Trang chủ Đời sống Chuyện đời - Ý đạo Chuyện hai người quét rác

Chuyện hai người quét rác

294

Ông cầm chiếc chổi và đồ hốt rác quét sạch vỉa hè rồi quét dọc theo lề đường, cẩn thận gom tất cả đám cát, bao ny-lông, mẩu thuốc lá, ly giấy, lá khô và đủ thứ rác rưởi của xã hội văn minh vào thùng, đậy nắm cận thận, đặt ngay ngắn xuống lòng đường, để ngày mai xe rác của thành phố lấy đi. Hình như ông là người duy nhất ở khu phố này cầm chổi quét lòng đường và vỉa hè.

Thói thường đều cho rằng chuyện đường phố sạch dơ để thành phố lo. Hơi đâu “bao đồng” chuyện nhà nước? Thế nhưng cứ mỗi lần qua khu Japan Town, ông lại cảm phục người Nhật về tinh thần tự trọng và yêu mến thành phố của họ. Lúc nào ông cũng thấy những ông, bà Nhật lúi húi quét dọn vỉa hè và lòng đường. Chính vì thế mà cả khu Japan Town lúc nào cũng sạch trơn. Chỉ cần bước qua ranh giới của Japan Town là một hình ảnh thật tương phản. Sự sạch sẽ, khang trang chỉ cách nhau một sợi chỉ. Có lần ông dừng xe lại hỏi thăm thì được các ông bà Nhật nói:

“Chúng tôi quan niệm rằng đường phố thuộc về người dân, không hoàn toàn thuộc về chính phủ. Do đó giữ gìn đường phố sạch sẽ cũng là trách nhiệm của người dân. Đồng ý là chúng tôi có đóng thuế để thành phố lo chuyện vệ sinh nhưng giờ đây thành phố có quá nhiều việc phải lo hoặc lo không xuể. Chúng tôi không ngồi đó than trời trách đất. Nếu muốn sở rác phục vụ tốt hơn thì chúng tôi lại phải đóng thêm thuế. Thôi thì chúng tôi chia xẻ trách nhiệm với nhà nước mà cũng là để giữ gìn đường phố của chính mình. Chẳng mất mát gì cả. Tới một thành phố khang trang sạch sẽ người ta cảm phục cả đất nước lẫn con người ở đó. Chúng tôi yêu khu phố của chúng tôi và cũng muốn khách vãng lai yêu mến nó.”

Chính vì cảm phục người Nhật mà tuần nào ông cũng làm công việc này mà chẳng than phiền chi cả. Khi nhận thấy vỉa hè và lòng đường đã khá sạch, ông toan thu dọn để bước vào nhà thì một thanh niên từ xa bước tới, miệng phì phèo điếu thuốc. Chỉ cần nhìn cách ăn mặc và đi đứng người ta có thể nhận ra đây là một chàng thanh niên ngang tàng. Khi tới chỗ ông đang đứng, người thanh niên rít hơi cuối cùng rồi coi như không có ai, thản nhiên quăng mẩu thuốc lá xuống đường. Nhìn mẩu thuốc là nằm tênh hênh trên mặt vỉa hè sạch trơn, dường như nó có vẻ “phá hoại” và trêu ngươi, cho nên người đàn ông tức giận, lớn tiếng gọi người thanh niên:

-Này, yêu cầu quay lại nhặt tàn thuốc lá lên nghe!

Người thanh niên đã đi cách xa ông khoảng năm, sáu bước, nghe gọi thế quay đầu lại nhìn với vẻ hết sức ngạc nhiên. Anh ta ngạc nhiên vì có thể cả trăm lần quăng mẩu thuốc lá như thế này mà chẳng ai phản ứng gì, nay có một “gã điên” làm chuyện không giống ai. Anh ta quay lại, sẵng giọng hỏi:

-Ông nói gì?

-Yêu cầu cậu nhặt mẩu thuốc lá lên!

Mặt chàng thanh niên đỏ gay:

-Bộ đường phố này của ông hả?

Người đàn ông trả lời ngay:

-Không phải của tôi nhưng tôi tôi quét dọn sạch sẽ. Người tự trọng không bao giờ xả rác bừa bãi.  Cậu hiểu điều đó không? Tôi yêu cầu cậu nhặt lên!

Tự ái bị tổn thương, người thanh niên không cần phân biệt đúng-sai, nói như gây sự:

-Không nhặt thì sao?

Sự lớn tiếng qua lại giữa hai bên làm người trong nhà chạy ra, người qua lại trên hè phố tò mò đứng lại. Cuối cùng tất cả đều thấy đây không phải chuyện đại sự cho nên xúm vào can gián. Cuối cùng người thanh niên hậm hực bỏ đi còn người đàn ông đứng phân bua một hồi rồi bực bội bước vào nhà.

***

Ba ngày sau, tại một khu phố khác cách đó khoảng năm, sáu con đường người ta thấy một vị sư đang quét rác tại cổng một ngôi chùa. Hôm nay là Thứ Hai chùa vắng, Phật tử đi làm hết, sau hai ngày cuối tuần bận rộn với sinh hoạt và lễ lạc, rác đã thấy lai rai trên sân. Ngoài ra, còn lá trên cây rụng xuống cho nên thầy trụ trì ra công quét dọn, vừa vận động vừa làm sạch trong ngoài.

