Hẳn nhiên, đây là một tổ chức Giáo hội thống nhất, duy nhất vào thời Trần, đại diện cho Phật giáo Đại Việt, thống nhất từ trong cơ cấu tổ chức, quản lý, điều hành cho đến chủ trương lãnh đạo, đường lối hoạt động, sinh hoạt cụ thể từ cấp Trung ương cho đến địa phương. Điều quan trọng, đáng nói hơn là tổ chức Giáo hội này thống nhất ý chí lãnh đạo và hoạt động song hành cùng các tổ chức của Nhà nước, quốc gia, dân tộc trong lịch sử xây dựng phát triển đất nước giàu mạnh bền vững, đạo pháp hưng thịnh trường tồn.
Một trong những yếu tố và đặc trưng làm nên sự phát triển Phật giáo Đại Việt thời bấy giờ, có tầm ảnh hưởng triều đình và quần chúng nhân dân ủng hộ là Giáo hội Trúc Lâm đã tổ chức xây dựng hệ thống hành chánh, quản lý Tăng sự rất chặt chẽ từ cấp Trung ương cho đến địa phương. Suy cho cùng, Phật giáo Đại Việt đã tồn tại và phát triển mạnh mẽ như chúng ta đã biết, hẳn nhiên tùy thuộc vào thực thể của một tổ chức Giáo hội Trúc Lâm đã thống nhất ý chí lãnh đạo cho đến hình thức hoạt động trên nhiều phương diện, lĩnh vực. Trong đó, yếu tố con người, tức là từng thành viên Tăng già đứng trong một tổ chức phải được quản lý, đào tạo, định hướng phục vụ Đạo pháp và Dân tộc.
Do đó, giới lãnh đạo Phật giáo bấy giờ, cụ thể là Tam tổ Trúc Lâm: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đã thiết kế tầm nhìn chiến lược trong việc tổ chức và quản lý Tăng sự, thông qua việc tổ chức an cư kiết hạ được xem là Phật sự hàng đầu của một tổ chức Giáo hội Tăng già trong sự nghiệp truyền đăng tục diệm, phát triển đạo pháp. Trên hết, Phật sự này còn góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước sau ba cuộc chiến tranh vệ quốc, đánh đuổi quân Nguyên – Mông ra khỏi đất nước, tiến đến xây dựng quốc gia Đại Việt trở thành Phật quốc ngay giữa cuộc đời trong tinh thần "Ở đời tùy duyên mà vui với đạo" mà Sơ tổ Trúc Lâm từng tuyên thuyết. Để thực hiện sứ mệnh nói trên, giới lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm đã nỗ lực tổ chức an cư kiết hạ, thiết kế nội dung chương trình giảng dạy, thời khóa tu học mang tầm vóc quốc gia, dưới sự bảo trợ của triều đình về mặt kinh phí tài chánh và pháp lý thực thi.
Về mặt tổ chức, Giáo hội Trúc Lâm có kế hoạch triển khai cụ thể chương trình nội dung an cư theo sự hướng dẫn của thông bạch Giáo hội Trung ương trước thời điểm kiết hạ vài tháng. Theo Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang, vào đời Trần thì các tu viện, đại danh lam như Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Siêu Loại, Vĩnh Phúc, Báo Ân, An Lạc Tàng viện… là những cơ sở được Giáo hội chọn làm đạo tràng an cư kiết hạ trọng điểm có sự bảo trợ của triều đình, ưu tiên cho những ai là Tăng sĩ ưu tú thuộc Giáo hội Trúc Lâm. Có thể nói, đây là những đạo tràng an cư kiết hạ cấp Trung ương Giáo hội, mang tính kiểu mẫu thời đó. Chẳng hạn, tại tu viện Quỳnh Lâm, một trong những đạo tràng an cư kiết hạ có số lượng an cư rất đông, được Nhà nước cấp đất để cày ruộng, có tới 1.000 mẫu, lại được Nhà nước chỉ định 1000 canh phu tới cày ruộng. Ngoài ra, đạo tràng chùa Báo Ân được vua Trần Anh Tông hỷ cúng 100 mẫu ruộng riêng từ gia đình họ Trần vào năm 1308, sau đó vua còn hỷ cúng 500 mẫu ruộng lấy từ Niệm Như Trang để cúng vào chùa Báo Ân vào năm 1312, khi số hành giả tu tập tăng lên so với các năm trước. Cũng vào năm 1313, Bảo Từ hoàng thái hậu cúng vào chùa Siêu Loại 300 mẫu ruộng. Năm 1317, Tư Đồ Văn Huệ Vương cúng dường 4.000 lưng tiền vào chùa… Sự cúng dường ưu ái của giới lãnh đạo triều đình như thế đối với công tác an cư mà Giáo hội chủ trì, cũng như cung cấp "nô bộc Tam bảo" để phục vụ chứng tỏ có mối liên hệ khắng khít giữa Nhà nước và Giáo hội để cùng nhau chung lo cho Phật sự trọng đại này, đảm bảo cho trên 30 ngàn hành giả an cư tập trung, thuộc 800 ngôi tự viện do Giáo hội Trúc Lâm quản lý mà sách Tam tổ thực lục đã chép.
