Trang chủ Quốc tế Chuyện về phái Thiền tông và võ Thiếu Lâm

Chuyện về phái Thiền tông và võ Thiếu Lâm

483

Mùa xuân nói về võ nghệ để bồi bổ thêm hùng tâm, tráng chí, văn hóa cho mọi người là điều rất thú vị.


Thiếu Lâm tự được xây dựng vào khoảng năm 485 sau CN, trên núi Thiếu Thất (ở độ cao tới 1300m), thuộc dãy Tung Sơn (nay thuộc huyện Đăng Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Nói đến môn phái Thiếu Lâm, là nói đến phái Phật pháp Thiền Tông có nguồn gốc từ xứ Tây Trúc – Ấn Độ. Đạo Phật từ Ấn Độ có tiền duyên với Trung Quốc rất sớm. Tương truyền rằng: sư tổ Ma ha Ca diếp (Mahakasyapu) trước khi viên tịch đã có bài kệ về con đường truyền đạo của đại sư Bồ đề Đạt ma rằng:


Đường đi qua biển lại qua sông,


U uẩn thâm sâu một tấm lòng,


Man mác chiều hôm dồn vó ngựa,


Bên đường quế mọc, mắt mờ trông“.


Thế rồi, khoảng năm 520 (Canh Tý), niên hiệu Phổ Thông thứ 7 thời Lương Vũ đế Tiêu Diễn, nhà sư Bồ đề Đạt ma (Bodhi Dharma) – con trai của quốc vương Kancheepuram (Hưng chí vương) ở Tamil Nadu (nay là vùng Nam Ấn Độ) đã đến Quảng Châu ra mắt quan trấn thủ địa phương. Ông được mời tới ra mắt Lương Vũ đế ở Kim Lăng.


Sau khi diện kiến, thấy hoàng đế Tiêu Diễn không có cơ duyên với Phật pháp Thiền Tông, đại sư bèn lên Giang Bắc, tới Tung Sơn, truyền đạo ở chùa Thiếu Lâm. Về Phật pháp và võ công, đại sư đều đạt tới chỗ huyền diệu. Đại sư Bồ đề Đạt ma được tôn làm sư tổ Phật giáo Thiền Tông Trung Hoa và phái Thiền Tông được không chỉ được truyền ở ấn Độ, Trung Quốc, mà sau này còn truyền ở Việt Nam, Hàn Quốc… v.v. Đại sư để lại bài kệ nổi tiếng về sự nghiệp truyền đạo và sự ngộ đạo:


Ta nguyện đến đất này,


Truyền pháp cứu người mê,


Một hoa nở năm cánh,


Kết quả tự nhiên thành”.


Để hỗ trợ việc tu hành, có sức khỏe, chống được với điều kiện khắc nghiệt của khí hậu, có thể đối phó với thú dữ, với kẻ ác tâm, đại sư đã chọn lọc, phát triển từ môn võ cổ truyền Kalaripayat của Ấn Độ (nghĩa là trận pháp: tổng hợp sức mạnh ý chí, cách công, thủ, thế đánh, quyền cước…) kết hợp với tinh hoa của nhiều trường phái võ Trung Hoa thành một môn võ mới, gắn bó với phái Thiền (Zen) của đạo Phật và chùa Thiếu Lâm.


Đại sư Bồ đề Đạt ma dạy võ cho các môn đồ, rồi chính các môn đồ và đại sư lại tiếp tục hoàn thiện, phát triển thành phái võ mang tên Thiếu Lâm. Các nhà sư vừa đọc kinh, niệm phật, thiền định, tập nội ngoại công, quyền cước, binh khí…. Nhiều đồ đệ của đức Bồ đề Đạt ma sau này trở thành các truyền nhân của đại sư vừa ngộ đạo, vừa có võ công thâm hậu.


Trước khi viên tịch, đại sư truyền y, bát cho sư Thần Quang (được đức Bồ đề Đạt Ma đặt pháp hiệu là Tuệ Khả), tương truyền là người mẫn tiệp và sử dụng giới đao cự phách; ngưòi truyền nhân tiếp theo là sư Tăng Xán- nổi tiếng có nội lực thâm hậu và quyền pháp; những người kế tiếp như Đạo Tín, Hoằng Nhẫn, Huệ Năng… cũng đều giỏi khinh công, võ thuật.


