Trang chủ Thời đại Xã hội Có thể là một cơ hội cho ý tưởng truyền hình PGVN

Có thể là một cơ hội cho ý tưởng truyền hình PGVN

92

Chúng tôi xin kính đề đạt thông tin và đề xuất trong bài dưới đây lên Ban Hoằng pháp Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Vài tháng trước, bài viết ý tưởng về kênh truyền hình Phật giáo Việt Nam đăng trên trang Web Phattuvietnam.net được nhiều bạn đọc quan tâm, bày tỏ ý kiến ủng hộ.
    
Chúng tôi rất phấn khởi vì nhận được sự ủng hộ đối với ý tưởng của mình, nhưng vẫn hình dung nghĩ ra ý tưởng thì dễ, nhưng thực hiện được, tất nhiên, không phải là chuyện trong ngày một, ngày hai. Phỏng định của chúng tôi là có thể phải mất nhiều năm nữa, thậm chí hàng chục năm, Phật giáo Việt Nam mới có thể có kênh truyền hình để hoằng pháp, như Phật giáo Đài Loan, Hàn Quốc, Tích Lan…

Tuy nhiên, mới đây, có một thông tin, mà chúng tôi nghĩ rằng có thể đó là cơ hội đối với ý tưởng truyền hình Phật giáo Việt Nam, trong một hình thức thích hợp ban đầu và khả thi.

Phát biểu trên báo Thanh Niên, thứ tư 11/11/2009, ông Thái Minh Tần, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện Việt Nam VTC, cơ quan chủ quản của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, cho biết sắp tới sẽ lên sóng kênh VTC 14 “chuyên về phòng chống thiên tai”. Theo nội dung lời phát biểu trong bối cảnh bài phỏng vấn, thì kênh này đang trong diện xin phép phát sóng analog (nghĩa là dùng kỹ thuật “tương tự” thông dụng từ trước đến nay, khán giả có thể thu xem qua anten trời dễ dàng, không cần đầu thu kỹ thuật số hay đường cáp). Nếu phát được bằng kỹ thuật số analog thì số lượng khán giả rất lớn, vì trước đây VTC có nhiều trạm phát ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Các kênh VTC còn được phát sóng bằng nhiều phương thức: vệ tinh, kỹ thuật số mặt đất, đường cáp ở một số đơn vị, phủ sóng toàn quốc.

Điều đáng chú ý là nội dung kênh VTC 14: : “chuyên về phòng chống thiên tai”. Chính đây có thể là cơ hội cho ý tưởng về truyền hình Phật giáo Việt Nam.

Kênh “chuyên về phòng chống thiên tai” thì tất yếu, cơ sở, động lực và mục tiêu của nó là hoạt động nhân đạo. Đây là điểm gặp gỡ với tinh thần cơ bản của đạo Phật, đạo cứu, khổ cứu nạn.

Là một kênh truyền hình hiện đại, như các kênh VTC khác, thời gian phát sóng của nó đương nhiên là liên tục, nhưng thiên tai chỉ xảy ra vào một số ít thời điểm trong năm. Như vậy, kênh truyền hình phòng chống thiên tai cần bổ sung thời lượng chương trình bằng những nội dung khác, nhưng vẫn xoay quanh trục nội dung chính là mục tiêu nhân đạo, cứu người, giúp người, cả về mạng sống, sức khỏe, vật chất và tinh thần.

Phật giáo Việt Nam tất nhiên rất thích hợp để góp phần vào công việc nhân đạo như vậy.

Nói đến khả năng một kênh truyền hình quảng bá giáo lý Phật giáo có thể còn xa, nhưng khả năng những chương trình truyền hình mang màu sắc cứu khổ, cứu nạn, giúp người, vì người, do cơ quan hoằng pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện, đóng góp vào chương trình chung của kênh truyền hình chuyên về phòng chống thiên tai do Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC thực hiện là một khả năng có thể nghĩ đến.

Thực chất nói đến cứu giúp người trong thiên tai đã là nói đến giáo lý cơ bản của Phật giáo được đề cập trong Phẩm Phổ Môn, Kinh Pháp Hoa. Cứu người giúp người trong thiên tai gió bão, nước lửa, dịch bệnh… là hạnh nguyện của vị Bồ tát hàng đầu trong Phật giáo, Bồ tát Quán Thế Âm.

Vì vậy, không phải cơ quan hoằng pháp Phật giáo Việt Nam đóng góp nội dung này, thì còn đơn vị nào thích hợp hơn nữa?

Thêm vào đó, hoạt động cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai cũng là một hoạt động chính của Phật giáo Việt Nam. Thông tin những hoạt động như vậy của Phật giáo Việt Nam trên kênh truyền hình chuyên về phòng chống thiên tai là hết sức thích hợp. Ngược lại, các cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể qua kênh truyền hình phòng chống thiên tai tiến hành các hoạt động vận động, quyên góp giúp đỡ đồng bào phải chịu hậu quả của thiên tai.

Kênh chuyên về phòng chống thiên tai đương nhiên phải hướng nội dung về hoạt động bảo vệ môi trường, sinh thái, đời sống động, thực vật, bảo vệ thiên nhiên, hỗ trợ các giải pháp chống hâm nóng toàn cầu, chống phá hoại môi sinh, giải quyết nguyên nhân cơ bản của việc gia tăng thiên tai những năm gần đây. Những nội dung như trên hoàn toàn nằm trong lý tưởng độ sinh của Phật giáo, nhằm mục tiêu trên hết bảo vệ cuộc sống sinh linh.