Về chương trình tu học, Giáo hội Trúc Lâm chủ trương Thiền – Giáo song hành, pháp học song hành với pháp tu trong thời gian an cư kể từ rằm tháng Tư đến rằm tháng Bảy hàng năm theo một quy củ thiền môn, đậm nét Thiền tông Phật giáo Đại Việt. Ba vị Tổ Trúc Lâm và các vị giáo thọ cao cấp đã nỗ lực biên soạn giáo trình Phật học để giảng dạy cho các hành giả an cư tu tập với một nội dung đào tạo thực thi con đường Giới Định Tuệ mà Thế Tôn và các bậc Thánh đã đi qua. Với ý nghĩa quan trọng của việc tu trì giới luật, chính Pháp Loa, người lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm đã từng hiệu đính bộ Tứ Phần luật, khắc in 5.000 bản lần đầu tiên vào năm 1322, tổ chức khóa học Luật Tứ Phần cho các hành giả tu trì. Điều đáng nói là Tổ đã mời các vị cao tăng như Quốc sư Tông Kính và Quốc sư Bảo Phác đến các đạo tràng giảng giới luật. Sách Tam tổ thực lục ghi: "Tư Đồ Văn Huệ Vương mời sư về dinh thự An Long giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm, nhân tiện, Sư xem lại bản Tứ Phần Luật San Bổ Sao, in để ấn tống hơn 5.000 quyển. Sư nhờ Quốc sư Tông Kính ở Du Tiên, Quốc sư Bảo Phác ở núi Vũ Ninh đến chùa Siêu Loại giảng bộ luật này" .
Các giáo trình như Chư phẩm kinh, Thích khoa giáo, Pháp Hoa kinh khoa sớ, Bát Nhã Tâm kinh khoa sớ, Kim Cương trường đà la ni khoa sớ…với một nội dung và số tiết thích hợp trong thời gian ba tháng, thay vì có kinh phải giảng dạy cả năm vẫn chưa hết được, Tam tổ biên soạn phục vụ cho việc giảng dạy các trường hạ. Đây chỉ là những giáo trình mang tính giáo khoa được Tam tổ biên soạn ngắn gọn, súc tích, rút đại ý và bình giải về các kinh quan trọng mà Thiền phái Trúc Lâm lấy đó làm tông chỉ và cơ sở lập thuyết tu hành, chứng ngộ. Khoa là phân ra các đoạn và rút ra những điểm cốt lõi sau đó nói đại ý; còn sớ là chú thích về nghĩa lý các đoạn kinh. Các sách khoa sớ vì vậy được các hành giả lãnh hội nghĩa lý kinh điển rốt ráo từ các vị giáo thọ.
Từ các giáo trình mà Giáo hội Trung ương biên soạn và phổ biến chung cho các đạo tràng khắp cả nước, nhờ vậy mà các hành giả an cư có điều kiện nghiên cứu, học tập các bộ kinh quan yếu của hệ thống kinh điển Đại thừa như Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Bát Nhã… Nhờ sự nỗ lực giảng dạy của chư tôn giáo thọ có uy tín nhất trong giới thiền môn, các hành giả mới có điều kiện để y cứ vào đó thực thi Thiền – Giáo song hành mà chứng ngộ; có nhân duyên thể nhập học thuyết Cư trần lạc đạo mà Sơ tổ Trúc Lâm chủ trương để phục vụ cho những đường lối hoạt động của Giáo hội Trúc Lâm, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, đạo pháp trường tồn. Theo sách Tam tổ thực lục thì Pháp Loa là vị Sư thường xuyên đảm nhận giảng dạy yếu chỉ các bộ kinh này trong các đạo tràng Tư Phúc, Báo Ân, Quỳnh Lâm, Thiên Quang: "…Năm 1322, Thượng phẩm Hoài Ninh hầu Trịnh Trọng Tử và thầy chủ sự Huyền Quang gởi thư mời Sư về chùa Báo Ân ở Siêu Loại, giảng hội thứ nhì trong kinh Hoa Nghiêm… Từ đó trở đi, suốt chín hội, thính giả cả nghìn người, khi ít cũng hơn năm, sáu trăm người" .
