Kỳ 2: Dự án không được phép sai sót
Mắc màn sơn tượng thiền sư
Tại Viện Thông tin Khoa học Xã Hội (Hà Nội), PGS Nguyễn Lân Cường đưa cho chúng tôi hai bức ảnh chụp lại bức tượng thiền sư Vũ Khắc Minh. Bức tượng thời điểm đó còn bóng nước sơn, không hề có vết nứt nào. So sánh với tình trạng của bức tượng ở thời điểm hiện tại thì thấy rằng, chỉ sau vài chục năm, do tượng để trong am cạnh chùa rất ẩm ướt nên đã xuống cấp nặng, trong đó, vết nứt ở đầu gối là trầm trọng nhất.
Tìm hiểu sâu hơn về vết nứt đáng tiếc này, PGS Nguyễn Lân Cường đã được nghe một người dân bản địa là ông Phạm Văn Sơn, ở xã Nguyễn Trãi, Thường Tín, Hà Nội kể lại rằng: “Hồi tóc còn để chỏm, tôi đã nghe nói rằng, có hai người nước ngoài tới tham quan pho tượng. Họ xăm soi một lúc rồi dùng ba toong đập vỡ đầu gối để xem có xương bên trong pho tượng hay không. Sau đó, các cụ trong làng đã dùng sơn ta để vá lại”.
Nhục thân của thiền sư Vũ Khắc Trường
Thế nhưng, các cụ không hiểu rõ về nguyên tắc sơn tượng nên chỉ sơn một nước, khiến bên ngoài thì khô nhưng bên trong thì vẫn ướt. Vì vậy, chỉ một thời gian sau, vết nứt đã xuất hiện giữa nơi tiếp giáp của hai lớp sơn. Còn bên dưới lớp sơn tạm này, vi khuẩn đã đục khoét phần sơn ta làm thành các rãnh sâu chằng chịt. Từ vết nứt ở đầu gối, ôxy đã tràn vào phía trong tượng và chỉ sau vài chục năm đã làm nứt phần đầu và phần mặt.
Cũng trong khoảng thời gian này, PGS Nguyễn Lân Cường lại tiếp tục phát hiện ra nhục thân, đó là của thiền sư Vũ Khắc Trường. Ông Cường đã mừng đến rơi nước mắt bởi vì đây là những tài sản vô cùng quý hiếm không chỉ của Việt Nam mà còn là của cả nhân loại.
Thiền sư Vũ Khắc Trường là người thừa kế của thiền sư Vũ Khắc Minh. Thiền sư Vũ Khắc Trường tự là Đạo Tâm, là học trò, đồng thời ở ngoài đời là cháu gọi thiền sư Vũ Khắc Minh bằng chú. Thiền sư Vũ Khắc Trường có vị trí cao trong giới Phật giáo lúc bấy giờ.
Nhìn bề ngoài, tượng thiền sư Vũ Khắc Trường được sơn màu trắng toát và được vẽ môi, vẽ mắt cẩn thận nên nhìn kém tự nhiên hơn. Chính vì thế, trải qua nhiều thế kỷ, những Phật tử từ khắp nơi đến viếng chùa đều nghĩ rằng, đó chỉ là pho tượng gỗ cổ mà thôi.
Câu chuyện liên quan đến thiền sư Vũ Khắc Trường cũng hết sức ly kỳ. Khi di chuyển pho tượng từ trong am ra, người ta đã sơ ý làm vỡ một mảng to gần bằng bàn tay ở phía sau lưng. Mọi người kinh ngạc khi thấy di hài của thiền sư Vũ Khắc Trường có đến hai cột sống! Nhìn kỹ lại thì hóa ra đó là một ống trúc già dựa song song vào xương sống thật.
Không ai hiểu vì sao và ai là người đưa ống trúc vào trong thân thể vị thiền sư này. Một điểm lạ nữa là khi chụp X-quang bức tượng thì không thể chụp được, phim ra chỉ là một màu trắng toát. Những người chụp phim đã lạnh xương sống khi nhìn những tấm phim này.
