Ngôi chùa ấy nằm trong hẻm sâu, giữa khu dân cư nghèo thuộc vùng Đồng Tháp Mười “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh như bánh canh”. Ngôi chùa ấy do một vị Đại đức trụ trì, cùng sự giúp việc của một đệ tử trẻ.
Đi tìm “Thiếu Lâm Tự”
Tôi không phải là con nhà võ, nhưng từ lâu tôi rất ngưỡng mộ trường phái võ Thiếu Lâm và ngôi chùa Thiếu Lâm Tự. Tôi cứ ao ước được một lần trong đời đặt chân đến ngôi chùa huyền thoại này để xem các thầy chùa luyện võ. Thiếu Lâm Tự là một ngôi chùa tại Tung Sơn – Hà Nam – Trung Quốc, là một trong những ngôi chùa xưa nhất của Trung Quốc, nổi tiếng từ lâu nhờ mối liên hệ với Phật giáo Thiền tông và võ thuật.
Võ thuật của Thiếu Lâm tự được xem là nguồn gốc các phái võ Trung Quốc hiện nay. Theo truyền thống, các nhà sư Thiếu Lâm phát triển kỹ năng võ thuật để phòng thủ sự tấn công của kẻ địch, như là một phương tiện giữ gìn sức khỏe, và như là kỷ luật về tinh thần và thể chất. Sau thành công vang dội của bộ phim Thiếu Lâm Tự do Lý Liên Kiệt đóng vai chính vào năm 1982, chùa được nhà nước Trung Quốc cho xây dựng lại và trở thành địa điểm du lịch chính thức, là nơi hành hương của các nhóm võ thuật trên khắp thế giới và khách du lịch yêu thích võ thuật.
Chùa Long Thạnh. |
Tôi đã từng tự hỏi, không biết có ngôi chùa nào ở Việt Nam là nơi luyện võ như Thiếu Lâm Tự hay không. Nỗi thắc mắc ấy của tôi đã được giải đáp khi cách đây vài tháng tình cờ tôi chứng kiến một vụ giựt giỏ xách trên QL1A, đoạn ngang qua huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Hai cô gái đi trên một chiếc xe gắn máy đã bị 2 tên cướp chạy xe cùng chiều giựt chiếc giỏ xách.
Sau tiếng la thất thanh của cô gái, tôi thấy một chiếc xe gắn máy lao theo 2 tên cướp, rồi chặn đầu xe. Chỉ cần mấy thế võ là 2 tên cướp bị đo ván, phải quăng giỏ xách lại, lên xe chạy thục mạng, người thanh niên kia cũng theo buồn đuổi theo. Tôi lân la hỏi thăm, người “hiệp sĩ” cho biết mình làm công nhân. Còn mấy thế võ vừa rồi anh học được từ chùa Long Thạnh trong suốt mấy năm anh sống, học tập và tu luyện tại đây.
Bị câu chuyện hấp dẫn, tôi đã tìm đến chùa Long Thạnh vào một buổi chiều. Rời thành phố Tân An (tỉnh Long An) đi về phía bắc hơn 10 cây số, tôi đến thị trấn Thủ Thừa (huyện Thủ Thừa), đây là vùng rìa của Đồng Tháp Mười, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ đạo. Hỏi thăm chùa Long Thạnh, có người biết người không, nhưng khi tôi hỏi về lớp học tình thương của thầy Út (tức Đại đức Thích Quảng Tâm, trụ trì chùa Long Thạnh) thì hầu như người dân Thủ Thừa nào cũng đều biết rành.
Một cậu bé đã leo lên xe gắn máy để dẫn tôi đi đến tận chùa. Chùa nằm trong hẻm sâu, chỉ xe gắn máy vào được, khuôn viên chùa chật hẹp, qua cổng chùa là tôi bước ngay vào chánh điện. Chánh điện vắng tanh, từ trước ra sau không một bóng người.
Trở ra cổng, đi thêm mươi bước, rồi rẽ vào hậu liêu của chùa, tôi đã gặp thầy Út. Theo chân thầy, tôi đến bãi sân rộng láng xi măng sạch sẽ ở hậu liêu, ở đó hơn 50 học sinh sống trong chùa đang hàng ngũ chỉnh tề cho giờ học võ. Thầy Út cho biết, đây là số học sinh có hoàn cảnh đặc biệt trong xã hội, như bị cha mẹ bỏ rơi, trẻ em lang thang đường phố, không nơi nương tựa, được nhà chùa nhận về nuôi dạy.
