HỎI: Chúng tôi là Phật tử ở vùng rừng núi Tây Nguyên xa xôi, thỉnh thoảng mới có một vài vị Tăng ghé qua và hiếm hoi lắm mới được nghe một thời pháp. Thế nhưng, “chư Tăng Ni” hành nghề bán hương (nhang) thì lại khá nhiều. Họ đi khắp các hang cùng ngõ hẹp, bán hương với giá “trên trời” và nài nỉ mua để ủng hộ chùa chiền ở đâu đó.
Thú thật thì chúng tôi có mua để ủng hộ nhưng địa phương chúng tôi đâu có thiếu hương, chỉ thiếu giáo pháp mà thôi. Trong khi chúng tôi được biết ở những đô thị lớn, các tỉnh lỵ thì chư Tăng tập trung khá đông. Nhìn “chư Tăng Ni” đến địa phương chúng tôi không hoằng pháp mà chỉ đi bán hương dạo, thật chạnh lòng. Xin hỏi quý Báo, đây có phải là biểu hiện của thời mạt pháp không? Giáo hội có thể điều phối chư Tăng đến những vùng sâu vùng xa không? Chúng tôi sẽ học tập giáo pháp với ai, bằng cách nào?
CHIA SẺ:
Phản ánh của các bạn về việc “chư Tăng Ni” đến Chư Păh chuyên bán hương dạo, chỉ thuần túy buôn bán, theo chúng tôi, lãnh đạo Phật giáo và chư Tăng, Phật tử tỉnh Gia Lai nói riêng cùng cả nước nói chung, cần đặc biệt quan tâm, cảnh giác. Bởi hiện nay, có một bộ phận không nhỏ người thế tục giả dạng Tăng Ni, nấp dưới danh nghĩa làm việc thiện như vận động tiền bạc nhằm xây dựng, cứu trợ… hoặc buôn bán nhang đèn, pháp khí, kinh sách… làm kinh tế cho chùa, lợi dụng lòng tin của bà con Phật tử để trục lợi (các phương tiện truyền thông đại chúng đã phản ánh).
Dù hiện nay, một số chùa viện vẫn chủ trương sản xuất nhỏ như tương chao, bánh trái, hương đèn hoặc buôn bán nhỏ như mở quán cơm chay, phòng phát hành kinh sách, pháp khí, văn hóa phẩm Phật giáo nhưng chủ yếu là cung ứng và phân phối tại chỗ, giao hàng tận nơi với số lượng lớn nếu có yêu cầu. Và có thể nói, ngày nay kinh tế xã hội phát triển nên kinh tế chùa viện và đời sống Tăng Ni đã ổn định, do đó, chư vị chỉ chuyên tâm tu học và hoằng hóa. Vì thế, việc chư Tăng Ni đi bán dạo hương, đèn… để làm kinh tế cho nhà chùa là hoàn toàn không có.
Vậy thì đội ngũ khá nhiều “chư Tăng Ni” đi bán rong buôn dạo, họ là ai? Nếu chúng ta không có phương án ngăn chặn kịp thời để chấm dứt tình trạng này thì uy tín của Tăng già bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng Phật tử hoang mang không biết đây có phải là biểu hiện của thời mạt pháp không, là một điển hình. Thiết nghĩ, Giáo hội các cấp nên đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự, phối hợp với chính quyền để có phương án giải quyết triệt để, nhằm tránh ảnh hưởng không tốt đến uy tín của chư Tăng đồng thời chư vị trụ trì các tự viện cần phổ biến sự việc này cho Phật tử để kịp thời cảnh giác.
Vấn đề các bạn ưu tư, mong mỏi được chư Tăng đến hành đạo, hoằng pháp tại những vùng sâu vùng xa như Chư Păh, hiện cũng là những trăn trở, thao thức của chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo tỉnh Gia Lai nói riêng và Giáo hội nói chung. Có thể nói, hoằng pháp tại vùng sâu vùng xa là một trong những mục tiêu của Ban Hoằng pháp Trung ương. Hiện Ban Hoằng pháp Trung ương đã kiện toàn đội ngũ Giảng sư đoàn và việc cử giảng sư đến Chư Păh hoằng pháp, đáp ứng nhu cầu tu học của các bạn là điều có thể thực hiện được.
Đối với chư Tăng, việc tu học và hành đạo ở nơi nào luôn mang tính tùy duyên. Nếu hội đủ các yếu tố về pháp lý, sự hỗ trợ của chính quyền và Giáo hội địa phương, môi trường tu học, điều kiện sống và hành đạo, tâm nguyện hộ pháp của Phật tử, sự phát nguyện dấn thân hoằng pháp của chư Tăng… thì xem như đủ duyên và chư Tăng có mặt.
Trong sự nghiệp hoằng pháp, phát tâm hành đạo vùng sâu vùng xa, miền núi và cao nguyên, về chủ quan thì chư Tăng luôn sẵn sàng nhưng về các yếu tố khách quan vẫn đang cần hội đủ duyên lành. Do vậy, nếu nhìn qua lăng kính tùy duyên như chúng tôi đã phân tích thì các bạn sẽ hiểu được nguyên nhân vì sao chư Tăng tập trung khá đông ở đô thị và các tỉnh lỵ hiện nay trong khi những nơi khác mật độ chư Tăng khá thấp, thậm chí có những địa phương chư Tăng hoàn toàn vắng mặt.
Trong khi chờ đợi chư Tăng hội đủ duyên lành về hành đạo tại địa phương, các bạn cần thỉnh nguyện Ban Trị sự, Ban Hoằng pháp tỉnh Gia Lai và Ban Hoằng pháp Trung ương quan tâm giúp đỡ, bổ nhiệm trụ trì, hỗ trợ giảng sư. Mặt khác, hiện nay kinh sách, báo chí, băng đĩa Phật pháp rất phong phú, phát hành rộng rãi nên các bạn cần nương tựa Pháp bảo để làm hành trang cho lộ trình tu học của mình. Chúng tôi nghĩ rằng, trước vận hội mới của đất nước và Phật giáo Việt Nam, trong một tương lai rất gần, mong ước của các bạn sẽ trở thành hiện thực.