Tôi vẫn còn nhớ cụ nói một câu mà tôi vô cùng xúc động, đó là: “Sở dĩ tôi còn sống và gặp được quý thầy hôm nay là nhờ có Phật”.
Bởi lẽ, trong thời kỳ hoạt động cách mạng bí mật, có lúc mật thám bao vây hết các ngả đường không còn chỗ nào đi nữa, cụ đã vào chùa ẩn náu.
Kể lại như thế để thấy cụ đã tin tưởng và có cảm tình ở các nhà sư. Cụ luôn nghĩ rằng PG luôn gắn liền với dân tộc. Đối với tôi đánh giá của cụ như vậy thì vô cùng hiểu PG và rất chính xác.
Về sau này, khi chủ trương của thành phố cấp đất cho Giáo hội để xây dựng Học viện Phật giáo cho Tăng Ni sinh, thì công của cụ rất lớn. Cụ đã đóng góp ý kiến, vận động đối với các nhà lãnh đạo.
Khi đất chính thức được giao cho HVPGVN tại huyện Bình Chánh thì cụ là người đích thân đến đó trồng cây bồ đề. Đối PG mà đặc biệt đối với Tăng Ni sinh trẻ, cụ có nhiều tin tưởng và kỳ vọng, cụ cho rằng Tăng Ni ngày nay đã được học tập và phát triển trình độ cao đúng với tinh thần của Đức Phật, lấy trí tuệ làm sự nghiệp, nên rất xứng đáng có một học viện có tầm để đào tạo, giáo dục những người hiền tài trong tương lai.
Nhân cách sống ấy, nhiệt tình, tận tụy ấy của một nhà lãnh đạo đã thật sự đi vào lòng dân từ rất lâu rồi. Và, tôi nghĩ rằng giờ đây cụ không còn nữa nhưng cây bồ đề đã nẩy lộc đâm chồi và sẽ ghi nhớ tình cảm cao đẹp mà cụ đã dành cho Tăng Ni Phật tử VN, tình cảm đó sẽ sống mãi.
Cây bồ đề là biểu tượng tiêu biểu của PG và những yêu thương, kỳ vọng mà cụ đã gởi gắm cho Tăng Ni trẻ sẽ còn mãi ý nghĩa sâu sắc.
Tôi rất cảm phục nhân cách lớn của cụ, dù những năm tháng còn lại (khi đã về hưu) cụ đáng được thảnh thơi hơn nhưng phần lớn thời gian này cụ lại dành hết cho mọi tầng lớp nhân dân và đặc biệt với PG.
Thời gian gần đây, những hoạt động lớn của PG cụ đều đến tham gia và trực tiếp đóng góp ý kiến rất chân tình. Hội thảo quốc tế “Phật giáo trong thời đại mới: Cơ hội và thách thức” tổ chức tại HVPGVN TP.HCM, hay thời gian gần đây nhất là tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2008 tại Việt Nam đều có tham khảo ý kiến của cụ để làm sao Đại lễ thành công trên bình diện quốc tế, Nhà nước và GH.
Và, nhờ những góp ý đầy nhiệt huyết, chân thành của cụ đã góp phần thành công về mọi mặt.
Tôi có ấn tượng rất đặc biệt khi tiếp xúc với cụ. Đó là một nhân cách lớn, hết sức giản dị, chân tình, hòa ái và đã nói là nói lời chân tình xuất phát từ đáy lòng. Cách ứng xử của cụ đối với quần chúng nhân dân vừa thể hiện sự gần gũi, bộc lộ sự chân thật giữa người với người vừa tạo cảm giác rất dễ chịu cho người nghe. Một nhân cách Võ Văn Kiệt.
Quả là rất bất ngờ khi tôi hay tin cụ đã ra đi, mới đây thôi trong dịp Đại lễ Vesak 2008 tại Hà Nội cụ có đến dự, trao đổi chuyện trò rất vui vẻ.
Nhưng, tuy là sự ra đi bất ngờ nhưng tôi nghĩ đối với nhà Phật cuộc đời là vô thường, có sinh phải có tử, nhưng sự ra đi của cụ đã để lại cho nhân dân Việt Nam nhiều tự hào về một con người một đời vì dân vì nước, một nhân cách lớn chúng ta cần phải học tập noi theo.
Đây là mất mát lớn đối với đất nước, đối với nhân dân và cả với Phật giáo nữa. Bởi lẽ, khi hữu sự cần sự hỗ trợ của Nhà nước thì chính cụ là người đứng ra trao đổi, tháo gỡ, tạo cầu nối để tạo mối quan hệ tốt đẹp giữa Đảng, Nhà nước và Phật giáo.
Bao giờ cũng vậy, cụ luôn mong muốn Phật giáo cùng với dân tộc, đóng góp tích cực, hài hòa, ý nghĩa hơn trong sự phát triển của toàn xã hội.
Một số hình ảnh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với Phật giáo
Cố thủ tướng xem quy hoạch Học viện PGVN tại TP. Hồ Chí Minh
CTV (Ảnh Lương Hòa)