Các em được tạo điều kiện đến trường học văn hóa, học giáo lý nhà Phật, học võ, học vi tính. Ngoài ra các học sinh cũng được học tùy thích các môn: Anh văn, viết thư pháp, múa lân, âm nhạc…
Hiện thầy Út trực tiếp đứng lớp dạy thư pháp, giáo lý nhà Phật, còn các chương trình học khác thầy vận động phật tử các nơi về cộng tác đứng lớp. Hôm nay võ sư bận việc không đến được, thầy Út phải dạy thay. Bản thân võ thuật đã là đạo – võ đạo, người học võ để phòng thân và để làm điều thiện. Học võ dưới mái chùa càng phải nhắm đến cái đích thiện mỹ.
Thầy Út tâm sự: “Học hết lớp 12 các em sẽ rời khỏi chùa để tự lập, cùng với kiến thức văn hóa, những kỹ năng sống được tích lũy ở đây sẽ giúp các em tự tin hơn khi bước vào đời”.
Bước khỏi đội hình học võ theo yêu cầu của thầy Út, hai anh em Võ Quốc An (lớp 4) – Võ Quốc Khang (lớp 2) đến chắp tay lễ phép chào tôi. Cách đây 2 năm, hai cháu được bà ngoại từ huyện biên giới xa xôi dắt đến gửi vào chùa.
Thầy Út đã đi gần 100 cây số đến huyện Vĩnh Hưng (Long An) để xác minh hoàn cảnh hai cháu: không cha, mẹ bỏ con cho bà nuôi, cả nhà từ bên Đồng Tháp qua Vĩnh Hưng làm mướn, không hộ khẩu, một cháu không có khai sanh… Mỗi năm hai cháu đều được nhà chùa tạo điều kiện cho về ăn tết với bà ngoại và trở thành hai đứa cháu đầu tiên của bà biết đọc biết viết (những đứa còn lại ở quê nhà đều mù chữ).
Một trường hợp hai anh em bất hạnh khác: T.T.A (lớp 9) và T.T.B (lớp 5, thầy Út yêu cầu giấu tên vì sợ ảnh hưởng đến cha con các cháu) bị mẹ bỏ từ nhỏ, sống với cha. Rồi người cha làm ăn hay bài bạc gì đó bị đổ nợ, trước khi bỏ trốn đã đem gửi hai con nhỏ vào chùa. Hơn bốn năm qua, chỉ đôi lần người cha đáng thương và đáng trách ấy lén lút ghé lại chùa thăm hai con nhỏ của mình… Nhìn các cháu miệt mài tập võ, tôi không thể hình dung cách đó không lâu các cháu còn là trẻ thất học, lang thang không nơi nương tựa.
Học võ sau khi học văn hóa
Về cơ duyên ra đời lớp học tình thương trong chùa, thầy Út kể: thầy sinh năm 1961 tại vùng quê nghèo thuộc một xã vùng sâu huyện Thủ Thừa, nơi chuyện học rất khó khăn, nhiều trẻ thất học. Lớn lên đi tu, thầy Út cứ canh cánh bên lòng nỗi xót xa những cảnh đời thất học, sống vất vưởng chung quanh.
Những năm đầu thập niên 1980, huyện Thủ Thừa liên tục bị lũ lụt nặng, học sinh đi học càng khó khăn, nhiều em phải bỏ học. Xót xa trước cảnh các em học dở dang, thầy đã giúp đỡ bằng cách cho các em vào chùa ở để tiện việc đi học. Nhà chùa chật hẹp, lúc đầu chỉ nuôi được bốn, năm em.
Đại đức Thích Quảng Tâm đang tập võ cho các học sinh. |
Tiếng lành đồn xa, các em được gia đình gửi tới ở ngày một nhiều, trong đó có cả trẻ mồ côi, trẻ sống lang thang. Dù cố gắng lắm, nhà chùa cũng chỉ có thể cưu mang chừng 10 học sinh, cho đến một ngày có một chuyện cảm động diễn ra dưới mái chùa.
Có một nữ phật tử từ TP. HCM đến viếng chùa, thấy nhà chùa cưu mang học sinh nghèo trong điều kiện chật hẹp, thiếu thốn, bà đã động lòng trắc ẩn, giúp đỡ các em rất nhiều. Chẳng may người phụ nữ tốt bụng ấy mắc bệnh nan y.
