Trang chủ PGVN GHPGVN Chương trình hoạt động 6 tháng cuối năm 2010 của GHPGVN

Chương trình hoạt động 6 tháng cuối năm 2010 của GHPGVN

115

I. VỀ MẶT TỔ CHỨC VÀ HÀNH CHÍNH:

1. Phổ biến, triển khai nghị quyết Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, chương trình hoạt động 6 tháng cuối năm 2010 và các văn kiện có liên quan của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

2. Giao cho Văn phòng 1 Trung ương Giáo hội tiếp tục hiệp thương tiến tới thành lập Ban Đại diện Phật giáo Tỉnh Nghệ An, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang.

3. Tổ chức Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ 4.

4. Khởi công xây dựng hạng mục dãy Tây Lang cơ sở Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội – Thiền viện Quảng Đức sau khi có giấy phép.

5. Chuẩn bị kế hoạch tổ chức Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập GHPGVN.

6. Chuẩn bị kế hoạch, nội dung cho công tác tổ chức Hội nghị Kỳ IV khóa VI Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

II. VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN, VIỆN TRUNG ƯƠNG:

1. Ban Tăng sự:

1. Tiếp tục phổ biến Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN nhiệm kỳ VI (2007 – 2012) đã được tu chỉnh.

2. Hỗ trợ và hướng dẫn các đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo tiến hành tổ chức Đại giới đàn như đã dự kiến.

3. Tiếp tục duyệt cấp giấy Chứng nhận Tăng Ni, Chứng nhận Tu sĩ Chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer và Chứng điệp thọ giới cho Tăng Ni.

4. Phối hợp với Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Văn phòng Trung ương Giáo hội nỗ lực giải quyết ổn định một số vấn đề liên quan đến Tăng Ni, Tự viện tại các đơn vị Phật giáo có yêu cầu.

5. Quan tâm hỗ trợ Phật giáo Nam tông Khmer trong việc thực hiện các chương trình hoạt động Phật sự.

6. Hỗ trợ Phân ban đặc trách Ni giới thuộc Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN trong các hoạt động Phật sự.

2. Ban Giáo dục Tăng Ni:

1. Thực hiện việc góp ý bổ sung chương trình Giáo dục Tăng Ni các cấp; khuyến khích đóng góp và tiếp nhận tài liệu giáo khoa các cấp.

2. Tiếp tục đệ trình văn thư đề nghị các Cơ quan chức năng xin mở Trường Cao đẳng Phật học.

3. Quan tâm, tạo mối quan hệ gắn bó giúp đỡ cho các lớp Sơ, Trung cấp Phật học, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer được phát triển đồng bộ.

4. Thăm viếng và làm việc với các cơ sở Giáo dục, đào tạo Tăng Ni tại địa phương để có hướng hỗ trợ.

5. Tiến hành việc phân cấp đào tạo Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng Phật học trên cơ sở liên kết giữa các Tỉnh, Thành hội theo từng khu vực.

6. Lập kế hoạch và tiến tới tổ chức Hội thảo Giáo dục Tăng Ni bàn về việc biên soạn sách giáo khoa và mở khóa Bồi dưỡng Sư phạm.

7. Xúc tiến xin phép Giáo hội và các cơ quan chức năng thành lập Trường Sư phạm Giáo dục Phật giáo tại Hà Nội.

3. Ban Hoằng pháp:

1. Duy trì và mở rộng, phát triển những buổi thuyết giảng tại các Giảng đường lớn, Đạo tràng Tu Bát quan trai, khóa tu Phật thất, một ngày an lạc, các lớp Giáo lý tại các Tự, Viện trong cả nước.

2. Tiếp tục chương trình đào tạo Cao – Trung cấp Giảng sư Hoằng pháp khóa V (2009 – 2012).

3. Triển khai chương trình học tiếng dân tộc trong chương trình đào tạo Giảng sư Cao – Trung cấp để giúp các Giảng sư thông thạo tiếng dân tộc để Hoằng pháp vùng đồng bào dân tộc sinh sống.