Đức Bồ đề Đạt ma và những đồ đệ có thiên bẩm võ thuật còn dựa vào võ cổ truyền Trung Quốc, xem xét thiên nhiên, nghiên cứu các loài mãnh thú… bổ sung dần cho võ Thiếu Lâm thành khoảng 108 thế, bài cơ bản.


Dựa vào cách tấn công của mãnh thú, họ đã xây dựng “Thập hình quyền” với cách cuộn ngón tay thành nắm đấm mạnh mẽ của hổ; kiểu vờn “song khúc nhị chỉ” của báo; lối đánh bằng cả cánh tay như cánh chim của “Hạc trắng xòe cánh”; các thế đánh của voi, thế “Sư tử hí cầu”; các thế “Long trảo”, “Trảo mã”; cách chụp mồi của mèo rừng (bưu quyền) và các bài “Xà quyền”, “Hầu quyền”. P


hái võ Thiếu Lâm ngày càng phát triển, có khoảng 72 tuyệt kỹ, ví dụ như “Thiết đầu công” (võ sư luyện đầu cứng như sắt); “Thiết bố sam” (luyện công đến mức toàn thân như khoác một chiếc áo bằng sắt, mọi vũ khí đánh vào đều mất tác dụng); “Chỉ dương thần công” (dùng một ngòn tay đỡ toàn thân)…


Như vậy là về đạo và võ, đức Bồ đề Đạt ma đều đóng góp công sức, trí tuệ hết sức to lớn. Đại sư Bồ đề Đạt ma được coi là sư tổ phái Thiền tông Trung Hoa, thời đó còn gọi đại sư là Viên giác Thiền sư, ngọn tháp Người ở gọi là “Không quán”, chiếc dép của đại sư được lưu lại và thờ ở chùa Thiếu Lâm. Tại Trung Quốc, một trong những mảnh đất của hiệp khách, nơi đã ra đời khái niệm “trượng phu, quân tử”, quê hương của nhiều đạo giáo, học thuyết lừng danh (Khổng giáo, Đạo giáo, Phật giáo; thuyết “chính danh”, thuyết “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”… v.v) ngoài phái Thiếu Lâm, còn có các môn phái võ lừng danh khác như: Võ Đang phái (phát tích tại ngọn núi Võ Đang – do chưởng môn Trương Tam Phong sáng lập); Vịnh Xuân phái (do đại sư nữ Nghiêm Vịnh Xuân tiếp thu, sáng lập và được chân truyền từ hai vị cao tăng là Chí Thiện Thiền sư và Ngũ Mai sư bá chính vào thời điểm vua Càn Long nhà Thanh hạ lệnh đốt chùa Thiếu Lâm, đàn áp võ phái Thiếu Lâm), và nhiều phái khác, nói chung các phái này đều chịu ảnh hưởng ít nhiều của Thiếu Lâm phái.


Ngoài các nhà sư giỏi võ ở chùa Thiếu Lâm như đã nói trên, tại Trung Quốc – với lịch sử văn hóa lâu đời, phong phú, hào hùng của mình còn có nhiều người như tướng lĩnh, hiệp khách, người làm bảo tiêu… gắn bó mật thiết với võ nghệ, vang lừng danh tiếng vì võ nghệ.


Thời Xuân thu, Chiến quốc có Tử Đô (tướng tài của Trịnh Trang công Ngộ Sinh), Mông Điềm (tướng của Tần Thủy hoàng Doanh Chính), Cáp Nhiếp (hiệp khách bạn của nghĩa sĩ Kinh Kha); Thời nhà Hán có Phàn Khoái (dũng tướng của Hán Cao tổ), Quý Bố (hiệp khách coi chữ tín là vàng); đời nhà Đường có Uất Trì Kính Đức (đại tướng của Đường Thái tông Lý Thế Dân); đời Tống có Triển Chiêu (phục vụ dưới quyền của Bao Công); đời Nguyên có Xubutai (tướng của Thành Cát Tư Hãn); đời Thanh có Đàm Tự Đồng (viên quan ủng hộ biến pháp Duy tân của vua Quang Tự) và nhiều giang hồ làm nghề bảo tiêu với những huyền thoại đã được truyện chưởng, điện ảnh Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông khai thác, như gia đình Bùi Ngộ Văn, dòng họ Mộ Dung, Lệnh Hồ Xung, Nhậm Doanh Doanh, Quách Quỳ… v.v.