Qua nhiều ngày tìm hiểu, lật giở lại lịch sử thì bí mật ấy đã được giải đáp. Pho tượng thiền sư Vũ Khắc Trường thực ra đã không còn nguyên vẹn mà đã trải qua một lần tu bổ, nhưng cũng đã hàng trăm năm rồi. Nhiều người kể rằng, năm 1914 đã xảy ra một trận lụt lớn làm ngập chùa. Pho tượng này để dưới nên bị ngâm nước lâu và bị mủn ra, phần thân dưới bị sụt xuống, cột sống bị đứt rời. Tuy nhiên, về sau này, một nhóm nhà khoa học Việt Nam sang Pháp vô tình đọc được một tài liệu liên quan đến sự việc này. Năm xảy ra trận lụt thực ra là năm 1893. Phương pháp phục chế bấy giờ chỉ đơn giản là xếp liền một ống trúc già song song với cột sống để làm giá đỡ. Sau đó, người ta đã tráng một lớp vôi bên ngoài tượng. Và chính lớp vôi đó đã gây ra hiện tượng phản quang nên xương cốt của pho tượng này không thể hiện lên khi đem chụp X-quang. Thế là bí mật về pho tượng đã bước đầu được minh giải.
Khi PGS Nguyễn Lân Cường tìm thấy thì pho tượng đã ở trong tình trạng bị hư hỏng nặng, lớp sơn ta ngoài bề mặt đã bị mủn nát, lộ ra phần bên trong. Bức tượng có một lỗ thủng lớn ở ngực, đầu gối và tay bị trật xương, chỉ cần một cú hích tay nhẹ là minh chứng lịch sử này sẽ đổ sụp.
Những đêm mất ngủ
Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, PGS Nguyễn Lân Cường đã bắt tay vào viết Dự án “Tu bổ, bảo quản tượng hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường ở chùa Đậu”. Nhưng rồi, cuộc tranh luận về những phương án tu bổ đã kéo dài liền mấy năm. Ông Cường muốn đưa tượng về Hà Nội để phục chế vì đó là nơi có điều kiện làm việc tốt nhất. Thế nhưng, vị sư trụ trì chùa Đậu lại muốn làm ngay tại chùa. Mãi đến đầu năm 2003, dự án mới được phê duyệt và nhà chùa phải nhường ba gian phòng khách phía sau để nhóm chuyên gia, ngoài ông Cường còn có họa sĩ sơn mài Đào Ngọc Hân, hai nhà điêu khắc Phạm Xuân Sinh, Nguyễn Ngọc Lâm và kỹ sư Nguyễn Mạnh Hà làm việc.
Ông Cường nhớ lại: “Thời điểm ấy, áp lực của chúng tôi là rất lớn, không thể để mắc sai lầm vì hai pho tượng này là độc bản, chỉ cần mắc một lỗi nhỏ là không thể sửa chữa được”.
Muốn gắn lại những vết nứt trên mặt, đầu gối trước hết phải diệt vi sinh vật và vi khuẩn bám trong các rãnh sâu và cả ở bên trong pho tượng thiền sư Vũ Khắc Minh. Ông Cường đã mời các nhà khoa học của Viện 69, Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh về tận chùa để cùng phối hợp nghiên cứu, tìm phương án diệt trừ các vi sinh vật, đưa thuốc diệt khuẩn vào trong pho tượng bằng phương pháp aeroson và tiến hành xông thuốc trong 72 giờ để thuốc ngấm hẳn vào trong pho tượng.
Một trong những vấn đề đặt ra là, nếu chỉ gắn các vết nứt bằng sơn ta thì sau khoảng 50 năm sẽ lại xuất hiện các vết nứt sinh ra giữ lớp sơn cũ 300 năm và lớp sơn mới. Họa sĩ Đào Ngọc Hân đã đưa ra một ý tưởng rất thuyết phục: mạnh dạn mở rộng thêm vết nứt mỗi bên khoảng 10mm và sâu 1mm rồi mới gia cố bằng vải màn trộn sơn sống. Biện pháp này sẽ đưa độ bền vững của pho tượng từ 50 năm lên hàng trăm năm.
