Trang chủ Người thời nay Chuyện kể về Sư thầy Đàm Lan – công dân ưu tú...

Chuyện kể về Sư thầy Đàm Lan – công dân ưu tú của Thủ đô năm 2011

322

Trong các hoạt động xã hội từ thiện của Phật giáo Thủ đô những năm gần đây có một nhà sư đã trở nên nổi tiếng trong nước và nước ngoài bởi những việc làm mang tính nhân văn cao cả của mình 

Đó là Sư Thầy Thích Đàm Lan – trụ trì chùa Bồ Đề quận Long Biên thành phố Hà Nội, là một trong mười công dân ưu tú của Thủ đô được vinh danh năm 2011

Sư Thầy Đàm Lan cũng đã từng là khách mời của chương trình “ Người đương thời “ của Đài truyền hình Trung ương VTV1 mấy năm về trước. Câu chuyện giản dị, mộc mạc nhưng thấm đẫm tình người của Sư thầy đã để lại cho hàng triệu khán giả truyền hình niềm cảm phục và ngưỡng mộ !

Sư thầy Thích Nữ Đàm Lan sinh năm 1956 tại Hải dương và xuất gia từ năm 16 tuổi. Sư thầy trở thành người trụ trì chùa Bồ Đề từ năm 1972. Suốt mấy chục năm qua, Sư thầy đã đào tạo được nhiều đệ tử và bỏ nhiều công sức để biến một ngôi chùa sơ sài hoang vắng nằm cạnh bờ sông Hồng thành một cơ ngơi chùa Bồ Đề khang trang đẹp đẽ như hôm nay

Trong gia đình Sư thầy Đàm Lan có tới 6 anh chị em ruột xuất gia nơi cửa Phật. Có một ngôi chùa tọa lạc ở cửa ngõ phía Nam kinh thành Thăng Long xưa, nay thuộc quận Hoàng Mai thành phố Hà Nội là chùa Pháp Vân. Ngôi chùa có lịch sử gần nghìn năm tuổi này là nơi trụ trì của Đại Đức Thích Thanh Huân là em ruột của Sư thầy Thích Đàm Lan 

Đại đức Thích Thanh Huân cũng rất nổi tiếng trong cả nước vì Chùa Pháp Vân không chỉ là một ngôi chùa cổ có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời mà còn là một trung tâm điều trị rất thành công cho những người cai nghiện ma túy và những người có HIV ở Hà Nội.

Chuyện kể của Sư thầy Đàm Lan nhận các cháu bị bỏ rơi về nuôi thật là cảm động.

Một buổi sáng tinh sương giống như mọi lần, Sư thầy ra quét sân chùa thì bỗng nghe thấy có tiếng khóc của trẻ sơ sinh. Ngay cạnh cổng chùa là một cháu bé bọc trong mấy lần tã lót bị ai mang đến và bỏ lại. Sư thầy nói cảm giác lúc ấy là giật mình và lo sợ vì từ trước đến nay đã bao giờ bế trên tay một đứa trẻ đâu. Thế nhưng tình thương yêu con người đã giúp Sư thầy quyết định mang cháu bé về nuôi trong chùa Bồ Đề.

Một câu chuyện xảy ra trong thời hiện tại mà cứ tưởng đâu như là trong chuyện Quan Âm Thị Kính ngày xưa ! 

Từ năm 1989 khi Sư thầy Đàm Lan nhận đứa trẻ mồ côi đầu tiên cho đến nay đã có hơn 150 em lớn lên và trưởng thành dưới mái chùa Bồ Đề. Hiện nay trong chùa có 47 em đang được Sư Thầy nuôi dưỡng. Cháu nhỏ nhất chỉ vài tháng tuổi, cháu lớn nhất đang học cấp.

Các em được Sư thầy nuôi nấng dạy giỗ chu đáo. Khi đến tuổi đi học các em đều được cắp sách đến trường do nhà chùa chịu mọi khoản chi phí. Để nuôi dưỡng từng ấy con người đâu phải chuyện dễ dàng. Thế nên Sư thầy Đàm Lan và các nhà sư trong chùa đã phải làm hương để bán, rồi chạy vạy xin tiền tài trợ của các nhà hảo tâm để chăm lo cho các cháu.

