Trang chủ Tin tức Chương trình Hương Sen Đại Bi tổ chức gặp mặt, nói chuyện...

Chương trình Hương Sen Đại Bi tổ chức gặp mặt, nói chuyện với Thầy Cô giáo

253

Ghi nhớ lời chỉ dạy của Đức đệ tam Pháp chủ GHPGVN- Đại trưởng lão HT. Thích thượng Phổ hạ Tuệ với Thanh niên Phật tử Thủ Đô dịp năm2009: ”Nhà chùa cần phải chung tay cùng xã hội góp phần giải quyết các vấn nạn đang nhức nhối, trong đó có vấn đề tha hóa của thanh thiếu niên. Mầm chồi mà bị thui chột thì làm gì có tương lai.”… Ngày nay, thực tiễn cuộc sống cho thấy từ gia đình cho đến quốc gia đang ứng dụng Phật giáo vào nhiều mặt của đời sống xã hội, nhất là trong vấn đề đạo đức và tâm linh – hai phần quan trọng nhất của con người và của xã hội. Đạo đức và tâm linh băng hoại thì từ gia đình đến xã hội không thể không đọa lạc. Việc ứng dụng Phật pháp vào việc ước thúc, kiểm soát và làm sạch tâm của con người là một giải pháp tốt, một phương thuốc hay để khắc phục sự băng hoại đó. Tuy chưa có sự kiểm điểm nhất định nhưng rõ ràng là việc ứng dụng đó có nhiều ưu việt và thành quả là ưu trội.”…


Chương trình Hương Sen Đại Bi đã tổ chức buổi gặp mặt, nói chuyện với các thầy giáo, cô giáo với chủ đề: “Tuệ giác viên mãn” diễn ra vào lúc 15h00 chiều thứ 7 ngày 16/11/2013, tại chùa Hưng Khánh, xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội và thỉnh cầu TT. Thích Minh Hiền- Phó trưởng Ban Văn Hóa GHPGVN TP Hà Nội, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN Huyện Mỹ Đức chủ trì buổi tọa đàm này. Cuộc gặp mặt, nói chuyện giữa những người “ Trồng Người” có sự gặp mặt đầy đủ của Ban giám hiệu cùng thầy giáo, cô giáo của bốn trường: THPT Trần Đăng Ninh, THCS Phù Lưu Tế, Tiểu học Phù Lưu Tế, Mầm non Phù Lưu Tế, buổi gặp mặt trò chuyện diễn ra một cách gần gũi, thân mật xoay quanh các chủ đề về giáo dục. 

 

Trong buổi tọa đàm, TT. Thích Minh Hiền chia sẻ với ba nội dung lớn: niềm tin giáo dục, mục tiêu giáo dục, phương pháp giáo dục.

– Niềm tin giáo dục: là niềm tin vào trí tuệ giác ngộ ẩn sâu trong mỗi con người. Từ cổ chí kim, không phân biệt quốc gia, tôn giáo, trong mỗi cá nhân đều ẩn sâu một bản tính giác ngộ, một nhân cách lương thiện mà ta thường bị những khổ đau, phiền não che phủ. Xã hội ngày càng hiện đại, con người dần trở nên lạc lõng, cô đơn, mất hy vọng vào cuộc sống, tương lai. Chính vì vậy, chúng ta cần phải luôn ghi nhớ xây dựng cho mình một niềm tin lớn lao vào khả năng, trí tuệ và tâm từ bi của chính mình, có như thế, cuộc sống hiện đại dù có vội vã, tấp nập, ồn ào đến đâu, ta vẫn luôn tìm được sự bình an và yên vui trong tâm hồn.

– Về mục tiêu giáo dục: gồm giáo dục con người xã hội và giáo dục con người tự thân. Thực trạng ở Việt Nam và thế giới hiện nay, giáo dục con người xã hội được đề cao, đè nặng kiến thức lên vai học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, việc giáo dục chính bản thân mình lại không được đánh giá cao. Vì thế, xuất hiện hiện tượng những kẻ sĩ, mang đầy kiến thức, nhưng lại không biến những hiểu biết đó đem lại lợi ích cho gia đình và xã hội. Giáo dục Phật giáo chú trọng đến giáo dục tự thân, khai phá tiềm năng sâu bên trong mỗi con người, giáo dục không ngừng nghỉ 365 ngày/năm, liên tục, tinh cần.

– Phương pháp giáo dục: là làm sao để xây dựng một con người toàn diện cần đủ cả tri thức và tuệ giác, đào tạo con người vừa “hồng” về nhân cách, vừa “chuyên” về trí tuệ. Phương pháp giáo dục hiện nay nặng về trao chuyền kiến thức, khiến học sinh, sinh viên bị quá tải. Kiến thức có thể trao truyền từ đời này sang đời khác, tuy nhiên, trí tuệ là thứ bản thân ta phải tự biết khai phá sâu thẳm bên trong mình, không ai có thể truyền dạy. Để đạt được sự giác ngộ viên mãn, thượng tọa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dạy đạo đức, nề nếp từ thuở nhỏ. “Tiên học lễ, hậu học văn” – mỗi người thầy phải chú trọng đầu tiên đến việc xây dựng nhân cách lương thiện, bản tính tốt trong mỗi người học trò.


Trong giáo dục Phật giáo, để đạt đến tuệ giác, hàng ngày phải biết hành trì: giới, định, tuệ. Giữ giới là biết tôn trọng và tuân thủ theo các kỷ luật, nội quy; từ đó mới “định” – tâm an lành, hạnh phúc, bình ổn và đạt được “tuệ” – trí tuệ sâu rộng.

Mỗi nhà sư phạm nên dạy học trò của mình từ cả thân giáo, khẩu giáo và ý giáo. Khẩu giáo là truyền trao những kiến thức từ giáo án, sách vở; Thân giáo là dùng những kinh nghiệm chân thực của bản thân, bằng những việc làm thực tiễn của mình làm tấm gương để các cô cậu học trò noi theo; Ý giáo là quan trọng nhất: truyền trao cả tâm ý, tấm lòng của mình mong các em lớn khôn, trưởng thành.

Dù là giáo dục Phật giáo hay giáo dục phổ thông, tất cả đều chung mục tiêu đưa mỗi con người Việt đạt đến trình độ cao của trí tuệ và nhân cách, giúp mỗi chúng ta khám phá toàn diện tài năng và phẩm chất của chính mình. “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” – xin tri ân những con người đó đã và đang ngày đêm ươm mầm những hạt giống thiện lành cho toàn xã hội.

Buổi chia sẻ dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn ngủi, tuy nhiên theo Cô giáo Nguyễn Thu Hà thì qua chương trình gặpmặt, nói chuyện này đã “chia sẻ với chúng tôi rất nhiều những kinh nghiệm, kiến thức bổ ích. Thực tế, giáo dục Phật giáo đã tác động sâu sắc tâm tính các em học sinh dù còn nhỏ tuổi. Hàng tuần thứ 7, chủ nhật đều được đến chùa học đạo đức, lễ nghi, phép tắc trở thành người con ngoan, trò giỏi, đem lại niềm vui cho thầy cô, cha mẹ.”

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh của buổi gặp mặt nói chuyện này: