Trang chủ Quốc tế “Chưởng môn” trẻ nhất trong lịch sử Thiếu Lâm Tự

“Chưởng môn” trẻ nhất trong lịch sử Thiếu Lâm Tự

104

Sinh năm 1965 tại An Huy, Thích Vĩnh Tín  tên thật là Lưu Ứng Thành. Sinh ra trong một gia đình tín đồ Phật giáo, từ nhỏ cậu bé Lưu Ứng Thành đã rất thông minh dĩnh ngộ và ham tìm hiểu Phật sự, mê kungfu Thiếu Lâm.


Năm 1981, cậu xin phép cha mẹ tìm đến Thiếu Lâm Tự Tung Sơn bái Phương trượng Hành Chính trưởng lão làm sư phụ và thí phát đi tu. Khi Thiếu Lâm Tự thành lập Ủy ban quản lý dân chủ, Thích Vĩnh Tín  được bầu vào, giúp Phương trượng xử lý các công việc thường ngày đâu ra đấy.


Tháng 8/1987, Trưởng lão Hành chính viên tịch, Thích Vĩnh Tín  được thầy tiến cử kế vị làm Chủ nhiệm Ban quản lý Thiếu Lâm Tự, chủ trì  công việc mọi mặt.


Ông bắt đầu bắt tay vào việc tái thiết, trùng tu, xây mới cơ sở chùa chiền. Ông phải lo mọi việc từ tìm nguồn vốn, tìm mua vật liệu, tìm thầy tìm thợ… đến quên ăn quên ngủ.


Bằng nỗ lực phi thường của thầy trò Thích Vĩnh Tín, Thiếu Lâm Tự  – ngôi chùa tổ đình của Thiền tông có lịch sử ngàn năm đã nhanh chóng trở thành tiêu điểm chú ý của quốc tế. Từ tháng 8 năm 1999, Thích Vĩnh Tín đã trở thành Phương trượng trẻ nhất trong lịch sử 1.500 năm của Thiếu Lâm Tự. 


Trong các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, Cổ Long hay các phim chưởng, hình ảnh các Phương trượng Thiếu Lâm Tự luôn là người nghiêm túc, khắc khổ, cách xa cuộc sống thế tục, nhưng những điều đó không hề còn dấu vết ở vị Phương trượng hiện nay.


Từ 4 năm trước đây, kênh truyền hình Mỹ Discovery đã dùng từ “CEO” để chuyển ngữ từ “Phương trượng” khi họ làm bộ phim “Tân Thiếu Lâm Tự Phương trượng”.


Cũng giống như việc không thể nhớ mình đã đi tới bao nhiêu quốc gia, Phương trượng Thích Vĩnh Tín không thể tính hết được tổng số tài sản của Thiếu Lâm Tự.


Có ba thứ tài sản rõ ràng nhất là: tiền vé vào cửa, võ công và tiền nhang khói. Riêng tiền vé vào tham quan, bình quân mỗi năm Thiếu Lâm Tự đón 1,5 triệu du khách nhân với 40 tệ/người thì mỗi năm đã thu 60 triệu tệ (hơn 7,5 triệu USD), nhà chùa được giữ lại ¼ số tiền đó.


Về biểu diễn võ thuật, từ khi Thích Vĩnh Tín trụ trì chùa năm 1987, các võ tăng Thiếu Lâm Tự đã bắt đầu xuất ngoại. Mới tính đến 2004, riêng Thích Vĩnh Tín đã đích thân dẫn đoàn đến trên 60 nước để biểu diễn trên 1.000 buổi, theo báo “Người bảo vệ” thì mỗi buổi biểu diễn ở Mỹ thu được 10 ngàn USD.


Tháng 7/2006, các võ tăng Thiếu Lâm Tự cùng một số diễn viên đoàn ca múa Trịnh Châu đã sang Mỹ biểu diễn vở kịch múa “Thiếu Lâm trong gió” 800 buổi, thu được trên 8 triệu USD.


Trong tác phẩm “Thiền lộ tập” của mình, Thích Vĩnh Tín viết: “Phật giáo không tỵ thế (lẩn tránh đời). Nếu tỵ thế, Phật giáo sẽ sớm diệt vong”. Chính tư tưởng đó của ông đã khiến Thiếu Lâm Tự giành thế chủ động trong xã hội kinh tế thị trường khác hẳn các ngôi chùa danh tiếng khác ở Trung Quốc.


Dưới tài quản lý của Thích Vĩnh Tín, giờ đây Thiếu Lâm Tự đã trở thành trụ cột của ngành du lịch thành phố Đăng Phong và tỉnh Hà Nam. Tư tưởng và cách quản lý điều hành ngôi chùa của ông được khen cũng nhiều mà cũng lắm người chê.








Phương trượng Thích Vĩnh Tín (ngoài cùng bên phải) cùng TT Nga Putin xem đệ tử biểu diễn võ thuật


Tuy nhiên, điều gây nên tranh cãi ở Thích Vĩnh Tín  không chỉ có thế. Năm 2004, việc ông cho công bố trên web site Thiếu Lâm Tự các thế võ và các bài thuốc bí truyền bị coi là tự đánh bóng; năm 2006, Thiếu Lâm Tự và Tập đoàn truyền thông Thâm Quyến hợp tác tổ chức cuộc đại tỷ thí võ thuật toàn cầu mang đậm tính thương mại “Ngôi sao Kungfu”, rồi cuộc cầu phúc cho 999 cặp tân hôn được tổ chức ở Thiếu Lâm Tự cũng chịu nhiều búa rìu dư luận.