Sau khi đã hàn kín các vết nứt, nhóm tu bổ quyết định đổ khuôn thạch cao pho tượng, tạo ra một pho tượng giống hệt đặt vào trong am. Pho tượng này phải giống hệt pho tượng cũ trước khi tu bổ, nghĩa là cũng có đầy đủ các vết nứt vỡ để những người tham quan biết được hình hài pho tượng gốc. Thế nhưng, nếu đổ khuôn thạch cao, nhiệt có thể “bóp vỡ” thi thể của thiền sư. Nhà điêu khắc Phạm Xuân Sinh đề xuất đổ khuôn từng phần: đầu, thân, cánh tay, cẳng tay, bàn tay… sau đó nối các phần lại với nhau, nhờ đó đã tạo được một bức tượng khác giống hệt bức tượng gốc mà lại đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Bằng kỹ thuật truyền thống như bó, hom, lót, thí, mài và thếp với các nguyên liệu như sơn ta, vải màn, giấy dó, mạt cưa và đất, cả nhóm đã tiến hành sơn 14 lớp và thếp vàng đối với tượng gốc thiền sư Vũ Khắc Minh. Sau mỗi lớp sơn lại tiến hành mài khiến các lớp sơn đan xen, xoắn quyện với nhau. Đến lớp cuối khi phủ quang dầu xong, cả nhóm phát hiện bề mặt pho tượng không nhẵn. Những hạt bụi lơ lửng trong không trung đã bám vào bề mặt tượng. Thế là cả nhóm phải tiến hành khâu này trong… màn.
Pho tượng của thiền sư Vũ Khắc Trường vốn được dựng lại năm 1893 nên có nhiều chi tiết sai lệch về mặt giải phẫu. Ban đầu, ông Cường có ý dỡ ra, thu thập xương cốt rồi dựa theo xương sọ để phục nguyên lại đúng với vẻ mặt ban đầu của thiền sư. Thế nhưng, nhà chùa và Sở Văn hóa Thông tin không tán thành vì cho rằng, nhân dân địa phương hơn trăm năm nay đã in đậm trong tâm khảm hình ảnh của cụ Nguyễn Khắc Trường hiện tại rồi. Dù phục dựng pho tượng mới có giống với hình hài thật của cụ, họ cũng sẽ không chấp nhận. Ông Cường đành phải làm theo ý mọi người.
Vào một buổi chiều hè, ông Cường ngồi ngắm pho tượng thiền sư Vũ Khắc Trường và cứ suy nghĩ mãi, không hiểu tại sao vị thiền sư này có cánh tay dài thế? Không cưỡng nổi sự tò mò, ông Cường bí mật khoét bốn ô nhỏ ở vùng gần đầu xương cánh tay và khửu tay. Và sự liều lĩnh này của ông đã có kết quả. Trong hố khoét của cánh tay phải ở phía trên gần vai, ông phát hiện ra xương này đã bị đặt lộn ngược, bên cạnh đó là xương mác của xương ống chân được ghép vào xương cánh tay cũng bị lộn đầu. Đây chính là nguyên nhân làm cánh tay của thiền sư dài quá cỡ. Có lẽ, trong lần tu bổ khi xưa, các con cháu của thiền sư thấy phần cẳng tay có hai xương nên cũng nghĩ rằng cánh tay cũng phải có hai xương.
Một nhiệm vụ quan trọng trong dự án này là vấn đề bảo quản hai pho tượng sau khi đã tu bổ. Một vật thể trong môi trường không khí dù là vô cơ hay hữu cơ thì đều sẽ bị hủy hoại do tác động của ôxy. Sự hủy hoại vật thể để trong môi trường không khí nhanh hay chậm, nhiều hay ít cũng phụ thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm của môi trường. Theo quy luật, khi nhiệt độ tăng lên 100C thì tốc độ hủy hoại tăng hai lần và độ ẩm ướt của môi trường tăng lên 10% thì tốc độ hủy hoại cũng tăng gấp đôi. Vì vậy, nguyên lý trong bảo quản là làm thế nào để hạn chế đến mức tối đa tác động của ôxy đến vật thể bảo quản.
Lúc đầu, nhóm phục chế định dùng máy hút ẩm munter, hoạt động theo phương pháp thổi khí để bảo quản hai pho tượng cổ. Tuy nhiên, thiết bị này tương đối đắt tiền và vấn đề cốt lõi là máy này chạy phát tiếng động lớn, không hợp với không gian yên tĩnh trong chùa. Trong cuộc họp tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, các nhà khoa học của Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, Viện 69 Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thống nhất thay thiết bị munter bằng việc sử dụng môi trường khí trơ có khí nitơ. Phương pháp này vừa tiết kiệm được kinh phí, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương.
