Trang chủ Người thời nay Tấm gương Phật tử Chuyện đời thăng trầm của chuyên gia ẩm thực Cẩm Vân vừa...

Chuyện đời thăng trầm của chuyên gia ẩm thực Cẩm Vân vừa xuống tóc đi tu

Hay tin chuyên gia ẩm thực Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân, pháp danh Diệu Tịnh, xuống tóc xuất gia tại một ngôi chùa ở quận 12, TP.HCM, nhiều người không ngạc nhiên mà còn chúc mừng cô đã thực hiện được tâm nguyện của mình ở đời này.

4138

Hình ảnh cô xuất hiện trong các chương trình hướng dẫn ẩm thực, lúc nào cũng mang dáng dấp như một “bà tiên” với mái tóc bạch kim, dịu dàng phúc hậu, nụ cười nhẹ nhàng luôn hiện diện trên gương mặt.

Ít ai biết cuộc đời cô đã khóc nhiều, thăng trầm cũng nhiều. Để rồi mới đây, khi xuất hiện với một hình tướng mới – người xuất gia, khi cô chạm được vào ước nguyện từ lâu của mình thì ở cô tỏa rạng niềm bình an, nhẹ tênh.

“Ông Phật trong lòng tôi là ông Phật trên cao. Để mình đảnh lễ và kính trọng”. Đó là những ngày còn bé khi được theo mẹ đi lễ chùa, được mẹ hướng dẫn lễ Phật, cô bé Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân đã thấy Phật như vậy.

Từ bé không thích ăn thịt, không biết ăn cá, thậm chí cô từng thà chịu đòn của bố, chứ nhất quyết không ăn thịt cá. Khi học xa nhà, bố mẹ gửi trường dòng, “là một Phật tử được gửi vào trường dòng”, cô kể mình hát thánh ca rất hay, đọc kinh thánh vèo vèo, đi nhà thờ đều như những con chiên ngoan đạo.

Lớn hơn một chút cô lập gia đình với một người có tín ngưỡng Ki-tô, cô đi nhà thờ được 2 năm rồi không đi nữa, trong thời gian ấy “tôi lén lén đi chùa, thấy thích đi chùa, bắt đầu thích sống hàng ngày với những điều Phật dạy”.

Năm 1989, khi đang là cô giáo dạy Văn, với đồng lương không đủ trang trải cuộc sống gia đình, cô nghĩ cách hướng dẫn thêm nấu ăn, đan len, móc áo, thêu rua, may gia công… xoay xở đủ các nghề miễn là có thể kiếm được tiền nuôi con. Năm 1990, cô nghỉ dạy để đưa con trai út sang Úc chữa bệnh tim.

Khi trở về nước thì nợ nần chồng chất vì tiền vay chữa bệnh cho con. Nhờ khéo tay, thích làm những việc tỉ mỉ, cô tự tìm tòi dạy bổ túc, rồi đi may thuê, làm bánh… Sau đó, cô xin dạy làm bánh cho Trung tâm Dạy nghề Tân Bình. Ở đây, cô dành hết tâm huyết cho những giờ dạy về nghệ thuật nấu ăn. Năm 1993, Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh cần một giáo viên có kinh nghiệm dạy nấu ăn cho chương trình “Khéo tay hay làm” và Trung tâm đã giới thiệu cô tham gia chương trình này.

“Tôi là một người phụ nữ yếu đuối vì được bố mẹ chăm sóc kỹ quá, nên khi gặp khó khăn không biết bám víu vào đâu, nhưng sợ con đói con khổ, nên phải làm, phải bám vào các con. Điều quan trọng nữa là mình sống cho bố mẹ không buồn, người xung quanh không chán. Đừng bao giờ trông đợi vào một người khác, người ta có lòng họ cho gì mình nhận cái đó, nhưng mình phải đứng trên đôi chân của mình”.

Ngoài ra, khi đi chùa cô cũng thường xuyên hỏi quý thầy “tại sao con khổ vậy?, được trả lời là vì là cái nghiệp, “nghiệp thì phải trả cho hết, mà mình vui thì trả nhanh, mà mình không vui thì trả hoài và cực lắm”, nên cô hoan hỷ trong các hoàn cảnh bất như ý.