4. Hỗ trợ các hoạt động Phật sự của Tiểu ban Hoằng pháp vùng sâu vùng xa.

5. Tổ chức khóa Bồi dưỡng hoằng pháp, tập huấn hoằng pháp viên cho các Tỉnh, Thành hội Phật giáo khu vực phía Bắc.

6. Tổ chức thi giáo lý cho Phật tử cả nước. Dự kiến khoảng hạ tuần tháng 10 năm Canh Dần.

4. Ban hướng dẫn Phật tử:

1. Đề nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự có văn thư đôn đốc các Tỉnh, Thành hội Phật giáo chưa thành lập 02 Phân ban Hướng dẫn Cư sĩ Phật tử và Gia đình Phật tử; Nếu không thành lập được Phân ban Gia đình Phật tử thì thành lập Phân ban Cư sĩ và Tiểu ban Thanh thiếu niên Phật tử.

2. Tiếp tục thực hiện Bản đúc kết Hội thảo Tây Nguyên và miền Trung tổ chức tại Dak Lak; Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ II nhiệm kỳ VI Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương tổ chức tại chùa Vạn Thọ ngày 15/01/2010; Bản đúc kết Hội thảo Hướng dẫn Phật tử miền Đông và miền Tây Nam bộ tổ chức tại Cần Thơ ngày 17/7/2010.

3. Phổ biến việc thực hiện chương trình Phật hóa gia đình đến các Tự, Viện và đến từng hộ gia đình Phật tử.

4. Ban hành thống nhất mẫu: Giấy chứng nhận Quy y Tam bảo và thọ

5 giới tại gia, Giấy chứng nhận và Sổ tín đồ Phật hóa gia đình. 5. Tiếp tục cấp Giấy chứng nhận Phật tử (Thẻ tín đồ) tại các Tỉnh, Thành hội Phật giáo.

6. Triển khai thực hiện đồng bộ chương trình giảng dạy giáo lý 5 năm đến các đạo tràng.

7. Vận động các Tự, Viện bổ sung khóa lễ tụng niệm vào mỗi chủ nhật hàng tuần dành cho thanh thiếu nhi Phật tử chưa tham gia sinh hoạt GĐPT.

8. Hướng dẫn và khuyến khích các Phật tử tích cực hưởng ứng việc tổ chức Lễ Hằng thuận tại các Tự, Viện.

9. Tổ chức kết khóa Bậc Lực 2, mở lớp Bậc Lực 3 và dự kiến tổ chức trại huấn luyện Vạn Hạnh III tại miền Bắc.

10. Kết hợp Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Tp. Đà Nẵng tổ chức Trại huấn luyện Vạn Hạnh khóa III.

11. Mở Trại huấn luyện huynh trưởng cấp II Huyền Trang liên tỉnh để đào tạo Liên đoàn trưởng; Trại huấn luyện huynh trưởng Sơ cấp và Cấp 2 để đào tạo huynh trưởng theo nhu cầu.

5. Ban Nghi lễ:

1. Có thông tư hướng dẫn Ban Nghi lễ các Tỉnh, Thành hội Phật giáo tổ chức các ngày lễ lớn của Giáo hội trong năm.

2. Tham gia công tác giảng dạy về nghi lễ tại các Trường Phật học.

3. Tiếp tục đề nghị Trung ương Giáo hội thẩm duyệt Bộ Kinh Nhật tụng bằng Việt ngữ, tựa đề: “Kinh Nhật tụng Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.

4. Ban Biên soạn Giáo trình, Giáo án Nghi lễ có phương hướng mời chư Tôn đức và các vị thiện hữu tri thức tham gia vào Tiểu ban Biên soạn.

