Trang chủ PGVN Lịch sử PGVN Chuyện đời vị quốc sư lừng danh đầu tiên của Việt Nam

Chuyện đời vị quốc sư lừng danh đầu tiên của Việt Nam

97

Tuy nhiên, có lẽ ít người biết rằng, câu chuyện về cuộc đời vị quốc sư đầu tiên của Việt Nam không chỉ có chừng ấy những huyền thoại…

Dòng dõi đế vương


Thiền sư Khuông Việt sinh năm 933, quê ở thôn Cát Lợi, huyện Thường Lạc, nay thuộc huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Nhiều người biết rằng, Khuông Việt vốn chỉ là pháp hiệu, còn tên của ông là Ngô Chân Lưu. Tuy nhiên, có lẽ ít người biết rằng, Ngô Chân Lưu cũng chỉ là tên giả. Trên thực tế, thiền sư Khuông Việt tên thật là Ngô Xương Tỷ và là con cháu thuộc dòng dõi đế vương. Theo phả hệ họ Ngô ở Việt Nam, ông là con cả của Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập và là anh trai của sứ quân Ngô Xương Xí, tức là cháu đích tôn của Tiền Ngô vương Ngô Quyền, vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam.

Ngô Xương Tỷ ra đời dưới thời cai trị của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ cha vợ của ông nội ông là Ngô Quyền. Tới năm 937, thế lực họ Kiều ở Châu Phong tổ chức binh biến, giết chết Dương Đình Nghệ, đưa Kiều Công Tiễn lên nắm quyền. Công Tiễn tự xưng Tiết độ sứ. Hành động này đã gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các thế lực hào trưởng các địa phương, thậm chí chính nội bộ họ Kiều cũng chia rẽ trầm trọng.

Ngô Quyền, với danh nghĩa là bộ tướng và con rể của vị cố Tiết độ sứ, đồng thời cũng là người gây dựng liên minh Ngô – Dương, tập hợp lực lượng tiêu diệt Kiều Công Tiễn. Bị cô lập, Kiều Công Tiễn hoảng sợ, vội vã sai người sang cầu cứu nhà Nam Hán. Nam Hán Cao Tổ sai con trai của Lưu Hoằng Tháo đem hai vạn quân, dùng chiến thuyền, xâm lấn Tĩnh Hải quân, tức Việt Nam ta.

Năm 938, Ngô Quyền đem quân ra Đại La, giết chết Kiều Công Tiễn và nhanh chóng tổ chức kháng chiến chống quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng. Lợi dụng chế độ thủy văn khắc nghiệt của sông Bạch Đằng, ông sai đóng cọc dưới lòng sông, đầu bịt sắt nhọn sao cho khi nước triều lên thì bãi cọc bị che lấp. Ngô Quyền dự định nhử quân Nam Hán vào khu vực này khi thủy triều lên và đợi nước triều rút xuống cho thuyền quân Nam Hán mắc cạn mới giao chiến.

Khương Việt thiền sư
Khương Việt thiền sư

Kết quả, quân Nam Hán thua chạy, Lưu Hoằng Tháo bỏ mạng cùng với quá nửa quân sĩ, nhà Nam Hán phải từ bỏ giấc mộng xâm lấn Tĩnh Hải quân. Với mưu lược thần tình của mình, Ngô Quyền đã làm nên chiến thắng Bạch Đằng nổi tiếng, kết thúc hơn một thiên kỉ Bắc thuộc, mở ra thời kỳ phong kiến độc lập tự chủ cho Việt Nam.

Sau 6 năm trị vì, tới năm 944, Ngô Quyền qua đời. Trước khi Ngô Quyền mất, ông ủy thác con trưởng của mình là Ngô Xương Ngập, tức cha của Ngô Xương Tỷ cho Dương Tam Kha – em của vợ mình là Dương hậu. Dương Tam Kha lợi dụng Ngô Xương Ngập còn nhỏ, chưa đủ sức nắm triều chính đã chiếm ngôi của nhà Ngô. Cha của Xương Tỷ phải bỏ trốn chạy về nhà một hào trưởng là Phạm Lệnh Công ở làng Trà Hương, Nam Sách.

