Trang chủ Diễn đàn Phật sự hôm nay Có cần phục dựng chùa Ngũ Đài, chùa Huyền Thiên?

Có cần phục dựng chùa Ngũ Đài, chùa Huyền Thiên?

367

Giữa tháng 5.2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức hội thảo khoa học phương án bảo tồn, tôn tạo, phục dựng chùa Ngũ Đài, chùa Huyền Thiên ở TP Chí Linh. Vậy 2 ngôi chùa này có giá trị lịch sử ra sao?

Những giá trị nổi bật

Trong đợt khai quật khảo cổ năm 2019-2020 tại chùa Ngũ Đài (phường Hoàng Tiến), các nhà khoa học đã phát hiện nền móng, hiện vật từ thời Trần (thế kỷ XIII, XIV), thời hậu Lê (thế kỷ XVII, XVIII) và kéo dài đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX, XX). Nằm ở chân núi Đống Thóc, thuộc khu vực Ngũ Đài Sơn, chùa Ngũ Đài (Kim Quang tự) do Thiền phái Trúc Lâm xây dựng dưới triều vua Trần Minh Tông (năm 1320) và trùng tu vào các thời Lê, Nguyễn.

Khu vực Ngũ Đài Sơn khi xưa có nhiều ngôi chùa lớn nhỏ, linh thiêng, với hàng trăm gian nằm rải từ chân lên tới núi Đống Thóc, Cổng Trời… như chùa Hàm Long, Bát Hương, Hang Pheo… Cùng với đó là “công viên đá” với muôn hình vạn trạng như thỏ, rùa, ông Cóc, bàn chân Phật, cổng trời, giếng trời, nậm rượu… tạo cho không gian Ngũ Đài Sơn trở thành chốn linh thiêng bậc nhất của vùng đất Chí Linh.

Thời gian tàn phá cùng các biến động lịch sử, ngôi chùa đã bị hư hại, chỉ còn một số gian thờ tự ở dưới chân núi. Đến năm 1936, nhân dân thấy cảnh chùa quanh năm ẩm thấp nên quyết định chuyển chùa lên vị trí hiện nay. Năm 2003, chùa lại tiếp tục bị xuống cấp, nhân dân và những nhà hảo tâm đã dựng lại chùa gồm 5 gian tiền đường, 2 gian hậu cung, cùng các gian nhà thờ mẫu.

Kết quả khai quật khảo cổ cho thấy, trong khu vực Ngũ Đài Sơn, ngoài chùa Ngũ Đài còn có nhiều chùa, tháp có niên đại từ thời Trần đến thời Nguyễn phân bố rộng khắp tại các khu vực núi Đống Thóc, Bát Hương, dãy Hang Khánh, khe Hang Mẳn, tạo thành một quần thể rộng lớn, có mối liên hệ khăng khít với nhau. Điều này hoàn toàn phù hợp với truyền thuyết dân gian về quần thể di tích chùa, tháp phân bố rộng lớn đã từng hiện hữu.

Chùa Huyền Thiên còn có tên gọi là động cổ Vân Tiên. Thời Trần, chùa Huyền Thiên là một danh lam cổ tích, lưu dấu Trúc Lâm Tam Tổ và các danh nhân như Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh, Trần Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm… Theo các tài liệu, thư tịch cổ và kết quả khai quật khảo cổ học, chùa Huyền Thiên trên núi Ông Sư thuộc dãy núi Phượng Hoàng. Các nhà khoa học kết luận trên mảnh đất này từ thời Lý – Trần đã có một ngôi chùa danh tiếng, có ảnh hưởng tích cực đến lịch sử phát triển đạo Phật của người Việt. Vai trò đó được thể hiện rõ nhất dưới thời Trần khi chùa Huyền Thiên được các vị chư tổ, các thiền sư của Thiền phái Trúc Lâm chọn làm nơi tọa thiền chí tĩnh. Dù lịch sử và thời gian thay đổi đã làm mai một đi hiện trạng ngôi chùa, nhưng từ những bằng chứng khoa học khẳng định việc đã từng có một ngôi chùa lớn trên núi Ông Sư là điều không cần bàn cãi.

Chùa Huyền Thiên hiện chỉ là các ngôi nhà cấp bốn tạm bợ

Phục dựng là cần thiết

Với các giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật, việc đầu tư tu bổ, tôn tạo, phục dựng chùa Huyền Thiên, chùa Ngũ Đài là thực sự cần thiết, nhằm phục hồi lại quy mô trước đây của các ngôi chùa thuộc Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.

Về quy mô kiến trúc, cơ sở vật chất, chùa Huyền Thiên cơ bản không thể gọi là chùa do chỉ là các mái nhà cấp bốn tạm bợ, dù tại đây vẫn có sư trụ trì. Trong khi đó, chùa Ngũ Đài có nhà sư nhưng quy mô nhỏ hẹp.

Tại hội thảo hồi tháng 5, Ban Tổ chức đã nhận được 30 tham luận của các nhà sử học, nhà khoa học thuộc Viện Sử học, Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Khảo cổ học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia… Các tham luận đã nêu bật giá trị lịch sử, văn hoá của 2 di tích từ góc độ vị trí địa lý, giá trị lịch sử – văn hóa, lịch sử hình thành và phát triển, kiến trúc của các di tích được thể hiện qua các thời kỳ lịch sử Trần – Lê – Nguyễn.

Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, giá trị của các di tích được phản ánh từ góc độ tôn giáo, tín ngưỡng, trong mối liên hệ với điều kiện tự nhiên, lịch sử văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của vùng đất Chí Linh, giá trị về cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái gắn với các địa danh của không gian núi Ngũ Đài và chùa Huyền Thiên…

Các nhà khoa học, nhà sử học tham dự hội thảo đều cho rằng, việc tôn tạo, phục dựng 2 di tích trên là hết sức cần thiết nhằm hệ thống hóa lại các di tích có mối liên hệ mật thiết với hệ thống chùa ở Yên Tử, Quỳnh Lâm, Ngọa Vân (Quảng Ninh) cũng như Thanh Mai, Côn Sơn (Hải Dương) và Vĩnh Nghiêm, Mã Yên, Am Vãi, Khám Lạng… (Bắc Giang), tạo thành một vùng “tam giác Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử” phát triển rực rỡ.

Đồng nhất quan điểm về lịch sử, văn hóa của chùa Ngũ Đài và chùa Huyền Thiên, nhiều nhà khoa học, nhà sử học cho biết việc tôn tạo, phục dựng sẽ góp phần quan trọng trong tìm hiểu sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm; đồng thời làm sáng tỏ thêm những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học chùa Ngũ Đài và chùa Huyền Thiên trên mảnh đất Chí Linh. Ngoài ra, việc phát hiện và sưu tầm thêm những tài liệu mới liên quan đến di tích, góp phần chứng minh giá trị, vai trò của chùa Ngũ Đài, chùa Huyền Thiên trong hệ thống di tích tỉnh Hải Dương nói chung và hệ thống di tích thiền phái Trúc Lâm nói riêng. Việc tu bổ, tôn tạo và phục dựng chùa Ngũ Đài, chùa Huyền Thiên sẽ khẳng định quy mô, tầm vóc của di tích, từ đó kết nối với các di tích trọng điểm Côn Sơn, Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, đền thờ nhà giáo Chu Văn An, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá của tỉnh Hải Dương.

TIẾN HUY/HẢI DƯƠNG