5. Tổ chức Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ 2 tại tỉnh Khánh Hòa.

6. Ban Văn hóa:

1. Phối hợp với Ban Trị sự và Ban Văn hóa Tỉnh, Thành hội Phật giáo tổ chức hội thảo chuyên đề Văn hóa Phật giáo.

2. Hoàn tất việc biên soạn lịch sử Phật giáo và hành trạng Chư Tôn Thiền đức, Cư sĩ hữu công đối với Phật giáo.

3. Đề nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự nghiên cứu và đề xuất với Nhà nước để công nhận Tự, Viện (đủ điều kiện) là Di tích Lịch sử Văn hóa Phật giáo cấp Quốc gia hoặc cấp Tỉnh, Thành.

4. Thống kê các ngôi chùa cổ Phật giáo Nam tông Khmer để có hướng bảo tồn, phát triển và kết hợp với chính quyền địa phương lập hồ sơ một số chùa (đủ điều kiện) đề nghị Nhà nước công nhận là di tích Văn hóa, Lịch sử cấp Quốc gia, hoặc cấp Tỉnh, Thành.

5. Thống kê và phát triển hệ thống thư viện Phật giáo tại Trung ương và các Tỉnh, Thành hội Phật giáo.

6. In ấn và xuất bản Tuyển tập các bài viết liên quan đến Phật giáo và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Người và 30 năm ngày thành lập GHPGVN.

7. Tiếp tục in các tập sách Phật giáo Thế giới của Giáo sư Trần Quang Thuận.

7. Ban Kinh tế Tài chính:

1. Triển khai công tác mở rộng hệ thống các Công ty trực thuộc và thành viên.

2. Phát triển Công ty Cổ phần Thiện Tài, tăng cường thêm dịch vụ và sản phẩm tạo thêm giá trị gia tăng và lợi nhuận cho hoạt động của Công ty.

3. Ban KTTC chủ động tài trợ cho các hoạt động, sự kiện văn hóa Phật giáo; kết hợp với Báo Giác Ngộ, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, Công ty tổ chức sự kiện để tổ chức các sự kiện Văn hóa Phật giáo như: Hội thi “Nấu ăn chay toàn quốc”; cuộc thi nhiếp ảnh nghệ thuật với chủ đề Phật giáo; Lễ hội Ông Đồ Việt Nam lần thứ I; Câu lạc bộ Đầu bếp Chay Việt Nam.

4. Tổ chức hội thảo chuyên ngành và triển lãm các sản phẩm văn hóa phẩm Phật giáo; hướng dẫn thành lập các Trung tâm phân phối tại các Tỉnh, Thành phố.

5. Hình thành hệ thống phát hành Kinh sách Phật giáo trên toàn quốc theo mạng lưới phát triển của Ban Kinh tế Tài chính các Tỉnh, Thành hội Phật giáo.

6. Tiếp tục vận động các Ban ngành có liên quan xin quỹ đất để thực hiện công trình Đài hỏa táng và công viên nghĩa trang cho giới Phật giáo.

7. Vận động các Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường tích cực đóng góp công đức phí cho hoạt động Phật sự của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ VI tại Thủ đô Hà Nội.

8. Kết hợp Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương và Báo Giác Ngộ lập quỹ học bổng cho Tăng Ni sinh hiếu học.

8. Ban Từ thiện Xã hội:

1. Phát triển thêm Tuệ Tĩnh Đường, phòng phát thuốc Đông, Tây y tại các Tỉnh Thành, Quận, Huyện trong cả nước, nhằm giúp đỡ cho các bệnh nhân nghèo, nhất là những vùng nông thôn, vùng kinh tế mới, vùng dân tộc ít người…

2. Lập dự án tiền khả thi để xin phép Chính phủ thành lập Bệnh viện Tư nhân thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

3. Vận động Tăng Ni, Phật Tử trong cũng như ngoài nước xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho những đối tượng chính sách; ủng hộ chương trình ngày vì người nghèo và chương trình đem lại ánh sáng cho người nghèo.

4. Vận động các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo hỗ trợ cho Tăng Ni, Phật tử thành lập trường dân lập; mở lớp học tình thương; trung tâm dạy nghề, trường nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật; nhà nuôi người già neo đơn và người tàn tật (nếu có yêu cầu), phát triển bếp ăn từ thiện.