Ở đó cha ông đã lấy con gái của Phạm Lệnh Công và sinh ra người em trai Xương Xí. Cũng trong thời gian ấy, Dương Tam Kha lên ngôi xưng là Dương Bình Vương, ra lệnh truy bắt cha ông rất gắt gao nhưng không bắt được. Có lẽ trong giai đoạn gia đình ông phải chạy trốn sự truy đuổi gắt gao của ông cậu Dương Tam Kha, cha ông đã đổi tên cho cậu con trai cả rồi gửi ông vào nơi cửa Phật để thoát khỏi họa sát thân.

Mặc dù truy sát gắt gao cha ông là Xương Ngập, người kế thừa ngai báu một cách chính thức, song Dương Tam Kha lại nhận chú của ông Ngô Xương Văn làm con nuôi. Vì vậy, tới năm 950, Ngô Xương Văn đã lật đổ Dương Tam Kha chiếm lại ngôi báu. Tuy nhiên, Xương Văn không giết Tam Kha mà chỉ giáng xuống làm Chương Dương công.

Điều đáng nói chính là sau Xương Văn lật đổ Dương Tam Kha, chiếm lại ngôi báu, xưng là Nam Tấn Vương thì theo ý của Dương thái hậu đã cho người đón cha ông là Xương Ngập về cung và phong làm vua, gọi là Thiên Sách vương. Lúc đó, cùng tồn tại hai vua, sử sách gọi là Hậu Ngô Vương. Tuy nhiên, khi đã trở thành Thiên Sách vương không hiểu vì sao cha ông lại không đón ông về cung. Dẫu sao cũng nhờ vậy mà chúng ta có vị quốc sư đầu tiên trong lịch sử Đại Việt.

Quy y cửa Phật

Theo sử sách ghi chép thì Ngô Xương Tỷ từ nhỏ đã có tướng mạo khôi ngô, tính tình phóng khoáng. Từ nhỏ, ông đã theo học Nho tới khi lớn lên mới quy y cửa Phật. Lúc bấy giờ Xương Tỷ đã có tên là Ngô Chân Lưu cùng người bạn học là Trụ Trì tới chùa Khai Quốc, nay là chùa Trấn Quốc để xin học với thiền sư Vân Phong và thọ giới Cụ túc tại đây. Thọ giới Cụ túc, tức nhận lấy đầy đủ những kỷ luật chi phối đời sống cá nhân và đời sống tập thể của tổ chức Phật giáo.

Thường thường, những kỷ luật ấy gồm rất nhiều những điều luật, mà tùy theo tôn phái và nam nữ, có thể bắt đầu từ khoảng hai trăm đến 500 giới, dùng cho đời sống cá nhân. Khi một người nào chịu nhận những điều luật đó, họ được gọi là Tỳ kheo nếu là đàn ông, hay Tỳ kheo ni nếu là đàn bà, và họ là những người đã thọ Cụ túc giới.

Bắt đầu từ đây, Ngô Chân Lưu đọc khắp các sách Phật, tìm hiểu yếu chỉ của Thiền Tông. Sau khi theo học thiền sư Vân Phong một thời gian, Ngô Chân Lưu bắt đầu du ngoạn các nơi, tham vấn Thiền học. Chuyện kể rằng, một lần, Ngô Chân Lưu đi chơi núi Vệ Linh, ở quận Bình Lỗ, nay thuộc huyện Kim Anh thấy phong cảnh nơi đây thanh bình, tĩnh lặng thích hợp cho việc tu hành nên nảy ra ý định lập am để ở.

 Ngay đêm hôm đó, Ngô Chân Lưu nằm mộng thấy một vị thần, mình mặc áo giáp vàng, tay trái cầm thương vàng, tay phải đỡ bảo tháp, hơn mười người theo hầu, tướng mạo rất dễ sợ, bước đến gần nói rằng: “Ta là Tỳ Sa Môn thiên vương, những người theo ta là dạ xoa.

Thiên đế có chỉ lệnh sai ta đến nước này để giữ gìn biên giới, khiến cho Phật pháp thịnh hành. Ta có duyên với ngươi, nên đến đây báo cho ngươi biết”. Ngô Chân Lưu giật mình tỉnh dậy, nghe trong núi có tiếng huyên náo lòng rất lấy làm lạ. Sáng hôm sau, Ngô Chân Lưu vào núi, thấy một cây to, cao khoảng mười trượng, cành lá sum suê, bên trên lại có mây xanh bao phủ trong lòng mừng thầm mới sai thợ đến chặt, đem về, khắc tượng như đã thấy trong mộng rồi lập am để thờ.


