“Sinh con rồi mới sinh cha. Chứ lúc đầu đón đứa đầu tiên về, tôi cũng lúng túng lắm. Bảy ngày liền không dám bế con…”
Hơn hai mươi năm nương nhờ cửa Phật, nhưng sáu năm qua thầy Thích Thanh Lương (trụ trì chùa Sùng Nghiêm, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) lại mở rộng tấm lòng, sống chung với điều tiếng thị phi để làm "cha" của bảy đứa trẻ và ấp ủ ý tưởng tìm sự chia sẻ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm cũng như toàn xã hội nhằm thành lập một trung tâm từ thiện.
Tôi đến thăm chùa vào một buổi sáng mùa xuân đẹp trời. Sau một hồi vòng vèo hỏi đường, cuối cùng, tôi cũng tìm đến được với cha con thầy. Trên một diện tích khá rộng, nhà chùa hiện đang xây dựng thêm một số dãy điện thờ. Tôi trộm nghĩ: “Thầy bận bịu lo việc nhà chùa là thế, vậy mà vẫn giang rộng vòng tay đón các em. Mà ở thôn quê thế này, cha con thầy chắc vất vả lắm!”.
Xuất gia từ năm mười bốn tuổi, năm 1999, thầy Thích Thanh Lương về trụ trì chùa Sùng Nghiêm. Nhưng dưới bóng cửa Phật, thầy không dứt gánh lo đi để thanh thản với kinh kệ, mà hướng đạo vào đời, thường quan tâm đến những mảnh đời cơ cực. Trong một lần đến thăm Trung tâm bảo trợ trẻ em tỉnh Hoà Bình, trông cảnh một em bé khuyết tật bị bệnh đao, thầy rất xúc động và ám ảnh với suy nghĩ "Cứu một mạng người còn hơn xây ngàn tòa tháp". Tháng 8/2006, thầy Thích Thanh Lương bắt đầu nhận nuôi trẻ sơ sinh mồ côi. Khi ấy, thầy mới hai mươi bảy tuổi.
Bé đầu tiên được thầy Thích Thanh Lương đón về cho nương tựa cùng thầy nơi cửa Phật là bé Tâm Phúc. Lần ấy, một người bạn thầy là bác sĩ ở bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương thông báo: “Có một sản phụ đã bỏ con lại sau khi sinh”. Nhận được tin, thầy tìm đến nhận nuôi, đặt tên cho cháu rồi làm thủ tục cho cháu xuất viện.
Sau lần đó, thầy lại đón thêm sáu trường hợp trẻ mồ côi về nuôi dưỡng. Các cháu đến từ nhiều địa phương trong cả nước, gần thì ở Hải Dương, Thái Nguyên, Hoà Bình, Nam Định, xa thì ở Kiên Giang. Với mỗi trẻ, thầy đều giữ lại địa chỉ của người thân, để khi các cháu trưởng thành có thể tìm về với gia đình nếu muốn. Thầy bảo: “ Cũng có những người muốn đến xin các cháu về nuôi, nhưng tôi chỉ đồng ý khi các cháu 18 tuổi. Khi ấy các cháu có thể tự quyết định. Còn bây giờ, mình đã làm phúc thì phải làm cho tròn…”. Bảy trẻ được thầy đặt tên theo giáo lý nhà Phật: Tâm Phúc, Tâm Đức, Tiểu Thuý, Tường Linh, Tâm Hoà, Tường Vi, Tường Mai với mong muốn các bé trai sau này lớn lên sẽ làm những việc có tâm có đức, còn các bé gái sẽ được an lành.
Kể từ khi làm “cha”, thầy và nhà chùa phải đón nhận bao điều tiếng thị phi quanh nơi thầy trụ trì. Một số người trong làng xôn xao những điều không hay về thầy. Mỗi khi thầy đi lễ xa, họ kéo đến chùa, gây sự với sư bác và các vãi, đòi trục xuất thầy khỏi chùa. Thầy phải đứng ra mời chính quyền và họp làng nhiều lần.
