Trang chủ Tin tức Chuyến hành trình về miền cực nam của Tổ quốc

Chuyến hành trình về miền cực nam của Tổ quốc

65

Đúng 10h00’ trưa ngày 27/11, đoàn chùa Phật Quang rời thành phố HCM hướng về miền Tây. Vượt 350 cây số qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và điểm đến là thành phố Cà Mau. Khi đoàn người đến nơi, màn đêm đã buông phủ, nhìn phố xá khang trang, dòng người xuôi ngược, ta cảm nhận được một điều: Cà Mau hôm nay đã lột xác và đang trên đà phát triển về mọi mặt như các thành phố khác trong cả Nước.


Ở đây không còn cảnh “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lền tựa bánh canh” mà là một thành phố xanh, sạch đẹp, có nhiều tiềm năng về kinh tế và con người thì cũng được hưởng văn hóa văn minh tiến bộ, phóng khoáng trong tầm nhìn nên cách ứng xử giữa người với người thật sâu sắc.


Hôm sau, rạng sáng ngày 28/11, theo chương trình đoàn đi tham quan Đất Mũi. Sau khi ăn sáng, phái đoàn được sự hướng dẫn của các phật tử địa phương về thăm vùng đất cực Nam – thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.


Từ bến tàu cao tốc tại thành phố Cà Mau, mọi người lênh đênh trên sông nước hơn 2 giờ đồng hồ mới đến Đất Mũi. Nhân đây ai nấy đều có dịp thưởng thức cái cảm giác vừa sợ sệt vừa thích thú khi con tàu phóng vun vút qua những dòng sông rạch chằng chịt, có khi tàu bị dằn nghiêng qua nghiêng lại, nước tung trắng xóa lên cả mạn tàu.


Càng đi xa càng lý thú khi nhìn cảnh sắc hai bên bờ luôn thay đổi, có khúc là rừng ngập mặn với các loại cây như đước, mắm, dừa nước; có khúc hai bên bờ sông, dân cư tụ lại thành những dãy phố trên sông, có trạm xăng dầu, cửa hàng bách hóa, quán ăn nhằm phục vụ tàu thuyền ghé vào mua bán, nghỉ ngơi hoặc ăn uống.


Đặc biệt đến bến Rạch Tàu có những xóm nhà sống bằng nghề đánh bắt hải sản, thoảng bay trong gió có mùi tanh tanh của các loại động vật đặc trưng vùng biển và mùi nước mắm từ các lò sản xuất. Tàu bắt đầu rẽ vào khúc quanh, nhìn bạt ngàn mắm đước ào ào lùi về phía sau, ta cảm nhận cuộc sống nơi đây thật an bình. Chợt nhin thấy “Đài quan sát” đứng sừng sửng giữa biển cả, đây rồi! điểm cực nam Tổ quốc.


Tàu cập bến, các phật tử đã có mặt chờ đợi từ lúc nào, họ đón tiếp phái đoàn rất trịnh trọng, chu đáo. Sau khi chào hỏi, mọi người cùng đi về khu vực đặt mốc tọa độ. Mốc tọa độ quốc gia là một khối bê tông vuông, có ghi “Điểm tọa độ GPS 0001”, xây dạng hình hoa nở xòe.


Đồng thời cách mốc tọa độ không xa, một tượng đài có hình dáng con tàu mang lá cờ Tổ quốc, kiêu hảnh hướng ra biển. Tượng đài có hàng chữ đỏ “Mũi Cà Mau, 8 độ 37’30” vĩ độ bắc, 104 độ 43’ kinh vĩ đông”… tất cả hình ảnh này làm rúng động trái tim những ai có tấm lòng yêu đất nước của mình. Tôi chợt nhớ câu thơ của Xuân Diệu đã nói thay cho mọi người về nghĩa tình đối với quê hương


Tổ quốc ta như một con tàu
Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau.


Mọi người lần lượt chụp ảnh lưu niệm như muốn lưu giữ những hình ảnh đẹp và có ý nghĩa nhân chuyến đi về vùng đất chót mũi này. Nắng đã lên cao, phật tử mời phái đoàn dừng chân tại Khu Văn Hóa Du Lịch Mũi Cà Mau dùng cơm trưa trước khi chia tay.


Phái đoàn chùa Phật Quang trở về thành phố Cà Mau đã 3 giờ chiều.


Ngày 29/11, Hội Từ Thiện chùa Phật Quang bắt tay vào việc sắp xếp chỗ nghỉ ngơi, ăn uống cho đoàn Y, Bác sĩ, rồi phân chỗ khám bệnh, phát thuốc, phương tiện đi lại, nhằm phục vụ buổi khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho đồng bào nghèo vào sáng mai.