Trong một buổi chia sẻ ở Pháp viện Minh Đăng Quang cho khóa tu của người trẻ tháng 8-2018, cô bày tỏ, với tuổi 66, có 2 người con, trong cuộc đời cô có 2 nỗi đau lớn, đầu tiên là lúc con út cô đi mổ tim, “có thể nói cái đó là hãi hùng đối với tôi”. Nỗi buồn đau thứ 2 trong đời cô là lúc con trai đầu của cô mất, cô kể, người con trai mất lúc 35 tuổi, là người rất dễ thương khỏe mạnh, không có bệnh.

Những ngày tháng đầu của biến cố lớn trong cuộc đời đó, cô như điên loạn, không làm chủ được bản thân, ngày nào cũng đi ngoài đường nhưng không biết đi đâu.

Chuyện đời thăng trầm của chuyên gia ẩm thực Cẩm Vân vừa xuống tóc đi tu
TT.Thích Giác Dũng thực hiện nghi thức thế phát (xuống tóc) cho cô giáo dạy Văn thời phổ thông trung học của mình – là Phật tử Diệu Tịnh Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân

Như một duyên lành, cô đến Tứ động tâm – những thánh tích liên quan tới cuộc đời của Đức Phật, được đảnh lễ những nơi có dấu tích của Phật, đến chỗ nào cô cũng khóc, bởi vì đến chỗ nào cô cũng nhớ con, cầu xin và hồi hướng mong con được siêu thoát.

Khi đến sông Hằng, nhìn đời sống thực nơi đây, và chứng kiến cảnh người ta nhúng các trẻ sơ sinh xuống dòng sông thiêng cũng như hỏa thiêu người đã chết, “tự nhiên tôi thấy sinh tử vô thường quá”, cô kể lại.

Khi trở về nhà sau chuyến hành hương, đứng trước bàn thờ con, cô nghiệm ra “duyên nợ của mẹ con tôi đủ rồi nên anh mới đi”, anh đi vui vẻ, anh cười khi anh đi, “tại sao tôi cứ khóc”, theo đó, nỗi đau giảm dần, chẳng có nỗi đau nào làm cho cô đau được hơn nữa.

“Sau khi thấm hiểu những lời dạy của Đức Phật bằng chính cuộc đời mình đã trải qua, tôi nhận thấy những cái vô thường, những cái hữu duyên mình gặp trong cuộc sống là… bình thường”.

Cô cũng từng “thú tội, rằng có khi cô đứng trước cả ngàn sinh viên, được mời nói chuyện ở nhiều nơi, gặp học trò, gỡ rối bế tắc cho họ hay lắm. Nhưng với bản thân, cô không biết vì sao mình bế tắc đến thế, bế tắc đến mức ngộp thở, và có lúc chỉ có một suy nghĩ duy nhất là phải chết, vì nghĩ quẩn rồi quyết định “chết cho nó xong”.

“Sau khi từ cái chết trở về, tôi ý thức được mọi người thương tôi nhiều lắm, trước đó tôi không cảm nhận được điều này…”.

“Khi xuất viện về ở nhà nằm trên giường nhìn thấy câu ‘ta đầy khuyết điểm sao bực bội khuyết điểm người’, tôi cũng ngạc nhiên, vì câu này ngày nào cũng nhìn thấy mà sao tôi không thấm. Mình chưa chắc đã hay mà sao có tí hạt bụi mình đã làm to chuyện. May mà lòng nhân ái, tình yêu thương của những người yêu mình kéo mình dậy. Nên bây giờ tôi sống với tình yêu tha nhân, tôi cảm thấy cuộc đời đẹp lắm…”, cô kể.

Với 25 năm gắn bó với việc hướng dẫn ẩm thực, đã có gần 90 đầu sách, hơn 2.000 món ăn được giới thiệu, giúp những người nội trợ, nhà hàng, rất nhiều về nấu ăn nhưng niềm vui thực sự, cô bộc bạch: “Cái làm tôi hạnh phúc nhất là làm 260 món ăn chay ở chương trình món chay của Diệu Pháp Âm. Chỉ mong ngày càng đưa món ăn chay đến được nhiều người hơn. Và bây giờ là ý Phật, Phật muốn tôi nấu ăn”.

“Bây giờ với tôi những điều Phật dạy rất thực tế, Phật ở trong tâm, Phật ở khắp mọi nơi. Cuộc đời ai cũng có lúc bị mê mờ. Được làm người đó là phước báu, biết được Phật pháp là một phước báu. Giờ tôi mới thấy nghĩa vụ của mình là con người thì sinh ra phải sống xứng đáng với tư cách là một con người”.