Trong khi quyển sách “Ta là ai?” được nhiều bài viết đăng trên báo Giác Ngộ (bản in giấy và online), từ nhiều tác giả khác nhau, chỉ ra cụ thể những nội dung mạ lỵ, phỉ báng Phật giáo, thì tại Hội sách TPHCM tháng 3 năm 2012, quyển sách nói trên lại được Công ty Minh Triết tổ chức quảng bá rầm rộ hơn bao giờ hết, xem đây như là tác phẩm hàng đầu, tác phẩm chủ yếu, tác phẩm căn bản của tác giả Duy Tuệ, tiêu biểu cho “đạo nghiệp” của Duy Tuệ.
Tuy Duy Tuệ có viết nhiều sách, nhưng đây là quyển có nội dung xúc phạm Phật giáo tập trung cao độ. Ấy vậy mà, không kể gì đến ý kiến từ cơ quan ngôn luận của Thành hội Phật giáo TPHCM, tuần báo hàng đầu phản ánh tiếng nói của Tăng Ni Phật tử Việt Nam, người ta lại tung ra một chiến dịch giới thiệu rầm rộ quyển sách (xem ảnh đã đăng trên Giác Ngộ số 634 và trang web công ty Minh Triết).
Đây rõ ràng là một sự thách thức, mà sâu xa hơn, là một sự thăm dò, trắc nghiệm đối với nhiều phía, trước hết là Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Nếu vẫn cứ như thế, thì:
– Duy Tuệ và công ty của ông ta sẽ đẩy mạnh việc quảng bá quyển “Ta là ai?”, đẩy mạnh chỉ số phát hành, tái bản, hay có phần chắc là in nối bản với số lượng vô hạn định.
– “Được đàng chân thì lân đàng đầu”, đương nhiên, tác giả Duy Tuệ sẽ viết tiếp những quyển mạ lỵ, phỉ báng, xúc phạm, xuyên tạc Phật giáo với cấp độ mạnh mẽ hơn nữa, liều lĩnh hơn nữa, cuồng nộ hơn nữa. Những quyển sách loại như thế sẽ được quảng cáo rầm rộ hơn, đình đám hơn. Vì viết như thế, thì dù công luận đã căng thẳng như thế, nhưng vẫn không hề gì, không sao hết! Có chăng là sự chú ý hơn nữa của mọi người. Thế thì cứ mà tiếp tục cái việc lớn tiếng chửi rủa Phật pháp, để người ta bu lại mà mua sách, vì đã làm được chuyện chưa ai dám làm (!), từ đó, tiếp tục chiêu tập tín đồ.
– Duy Tuệ làm được thì người khác cũng làm được, để bán sách hay vì những mục tiêu gì sau đó. Thế là không thể tránh được việc Duy Tuệ 2, Duy Tuệ 3, 4… đến n Duy Tuệ xuất hiện, dưới đủ loại tên tuổi, với đủ thứ tựa sách, với đủ cách thể hiện cùng mô típ “đốt đền” để nổi tiếng. Nhưng điều nguy hiểm là đốt đến mà không chịu sự trừng phạt nào hết, thì đó là sự khuyến khích phóng hỏa đền để biến mình thành ngôi sao, và người ta xem như thế rồi cứ theo thế mà bắt chước với tất cả sự an tâm cần thiết.
– Cũng kiểu làm như Duy Tuệ, từ một vài quyển sách, người ta tha hồ lập ra những giáo hội trá hình, bề mặt là công ty này, công ty kia, tránh tiếng đi, gọi đại gia đình này, đại… gì đó kia, miễn không dùng tới chữ “Giáo hội”, cũng là tha hồ quảng bá thiền định này, pháp môn nọ… Duy Tuệ sẽ là người thăm dò đường, là người thử phản ứng, là người tạo tiền lệ cho “đạo sư” này, “thượng sư” nọ… xuất hiện đường hoàng, công khai, tự vẽ hào quang, khua chiêng gióng trống tự xưng chứng ngộ, nhảy ra làm thầy thiên hạ, tụ tập tín đồ nhưng gọi trớ đi là “hiền giả”, “nhân giả” gì gì đó…
Cái cách tụ tập quần chúng mà Duy Tuệ thử nghiệm không phải là khó trong việc bắt chước. Không viết được sách như Duy Tuệ thì người ta cũng có thể thuê viết, thuê người xào nấu đạo văn để làm Duy Tuệ 1, Duy Tuệ 2, …, miễn là có được cái giựt gân của việc chửi thần báng thánh.
Hiện tượng Duy Tuệ nếu tiếp tục diễn biến thực chất sẽ là mở ra một con đường hình thành tôn giáo mới một cách công nhiên và an toàn. Người ta không xưng “cô”, xưng “cậu” mà xưng hẳn là “đạo sư”, không lén lút tập họp tín đồ tại nhà để bị phường xã chú ý, mà in sách, in dĩa, phát hành công khai, rộng rãi, lớn tiếng công kích tôn giáo khác để tự khẳng định mình, đề cao mình, nhận đệ tử từ bạn đọc.
– Duy Tuệ phỉ báng Phật giáo, bán sách bán dĩa, bán USB tập họp lực lượng được, thì tại sao không đối với những tôn giáo khác? Sách Duy Tuệ với nội dung đối với một tôn giáo là như thế được xuất bản, thế thì đối với các tôn giáo thì có gì khác đâu? Duy Tuệ làm được thì người khác cũng làm được, công kích Phật giáo được, thì đối với những tôn giáo khác như thế cũng phải được. Thế là không khó để tiên đoán những chuyện như vậy. Đó sẽ là tình trạng công kích tôn giáo công nhiên trên sách xuất bản. Hệ quả của việc này là gì, chúng ta có thể tiên đoán.
– Nếu tác giả Duy Tuệ có thể xuất bản những tác phẩm công kích Phật giáo, mà trước mắt là quyển “Ta là ai?”, thì các tác giả khác đương nhiên cũng làm được việc trước tác và xin cấp phép xuất bản những quyển sách phê phán những điều mà Duy Tuệ xúc phạm đối với Phật giáo Việt Nam. Nhà xuất bản liên hệ đương nhiên không thể từ khước yêu cầu chính đáng và hợp lý này. Chuyện này cũng không phải là không phức tạp.
Đây là những chuyện mà tất cả chúng ta có thể hình dung dễ dàng khi hiện tượng Duy Tuệ vẫn cứ tiếp tục. Nó tất yếu đặt ra nhiều thách thức nan giải đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các cơ quan chức năng và cả xã hội.
Cạo đầu, mặc áo tràng nâu, áo tràng vàng đi làm tiền, bán nhang, thì có thể bị bắt giữ như chúng ta đã thấy.
Nhưng cũng cạo đầu mặc áo tràng vàng, áo tràng nâu, áo tràng đỏ…, cũng vẫn chưa thọ giới xuất gia, rồi chụp ảnh, quay phim, in sách, phát hành dĩa xúc phạm phỉ báng Phật giáo thì lại công nhiên, bất kể, không sao cả và còn sử dụng cả những sự kiện văn hóa lớn như hội sách để quảng bá, đánh bóng tên tuổi.
Tiền lệ này quả là một thách thức đối với Phật giáo, các cơ quan chức năng và cả xã hội!
MT