Trong những dịp lễ lớn, định kỳ cũng như đột xuất, thường có thông báo người dân treo cờ Tổ quốc. Việc đó cũng nằm trong nội dung được trình bày ở trên. Thấy cờ treo rợp phố phường là mọi người cảm nhận ngay về sự kiện đang diễn ra.
Vì vậy, cờ, ngoài chức năng “thông báo” sự kiện, còn có chức năng cổ động sự kiện.
Bên cạnh cờ, còn có yếu tố màu cờ, cũng có thể coi là thuộc về khái niệm cờ, vì đó là hình thức trình bày lá cờ. Màu cờ có thể thể hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau rất linh hoạt, như phông của lễ đài, màu nền và màu chữ của băng rôn, panel, khói phun từ máy bay biểu diễn…
Phật giáo chúng ta có thế mạnh về cờ. Tuy Phật giáo không có một giáo hội thống nhất toàn cầu, nhưng màu cờ Phật giáo thống nhất cả 5 châu, là một biểu tượng hết sức ấn tượng để thể hiện Phật giáo.
So với các tôn giáo khác, thế mạnh về cờ Phật giáo vượt hơn tất cả.
Trong các sự kiện Phật giáo, cờ Phật giáo đã được chú ý sử dụng phục vụ sự kiện.
Dưới đây, là một số ý kiến và bổ sung về việc sử dụng cờ Phật giáo trong tổ chức sự kiện.
Trước hết, cờ Phật giáo là một phương tiện tiết kiệm trong chi phí tổ chức sự kiện. Nhưng lá cờ đủ loại, đủ kiểu có thể dùng đi dùng lại nhiều lần. Sau thời gian sự kiện, cờ có thể được giặt, ủi, lưu giữ lại để sử dụng trong các lần tổ chức sự kiện sau.
Nói như thế thì có vẻ tính toán thiệt hơn, nhưng thực ra, hiện nay, một trong những yêu cầu cho một sự kiện thành công là phải giảm thiểu tối đa về chi phí tổ chức sự kiện.
Nếu cứ vung tiền ra, phương tiện sử dụng một lần rồi bỏ, thì rất dễ làm, đúng ra là khỏi làm gì, vì hiện có những công ty đứng ra nhận thầu hết mọi việc, với chi phí rất cao, sự kiện tổ chức xong thì mọi thứ đều mang đi hết, điều này chắc chắn không thích hợp cho tài chính nhà chùa, vì vậy, chúng tôi nêu vấn đề tiết kiệm ra đầu tiên.
Hơn nữa, cờ Phật giáo không chỉ là một hình thức trang trí hay một biểu tượng, mà còn chính là sáu màu hào quang của Đức Phật được kinh điển miêu tả. Vì vậy, đầu tư cho cờ Phật giáo cũng chính là cúng dàng Đức Phật, có phần công đức.
Chúng ta đã thấy trong các sự kiện Phật giáo, cờ Phật giáo đã được sử dụng dưới nhiều hình thức: cờ lớn treo trước cổng chùa, cờ dây giăng mắc khắp nơi, cờ phướn treo trên các thân cột. Những hình thức đã được áp dụng như thế cần được tăng cường.
Còn những điều cần phải điều chỉnh hay bổ sung có thể là:
– Có một số chùa, trong những dịp lễ thay cờ Phật giáo dạng dây bằng một loại cờ dây nhiều màu, thường gọi là cờ chuối. Làm như vậy, có lẽ vì cờ chuối rất dễ mua (bán nhiều ở các nhà sách), rẻ tiền vì sản xuất hàng loạt số lượng lớn và được sử dụng phổ biến trong các dịp tổ chức sự kiện nói chung, kể cả tổ chức sự kiện ở một số tôn giáo khác.
Theo chúng tôi dùng cờ chuối để thay thế cờ Phật giáo dạng dây là điều đáng tiếc. Các tôn giáo khác, tuy có cờ, nhưng màu cờ không đặc trưng như Phật giáo, nên họ dùng cờ dây không mất mát gì. Cờ chuối chỉ là hình thức trang trí, thông báo lễ hội, có tính chất trung hòa biểu tượng, nên một số đơn vị tôn giáo, tư nhân sử dụng, phân biệt với những sự kiện do chính quyền các tổ chức chính trị, doanh nghiệp nhà nước tổ chức, thường treo cờ nước dạng dây.
Riêng Phật giáo chúng ta, đã có cờ Phật giáo là biểu tượng, thì không nên sử dụng cờ chuối, pha loãng tính chất
– Đối với chùa có vườn, nhiều cây cối, thì nên sử dụng cờ phướn theo chiều dọc, có 5 màu trình bày theo chiều dọc, treo trên các thân cây, tương tự chùa Trấn Quốc đã làm trong dịp đón tiếp Tổng thống Nga đến thăm, Nhìn ảnh, dù không thấy mái chùa đâu nhưng thấy cờ Phật giáo, người xem cũng hiểu Tổng thống đi chùa.
– Cờ trên cột cờ cao, cố định là hình thức chưa phổ biến lắm trong Phật giáo. Có lẽ ít nhất, mỗi chùa đều nên có cột cờ cao. Theo thông lệ và quy định của giáo hội, thì cờ Phật giáo phải được treo song song với cờ nước, nhưng cờ Phật giáo nhỏ hơn. Vì vậy, phải có ít nhất 2 cột, cho cờ nước và cờ Phật giáo, hoặc 3 cột, cờ nước ở giữa cờ Phật giáo hai bên. Khi thấy treo cờ đầy đủ lên cột cao là mọi người biết là đang có lễ Phật giáo hay có sự kiện Phật giáo đang được tổ chức.