Về phương diện pháp hành, Giáo hội Trúc Lâm chủ trương hành trì Giới, Định, Tuệ để thăng chứng giác ngộ. Điểm nổi Phật của Phật giáo Trúc Lâm là "Phật tại tâm", bất cứ ai chỉ cần lòng lặng mà biết cũng có thể trở thành thành viên của Phật giáo, trở thành vị Phật ở đời, để đi vào đời độ đời, đúng như lời sư Trúc Lâm từng khuyến cáo vua Trần Thái Tông:"Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm. Lòng lặng mà biết, đó chính là chân Phật". Thế nên, các hành giả an cư cần hành trì giới, nhờ giới thanh tịnh mà tâm không loạn, tâm an tịnh mới an trú trong định…, đúng như Tổ Pháp Loa dạy trong Khuyến chúng Thượng thừa Tam học: "Sau khi thấy tánh phải giữ gìn giới cho thanh tịnh? Nghĩa là trong 12 giờ (24 giờ hiện nay – ND), ngoài dứt các duyên, trong tâm không loạn. Vì tâm không loạn động nên cảnh đến an nhàn. Mắt không vì cái sở duyên của cảnh mà chui vào. Ra vào không giao thiệp nên gọi là ngăn chặn. Tuy ngăn chặn mà không phải ngăn chặn. Tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý cũng vậy. Đó gọi là giới Đại thừa, là giới vô thượng, cũng gọi là giới vô đẳng đẳng. Tịnh giới này, tiểu tăng cho đến bậc đại tăng đều phải gìn giữ". Rõ ràng, sự giữ này bắt nguồn từ sự gìn giữ 6 căn thanh tịnh, không để 6 trần nhiễm hại. Có thể xem đây là chủ trương gìn giữ giới luật của Thiền tông, là nét đặc thù quan trọng trong hệ thống Luật tông mà các thiền sư thực thi hành trì.
Do đó, ta chẳng ngạc nhiên gì, Tam Tổ thực lục ghi rằng các tu viện thời này, thường áp dụng nghi thức Lục thời sám hối khoa nghi của nhà vua – thiền gia Trần Thái Tông – người đặt nền móng tư tưởng cho thiền phái Trúc Lâm ra đời, biên soạn. Đây là phương thức hành thiền phù hợp với tâm thức người Việt, bằng cách sám hối, tẩy rửa 6 căn đối với 6 trần, ứng với 6 thời bái sám trong một ngày đêm, không cho bụi bặm khách trần đeo bám, từ đó bước vào thế giới hành trì thiền định. Sự bái sám này không chỉ thực hiện trong ba tháng an cư mà còn hành trì quanh năm suốt tháng. Mục đích là đưa hành giả trở về chân tâm thanh tịnh. Cũng theo sách này, Pháp Loa và Huyền Quang vẫn chủ trương cho các hành giả hành trì Mật giáo, Tịnh độ theo phong thái Thiền; nghĩa là trì tụng thần chú để gia trì định lực; niệm Phật là để đi đến nhất tâm bất loạn.
Tuy nhiên, việc thực tập thiền định không phải dễ dàng thực hiện. Các thiền sư cũng tùy theo căn cơ trình độ của mỗi thiền sinh trong các đạo tràng an cư mà tổ chức các thời khóa thực tập thiền. Các vị hành giả được sự hướng dẫn lý thuyết về phương thức hành thiền cụ thể, sau đó là thực tập thiền định. Đối với những tịnh nghiệp đạo tràng lớn, các trung tâm an cư kiết hạ có số lượng hành giả quá đông như đại bản sơn Yên Tử, Quỳnh Lâm, Vĩnh Nghiêm…., vị thiền sư không đủ thời gian trả lời. Do đó, vị Thiền chủ sẽ tổ chức các buổi đại tham để mọi hành giả có cơ hội tham cứu, thoại đầu xoay xung quanh các đề tài Phật pháp, sinh tử, bản thể, vô thường… Thường các hành giả có căn cơ đại trí mới dám đặt câu hỏi, vì Thiền sư thường hay lật ngược các câu hỏi của thiền sinh; hay dùng lối nói nghịch ngữ, phi logic; hoặc dùng phương thức hỏi một đường đáp một ngả nhằm khai mở tâm thức người học cho đến khi nào ngộ được yếu chỉ Thiền thì thôi. Sách Tam Tổ thực lục cũng ghi lại những cuộc đại tham của Điều ngự Giác hoàng với các thiền sinh, chẳng hạn: "Thế nào là một việc hướng thượng? Sư đáp: Khèo nhật nguyệt trên đầu tích trượng. Lại hỏi: Dùng công án cũ mà làm gì? Đáp: Mỗi lần dùng đến lại thành mới tinh. Hỏi: Thế nào là truyền riêng ngoài giáo điển? Đáp: Con ễnh ương nhảy không khỏi cái đấu".
