Phần 3: Ngữ Âm Bụt Và Thời Điểm Xuất Hiện Của Truyện:
Đọc Lý hoặc luận của Mâu tử viết ở Giao chỉ, để nêu lên chánh lý và đoạn trừ những hiểu biết sai lầm về Phật giáo ở thế kỷ thứ hai, Lục độ tập kinh và Cựu tạp thí dụ kinh do Khương tăng hội dịch, ở thế kỷ thứ ba trên đất Giao chỉ, ta thấy người Việt ở những thời điểm bấy giờ, thì Buddha được đọc với ngữ âm là Phật mà không phải là Bụt.
Cũng vậy, ta đọc sáu lá thứ trao đổi giữa Lý Miễu với hai vị pháp sư là Đạo cao và Pháp minh về Phật hiện chân thân và Phật sự, giữa những vị ấy vào thế kỷ thứ năm, thì Buddha đọc với ngữ âm là Bụt cũng không thấy sử dụng ở trong thế kỷ nầy.
Vào thế kỷ thứ mười, Đinh Khuông Liễn đã cho dựng 200 tàng kinh, trong các tàng kinh ấy, cũng chỉ khắc ngữ âm Phật mà không phải Bụt. Đọc lịch sử Phật giáo đời tiền Lê và Lý, ta cũng không phát hiện Buddha, đọc với ngữ âm Bụt ở trong những thời kỳ nầy.
Đến đời Trần, ta đọc Khóa hư lục của Trần Thái Tông, Thánh đăng ngữ lục và Thiền uyển tập anh được viết vào đời Trần cũng không thấy ngữ âm Bụt được đề cập ở trong những tác phẩm nổi tiếng ấy.
Tuy nhiên, ta đọc Cư trần lạc đạo phú của vua Trần Nhân Tông, với ngữ âm Bụt, vua đã sử dụng nhiều lần ở trong bài phú nầy để thay thế cho ngữ âm Phật, chẳng hạn:
“Thửa mình học cho phải chính tông,
Chỉn Bụt là lòng, xá ướm hỏi đòi cơ Mã tổ…”.
(Hội thứ ba)
“Vậy mới hay!
Bụt ở trong nhà; chẳng phải tìm xa.
Nhân khuấy bổn, nên ta tìm Bụt;
Đến cốc hay chỉn Bụt là ta…”.
(Hội thứ năm)
“Vậy mới hay:
Phép Bụt trọng thay;
Rèn mới cốc hay.
Vô minh hết bồ đề thêm sáng;
Phiền não rồi đạo đức càng say…”.
(Hội thứ bảy)
“…Rèn lòng làm Bụt, chỉn xá tua một sức dồi mài;
Đãi cát kén vàng, còn lại phải nhiều phen lựa lọc.
Trọng Bụt tu thân, dùng mựa lỗi một tơ một tóc…”.
(Hội thứ tám)
Và ta lại đọc Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, ta cũng lại thấy ngữ âm Bụt, vua cũng đã sử dụng ở trong bài nầy, chẳng hạn:
“…Thờ phụng Bụt trời,
Đêm ngày hương hỏa.
Tụng kinh niệm Bụt,
Chúc thánh khẩn cầu;…”.
Tuy, ở trong hai bài nầy, vua dùng nhiều về ngữ âm bụt, nhưng ngữ âm phật, không phải là không có ở trong hai bài ấy.
Ngoài vua Trần Nhân Tông ra, ta còn thấy Huyền Quang cũng đã sử dụng ngữ âm Bụt trong bài thơ tả về chùa Vân Yên và cuộc sống của vua Trần Nhân Tông rằng:
“Cảnh tốt hòa lành
Đồ tựa vẽ tranh
Chỉn ấy trời thiêng mẽ khéo
Hèn chi vua Bụt tu hành…
Chim óc bạn cắn hoa nâng cúng
Vượn bồng con kề cửa nghe kinh.
Nương am vắng Bụt hiện từ bi,
Gió hiu hiu mây nhè nhẹ
Kề song thưa thầy ngồi thiền định,
Trăng vằng vặc núi xanh xanh…
Mặc cà sa, nằm trướng giấy,
Màng chi châu đầy lẫm, ngọc đầy rương.
Quên ngọc thực, bỏ hương giao
Cắp nạnh cà một vò, tương một hũ…
Thầy tu trước đã nên Phật quả
Tiểu tu sau còn vị tỷ kheo”.
(Lê Mạnh Thát- Toàn Tập Trần Nhân Tông, tr 247, Nxb Tổng hợp, Tp Hồ Chí Minh, 2006).
Trong ngôn ngữ và văn học Việt nam, ta thấy từ ngữ Bụt không thể xuất hiện trước thời Trần Nhân Tông viết Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, mà chỉ xuất hiện chính thức trong thời gian hai tác phẩm nầy của vua ra đời.
Như vậy, ngữ âm bụt đã xuất hiện chính thức có văn bản, từ Trần Nhân Tông, trong thời gian khi ông đang làm vua mà ta đã thấy ở trong Cư trần lạc đạo phú, và thời gian sau khi ông đã xuất gia và ngộ đạo, như ta đã thấy ở trong Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca. Nghĩa là ngữ âm bụt đã xuất hiện chính thức đầu tiên trong văn học Việt Nam vào khoảng vua Trần Nhân Tông lên ngôi và mất, tức là từ năm 1278 – 1308.
Và kể từ đó, ngữ âm ấy đã có một số ảnh hưởng nhất định, ở trong nền văn học Phật giáo Việt Nam vào triều Lê.
Đọc Thập giới cô hồn quốc ngữ văn, được chép ở trong bộ “Thiên Nam Dư Hạ Tập” và ghi là do Lê Thánh Tông (1442 – 1497) soạn, ta thấy ngay ngữ âm bụt xuất hiện trong một đoạn ở phần mở đầu của bài văn nầy như: “…Ấy là vậy; hồn là thần, phách là quỷ, no nên bụt, đói nên ma…”.
Lại nữa, bài văn nầy, ở đoạn nói về thiền tăng, ta thấy ngữ âm bụt lại xuất hiện như: “… Hái củi quế tiển trà, khủng khỉnh một bình một bát; nằm am mây tắm suối, nửa bụt nửa tiên,…”.
Qua sự xuất hiện của ngữ âm bụt như vậy, đã giúp cho ta thấy rõ, thời đại của chuyện Tấm Cám không thể xuất hiện trước thời đại nhà Trần mà phải sau thời đại nầy, tức là chuyện Tấm Cám có thể xuất hiện trong thời nhà Trần bị suy thoái, và đất nước bị rơi vào lệ thuộc Minh.
Ta đọc Lĩnh nam trích quái do Trần Thế Pháp sưu tập và biên lại vào đời Trần, trong đó chỉ có 25 truyện, không có chuyện Tấm Cám. Nếu chuyện Tấm Cám xuất hiện ở đời Trần, thì chắc chắn Trần Thế Pháp đã biết và đã sưu tập lại để đưa vào Lĩnh nam trích quái do ông thực hiện.
Điều ấy, lại giúp cho ta tin tưởng rằng, chuyện Tấm Cám không thể xuất hiện trong thời đại nhà Trần hưng thịnh mà vào thời cực suy và ở giai đoạn đất nước lệ thuộc Minh.
Còn nữa