4 giờ chiều, nhóm Y, Bác sĩ tình nguyện – TP HCM xuống tới. Tất cả gồm 30 thành viên, do Bác sĩ Minh – Đại Học Y Dược Phạm Ngọc Thạch làm trưởng đoàn, trong đó có 10 Bác sĩ, 1 Bác sĩ siêu âm, còn lại là nhân viên phục vụ. 


Do nhu cầu địa phương, lượng người khám bệnh vượt gấp đôi so với con số BTC dự trù nên chiều hôm đó, nhóm Y, Bác sĩ vừa xuống tới là làm việc ngay và chỉ giải quyết ưu tiên đối với trẻ em khuyết tật. Lúc ấy có 12 cas được khám bệnh và cấp thuốc, trong đó có 2 cas được duyệt xét, chuyển về Sài Gòn để tập và cho dụng cụ, 1 cas được cấp xe lăn và 2 cas (chân khoèo, tay khòeo) được giới thiệu về trung tâm chỉnh hình TP HCM để mỗ sau tết.


Ngày hôm sau (30/11), đoàn Y, Bác sĩ và các thành viên HTT chùa Phật Quang chia  làm 2 nhóm: một nhóm khám bệnh và phát thuốc tại chùa Từ Quang – thành phố Cà Mau; một nhóm khám bệnh tại Ô Rô – chùa Lôi Âm –  xã Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.


Đúng 8 giờ sáng, mọi người trong đoàn đã có mặt tại địa điểm đã phân công để làm nhiệm vụ. Riêng nhóm được phân công khám bệnh tại Ô Rô thì công việc và phương tiện đi lại có phần vất vả hơn. Trời vừa rạng sáng, nhóm liền khởi hành và ăn sáng trên xe.


Chùa Lôi Âm cách thành phố Cà Mau gần 30 km, đoạn đường này không dài lắm nhưng do đường hẹp, có nhiều ổ gà, vì vậy xe chạy rất chậm. Và muốn tới xã Thới Bình, đoàn phải đi cập theo kinh Zero vào chùa chừng 5km nữa. Điều đáng nói, phương tiện đi đoạn đường này bằng chiếc Võ Lãi.


Đối với người dân thành phố, đa phần không biết bơi, thế mà 6, 7 người phải ngồi trên chiếc Võ, dài suông đuột, hẹp té, bề ngang chỉ đủ một người ngồi, lướt thoăn thoắt trên dòng sông Trẹm (ngã ba Thới Bình), thỉnh thoảng có những con sóng ập vào khiến chiếc Võ lắc lư, trồng trành mới khiếp đấy chứ.


DÒNG SÔNG TRẸM? Ồ! không ngờ hôm nay những người từ rất xa đến vùng sông nước này, được nghe đến cái tên của một dòng sông mà nếu ai có xem quyển tiểu thuyết BÊN DÒNG SÔNG TRẸM của tác giả Dương Hà, sẽ biết chuyện tình éo le thương cảm của Triệu Vĩ và Mỹ Lan dưới thời phong kiến. Và ai đã từng đọc nó thì chắc hẳn sẽ khắc sâu trong ký ức hình ảnh của dòng sông TRẸM nên thơ và lãng mạn một thời này. Ngày nay dòng sông TRẸM vẫn hiền hòa và âm thầm phục vụ cho đời sống con người.


Đi khoảng 20 phút đường sông thì đoàn đến chùa Lôi Âm. Ngôi chùa nằm sâu trong kinh Zero, đoàn người đến chùa khám bệnh, có người đi bộ, có người đi Võ Lãi, trông thật đông đúc.


Đúng 8 giờ đoàn Bác sĩ bắt đầu làm việc. Ngày hôm đó cũng có những vị đại diện chính quyền xã và thị trấn Thới Bình đến tham dự, hổ trợ về mặt an ninh trật tự. Ngoài ra còn có đài truyền thanh của huyện.


Số lượng các bệnh nhân đổ về quá đông, các Y, Bác sĩ và nhân viên phục vụ ai nấy làm việc hết lòng, xuyên suốt từ 8 giờ sáng đến 1 giờ trưa mà không thể khám hết được, đành phải hẹn vào dịp khác. Và sau khi tổng kết, được biết cả 2 điểm khám bệnh và phát thuốc miễn phí với tổng kinh phí là 30 triệu đồng, phục vụ cho gần 1000 bệnh nhân.


Đã quá giờ làm việc, đoàn Bác sĩ vội thu dọn và ăn cơm trưa rồi tiếp tục cuộc hành trình trở về thành phố HCM để kịp đi làm vào sáng mai. Phải nói rằng những người làm công tác xã hội thiện nguyện, họ rất có tâm nên không ngại khó, chỉ mong sao xoa dịu được phần nào nổi đau của tha nhân mà thôi. Cái đáng ca ngợi là tinh thần làm việc tận tâm của các thành viên trong đoàn lần này đã mang đến cho những bệnh nhân nghèo vùng sâu, vùng xa niềm vui, sự an tâm khi được tư vấn, khuyên bảo và điều trị.