Trước khi qua đời, bà đã cùng người thân đến chùa làm di chúc, theo đó sau khi bà qua đời, người thân lấy tài sản của bà để lại giúp nhà chùa mua đất, cất nhà để nuôi dạy các học sinh tốt hơn. Số tiền khá lớn của bà để lại đã giúp nhà chùa mở rộng khuôn viên, xây chỗ ăn ở, học tập rộng rãi, khang trang như hiện nay. Cũng nhờ đó, chùa đã xây dựng được khu hậu liêu rộng rãi làm nơi tập võ cho học sinh. Để tưởng nhớ công ơn người nữ phật tử nhân hậu ấy, thầy Út đã lấy tên bà đặt cho khu học xá: Mái ấm Kim Chi.
Để thầy Út tập võ cho các em, tôi đi dạo khắp khuôn viên chùa. Trong cả ngôi chùa, lớp học và nơi ăn ở của các học sinh được xây dựng khang trang nhất.
Chỗ ở của các em, dù là nhà tường, nền lát gạch men, nhưng không được rộng rãi, nếu như không nói là khá chật vì ban đầu thiết kế cho chỉ hơn 30 học sinh ở nội trú, nhưng số học sinh đến quá đông, nên phải kê giường sát lại, các em chịu chật một chút, nhưng nhờ đó mà có thêm nhiều cảnh đời bất hạnh được cưu mang.
Các em ở giường tầng, nơi đó sách vở, dụng cụ học tập, đồ dùng sinh hoạt được sắp xếp ngăn nắp như trong doanh trại quân đội. Kế bên nhà ở là nhà bếp với các kệ được lát gạch men màu trắng, bên trên có những chiếc chảo lá sen thật to được nấu bằng củi khô.
Cơm và thức ăn đều được nấu bằng những chiếc chảo lá sen, gồm đậu hũ kho với bí đao, món canh rau, cùng với tương, chao… Đối diện với khu nhà ở và nhà bếp, nằm kề bên chánh điện là phòng học được xây cao ráo, rộng rãi, gạch men sáng loáng. Đây là nơi các học sinh học vi tính, tiếng Anh, thư pháp… Bàn học là loại theo quy cách mới nhất của ngành giáo dục, có thể điều chỉnh độ cao. Mười tám bộ máy vi tính thế hệ mới có kết nối internet được đặt quanh phòng.
Vị Đại đức giỏi vi tính
Kết thúc giờ học võ, trong khi các “võ sinh” tập trung vào các bàn ăn cơm chiều, thầy Út vào phòng vi tính. Tại đó, có mấy em học sinh nhỏ, các em từ bên ngoài vào nhờ máy vi tính nhà chùa thực tập miễn phí. Em Phạm Minh Thái, học sinh lớp 8 Trường THCS Bình An (xã Bình An, Thủ Thừa), cho biết nhà em cách chùa chừng ba cây số, hàng ngày em đạp xe đến chùa học vi tính vì ở Bình An không có ai dạy môn này.
Em Thái đang gặp khó khăn gì đó trên máy, thấy thầy Út vào lớp, em vội chắp tay thưa thầy nhờ chỉ giúp. Sau mấy lời giải thích và vài cái click, thầy Út lại đi lo công chuyện, còn em Thái tiếp tục thực hành trên máy.
Chuyện thầy Út đến với thế giới vi tính cũng không kém phần thú vị. Đến cuối thập niên 1990 phong trào học vi tính mới lan đến huyện Thủ Thừa. Lúc ấy, trong một lần đi công việc ở TP. HCM, thầy Út được một nhà sư là bạn tặng chiếc máy vi tính hệ điều hành Window 95.
Với lòng yêu thích thành tựu khoa học, thầy Út đã mua sách mày mò tự học, rồi mỗi tối đi về hàng chục cây số theo học lớp vi tính ban đêm ở thành phố Tân An, thầy trở thành một trong những người đầu tiên giỏi vi tính ở huyện Thủ Thừa.
Thầy đem kiến thức vi tính của mình truyền dạy cho học trò nghèo đang nương tựa trong chùa. Lúc đó, cả thị trấn Thủ Thừa chỉ có hai điểm dạy tin học, một của tư nhân với học phí rất đắt, một của nhà nước chỉ mở ban ngày. Nhiều học sinh nghèo muốn đi học vi tính cũng không được, phần vì học phí quá cao, phần vì không có lớp đêm. Không chỉ dạy học trò nghèo trong chùa, lớp xóa mù tin học của thầy Út còn thu nạp cả những đứa trẻ trong thị trấn.
Đến khi một số trường THCS tại một số địa phương trong huyện được trang bị máy tính, nhưng giáo viên tin học thì chưa có sẵn, thầy Út đã đi vận động các trường cử người đến chùa học miễn phí, đồng thời vận động các phật tử biết tin học ở trên tỉnh về cùng mình đứng lớp. Tiếng lành đồn xa, cán bộ các cơ quan trong huyện, học sinh nghèo các nơi cũng đến chùa học vi tính.