5. Phối hợp với Cơ quan liên hệ, Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, về việc nghiên cứu và phát triển thêm Trung tâm tư vấn và chương trình phòng chống nhiễm HIV/AIDS.

6. Tổ chức Hội thảo chuyên đề nuôi dạy trẻ mồ côi.

9. Ban Phật giáo Quốc tế:

1. Tiếp tục phân công phân nhiệm cho các thành viên trong Ban tùy theo sở trường và khả năng của từng vị trong mỗi công việc.

2. Tiếp tục phối hợp và liên kết chặt chẽ hơn nữa với Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự và Ban Phật giáo Quốc tế tại các Tỉnh, Thành hội trong các mặt công tác quan hệ Quốc tế.

3. Tiếp tục thực hiện việc biên soạn và ấn hành quyển sách: “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” bằng tiếng Anh-Việt trong thời gian đầu, và sau đó tiếp tục dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau như: Trung-Việt, Nhật-Việt, Pháp-Việt, Hàn-Việt .v..v. nhằm giới thiệu cho các nước và tổ chức Phật giáo trên thế giới hiểu thêm về Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

4. Rà soát lại các khâu tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ VI tại Thủ đô Hà Nội vào tháng 11/2010.

5. Tìm hiểu và lập kế hoạch thăm Phật giáo Campuchia, thăm Pakistant theo lời mời của Chính phủ Pakistant.

10. Viện – Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam:

1. Tiếp tục công tác biên dịch, in ấn và phát hành kinh sách của Viện.

2. Xin phép Bộ Thông tin truyền thông xuất bản Tạp chí Nghiên cứu Phật học Việt Nam cho Phân viện Nghiên cứu Phật học tại Hà Nội mỗi tháng 01 số.

3. Đào tạo chuyên môn ngành Thư viện.

11. Công tác ích nước lợi dân:

Tiếp tục vận động Tăng Ni, Phật tử phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, tích cực tham gia các phong trào ích nước lợi dân, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng đời sống văn hóa mới trên địa bàn khu dân cư, ủng hộ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu, góp phần xây dựng, phát triển xã hội Việt Nam theo mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

III. PHƯƠNG THỨC THỰC HIỆN:

– Tăng cường hiệu năng làm việc và liên hệ chặt chẽ giữa Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban, Viện Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự, Ban Đại diện các Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong cả nước.

– Theo dõi tình hình, đôn đốc, kiểm tra hoạt động Phật sự ở các cấp Giáo hội, các Ban, Viện Trung ương Giáo hội, đối chiếu kế hoạch 5 năm của nhiệm kỳ VI (2007 – 2012) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam để đảm bảo và từng bước hoàn thành công tác Phật sự nhiệm kỳ VI đã đề ra.

– Hỗ trợ, góp ý các Ban, Viện Trung ương Giáo hội triển khai, thực hiện các công tác Phật sự có liên quan phù hợp với Hiến chương Giáo hội, Nội quy các Ban, Viện Trung ương và Pháp luật Nhà nước.

– Phối hợp công tác chặt chẽ giữa Ban Thường trực, các Ban chuyên môn và 2 Văn phòng Trung ương Giáo hội để nhanh chóng thực hiện các thông tin liên lạc giữa Trung ương Giáo hội và địa phương; kịp thời báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đối với tình hình hoạt động của các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự, Ban Đại diện Phật giáo Tỉnh, Thành hội trong cả nước; đề xuất phương thức giải quyết trong trường hợp cần thiết, chú trọng đến các khó khăn, vướng mắc mới nảy sinh có thể làm ảnh hưởng đến kỷ cương, ổn định, phát triển bền vững của GHPGVN; làm trì trệ việc hoàn thành chương trình hoạt động năm 2010 của Giáo hội, nhất là công tác chuẩn bị Hội nghị Thường niên kỳ IV khóa VI Trung ương GHPGVN.