quang còn khá rõ. Gần đó, một tượng khác tuồng như là tượng một vị Bồ tát cháy mất phần dưới song từ ngực trở lên vẫn còn nhìn ra được. Sát cửa ra vào thấy còn chiếc xích sắt dài thượt từ trần nhà thòng xuống. Một vị trong chùa cho biết: “Đây là nơi đặt cái chuông lớn nặng hơn một tấn. Tưởng rằng chuông đồng không cháy, thế nhưng sức nóng của ngọn lửa vẫn làm đại hồng chung này méo lại, rồi rớt lăn ra đất”. Anh Nguyễn Hoàng Long, người tham gia dập lửa đêm ấy, cho biết: “Khi lửa trùm hết chánh điện, chúng tôi nghe có tiếng nổ phát ra từ cái chuông. Khi lửa nguội, chúng tôi vào bên trong thấy cái chuông đồng bị nóng chảy, đọng từng cục đồng bên dưới”.

Anh Huỳnh Long Trường, một người dân tham gia chữa cháy, kể lại: “Lửa phừng ngập tất cả, quá nhanh, quá nóng, mặc dầu lúc ấy đã gần 10 giờ đêm trời có mưa lác đác nên không đến nỗi khô bức, song ngọn lửa mỗi lúc mỗi dữ, chúng tôi chỉ còn cách khoanh vùng bảo vệ để không cháy lan sang những phòng ốc sau chánh điện. Sau đó, nghe nhiều tiếng nổ khác nữa, ngay cả ngói lợp trên mái cũng nổ, những hũ đựng cốt tro của người chết cũng đều nổ rất to”. Đúng lúc ấy, chúng tôi nghe tiếng khóc ray rứt, nhìn lại thấy một cô gái khoảng chừng 21-22 tuổi đang ngồi trước đống mảnh vụn hai tay cứ bươi bươi những đồ sành sứ vỡ. Hỏi ra biết cô ta có người thân trong gia đình vừa mất và thiêu lấy tro cốt đem về đây thờ, nay bị cháy vỡ lăn lóc trên nền cùng hàng mấy chục hũ cốt khác không biết đâu mà tìm lại.

Rời chánh điện ra hành lang, chúng tôi gặp chú tiểu Tâm An, thế danh là Bình, được chú cho biết một tượng Phật bị vỡ nát phần dưới, chỉ còn đầu và cổ của tượng lăn ra ngoài ngọn lửa, nay chú giữ phần còn lại của tượng ấy không rời. Trên thềm của chánh điện chỉ còn pho tượng vị hộ pháp thoát khỏi cơn hỏa hoạn vẫn đứng uy nghiêm…

 

Vụ cháy chánh điện chùa Hội Sơn đã thiêu hủy tượng Quan Âm Chuẩn Đề cùng 30 pho tượng Phật được tạc bằng gỗ quý mà theo các nhà nghiên cứu được chế tác từ thế kỷ 18. Ngoài ra, còn có các kỷ vật của triều Nguyễn, các tạo hình mỹ thuật đặc sắc và tinh xảo thể hiện nghệ thuật điêu khắc chạm trổ thời trước. Như vậy, trong một không gian khoảng hơn 100 m2 của chánh điện mà chỉ trong một trận hỏa hoạn chưa rõ nguyên do đã xóa bỏ những công trình mỹ thuật vô giá của tiền nhân để lại trong suốt hơn 200 năm qua.

Giao Hưởng (Thanh Niên)