Cho đến nay nhiều cháu đã tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học, có việc làm và lập gia đình riêng, có cuộc sống hạnh phúc. Nhưng các cháu vẫn không quên nơi đã cưu mang đùm bọc mình là chùa Bồ Đề của Sư Thầy Đàm Lan. Các cháu thường lui tới chùa Bồ Đề phụ giúp việc chăm sóc các em nhỏ tuổi đang được nhà chùa cưu mang.

Qua màn hình tivi, người dân cả nước đã được tận mắt chứng kiến cảnh xum vầy đầm ấm của Sư thầy Đàm Lan và mấy chục em bé đủ các lứa tuổi dưới mái chùa Bồ Đề. Thật cảm động khi nhìn các cháu bé xúng xính trong bộ quần áo màu lam đang phân công nhau làm việc trong nhà chùa, người nào việc nấy.

Có lẽ cũng do cảm nhận được hoàn cảnh của mình không được may mắn như bao đứa trẻ khác trên đời nên các cháu rất ngoan không bao giờ vòi vĩnh đòi hỏi điều gì. Dưới bàn tay chăm sóc của Sư thầy Đàm Lan hàng trăm đứa trẻ côi cút không nơi nương tựa đã ngày một lớn lên và trưởng thành, dần dần hòa nhập vào với xã hội.

Có rất nhiều cá nhân và tổ chức ở trong nước và nước ngoài muốn xin các cháu làm con nuôi và cũng là để chia xẻ bớt gánh nặng cho nhà chùa. Nhưng Sư thầy Đàm Lan đều từ chối.

Sư thầy nói không muốn cho các cháu đi làm con nuôi người ta vì nghĩ rằng mai này khi bố mẹ các cháu nghĩ lại mà tìm đến nhà chùa thì còn có cơ may chắp nối lại được với đứa con rứt ruột của mình. Còn nếu cho đi thì sợi giây liên hệ tình cảm mong manh ấy sẽ vĩnh viễn bị cắt dứt.

Chỉ có một tấm lòng từ bi, hết lòng thương yêu con người mới biết lo lắng cho thân phận nhỏ bé của các cháu mồ côi như vậy !   
 
Chùa Bồ Đề cũng còn là nơi đang nuôi dưỡng hơn chục cụ già neo đơn không nơi nương tựa. Nhiều cô gái trẻ gặp cảnh đời éo le bất hạnh cũng đến chùa xin Sư thày cho nương náu. Thế là những con người cùng cảnh ngộ ấy cùng tụ họp nhau dưới mái chùa Bồ Đề của Sư thầy Đàm Lan. Họ trở thành người giúp Sư thầy chăm lo cho các cháu tạo nên một mái ấm gia đình.

Sư thày Đàm Lan cũng là người rất tích cực trong các công việc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Mới đây nhất Sư thầy đã tham gia Đoàn hoằng pháp của Giáo hội PGVN do TT. Bảo Nghiêm dẫn đầu sang các nước Đông Âu mang Phật pháp đến cho những người Việt Nam ở xa Tổ quốc.

Sư thầy Đàm Lan, người công dân ưu tú của Thủ đô năm 2011 là một người có tấm lòng nhân hậu vị tha, hết lòng vì các cháu bé mồ côi và các cụ già không nơi nương nựa, vì những cảnh đời éo le bất hạnh trên đời.

Dưới bóng chùa Bồ Đề hàng trăm con người với thân phận bé nhỏ hẩm hiu  của mình đang được sống những tháng ngày an lành hạnh phúc trong hiện tại dưới bàn tay chăm sóc của Sư thầy Đàm Lan – một nhà sư luôn luôn biết gắn bó giữa Đạo với Đời. Vì như nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã nói việc chăm lo cho con người là một minh triết của Phật giáo Việt Nam!