Chính những nhân vật này cùng với những người yêu quý võ đạo khác của đất Trung Hoa rộng lớn, thượng võ đã góp phần bồi bổ phát triển môn phái võ Thiếu Lâm nói riêng và võ Trung Hoa (Kungfu) nói chung.


Mấy thập niên gần đây, chùa Thiếu Lâm và võ Thiếu Lâm rất được thế giới hâm mộ. Người ta sửa sang tu bổ, tôn tạo lại khu vực Thiếu Lâm tự, mở thêm võ đường dạy những người có nhu cầu luyện võ (kể cả người nước ngoài).


Đặc biệt, năm 1996, nhân dịp kỷ niệm sự ra đời của Thiếu Lâm tự 15 thế kỷ, các danh sư ở Thiếu Lâm đã mở thêm một phân hiệu dành riêng cho trẻ em 4-5 tuổi. Trẻ vào học chịu học phí 1500 nhân dân tệ (khoảng 500 USD)/ năm, sau 4 năm học nếu ai thành tài và đắc đạo muốn học tiếp sẽ được chấp nhận nâng cao hơn.


Tại chùa, các môn sinh không chỉ học võ mà còn được học giáo lý Thiền Tông, học nội, ngoại công, điểm huyệt, giải huyệt, y dược học cổ truyền Trung Hoa, học cách tu tâm dưỡng tính… v.v. Hiện nay chưởng môn phái tại Thiếu Lâm là nhà sư Đức Dương (Deyang)- đứng đầu 75 nhà sư đồng môn vẫn đang tiếp tục sự nghiệp của các bậc tiền nhân.


Các nước quanh khu vực Trung Quốc như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, ấn Độ… đều có những môn phái võ đặc trưng của dân tộc, nhưng do tính giao thoa của văn hóa vùng nên chịu tác động, trao đổi, hấp thụ môn phái của nhau, và có thể nói là chịu ảnh hưởng khá nhiều từ võ Thiếu Lâm.


Chính võ sư người Trung Quốc đương đại vào loại cao thủ nhất là Nghiêm Tân (sinh năm 1955) nắm vững hơn 20 môn phái võ Trung Hoa (trong đó có Thiếu Lâm phái), quyền, cước, Đông Tây y thông thạo (tốt nghiệp Đại học Y khoa Thành Đô), am hiểu văn hóa Đông phương sâu sắc.


Đất nước Việt Nam láng giềng với Trung Quốc cũng có truyền thống thượng võ. Đa số các võ sĩ thượng thặng nước Việt đều luyện Thiếu Lâm, Võ Đang, Vịnh Xuân và tất nhiên là thành thục võ dân tộc. Việt Nam có các môn phái dân tộc như VoViNam, Nhất Nam, Tây Sơn… có tính chất tổng hợp, liên hoàn công, thủ với phương châm “chủ động”, “bất ngờ”, lấy “yếu đánh mạnh, mềm thắng cứng, cương nhu phối triển”… rất phù hợp với tầm vóc, sức khỏe người Việt và gắn với đặc điểm truyền thống của một số vùng trong lãnh thổ.


Võ Việt Nam còn có truyền thống gắn liền với tinh thần bảo vệ Tổ quốc, rèn luyện sức khỏe, hướng đến sự cân bằng tâm thế, hướng thiện, hài hòa giữa tâm hồn và thể xác…


Tóm lại, chuyện về võ rộng, sâu như biển, đạo và võ thường bổ sung, gắn bó hữu cơ với nhau. Đạo ngày nay có thể hiểu cụ thể là cách sống, rèn luyện, tu dưỡng của con người. Có thể chọn Thiền đạo và võ Thiếu Lâm để luyện theo truyền thống, có thể học Đạo cụ thể nào đó và võ nào đó để xuất thế hay nhập thế, nhưng dù ở thời đại nào, xã hội nào cũng cần đến và quý trọng những người có tài, có đức, văn võ tinh thông, tấm lòng trong sáng, có văn hóa, có tri thức, dũng cảm, tâm huyết, không những lo toan tốt cho mình mà còn lo được cho đồng loại, quốc gia.


Học được đạo, võ cũng tức là có phương châm sống cao thượng, luôn hướng suy nghĩ và hành động của mình về chân, thiện, mỹ, hòa bình và toàn tâm toàn ý ngộ được những chân lý bất diệt mà các bậc tiền nhân đã hằng theo đuổi.