Việc chăm sóc các bé sơ sinh cũng không phải đơn giản. Thầy tâm sự: “Sinh con rồi mới sinh cha, cô ạ. Chứ ngày đầu đón Tâm Phúc về chùa, tôi cũng lúng túng lắm. Bảy ngày liền không dám bế con”. Nhưng sau tôi nghĩ, mình làm cha thì phải biết chăm con. Thế là nhân những ngày đi lễ, tôi tranh thủ học cách tắm cho bé sơ sinh từ những người có kinh nghiệm. Học cách bế ẵm, thay tã cho con…". Nhìn thầy bế trên tay bé Tường Vi mới được một ngày tuổi, tự tay băng rốn và tắm nước lá cho bé, ai cũng trầm trồ khen thầy khéo léo.
Một người “cha” trẻ, nuôi bảy đứa con trong một ngôi chùa nông thôn, ngoài điều tiếng thị phi, thầy và nhà chùa cũng đối diện với nhiều khó khăn về vật chất. Thầy kể, có lần hai ngày con hết sữa, mấy bà vãi bảo thầy mua, thầy hết tiền mà không dám nói. Đành bảo: “Thầy quên. Các già nấu tạm nước cháo cho mấy đứa ăn đỡ”. Nhiều đêm trời mưa, giá rét, các con đau ốm liên miên, thầy phải thức trắng trên bệnh viện để trông. Nhiều khi thấy nản, nhưng rồi thầy lại tự động viên bản thân cố gắng vượt qua.
Dưới sự chăm sóc của thầy, các trẻ dần khôn lớn và quấn quýt với thầy. Bảy trẻ, đứa lớn nhất hơn 40 tháng tuổi và nhỏ nhất chưa đầy 5 tháng. Các trẻ thường sà vào lòng thầy, tíu tít kêu: ba, ba…! Tối nào không bận lễ, thầy lại dạy các con học bài. Những khổ ải cũng qua đi khi người dân hiểu tấm lòng nhân ái của thầy và nhà chùa. Cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên trường mầm non Sùng Nghiêm- nơi thầy gửi các con học chia sẻ: “Các cháu thiệt thòi nên chúng tôi thương chúng như con mình. Có lần, bé Tâm Đức ngồi lòng tôi nói: Cô ơi, con không có cha mẹ, con chỉ có ba Lương thôi! Nghe vậy mà mấy cô chúng tôi đều chảy nước mắt”. Nhiều khách thập phương đến viếng chùa, cũng dành nhiều tình cảm yêu thương cho các cháu.
Hiện nay, vừa lo việc nhang, kệ, vừa chăm lo cho các trẻ, thầy Thích Thanh Lương đang ấp ủ ý tưởng tìm sự chia sẻ và giúp đỡ của các nhà hảo tâm cũng như toàn xã hội nhằm thành lập một trung tâm từ thiện. Trung tâm sẽ mang tên Trung tâm từ thiện Lương Tâm để giúp các trẻ mồ côi giảm bớt thiệt thòi.
Tôi chia tay cha con thầy khi trời đã chạng vạng tối. Một ngày hoà mình cùng không khí gia đình của thầy đã khiến tôi rút ra thật nhiều điều bổ ích. Hoá ra, không phải cứ xuất gia, cứ trở thành đệ tử nhà chùa là cuộc đời trần tục trở nên xa lạ, mà ngược lại. Đúng như lời thầy đã tâm sự, “nếu mình chỉ giảng đạo không thôi thì chưa đủ. Điều quan trọng là phải biết hướng đạo vào đời”.
Sau lần ấy, tôi giữ liên lạc và thỉnh thoảng lại đến thăm cha con thầy mỗi lần có dịp. Các bé đã ngày một lớn hơn, ngộ nghĩnh và đáng yêu hơn. Còn thầy, vẫn mãi miết lo công việc nhà chùa, và, mải miết dang rộng vòng tay đón những cuộc đời bé thơ…
VTC News