Hiện nay nhiều tôn giáo mới vay mượn một phần giáo lý Phật giáo làm cơ sở đang lấy đề tài nói trên làm nội dung chính cho kênh truyền hình của mình (thí dụ Suprememaster TV). Tham gia vào kênh truyền hình VTC chuyên về phòng chống thiên tai tức là Phật giáo Việt Nam lấy lại tiếng nói, vai trò của mình trong hoạt động xã hội nói trên, mà lẽ ra Phật giáo phải là tôn giáo dẫn đầu.

Quảng bá, cổ động cho việc ăn chay (giới thiệu món ăn, dạy nấu ăn chay…), hạn chế những tác động tiêu cực gây biến đổi môi trường, vốn là nguyên nhân dẫn đến gia tăng thiên tai của việc chăn nuôi công nghiệp, rồi sát sinh hàng loạt với quy mô lớn, cũng là nội dung thích hợp để cơ quan hoằng pháp Phật giáo đóng góp vào kênh truyền hình chuyên về phòng chống thiên tai.

Quảng bá, cổ động nếp sống lành mạnh, đơn giản, thiểu dục (giảm thiểu ham muốn, nhu cầu vật chất), tri túc (biết vừa đủ)…, vốn là những điểm cơ bản của giáo lý Phật giáo, nhưng vừa cũng là những biện pháp thiết yếu hiện nay để hạn chế khai thác những nguồn năng lượng không tái tạo của thiên nhiên, đồng thời hạn chế việc sử dụng thái quá năng lượng gây ô nhiễm, gây tổn thương sinh thái, làm hâm nóng trái đất, dẫn tới gia tăng thiên tai, cũng là nội dung thích hợp để cơ quan hoằng pháp Phật giáo Việt Nam đóng góp vào kênh truyền hình phòng chống thiên tai.

Chắc chắn sẽ là điều rất tốt cho xã hội, và cho Phật giáo Việt Nam, khi chư vị tăng ni xuất hiện thường trực trên truyền hình, kêu gọi, khuyến khích những hoạt động cụ thể để phòng ngừa thiên tai, thúc đẩy hoạt động cứu trợ thiên tai…, đồng thời là những hình ảnh cụ thể của những hoạt động đó.

Về mặt cơ chế, VTC là một đài truyền hình doanh nghiệp, là một đài truyền hình mở trong việc liên kết xã hội hóa hoạt động truyền hình, đã có một số kênh xã hội hóa và nhiều chương trình xã hội hóa, với nhiều đơn vị tham gia.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đương nhiên có thể là một đơn vị liên kết với Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, với nhiều hình thức. Chẳng hạn, một số giờ chương trình truyền hình cố định với những đề tài như trên trên kênh truyền hình chuyên về phòng chống thiên tai sẽ do cơ quan hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam đảm nhiệm thực hiện, dưới sự giúp đỡ ban đầu về đào tạo nghiệp vụ, kỹ thuật, thiết bị từ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.

Đối với những kênh truyền hình có nội dung giải trí, phục vụ kinh doanh, đơn vị liên kết với đài truyền hình phải trả chi phí cho đài truyền hình.

Nhưng đối với kênh truyền hình công ích xã hội, phục vụ lợi ích đất nước, cộng đồng, như kênh VTC14 “chuyên về phòng chống thiên tai”, thì chắc chắn, có thể có một sự mong mỏi ngược lại, nghĩa là Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC hỗ trợ Ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện chương trình để Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể góp phần vào sự thành công của kênh truyền hình phòng chống thiên tai, trước mắt là đóng góp bổ sung về nội dung hoạt động nhân đạo, góp tiếng nói để kênh truyền hình chuyên về phòng chống thiên tai sớm lên sóng phục vụ khán giả.

Bộ Thông tin Truyền thông, Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC có thể giữ vai trò là một đại thí chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tương tự như các bộ, ngành khác (chẳng hạn mới đây Bộ Xây dựng và các Tổng Công ty trực thuộc đứng vai trò là một đại thí chủ ủng hộ cúng dường đại hồng chung trọng lượng lên đến 1,5 tấn cho Tổ đình Giác Lâm, TPHCM).

Khi hỗ trợ Giáo hội Phật giáo Việt Nam góp phần vào kênh truyền hình chuyên về phòng chống thiên tai, Tổng Công ty VTC đã tạo điều kiện thuận lợi để Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện tốt hơn nữa phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, phục vụ những lợi ích  của dân tộc tốt hơn nữa, gắn bó nhiều hơn nữa trong hoạt động xã hội, với vai trò là một thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ngược lại, hàng mấy chục triệu tăng ni Phật tử Phật giáo Việt Nam sẽ là những khán giả tích cực của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, đặc biệt là kênh “chuyên về phòng chống thiên tai”.

Kính mong hàng giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam xem xét đề xuất này, và khi đã có nhân duyên với Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, thì thỉnh nguyện phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng góp tiếng nói để kênh truyền hình chuyên về phòng chống thiên tai sớm được phát sóng rộng rãi, đến được với đông đảo khán giả.

Thành công tốt đẹp của chủ trương xã hội hóa truyền hình không gì hơn sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức xã hội vào hoạt động truyền hình, trong đó Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức được tin cậy, đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước.

Thiết tưởng, không thể bỏ qua tình thế, có thể là một cơ hội tốt, trong đó, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC và Phật giáo Việt Nam đều có lợi, mà trên hết là lợi ích của nhân dân cả nước trong nỗ lực phòng chống thiên tai, nhất là đồng bào đang chịu đựng những thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra, cần được cứu trợ giúp đỡ nhân đạo.

MT