Đối với người xuất gia, quét rác cũng là “công phu”. Sau khi cổng chùa đã sạch sẽ, sư toan đẩy thùng rác trở vào thì một chàng thanh niên tà tà bước tới. Đây chính là anh chàng đã gây sự với người đàn ông quét rác ba ngày trước.

Khi đi tới cổng chùa, có thể do vô tình, do quán tính, cố tật, hoặc đãng trí, sau khi mở bao thuốc lá, chàng ta rút ra một điếu, châm lửa. Thấy bao thuốc đã hết, chàng ta quăng cả chiếc bao trống không dưới chân bức tường cạnh cổng chùa rồi thản nhiên bước đi. Thế nhưng khi bước đi khoảng năm, sáu thước, có thể do nhớ lại cuộc “đụng độ” với người đàn ông trước đây, chàng ta quay đầu lại xem sự thể như thế nào.

Trái với phỏng đoán của mình, vị sư bình thản bước tới chân bức tường, cúi xuống nhặt bao thuốc lá lên, quay lại thùng rác, mở một bao rác nhỏ, bỏ bao thuốc lá trống vào bên trong, cột trở lại, bỏ vào thùng rác rồi lặng lẽ đẩy thùng rác vào bên trong sân chùa, không hề quay nhìn chàng thanh niên …đang ngạc nhiên đứng đó.

***

Ngày hôm sau, chàng thanh niên tới thăm vị sư. Sau khi giới thiệu mình chính là người xả rác trước cổng chùa. Chàng ta kể lại chuyện “đụng độ” với người đàn ông rồi hỏi:

-Thưa thầy, tại sao cùng một chuyện mà thầy lại có lối cư xử nhẹ nhàng hơn người đàn ông kia?

Sư hiền từ đáp:

-Người đàn ông đó là một công dân tốt. Một công dân tốt do làm tròn bổn phận của mình cho nên thường thẳng thắn nói lên cái sai của người khác để cùng nhau sửa chữa trong tinh thần ôn hòa. Tuy nhiên cách hành xử giữa một người thường và một người xuất gia có khác nhau. Người xuất gia không nói về cái lỗi của kẻ khác mà kham nhẫn để kẻ phạm lỗi giác ngộ mà tu sửa. Hai lối hành xử đó không cái nào hơn cái nào, “vạn pháp đều bình đẳng”, chỉ tùy duyên ứng xử mà thôi.

Một căn nhà, một ngôi chùa, một khu phố hoặc nơi làm việc cần phải sạch sẽ. Sự sạch sẽ làm trang nghiêm cuộc sống và thế giới. Ngay đầu óc chúng ta cũng cần sạch sẽ. Muốn sạch sẽ thì phải quét rác. Một chiếc máy điện tử muốn tốt cũng phải “đổ rác”. Đầu óc con người muốn thanh tịnh, sạch sẽ cũng phải “đổ rác”- đổ bớt rác rưởi của tâm hồn. Những ý nghĩ bất tịnh, tương tranh, thù hận, đố kỵ, tị hiềm, những tư tưởng loại trừ, kỳ thị, ghét bỏ đều là rác rưởi của tâm hồn. “Quét rác” và “đổ rác” là việc làm thường xuyên của người nào muốn tâm hồn thanh tịnh. Từ thanh tịnh mà có thanh thản. Vì thanh thản cho nên không động tâm. Vì tâm không động cho nên ít gây đổ vỡ.

***

Ba ngày sau, chàng thanh niên tìm tới nhà người đàn ông, nói lời xin lỗi. Chàng học được một bài học nơi sư, “ Thay vì xả rác xuống đường hoặc nơi công cộng thì nên xả bớt rác trong tâm hồn mình.”

Lời người kể chuyện:

Ngoài đức tính kham nhẫn, có thể sư đã đạt tới mức “vô phân biệt”. Sư cứ thấy rác thì quét mà không hề phân biệt rác từ cây đổ xuống, Phật tử xả ra, nam hay nữ, lạ hay quen cho nên rác của chàng thanh niên cũng thế thôi. Chính vì “vô phân biệt” cho nên sư không động tâm. Không động tâm cho nên sư đã quét rác trong trạng thái “vô tâm”. Mà vô tâm thì an lành./.

Đào Văn Bình

(California 20 Tháng 9, 2013)

Sinh năm 1942 tại Hải Phòng. Năm 1954 theo gia đình di cư vào Nam. Năm 1955 quy y Tam Bảo với Hòa Thượng Hải Tràng tại Chùa Phổ Quang, Sài Gòn, được HT ban cho pháp danh là Thiện Quả. Năm 1966 tốt nghiệp Cử Nhân Luật Khoa, Đại Học Luật Khoa Sài Gòn. Năm 1968 tốt nghiệp Cao Học Hành Chánh, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Phó Tỉnh Trưởng các Tỉnh Quảng Ngãi, Kiến Hoà. Sau 30/4/1975 bị giam cầm 9 năm qua các trại tù từ Nam ra Bắc. Hiện sống tại Hoa Kỳ.