Ngoài những đại tham, có những cuộc tiểu tham xảy ra tùy theo những cơ duyên khác nhau, căn cơ khác nhau bên ngoài pháp tòa giữa các thiền sinh với nhau, hoặc các thiền sinh với thiền chủ… nhằm khai mở các vấn đề đã từng ưu tư, trăn trở, nghi vấn, để bước vào thế giới Thiền.
Với nội dung chương trình tu học bảo đảm tính tri hành hợp nhất như thế, do đó, thời khóa tu tập của chư Tăng, Ni trong các thiền đường đời Trần, hầu như được các vị Thiền chủ, Ban quản trị bố trí kín từ 4 giờ sáng cho đến 22 giờ chỉ tịnh. Ngoài việc chấp tác, thực thi các thời khóa, bái sám, quá đường, tọa thiền, các hành giả còn phải tham gia học luật, các buổi giảng kinh Đại thừa, tham dự các buổi đại tham, tiểu tham do Tam tổ Trúc Lâm chủ trì. Rõ ràng, trong bối cảnh lịch sử cả dân tộc phát huy nội lực, đề cao ý thức độc lập tự chủ trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, kể cả tôn giáo để xây dựng đất nước, việc Giáo hội Trúc Lâm xem an cư kiết hạ là một trong chương trình Phật sự trọng tâm của Phật giáo cần được thực thi hàng đầu cũng không ngoài mục đích chung ấy. Suy cho cùng, mục đích an cư kiết hạ của giới xuất gia Phật giáo là nâng cao trình độ thẩm thấu giáo nghĩa Phật đà, hướng đến trưởng dưỡng nội tâm, thành tựu Phật tâm ngay giữa đời này. Một khi giới đức được nghiêm tịnh, tâm thức định tĩnh, trí tuệ khai mở, thì tự thân mỗi cá nhân sẽ tự hoàn thiện cho chính mình và có khả năng đóng góp tích cực cho cộng đồng xã hội.
Nhìn chung, đặc tính của Phật giáo Trúc Lâm đời Trần là nhập thế tích cực cho đời và làm cho đời sáng tươi. Chính tinh thần này mà Giáo hội đã được các vương triều nhà Trần ủng hộ, quần chúng tin theo, điều đó cũng có nghĩa các Tăng sĩ đời Trần là những nhà tu hành có giới đức thanh tịnh, định lực kiên cố, và trí tuệ thăng chứng đã góp phần làm cho đạo pháp trường tồn, dân tộc hưng thịnh, nhân dân an lạc. Mỗi kỳ an cư là mỗi lần Giáo hội cùng phối hợp với triều đình có chủ trương xây dựng, thiết kế chương trình tu học thời khóa thật cụ thể, để sau một mùa an cư đều đem lại sự đắc pháp cho các hành giả và lợi lạc cho mọi người dân Phật tử. Trên hết, an cư kiết hạ đã làm sống dậy tinh thần Phật giáo Trúc Lâm, góp phần làm nên lịch sử dân tộc, lịch sử Phật giáo nước nhà mà chúng ta có nhân duyên để nhìn lại và định hướng trong cuộc hành trình tìm về cội nguồn giải thoát.
Cho nên, bất cứ vị Tăng sĩ nào trong thời Trần đều cũng được ao ước trở về Yên Tử, hay những đạo tràng an cư của Trung ương Giáo hội để kiết hạ như là được sống trên thánh địa, "đại bản sơn" của Phật giáo Trúc Lâm, nơi đây được xem là Phật quốc, chẳng khác nào Tây Trúc, Linh Thứu mà Đệ tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang mô tả trong bài vịnh Vân Yên tự phú bằng chữ Nôm. Cũng trong ý nghĩa này, ngày nay, đã là người Phật tử Việt Nam, bất kỳ ai cũng mong rằng có ít nhất một lần trong đời được về Yên Tử chiêm bái và tu học: "Dù ai quyết chí tu hành/Có về Yên Tử mới đành lòng tu".
Thích Phước Đạt
1 Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2, tái bản, HN, 2000, tr. 449. 2 Tam tổ thực lục, Thích Phước Sơn dịch, Viện Nghiên cứu Phật học VN, 1995, tr. 49. 3 Xem bài "Cư trần lạc đạo phú" của Trần Nhân Tông, Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, NXB. KHXH, HN, tr. 497-504 4 Tam tổ thực lục, Sđd, tr. 48.
2 Trần Thái Tông, Khóa hư lục, Sa môn Thích Thanh kiểm dịch, THPG TP.HCM, 1997, tr. 54.