1. Manocanh nhà sư. Hội chợ văn hóa phẩm Phật giáo với hàng trăm gian hàng trưng bày và bán các văn hóa phẩm liên quan đến Phật giáo diễn ra ngay trong khuôn viên của Trung tâm Hội nghị quốc gia. Hội chợ bày bán từ quần áo, sách kinh Phật, CD, túi xách cho các nhà sư và cả những người tu tại gia. Chùa Hoằng Pháp, TP.HCM mang đến đây rất nhiều sách kinh Phật và CD tặng miễn phí cho khách tham quan, chiêm bái. Mọi người rất thích thú trước những mẫu vật quần áo được trưng bày trên hình manocanh là hình nhà sư!
2. Internet cho đại biểu. Ngay trong sảnh của Trung tâm Hội nghị quốc gia là hai dãy bàn với mấy chục chiếc máy tính xách tay được kết nối internet phục vụ cho đại biểu. Sóng wifi miễn phí và rất mạnh, truyền hình ảnh chất lượng cao tương đối nhanh. Tại đây thường xuyên thấy hình ảnh xưa nay hiếm, đó là các nhà sư lướt web, viết mail. Có nhà sư còn quay sang hỏi có thể chat với Yahoo ! messenger trên máy tính này được không?
3. Những nhà tài trợ giấu tên. VESAK lần đầu tiên tổ chức tại VN đã được rất nhiều nhà tài trợ công đức cho đại lễ với 10.000 suất ăn chay miễn phí, khinh khí cầu hình Đức Phật đản sinh trong hình hài nhi với một tay chỉ đất, một tay chỉ trời (trị giá 2 tỉ đồng), và rất nhiều những vật phẩm khác. Tại Bái Đính, Ninh Bình (một trong ba địa điểm dự kiến sẽ có hơn 2 ngàn đại biểu sẽ đến tham quan vào ngày 17.5), một doanh nghiệp đã tài trợ khoảng 100 nhà vệ sinh công cộng tiêu chuẩn Mỹ để phục vụ cho sự kiện này. Hầu hết các nhà tài trợ không công khai danh tính!
4. Đa màu sắc áo cà sa. Mấy ngàn đại biểu đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã tạo nên một quang cảnh rất đẹp mắt của sự đa sắc từ màu da đến màu áo cà sa. Màu vàng truyền thống của các Đại đức, Hòa thượng. Màu cam rực của các nhà sư Kh’mer và gốc Kh’mer. Màu áo lam thanh nhã của các nhà sư và phật tử, và màu áo nâu quen thuộc. Chưa kể các phật tử từ khắp nơi trên thế giới trong các sắc phục truyền thống hiện đại, tự nhiên. Và không nhất thiết là nhà sư nghĩa là phải cạo đầu. Chủ tịch IOC, giáo sư Lê Mạnh Thát có lẽ là điển hình cho hiện tượng trên.
5. Khách sạn “các sao” của Hà Nội – hết phòng. Gần như không thể tìm được khách sạn nếu không đặt phòng trước đó nhiều ngày. Các khách sạn đều trả lời hết phòng với khách không đặt trước. Khi được hỏi là hết phòng đến ngày nào thì câu trả lời thường xuyên nhất: sau ngày 18.5 – cũng là ngày kết thúc các hoạt động của VESAK. Với hơn 6 ngàn đại biểu chính thức cùng các thiện nam tín nữ từ khắp nơi đến Hà Nội thời điểm này, việc “cháy phòng” khách sạn có lẽ không phải là điều quá khó hiểu!