Vị quốc sư lừng danh


Tới năm thiền sư Ngô Chân Lưu 40 tuổi, danh tiếng của ông đã vang tới tận triều đình. Tới năm 969, vua Đinh Tiên Hoàng, người đã dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước đã mời thiền sư Ngô Chân Lưu tới gặp. Sau cuộc nói chuyện rất tâm đầu ý hợp, Đinh Tiên Hoàng đã quyết định phong cho thiền sư Ngô Chân Lưu chức Tăng thống. Ngô Chân Lưu trở thành vị thiền sư đầu tiên giữ chức Tăng thống trong lịch sử Việt Nam.

Cho mãi tới các triều đại Trần, Lê về sau, chức này vẫn còn được sử dụng. Tuy ngày nay, sử sách không ghi rõ nhiệm vụ của người giữ chức vụ nay, song có thể hiểu nó như một chức vị đứng đầu và quản lý tăng nhân trong cả nước, tương đương với chức vị Quốc sư trong các cách hiểu sau này. Hai năm sau đó, năm Thái Bình thứ 2 tức năm 971, Đinh Tiên Hoàng phong cho thiền sư Ngô Chân Lưu pháp hiệu là Khuông Việt thiền sư với ý nghĩa là người tu sửa, chấn hưng Phật giáo nước Việt. Cái tên Khuông Việt của thiền sư Ngô Chân Lưu cũng bắt nguồn từ thời điểm đó.

Tới năm 979, cha con Đinh Tiên Hoàng bị giết, thái tử Đinh Toàn mới 6 tuổi được đưa lên ngôi, do Lê Hoàn, người lúc đó đang giữ chức tổng chỉ huy quân đội Đại Việt làm nhiếp chính. Tới 980, trước nguy cơ xâm lược của nhà Tống, thái hậu Dương Vân Nga cùng các đại thần đã tôn Lê Hoàn lên ngôi vua để lãnh đạo công cuộc chống lại cuộc xâm lược của quân Tống. Dưới thời trị vì của Lê Hoàn, thiền sư Khuông Việt tiếp tục được trọng dụng trong vài trò của một Tăng thống. Và đây là khoảng thời gian diễn ra câu chuyện ngoại giao nổi tiếng của thiền sư Khuông Việt và Pháp Thuận.

Năm 987, người đứng đầu phái bộ của nhà Tống là Lý Giác tới Việt Nam. Lê Hoàn đã nhờ Pháp Thuận và Khuông Việt cùng đứng ra đón tiếp. Pháp Thuận đã đón Lý Giác từ chùa Sông Sách, nay thuộc tỉnh Hải Dương, để đưa về kinh ấp Hoa Lư. Đến Hoa Lư, Khuông Việt đã đứng ra tiếp. Trước khi Lý Giác ra về, vua Lê Đại Hành đã ra lệnh cho Khuông Việt viết một khúc nhạc để tiễn đưa phái bộ.

Và Khuông Việt đã viết bài từ “Vương Lang Quy” nổi tiếng cho tới tận ngày nay. Đây là một loại từ khúc lưu hành khá phổ biến thời bấy giờ, có thể dùng như lời của một bản nhạc để hát với việc sử dụng các nhạc khí để tấu kèm theo. Khúc từ này vốn có tên là “Ngọc Lang Quy”, mà truyền bản nhà Nguyễn viết thành “Vương Lang Quy”. Đây có thể nói là lần đầu tiên văn chương nghệ thuật đã công khai đưa vào phục vụ sự nghiệp chính trị ngoại giao.

Về cuối triều Lê, Ngô Chân Lưu già yếu xin từ quan về núi Du Hý, lập chùa trụ trì, người học tìm tới rất đông. Ngày 15 tháng 2 năm Thuận Thiên thứ 2 (1011) tức ngày 22/3/1011 dương lịch, ông viên tịch, thọ 78 tuổi. Khi sắp cáo tịch, Thiền sư Ngô Chân Lưu – Khuông Việt quốc sư có dạy sư Đa Bảo kệ rằng: "Trong cây vốn có lửa, Có lửa, lửa mới bừng, Nếu bảo cây không lửa, Cọ xát do đâu bùng?”.