Xin chân thành cảm ơn cư sĩ Hồng Quang, người sưu tầm và biên soạn, đã mang sách đến tận tay trao tặng cho tôi.
Sách in khổ 13 x 20,5cm, dày 151 trang, có giá bìa 24.000 đồng.
Có tựa đề “Những vấn đề kiếp sau”, tuy vậy, sách không hẳn là sách giáo lý, mà là sách dẫn vào giáo lý. Nội dung quyển sách rất hấp dẫn với những bài viết, những câu chuyện, gồm cả bút ký, tự thuật về cái chết, sau cái chết, tái sinh… Có thể nói, người biên soạn đã sưu tầm những câu chuyện hay nhất, nóng nhất về vấn đề này, tập họp lại thành quyển sách.
Đề cập nhiều mặt đến cái chết và sự tồn tại sau khi chết, quyển sách vẫn đi từ nền tảng quan điểm căn bản của đạo Phật. Bài viết mở đầu quyển sách là bài “Linh hồn là gì? Phật giáo hiểu thế nào về linh hồn đầu thai” có đoạn dẫn lại Kinh Trường Bộ, xác định “Thức” đã đi đầu thai và đi đến kết luận: “Do tu tập, “Thức” sẽ biến thành “Trí tuệ tuyệt đối”, thành Giải thoát tối hậu, chấm dứt sinh tử, chứng đạt Niết bàn”.
Sau đó, chiếm một tỷ lệ lớn trong nội dung quyển sách là những câu chuyện về các trường hợp tái sinh cụ thể. Đây là những câu chuyện rất lôi cuốn người đọc, bằng tình tiết ly kỳ và xác thực của nó. Có thể kể đến bài trong các chương: “Một số luận cứ về hiện tượng tái sinh”, “Có hay không “kiếp luân hồi”, “Tất cả chúng ta đều phải “trở về nhà”, “Con người từ đâu đến – Chết đi về đâu?”, “Chuyện kỳ bí về linh hồn “sống lại”, “Những trường hợp đầu thai & thần đồng”…
Hồi hộp nhất là khi đọc các bài nói về tiến trình chết, miêu tả cái chết, điềm báo sắp chết, diễn biến sự chết đang diễn ra, những trường hợp hồi sinh sau khi chết. Đó là các bài “Cận tử – Ranh giới giữa sự sống và cái chết”, “Tiến trình chết của con người”…
Quyển sách cũng có các bài về hiện tượng ngoại cảm, những trường hợp chuyển biến trong cách nhìn nhận về cái chết, xác định chết không phải là hết. Cuối sách là bài phỏng vấn nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, xác định khả năng ngoại cảm là con đường đưa cô đến với đạo Phật: “Từ khi phát hiện khả năng thấy, nghe và nói chuyện được với người cõi âm, qua tâm nguyện của các hương linh nhắn gởi, tôi có nhiều cơ hội đến với đạo Phật. Chính sự thanh lương, thánh thiện của quý thầy qua công năng tu tập và lời kinh tiếng kệ đã giúp cho các linh hồn nhẹ nhàng thảnh thơi, trút bỏ những giận hờn phiền não, dễ tha thứ cho nhau và mau siêu thoát”.
Như vậy, tuy nói về thế giới bên kia từ nhiều hướng nhìn, quyển sách “Những vấn đề kiếp sau” mở đầu và khép lại với những định hướng Phật giáo, cho thấy sự tu tập là việc cần có để đối ứng trước cái chết.
Đọc quyển “Những vấn đề kiếp sau”, có lẽ người đọc sẽ chú ý nhiều đến bài “Linh hồn và cõi âm” của Bùi Duy Tâm.
Tác giả Bùi Duy Tâm là một bác sĩ nổi tiếng của miền Nam trước 1975. Chú thích trong sách ghi ông là nguyên Khoa trưởng Đại học Y khoa Huế. Tôi biết đến tên tuổi ông từ nhỏ và được vợ ông, một bác sĩ nha khoa nổi tiếng cả trong chuyên môn, trong lãnh vực hoạt động nha khoa học đường và cả trong công tác xã hội, điều trị nha khoa. Đó là một gia đình truyền thống theo Thiên Chúa giáo.
Mở đầu bài viết của mình, ông Bùi Duy Tâm cũng nói rõ “Tôi, Bùi Duy Tâm, sinh ra trong một gia đình ba đời theo Đạo Thiên Chúa, đã đọc Thánh kinh (Cựu Ước và Tân Ước) ba lần, đi nhà thờ rất đều mỗi sáng chủ nhật cho đến năm 30 tuổi”.
Cụ bà thân mẫu của ông Bùi Duy Tâm, một người được nhắc đến nhiều trong câu chuyện của ông Tâm kể, thì theo đạo Tin Lành, “không chấp nhận những chuyện “ma quỷ””.
Bác sĩ Bùi Duy Tâm và gia đình đã có những chuyển biến như thế nào, trong nhận thức về “linh hồn và cõi âm” xin bạn đọc trực tiếp theo dõi lời kể của chính tác giả trong sách.
Cũng trong một trường hợp tương tự bác sĩ Bùi Duy Tâm, là trường hợp vợ của bác sĩ Nguyễn Thanh Châu, tác giả bài viết “Chết là hết?”: “Vợ tôi – Bác sĩ Phạm Thị Bích Liên – là người Công giáo gốc, ngần ngại không muốn đi vì quan niệm rằng Chúa Giê su đã cất ai đi thì làm gì có chuyện trở về. Tôi phải thuyết phục mãi bà ấy mới chịu, và bà đeo dây chuyền có hình Đức Mẹ ở cổ, đồng thời cũng đeo tràng hạt có Thánh Giá ở cổ tay” (trang 107).
“Đi” đây là đi tìm hiểu về các hương linh, tiếp xúc với các nhà ngoại cảm.
Kết luận của chuyến đi đó như thế nào, cũng mời bạn đọc trực tiếp đọc từ sách kết luận của tác giả Nguyễn Thanh Châu.
Riêng tác giả Bùi Duy Tâm thì dùng cụm từ “tuyệt đối chấp nhận”.
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng thì gửi gắm: “… những nơi chưa có chùa thì nên lập chùa và có nhiều trai đàn chẩn tế như thế này để cầu nguyện cho các anh linh, anh hùng tử nạn, các hương linh oan hồn chết oan ức vì nhiều lý do, để họ được nương nhờ công đức Phật mà mau siêu thoát”.
MT