Nội dung câu hỏi cũng có nói rõ ràng “lễ Hằng thuận tại chùa là rất tốt, nên khuyến khích”.
Cần viện dẫn lại đây để vấn đề trở nên rõ ràng. Câu hỏi là ý sau của phản hồi.
Xin phép không bàn luận vấn đề từ góc độ giới luật, vì tôi là cư sĩ, không thể bàn luận việc của quý thầy cô trên cơ sở giới luật (chỉ có thể ở những trường hợp có liên quan đến 5 giới căn bản).
Còn chỉ xem xét vấn đề từ góc độ tập quán sinh hoạt, thì xin phân biệt những tình huống khác nhau… Dưới đây là ý kiến chủ quan của chúng tôi, kính mong quý độc giả cùng bình luận.
– Nếu tiệc cưới tại nhà hàng là tiệc chay 100%, không có rượu bia và tổ chức vào buổi trưa trước 12 giờ, ngoài ba tháng hạ, thì thiết tưởng, rất nên mời quý thầy cô tham dự, chúc phúc.
Tổ chức như trên bữa tiệc là hoàn toàn tinh khiết, phù hợp với sinh hoạt của quý thầy cô.
Trong kinh cũng ghi nhận trường hợp Phật và thánh chúng thọ trai bên ngoài tịnh xá, chúc phúc cho gia chủ.
– Ngoài trường hợp với những điều kiện kể trên, thì nên cân nhắc mời quý thầy cô dự tiệc chay buổi tối không như là mời cơm chay ở tiệm ăn. Bởi lẽ, tiệc cưới là một sinh hoạt có nhiều người tham dự và có yếu tố nghi lễ, trang trọng trong đó.
Quý thầy cô các chùa Bắc Tông xem bữa ăn chiều là dược thực (coi thực phẩm ăn buổi chiều chỉ như một thứ thuốc chữa cơn đói) và điều này được thông báo rộng rãi trong lịch sinh hoạt ở các chùa (một khía cạnh có yếu tố quan điểm giới luật nhưng người Phật tử được phép biết). Vì vậy, mời quý thầy cô đến chỗ đông người dự tiệc chiều tối, thiển nghĩ, không phù hợp với sinh hoạt thiền môn.
Trong 3 tháng hạ, quý thầy cô tuyệt đối hạn chế việc dùng cơm bên ngoài chùa (cũng theo tinh thần sinh hoạt thiền môn mà người Phật tử được biết như trên). Vì vậy, trong thời gian nhập hạ, hết sức cân nhắc mời quý thầy cô dùng cơm, dù là cơm trưa, tiệc trưa bên ngoài chùa.
– Càng không nên mời quý thầy cô đến dự tiệc cưới nếu đó là tiệc mặn giải khát rượu bia, có riêng bàn chay cho quý thầy cô.
Chúng ta đều đã dự qua những tiệc cưới mặn, có đông đảo bạn trẻ ở nhà hàng và chắc chắn thấy nó không phù hợp với sự thanh tịnh của quý tăng ni.
Không thích hợp chút nào nếu quý tăng ni phải nể lời đến dự, ngồi ở bàn chay nhưng chung quanh sực nức mùi thịt cá, nồng nặc mùi bia rượu, với những tiếng hò hét huyên náo “1, 2, 3… dzô”!
Đối với những người Phật tử đứng tuổi, trường chay, giữ ngũ giới, thì bối cảnh tiệc cưới như thế cũng không thích hợp, nữa là quý thầy cô tu sĩ.
Do vậy, nếu đã mở tiệc mặn, thì dù gia chủ là Phật tử thuần thành, quý mến quý thầy cô, đặt bàn chay riêng, thì có lẽ cũng gây khó xử cho quý thầy cô.
Nhìn vào một bữa tiệc đông đảo ở nhà hàng, mà tuyệt đại đa số trên bàn ăn đều là thịt cá, người ngoài thấy người tu sĩ Phật giáo Bắc Tông ngồi trong đó, thì cũng hết sức bất tiện.
Vì vậy, theo ý kiến riêng tôi, kính quý thầy quý cô, thì chỉ nên gửi thiệp báo tin mừng, không nên mời dự tiệc.
Mong được tụng kinh chúc phúc, thì nên tổ chức lễ hằng thuận tại chùa. Mong có quý thầy cô dự tiệc, thì nên khoản đãi tiệc chay tại chùa sau lễ hằng thuận. Việc mời quý thầy cô đến dự tiệc cưới ở nhà hàng cần hết sức cân nhắc.
Riêng đối với các vị sư Nam tông, tôi chưa thấy việc dự tiệc cưới mặn tại nhà hàng, dù chư tăng Nam tông được phép ăn mặn.
Trên đây chỉ là ý kiến chủ quan của tôi, theo tập quán và sinh hoạt Phật giáo mà giải đáp, có thể có những điểm cần trao đổi thêm.
Kính mong bạn đọc có ý kiến nếu thấy cần.
MT