Trung tâm tin học chùa Long Thạnh với chỉ một máy tính đã luôn nhộn nhịp vào mỗi tối. Cũng nhờ vào tấm lòng của các phật tử, năm 2002 chùa tăng lên được bốn máy vi tính, để đến hôm nay nhà chùa có đến 18 máy vi tính thế hệ mới. Hàng trăm người thành thạo vi tính ở huyện Thủ Thừa, nhiều người trong họ tiếp tục học lên cao để trở thành chuyên viên vi tính giỏi, đã từng đến với thế giới @ dưới mái chùa Long Thạnh, mà thầy dạy trong trang phục áo nâu sòng.
Gieo chữ nơi cửa Phật
Dưới mái chùa Long Thạnh có nhiều cảnh đời bất hạnh đến từ nhiều vùng miền trên cả nước. Cháu Lương Thế Dượt (lớp 7) quê tận tỉnh Thái Bình có cuộc hành trình đến chùa khá truân chuyên. Mẹ cháu gửi con vào một ngôi chùa nhỏ ở huyện nhà Kiến Xương lúc mới sanh. Ngôi chùa này không đủ điều kiện nuôi dạy, đã gửi cháu đến chùa khác trên tỉnh.
Cứ thế, cháu được gửi đến tận chùa Long Thạnh. Dựa vào giấy khai sanh, thầy Út đã tìm đến tận huyện Kiến Xương – tỉnh Thái Bình và gặp được người cha của bé Dượt bị bệnh tâm thần đang sống một mình, còn mẹ cháu dắt những đứa con khác đi bán vé số đâu ngoài Hà Nội.
Cuối cùng thầy Út cũng có được số điện thoại của mẹ cháu Dượt. Bây giờ thỉnh thoảng mẹ con cháu Dượt được gặp nhau qua điện thoại của nhà chùa. Thầy Út đang tìm nguồn tài trợ để cháu Dượt về quê thăm cha mẹ. Cũng ở tận miền Bắc xa xôi, em N.T.C (lớp 8, huyện Lộc Hà – tỉnh Hà Tỉnh) được gia đình gửi vào chùa Long Thạnh cách đây hai năm để mong cháu tiếp tục được học, vì nhà quá nghèo, cháu lại còn hai em nhỏ.
Các học sinh học giáo lý nhà Phật. |
Dù đến từ nhiều nơi, mỗi cháu một hoàn cảnh, nhưng tất cả học sinh được nhận vào chùa theo một quy trình rất chặt chẽ. Đích thân thầy Út tìm đến tận gia đình các cháu để yêu cầu cha mẹ (hoặc người thân) làm đơn xin vào học trong chùa, kèm theo giấy xác nhận của chính quyền địa phương gia đình quá khó khăn không có điều kiện cho con đi học.
Rồi thầy đăng ký cho các em vào học các trường phổ thông gần chùa. Nhà chùa lo toàn bộ chi phí học tập (học phí, bảo hiểm, sách vở, bút mực…) cho các em.
Ngoài thời gian ở trường, khi về chùa các học sinh được sinh hoạt, học tập “giờ nào việc nấy” giống như trong môi trường quân đội, như: 5g30 thức dậy; 6g30 ăn sáng; 6g45 đến trường; 17g học võ; 18g ăn cơm; tối học vi tính, Anh văn, 22g tắt đèn ngủ. Long Thạnh là ngôi chùa nghèo, cùng lúc phải cưu mang năm sáu chục học sinh, khó khăn là điều không thể tránh khỏi.
Chỉ riêng chi phí học tập hàng năm cho mỗi em đã năm sáu triệu đồng. Tiền ăn uống cũng ngần ấy tiền. Phần nhiều các em đều được nhà chùa sắm cho xe đạp để đi từ chùa đến trường.
Chuyện thiếu trước hụt sau, nợ học phí, chạy ăn từng bữa thường xuyên xảy ra. Dù vậy, lứa học sinh này vừa rời khỏi chùa, lứa học sinh sau lại đến, cửa nhà chùa luôn rộng mở cho những cảnh đời bất hạnh. Tấm lòng lo cho việc học của một nhà sư đã qui tụ nhiều tấm lòng vàng khác.
Người dân và các thầy cô giáo ở Thủ Thừa đã quen với hình ảnh nhà sư mặc áo nâu sồng, cổ đeo tràng hạt, vai mang túi vải đi họp cha mẹ học sinh, đi đóng học phí, đi làm thủ tục thi đại học cho những đứa con của nhà chùa. Nhà chùa chỉ nuôi tới hết lớp 12, sau đó các em phải tự bước vào đời. Những trường hợp thi đậu lên cao, nhà chùa tiếp tục giúp bằng cách nhờ các tổ chức từ thiện, các chùa ở TP. HCM nhận nuôi hoặc cấp học bổng suốt bốn năm đại học cho các em.