Riêng đoàn chùa Phật Quang còn lưu lại thành phố Cà Mau cho đến sáng hôm sau.


Cũng trong ngày, 2 giờ chiều tại chùa Từ Quang diễn ra buổi lễ thành lập đạo tràng PHẬT MỸ ở thành phố Cà Mau. Buổi lễ có sự tham dự chứng minh của TT Thích Phước Lợi – trụ trì chùa Từ Quang, TT Thích Chân Quang – trụ trì chùa Phật Quang, cùng với Chư Tăng Ni đang hiện diện. Ngoài ra còn có Ban Điều Hành Tổng Đạo Tràng chùa Phật Quang, BĐH của Hội Từ Thiện PQ, nhóm sinh viên PQ và BĐH các đạo tràng bạn ở các tỉnh như Binh Dương, Củ Chi, Biên Hòa, TP.HCM, Bình Chánh, Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Long Khánh, v.v…


Mở đầu là nghi thức thành lập đạo tràng do ĐĐ Thích Bảo Thiện hướng dẫn.


Kế đến BTC giới thiệu Ban Điều Hành đạo tràng Phật Mỹ và cô Tường Phổ đại diện cho Tổng Đạo Tràng có đôi lời sách tấn đối với đạo tràng mới thành lập. Tính đến nay tổng đạo tràng PQ đã có  32 đạo tràng trong cả Nước. Các đạo tràng này liên kết, gắn bó nhau cùng tu học, phụng sự dưới sự hướng dẫn của TT Thích Chân Quang và Chư Tăng Ni chùa PQ cũng như của Chư Tăng các chùa tại địa phương.


Chúng trưởng đạo tràng Phật Mỹ thay mặt các huynh đệ nói lời tác bạch, cảm ơn hai vị Thương toạ trụ trì đã chứng minh, hứa khả, đùm bọc, giúp cho quý phật tử ở thành phố Cà Mau có được một đạo tràng tu học như mong ước. Từ đây, dưới sự hướng dẫn của quý Thầy, quý Sư cô, sự dìu dắt của tổng đạo tràng và các huynh đệ bạn lữ hổ trợ, đạo tràng Phật Mỹ sẽ hết sức cố gắng vươn lên trong sự tu học cũng như trong các hoạt động phụng sự Tam Bảo tại địa phương.


Sau nữa là phần tặng quà lưu niệm của TT.Thích Chân Quang, của Tổng đạo tràng, của Hội Từ Thiện và của các đạo tràng bạn.


Cuối chương trình là bài nói chuyện của ĐĐ Thích Bảo Thiện gửi đến các phật tử nhân ngày vui có được. Nội dung bài nói chuyện nêu lên ý nghĩa của việc thành lập đạo tràng, nhiệm vụ của BĐH phải làm thế nào để giúp các thành viên trong đạo tràng ngày một tiến tu, có được đời sống tốt hơn và từng thành viên cần có ý thức giữ gìn bảo vệ đạo pháp, giữ gìn nội bộ đạo tràng của mình.


Chương trình buổi chiều vừa chấm dứt, BTC mời các phật tử dùng cơm và chuẩn bị cho thời thuyết pháp chính tối hôm nay do TT Thích Chân Quang đảm nhiệm.


Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, trời mới về chiều mà hơi lạnh đã thấm da và mau tối. Tuy vậy đoàn người đến chùa thính pháp đông như trẩy hội. Điều này cho thấy người Cà Mau rất yêu thích Phật pháp, kính tin Tam Bảo. Mặt khác còn có đoàn phật tử đến từ các tỉnh khác nữa. Đêm thuyết pháp có cả ngàn người đến dự.


Đúng 6 giờ, Ban Thỉnh Sư cung nghinh TT Thích Chân Quang đăng Pháp tòa.


Chủ đề thuyết pháp hôm nay là CÔNG ĐỨC CĂN BẢN. Ý nói phàm làm việc gì, kể cả tu tập nội tâm cũng phải bắt đầu từ việc rất thấp để đắp cái nền cho kỷ thì kết quả mới bền vững. Đồng thời cảnh tỉnh những ai phước quá lớn, kéo dài thì phải biết vun bồi, giữ gìn cái phước của mình và hướng cái phước đó về phía tu tập tâm linh, kết quả sẽ tốt hơn cho chính mình.


Ngược lại những ai đang nghèo cũng không nên mặc cảm mà phải hiểu “Nghèo là cơ hội để ta đắp cái công đức nền cho kỹ, bằng cách đem sức lực của mình để lao động công ích, làm lợi cho đời, thương yêu được con người, xã kỷ, vô chấp… đó là ta làm đúng với ý Phật muốn”. 


