Trang chủ Tuổi trẻ Thanh niên Phật tử CLB Thanh niên PTVN và Web Phật tử Việt Nam đỉnh lễ...

CLB Thanh niên PTVN và Web Phật tử Việt Nam đỉnh lễ và vấn an HT. Thích Phổ Tuệ

699

Được cầu pháp và gần chư tôn đức Tăng Ni, nhất là các bậc Tùng lâm Thạch trụ của Phật giáo Việt Nam luôn là tâm nguyện và mong ước của giới Phật tử, đặc biệt là các Phật tử trẻ, những người đang tìm Thầy học đạo. Đó cũng là một trong những mục đích chính của việc thành lập Câu lạc bộ Thanh niên Phật tử Việt Nam. Để chuẩn bị tốt cho buổi Tọa đàm “Tuổi trẻ Phật tử với sự phát triển của GHPGVN và Phật giáo Việt Nam” vào ngày 29/10/2006 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, CLB Thanh niên PTVN đã về Hà Tây đỉnh lễ Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ – Phó Pháp chủ kiêm Chánh thư ký Hội đồng Chứng minh GHPGVN và kính thỉnh Hòa thượng ban đạo từ cho buổi tọa đàm.

 

 

Chuẩn bị vào đỉnh lễ Hòa thượng

 

Do tắc đường nên “tài xế” Trí Huy – thành viên lớn tuổi nhất của CLB tại Hà Nội đến muộn hơn giờ hẹn. Hơn 8 giờ, xe ô tô dời Hà Nội, xuôi theo quốc lộ số 1 cũ, qua Thường Tín, hướng về chùa Giáng, Phú Xuyên, Hà Tây. Xe 8 chỗ ngồi nhưng chứa tới 10 người, dù chật chội nhưng không sao, ai cũng háo hức và hoan hỉ vì được tới vấn an sức khỏe Hòa thượng – bậc Tùng lâm thạch trụ của Phật giáo Việt Nam hiện nay.

 

Sau gần một giờ xe chạy, ngôi chùa Giáng với bảo tháp cao hơn 13 mét đã dần dần hiện ra sau rặng tre già. Bước vào chùa, anh chị em rất vui mừng vì thấy Hòa thượng dù đã bước qua tuổi 90 nhưng vẫn mạnh khỏe và đang hướng dẫn các Thầy và Phật tử chấp tác san nền sân trước chính điện. Hòa thượng hiền từ đón chúng tôi như đón những người con trở về chốn Tổ. Trí Minh, đại diện cho CLB đỉnh lễ Hòa thượng, xin khai bạch, kính chúc Hòa thượng thân tâm thường lạc, pháp thể khinh an và cung thỉnh Hòa thượng ban đạo từ cho buổi tọa đàm tới đây.

Đỉnh lễ Hòa thượng

Trí Minh, đại diện CLB xin khai bạch

 

Hòa thượng rất vui vì các thành viên CLB không quản ngại đường xá xa xôi, về đây lễ Phật, lễ Tổ và chúc các thành viên được thân tâm thường an lạc, tinh tiến trên đường tu học. Hòa thượng bố thí các thời pháp về lịch sử Phật giáo Việt Nam, về ngũ giới của người Phật tử trong xã hội hiện đại, về tu thiền. Hòa thượng cũng tùy hỷ, tán thán công việc mà CLB đang làm và mong các thành viên lưu tâm học hỏi tu hành, duy trì và hoằng dương Phật pháp để Phật pháp được hưng long, đất nước ngày thêm thịnh vượng.

Các thành viên đang nghe pháp

Chụp hình kỷ niệm với Hòa thượng

 

Sau khi nghe Hòa thượng ban đạo từ, chúng tôi vãn cảnh, dùng cơm chay nhà chùa. Dù bữa cơm đạm bạc chỉ với lạc rang, dưa muối và canh suông, nhưng ai cũng cảm thấy đậm đà, ấm tình pháp lữ, bởi không phải lúc nào cũng được về với Tổ, được nghe pháp, được ăn cơm của Tổ, đặc biệt là được nghe các Thầy và người dân địa phương kể những mẩu chuyện thú vị và ý nghĩa về cuộc sống tu hành và uy đức của Hòa thượng.

Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ – Phó Pháp chủ kiêm Chánh thư ký Hội đồng chứng minh GHPGVN

 

Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, đời trụ trì thứ ba của chùa Giáng, sinh năm Đinh Tỵ (1917), thuộc sơn môn Đa Bảo, một trong ba sơn môn nổi tiếng miền Bắc (nhất Đọi, nhì Đa, thứ ba Khê Hồi), là đệ tử của Cụ Thích Quảng Tốn. Sau khi hòa bình lập lại năm 1954, Hòa thượng không theo phong trào đi Nhật du học như Hòa thượng Thích Thanh Kiểm (sau này là trụ trì Tổ đình Vĩnh Nghiêm – TP. Hồ Chí Minh) mà hồi cư về Chùa và tiếp tục duy trì, tiếp nối mệnh mạch Phật pháp ở vùng quê Quang Lãng.

 

Hòa thượng sống tinh cần, miệt mài, nhất là công việc đọc sách, nghiên cứu, dịch thuật, thậm chí đến mức quên ăn quên ngủ. Hòa thượng thường đi ngủ sớm, khoảng hơn 7 giờ tối. Đến 11, 12 giờ đêm, Hòa thượng dậy chong đèn đọc sách, dịch kinh, “trông” chùa đến 4 giờ sáng rồi đánh chuông khai tĩnh cho đại chúng là học Tăng đến từ Hưng Yên, Hà Nam, Hà Tây.

 

Hòa thượng rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục Tăng Ni, hết lòng vì các Tăng sinh trẻ. Hòa thượng thường dạy Luật, dạy Duy thức học, Nhị khóa hiệp giải cho Tăng sinh trường Trung cấp Phật học Hà Tây, giảng dạy kinh Lăng Nghiêm cho Tăng sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội khóa II. Mặc dù tuổi ngoài 85 nhưng Hòa thượng vẫn giảng bài với giọng nói sang sảng tại Trường Trung cấp Phật học và các trường hạ của tỉnh Hà Tây.

 

Bên cạnh việc giáo dục Tăng Ni, Hòa thượng còn đặc biệt chú tâm vào công tác dịch thuật. Trong những năm cuối thập niên 80, đầu 90, Hòa thượng tham gia Hội đồng phiên dịch Từ điển Phật học. Đích thân Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh (Đài Loan) đã về tận chùa gặp trực tiếp và mời Hòa thượng tham gia hiệu đính kinh Hoa nghiêm. Các Thầy ở chùa kể rằng, hàng đêm Hòa thượng thắp nến và cặm cụi hiệu đính, đối chiếu giữa bản chữ Hán và bản dịch Việt. Hòa thượng đã dịch và xuất bản kinh Bách Dụ, Phật Tổ tam kinh, Bát Nhã dư âm, Đề cương kinh Pháp hoa…

 

Trong cách nhìn của bà con địa phương, Hòa thượng không chỉ là một vị cao Tăng thạc đức mà còn là một người nông dân sống cần cù, giản dị, chất phác. Hòa thượng vẫn thường giúp bà con nông dân việc đồng áng, chăm lo đời sống tinh thần mọi người, dù việc lớn hay nhỏ. 

 

Đối với hàng Phật tử, Hòa thượng rất quan tâm và bố thí pháp bất cứ lúc nào, không kể lớn bé, sang hèn, quen hay lạ. Hòa thượng thường nói “pháp vũ vô cao hạ” (mưa pháp không cao thấp). Vì vây rất đông Phật tử về chùa nghe Hòa thượng giảng pháp, bất kể đường về chùa khá xấu, bụi, lại khó tìm. Hòa thượng thường đưa thơ vào các bài giảng pháp, trích dẫn những thành ngữ, những câu nói cô đọng để dễ dàng và hấp dẫn cho Phật tử tiếp thu. Các thành viên Câu lạc bộ Thanh niên Phật tử Việt Nam tại Hà Nội, dù chỉ được gần Hòa thượng vài tiếng đồng hồ, nhưng cũng cảm nhận được uy đức và đạo hạnh to lớn Ngài, cảm nhận con đường tu tập còn lắm chông gai, nhưng cũng luôn có những bậc cao Tăng như Hòa thượng để quy ngưỡng, để nương theo. Các thành viên CLB sẽ cồ gắng thực hiện lời Hòa thượng dạy, đó là tinh tấn tu tập, hoằng pháp cho tuổi trẻ, phát huy đạo Phật trong thời hiện đại.

Ảnh: Xuân Loan – Trọng Hoàng

Bài: Trọng Hoàng