Hợp tác xã công nghiệp Từ Vân, Đông Anh đã đảm nhận việc làm hai khám bằng gỗ mít. Các phần của khám được liên kết với nhau bằng mộng và đinh tre. Nhà máy kính Đáp Cầu đúc kính dày 1cm và lắp ráp thành một hộp kính kín. Đúng 9 giờ 45 ngày 3/11/2003, công đoạn cuối cùng của Dự án tu bổ, bảo quản di hài của hai vị thiền sư chùa Đậu là việc bơm khí ni tơ vào hai hộp kính đặt trong khám đã hoàn tất, chấm dứt gần 200 ngày miệt mài lao động của những người thực hiện dự án. Sáng 29/11/2003, tại Lễ khánh thành, một cụ già tóc bạc phơ tìm đến xiết chặt tay ông Cường, mắt rớm lệ: “Cảm ơn các chú, vì cái tâm sáng nên các chú mới làm được chuyện này. Bây giờ thì tôi đã yên tâm nhắm mắt xuôi tay, vì cụ Minh, cụ Trường sẽ được sống với hậu thế vài trăm năm nữa…”.
Tuy nhiên, trong đầu PGS Nguyễn Lân Cường vẫn ong ong câu hỏi: Bằng cách thức nào, năng lượng nào mà những vị thiền sư có thể ướp xác mình đến độ tinh xảo và hoàn hảo đến như vậy? Bởi vì, người Ai Cập cổ đại đã phải mò mẫm rất lâu trước khi tìm thấy một công thức ướp xác tốt nhất. Sáu nghìn năm trước Công nguyên, trước khi chôn người chết, người Ai Cập đã khoét những lỗ nhỏ trên xa mạc rồi đem dựng xác người vào đó để cát nóng sấy khô. Mãi đến khoảng năm 2650 trước Công nguyên, kỹ thuật moi ruột ướp xác mới được thực hiện ở đây. Đầu tiên, họ rạch bụng người chết qua một vết cắt khoảng 8cm để lấy nội tạng ra, duy chỉ có quả tim là được giữ lại. Ruột, dạ dày và gan thì được bỏ vào các bình chứa. Người ta đục xương lá mía đưa rượu chà là vào trong não rồi dùng một thanh sắt nhỏ có móc ngoáy mạnh trong đầu. Sau khi lật úp xuống, não sẽ chảy ra ngoài cùng rượu và vùng sọ rỗng được thay bằng nhựa cây. Thân người chết được lau khô rồi nhét đầy hương liệu với mạt cưa. Cuối cùng, người ta quấn xác chết bằng vải lanh, để vào quan tài rồi mới đem vào hầm mộ.
Nhục thân các vị thiền sư chùa Đậu vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí nội tạng vẫn còn nguyên trong cơ thể. Vậy tại sao những nhục thân này không bị vi sinh vật ăn mòn và hủy hoại? Đã có nhiều bậc cao tăng cho rằng, những thiền sư này đã luyện đến mức tối thượng, dùng “lửa tam muội” để biến mình thành bất tử.
PGS Nguyễn Lân Cường cho rằng, ông là “hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư cho hàng trăm đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan chùa Đậu, huyện Thường Tín (Hà Nội). Ông không bao giờ quên câu nói của GS.TS István Kiszely, nhà nhân học nổi tiếng người Hunggari: “Bạn đã cho tôi được biết đến một điều kỳ diệu về nền văn hóa thật đa dạng của Việt Nam. Tôi hy vọng sẽ còn tìm được những thiền sư khác nữa”. Điều mong muốn của vị giáo sư nước ngoài ấy đã trở thành sự thật, khi Việt Nam tiếp tục tu bổ và nghiên cứu tiếp hai nhục thân khác ở Phật Tích và Tiêu Sơn. Ông Cường tin tưởng chắc chắn rằng, sẽ còn nhục thân của nhiều thiền sư khác còn chưa xuất lộ, vì ngôi chùa nào ở Việt Nam mà chẳng có tháp của các vị trụ trì? |