Tức là ta phải làm cái điều hèn kém, ta đứng dưới thấp để  thương yêu, đồng cảm được với mọi người thì như vậy mới xây dựng được cái phước vững chắc. Còn như ta không có cơ hội để làm những điều hèn kém đó, ta quen ăn trên ngồi trước, quen ra lệnh thì làm sao có được cái từ bi sâu xa, vì vậy cái phước đức sẽ tổn dần cho đến ngày đoạ mất luôn.


Sau thời thuyết pháp, mọi người ra về mang theo một chút hành trang cho cuộc sống của mình nên gương mặt ai nấy đều rạng rỡ, hoan hỷ trong niềm tin chánh pháp.


Sáng ngày 1/12, đoàn Phật Quang rời Cà Mau đi về Bạc Liêu. Điểm thăm viếng đầu tiên là Văn phòng BTS PG tỉnh Bạc Liêu. Đón tiếp đoàn là HT Thích Huệ Hà – Trưởng BTS PG tỉnh và ĐĐ Thích Thiện Phúc – Hiệu phó trường Cao Đẳng (Bạc Liêu). S


au lời thăm hỏi, TT Thích Chân Quang cảm ơn Hoà thượng Trưởng Ban đã bảo bọc, dạy dỗ các phật tử đạo tràng Phật Tuệ đang nương nhờ sinh hoạt tu học tại chùa Long Phước – Bạc Liêu; đồng thời tối hôm ấy, các phật tử đạo tràng Phật Tuệ và phật tử tại địa phương tụ về chùa rất đông để sinh hoạt đạo tràng, mong chờ TT Thích Chân Quang ban cho vài lời Pháp nhũ.


Cảm động trước tấm lòng của phật tử Bạc Liêu, Thương toạ cũng dành chút thời gian để khuyến tấn các phật tử trong việc tu hành.


Và trước khi chia tay, ĐĐ Thích Bảo Nguyên thay mặt chùa Phật Quang có vài lời nhắc nhở các phật tử đạo tràng Phật Tuệ về phẫm chất của một người phật tử tu đúng chánh pháp.


Thời gian còn lại trong ngày, đoàn đi tham quan QUAN ÂM CÁC và thăm một vài gia đình phật tử.
 
Chuyến công tác phật sự cuối cùng là buổi thuyết pháp tại chùa Đại Giác, tỉnh Sóc Trăng.


8 giờ sáng ngày 02/12, đoàn về Sóc Trăng. Đến chùa Đại Giác cũng quá trưa, đoàn dùng cơm và nghỉ ngơi tại đây.


Đúng 2 giờ chiều, thời thuyết pháp bắt đầu với chủ đề NHÂN QUẢ CỦA SỰ GIÀU VÀ NGHÈO. Nội dung bài pháp này giúp cho phật tử có cái nhìn chánh kiến đối với nhân quả của sự giàu và nghèo. Từ đó biết điều chỉnh lại lối sống của mình trong hiện tại, sao cho phù hợp với đạo lý để ta thoát nghèo và làm người có giá trị trong cuộc sống, đồng thời giúp cho người khác cũng được vậy.


Và khi đã có cái phước căn bản về vật chất rồi thì ta phải tiến tới tu tập tâm linh. Đó là con đường để thoát khổ.


Đến đây, kết thúc chuyến hành trình về miền Tây, đoàn quay về TP HCM khi trời xề chiều. Trên đoạn đường đến Cần Thơ, đoàn ghé thăm NGHĨA TRANG LIỆT SĨ của tỉnh, dâng cúng hoa trái, đốt nén nhang tưởng niệm.
Bước chân đã xa, nhưng dư âm còn đọng lại với những ai biết quý trọng sự hy sinh của người những người đã nằm xuống vì nền hòa bình và thống nhất của nước nhà.


Đoàn về tới thành phố đã 11 giờ đêm. Chuyến đi dài ngày đã khép lại, tuy rằng các phật sự diễn ra được kết quả tốt đẹp nhưng vẫn còn vài sơ suất nhỏ trong khâu sắp xếp chương trình cho chuyến đi, trong việc khám bệnh và phát thuốc, tại trú xứ chưa có sự kết hợp chặt chẻ với chính quyền địa phương để tránh tình trạng phục vụ không đúng đối tượng. BTC sẽ rút kinh nghiệm cho những lần công tác sau.


Trở về với cuộc sống đời thường, các thành viên trong đoàn ai cũng thấm mệt. Tuy nhiên, được một lần đến vùng đất linh – điểm cuối cùng của Tổ quốc, chúng tôi mới cảm nhận hết cái hạnh phúc dâng trào về tình đất – tình người sâu lắng đến độ không ngờ.