Trước những lời chỉ trích, phê phán, Thích Vĩnh Tín vẫn bình tĩnh: “Quả thực là tôi chú trọng dùng kinh doanh để phát triển văn hóa Thiếu Lâm. Tôi tin rằng những người thực sự làm việc sẽ hiểu tôi”.


Năm 1981, khi Thích Vĩnh Tín đến chùa, Thiếu Lâm Tự là một ngôi chùa nhỏ cũ nát chỉ có mười mấy hòa thượng trong đó 9 người già lão, chủ yếu sống nhờ 28 sào đất. Một năm sau, bộ phim “Thiếu Lâm Tự” được chiếu đã lôi kéo du khách tìm đến và mang lại cơ hội đổi đời cho chùa…


Đến nay thì cả thế giới đã biết đến Thiếu Lâm Tự, nhiều nhà lãnh đạo trong ngoài nước như Giang Trạch Dân, Lý Bằng, Tổng thống Nga V.Putin, Cựu Ngoại trưởng Mỹ H.Kissinger đều đã thăm chùa.


Trên con đường dài nửa giờ xe hơi chạy từ thành phố Đăng Phong đến Thiếu Lâm Tự, ven đường đâu đâu cũng thấy các trường dạy võ Thiếu Lâm, tiếng hô vang vang, tựa như khắp thành phố đều là đệ tử đệ tôn Thiếu Lâm…


Thích Vĩnh Tín không cam chịu để võ thuật Thiếu Lâm dừng ở “thuật” và quyết nâng lên thành “học”, thành một mảng văn hóa giống như “Đông phương học”. Vì thế ông đã thiết lập quan hệ hợp tác nghiên cứu với nhiều trường đại học như ĐH Bắc Kinh, Thanh Hoa, Nhân dân.


Chưa hết, ông còn hướng tầm mắt ra hải ngoại. Tháng 8/2006 ông đã sang Australia mua mảnh đất rộng 12km2 với dự định xây dựng một Trung tâm văn hóa Thiếu Lâm lớn.


Không chỉ khôi phục võ thuật, Thích Vĩnh Tín hướng mục tiêu vào khôi phục toàn diện văn hóa Thiếu Lâm gồm cả “Võ, Thiền, Y”. Ông đã cho mở “Thiếu Lâm dược cục” ở góc Tây Nam khu chùa, nhưng hiện vẫn chưa thể mở cửa vì còn phải đợi Cục quản lý Dược quốc gia cấp phép.


Ông dự định xây dựng Bảo tàng Thiếu Lâm Tự để kể lại lịch sử ngôi chùa và Thiếu Lâm Tự sẽ là ngôi chùa đầu tiên có nhà bảo tàng. Nhưng khó khăn lớn mà Thiếu Lâm Tự gặp phải giờ đây là đất đai. Khi xưa, trong cải cách ruộng đất, chính quyền đã lấy đất nhà chùa chia cho dân chúng, nay không thể đòi lại được nữa…


Một vấn đề khác mà Thích Vĩnh Tín  và Thiếu Lâm Tự phải đương đầu là tệ xâm phạm bản quyền. Ông nói từ 1994 đã đăng ký bản quyền tên gọi Thiếu Lâm Tự nên việc tranh chấp cũng đỡ phức tạp nhưng vẫn tồn tại vấn đề bản quyền ở cả trong, ngoài nước.


Đối với những công ty Mỹ, Nhật nhanh tay “cướp tên” trước, Thiếu Lâm Tự chủ trương “cùng tồn tại” vì vừa không có tiền, vừa không phải là cơ cấu thương mại thuần túy.


Đối với các công ty trong nước xâm quyền thường có thế lực trong chính quyền đứng sau nên cũng khó kiện được, nhưng những trường hợp như món hotdog “Thiếu Lâm Tự” thì phải kiên quyết kiện vì là vấn đề tinh thần và cuối cùng đã thắng đối phương.


Thích Vĩnh Tín đặc biệt phẫn nộ với những kẻ đội danh Thiếu Lâm Tự để lừa đảo, gây rối làm hại đến thanh danh nhà chùa. Hồi cuối tháng 11/2006, tại Thành Đô xảy ra sự kiện 50 kẻ tự xưng là môn sinh Trường võ Thiếu Lâm Tự biểu diễn thu tiền người xem và bán binh khí chất lượng kém.


Khi bị phóng viên truyền hình địa phương phát hiện là đồ giả, nhóm này đã đánh phóng viên và còn tiến công cảnh sát khi họ đến can thiệp làm 5 người bị thương.


Phương trượng Thích Vĩnh Tín đã lập tức họp báo tuyên bố: Thiếu Lâm Tự không có Trường võ nào, nhóm gây rối không phải là tăng nhân Thiếu Lâm Tự, nhà chức trách cứ nghiêm trị theo pháp luật.