Nếu sân chùa có không gian rộng rãi thì cũng có thể dựng một hàng cột cao để treo cờ. Nếu 2 – 3 cột cờ là biểu tượng có tính nghi lễ, thì một dãy cột cờ vừa có tính biểu tượng, vừa có tính trang trí, tạo ấn tượng mạnh.
– Cụm cờ nhỏ là một hình thức được một số chùa sử dụng, nhưng chưa được phổ biến rộng rãi. Cụm cờ nhỏ là nhiều cờ nhỏ được cắm trên một tấm biểu tượng nhỏ. Hình thức này tương đối nghiêm trang. Biểu tượng làm đế cờ có thể cũng là cờ Phật giáo, pháp luân, huy hiệu giáo hội, hình ảnh hoa sen… Cụm cờ nhỏ có thể được lắp trước cổng chùa, dọc theo tường chùa, trong quảng đường, phòng họp, thư viện… khi diễn ra sự kiện Phật giáo.
– Cờ cầm tay là hình thức đã được sử dụng trong các dịp rước xe hoa Phật đản, cung nghinh xá lợi Phật… Cờ cầm tay thích hợp với sự kiện cung nghinh, đón rước, tập họp Phật tử. Cờ cầm tay có tác dụng mạnh trong việc tạo không khí sự kiện, vì người dự càng đông, thì cờ càng nhiều tạo nên không gian rừng cờ chuyển động.
– Cờ trên huy hiệu, hay băng vải cài trên ngực áo. Hình thức này tương đối chưa phổ biến ở Phật giáo. Tuy thế, cũng cần nghiên cứu áp dụng, vì nó tạo nên không khí sự kiện trên chính người tham gia sự kiện. Huy hiệu, băng cờ trên áo tất nhiên được gỡ xuống sau khi sự kiện kết thúc.
Vì vậy, khi nó được cài trên áo là lúc sự kiện Phật giáo đang diễn ra ở người mang huy hiệu cờ, băng cờ. Do đó, thiết tưởng, trong các sự hiện Phật giáo, tại bàn đón tiếp quan khách, có thể tổ chức một ban cài huy hiệu cờ, hay băng cờ lên ngực áo khách mời. Vừa tỏ ý nghênh đón, vừa tạo không khí sự kiện.
Lồng đèn cờ là hình thức mà Giáo hội Phật giáo trước đây ở miền Nam thường dùng trang trí trong lễ Phật đản, nhưng hiện nay ít được dùng. Đó là việc xếp cờ giấy thành một dạng lồng đèn có nhiều góc vuông rất đẹp nhưng hầu như không thấy thắp đèn bên trong.
Ngày nay, với sự tiến bộ của công nghệ, có thể làm lồng đèn cờ Phật giáo theo nhiều kiểu, bằng loại chất liệu có thể thắp sáng bằng đèn điện, đèn cầy, tạo nên một hình thức trang trí bằng cờ độc đáo.
– Đèn cờ cung cấp ánh sáng: Hộp đèn hình cờ là một ví dụ, nhưng những kiểu khác có thể sáng tạo, để tạo hình cờ Phật giáo là tâm điểm chiếu sáng cho không gian sự kiện.
– Cờ vải hình vành khăn xếp nếp trang trí lễ đài, kiến trúc không gian tổ chức sự kiện, hình thức còn được nhiều nước sử dụng, nhưng ít thấy ở Việt Nam. Trong hình thức này, người ta dùng chất liệu vải màu cờ tạo thành những màn trang trí hình vành khăn xếp treo trên kiến trúc, lễ đài trong những dịp đại lễ, tạo không khí sự kiện (khác với ngày thường).
Hình thức này thường được Phật giáo Campuchia sử dụng treo cả bốn mặt chùa, giống như cờ quốc gia được treo ở Hoàng cung Campuchia mỗi dịp lễ lớn.
– Rước cờ, với nhiều hình thức, như rước một lá cờ lớn trải rộng (nghi lễ thường thấy ở các đại hội thể thao), hay rước nhiều cờ lắp trên trụ cầm tay, cầm trước ngực vươn cao, hình thức thường thấy ở các cuộc mít tinh quần chúng ở các nước xã hội chủ nghĩa. Đây là một hoạt động mang tính chất trang nghiêm, tạo ấn tượng cho người tham sự kiện.
– Cờ trên không trung, như trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long, Hà Nội, cờ được máy bay trực thăng kéo bay qua không gian tổ chức sự kiện. Trong Phật giáo, hình thức cờ trên không trung đã có ở những dịp Phật Đản bằng cách treo dưới khinh khí cầu. Hình thức này có thể bổ sung bằng cách lắp cờ Phật giáo bằng giấy khổ nhỏ dưới những bong bóng thả lên trời trong ngày lễ Phật đản.
– Cờ in trên áo thun cho thanh niên Phật tử trong một số sự kiện nhất định. Cờ Phật giáo có thể in, thêu trên ngực áo (như dạng áo thanh niên Việt Nam có cờ nước trên nắp áo), có thể in trên áo thun có tay, với những hình thức cách điệu, dùng trong một số loại hình sự kiện nhất định.
– Băng cờ Phật giáo khoác lên người trong những dịp diễn hành. Đối với Phật giáo Việt Nam, hình thức này có được sử dụng, nhưng thường dùng màu vàng, thay vì màu cờ Phật giáo. Theo ý kiến của chúng tôi, màu cờ Phật giáo thể hiện tính chất Phật giáo rõ rang hơn màu vàng.
– Cờ dán trên kính xe ô tô cũng là một biểu hiện cho việc tham dự sự kiện. Ngoài dạng cờ như nguyên mẫu, có thể cách điệu thành nhiều hình thức như cờ ở hình dạng tung bay, màu cờ ở dạng hình tròn đồng tâm…
MT