Trang chủ Tin tức Chuông cổ ở Bắc Ninh là chuông thật

Chuông cổ ở Bắc Ninh là chuông thật

70

Theo TTXVN (7/7), kết quả giám định của Hội đồng Giám định cổ vật cho hay, chiếc chuông này có kích thước tương đương và kiểu dáng giống quả chuông thời Nguyễn hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam như: Linh Tiêu Tự (Minh Mạng 3 năm1822); Long Nhiên tự chung (Minh Mạng 10 năm 1829); Minh Mạng 12 năm 1831)…

Chuông có hình trụ, miệng loe, vàng miệng dày. Về hoa văn trang trí là những đặc trưng của thời Nguyễn và là đề tài trang trí khá phổ biến của thời Nguyễn. Lối hành văn và cấu trúc của bài minh trên quả chuông giống các bài minh trên các quả chuông cùng thời, nêu rõ đây là quả chuông chùa Phúc Sơn được đúc vào thời Nguyễn.

Cũng theo Hội đồng Giám định, chữ khắc trên quả chuông ghi tên người cung tiến và số tiền cung tiến để đúc chuông, chữ viết không thể làm giả được và không có ai cung tiến vàng để đúc chuông.

Chuông có màu vàng xám, rỉ xanh, các núm chuông đã bị lõm, có núm lõm nhiều chỗ cho thấy chuông đã được gõ nhiều….

Địa chỉ trên chuông ghi “Bắc Ninh trấn” là tên gọi của Bắc Ninh vào đầu thời nhà Nguyễn từ năm 1822 đến năm 1831 mới đổi tên thành tỉnh Bắc Ninh. Chữ khắc trên các đường chỉ giữa các ô rất chuẩn, đăng đối, theo kiểu chữ “Chân”, với lối chữ này ngày nay không thể làm giả.

Theo đó, Sở Văn hoá  – Thể thao và du lịch tỉnh Bắc Ninh kiến nghị chính quyền địa phương và nhân dân, Ban quản lý di tích xã Yên Phụ có kế hoạch bảo quản, bảo vệ và phát huy tác dụng theo đúng tinh thần của Luật Di sản Văn hoá. Tuyên truyền rộng rãi để nhân dân hiểu rõ sự thật về chuông để tiếp tục ổn định an ninh trật tự ở địa phương.