“Đầu vào” của lớp học chùa Long Thạnh là những cảnh đời dưới đáy xã hội, nhưng “đầu ra” lại là những học sinh chững chạc, nếu không vào được đại học, cao đẳng, các em cũng dễ dàng lập thân bằng hành trang kiến thức và kỹ năng sống tích lũy từ nhà chùa.
Đã có hơn mười đứa trẻ từng nương nhờ cửa Phật tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, nhiều em thành đạt. Hàng chục cháu khác học các trường nghề, trở thành công nhân, người bán hàng, tài xế…, tất cả đều hòa nhập tốt vào xã hội.
Thầy Út và các võ sinh nhí. |
Dù bay cao, bay xa, nhưng ngôi chùa trong hẻm nhỏ luôn là chỗ đi về thăm viếng của các cháu. Mới đây, một trẻ mồ côi sau khi rời khỏi chùa đã học xong Đại học Bách khoa TP. HCM, tốt nghiệp loại giỏi, có việc làm ổn định, thu nhập tốt, trở về chùa Long Thạnh nhờ thầy Thích Quảng Tâm đứng ra chủ trì cưới vợ cho mình. Hầu hết các cháu khi rời khỏi chùa, có việc làm ổn định, đều đứng ra vận động quyên góp cho nhà chùa tiếp tục duy trì và mở rộng lớp học, để ngày càng có nhiều những đứa trẻ bất hạnh khác tìm thấy tương lai, hạnh phúc.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Rời khỏi phòng vi tính, trong khi chờ thầy Út, tôi tiếp tục lang thang trong khuôn viên nhà chùa và tôi lại tiếp tục bị bất ngờ. Trong khi chỗ ở, nhà bếp, lớp học dành cho học sinh nơi nào cũng được xây dựng khang trang, thì chỗ ở của thầy trò sư trụ trì chỉ là căn nhà lụp xụp nằm ở góc khuất trong khuôn viên chùa. Ban đầu tôi cứ ngỡ đó là kho chứa đồ đạc nhà chùa. Đến khi thầy Út chính thức tiếp và làm việc với tôi trong “nhà kho” ấy, tôi mới biết đó là nơi ở của hai thầy trò sư trụ trì.
Họ dành tất cả những gì tốt đẹp nhất để phụng sự đức Phật và để chăm sóc, dạy dỗ học sinh, còn mình sống giản dị, khiêm tốn, nếu như không nói là khắc khổ. Ngồi trò chuyện với thấy Út, tôi mới nhớ ra mình đã gặp thầy một lần khi đi dự Hội nghị tuyên dương các tấm gương điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở tỉnh Long An. Trong số những tấm gương xuất sắc nhất được tuyên dương trong ngày hôm ấy có một nhà sư.
Tại hội nghị ấy Ban Tổ chức không thể giới thiệu đầy đủ về từng tấm gương, vì vậy mà tôi không thật sự quan tâm tới thầy Út giữa bao nhiêu tấm gương điển hình khác. Bây giờ tôi mới được biết, thầy Út là 1 trong 15 tấm gương điển hình của tỉnh Long An được Trung ương khen thưởng và tham dự đoàn đại biểu tỉnh đi dự Hội nghị toàn quốc sơ kết 4 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở Hà Nội.
Tôi rời khỏi chùa Long Thạnh khi đã hơn 7 giờ tối, bên ngoài trời đang mưa rỉ rả, không có dấu hiệu sẽ sớm tạnh. Khi đến thăm chùa, tôi chỉ chờ mong được thấy cảnh học võ như Thiếu Lâm Tự. Đến khi ra về, tôi cảm thấy còn thú vị hơn thế.
Hơn 50 học sinh mỗi người một vị trí học tập, chăm chỉ và trật tự, giống như lúc chiều các em trật tự trên sân luyện võ. Sẽ hạnh phúc hơn nếu giờ này các cháu được ngồi học bài trong mái ấm gia đình, bên cha mẹ, ông bà. Nhưng cuộc đời đã dồn sự mất mát về những mái đầu hãy còn xanh này. Vậy mà, nhờ tấm lòng của một nhà sư, sự yên tĩnh của một ngôi chùa đã và đang giúp cho bao cảnh đời bất hạnh khi lớn lên ít bị thương tổn nhất. Nam mô A Di Đà Phật!