Trang chủ Tin tức Chung tay góp sức ươm mầm tài năng cho Giáo hội

Chung tay góp sức ươm mầm tài năng cho Giáo hội

119

Vấn đề nan giải được đặt ra bởi mọi chi phí nuôi dưỡng giáo dục Tăng Ni sinh ở các trường gần như hoàn toàn miễn phí. Trang trải cho mọi chi phí hàng ngày do Ban Giám hiệu gánh vác. Đặc biệt là nhu cầu đào tạo theo trình độ hiện đại rất cao, cần phải được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất và phương tiện hỗ trợ cho Tăng Ni sinh trong việc học tập như hệ thống thư viện, phòng vi tính nối mạng, giáo trình và tài liệu giảng dạy… để Tăng Ni sinh có điều kiện cập nhật kiến thức từ bên ngoài xã hội hoặc tìm hiểu thêm những thông tin hoạt động của các tổ chức Phật giáo trên thế giới; nếu không được như vậy, chính các Tăng Ni sinh thuộc thế hệ trẻ hôm nay và Phật giáo trong tương lai sẽ bị thiệt thòi về nhiều mặt.


Cơ sở đào tạo của các trường Phật học trong chừng mực nào đó được xem là nơi ươm mầm chánh trí giác ngộ, là nơi cung cấp kiến thực Phật pháp để mỗi người biết rõ đường tu giải thoát, là trung tâm trang bị tư tưởng và hành động cho Tăng Ni sinh trên con đường hoằng pháp.


Chuyên lo công việc đào tạo, nuôi dưỡng Tăng Ni sinh là việc làm phải có đại chí nguyện mới đảm đang nổi. Làm người trụ trì cho một ngôi chùa thuần túy thôi cũng đã là việc không đơn giản, huống chi việc quản lý và điều hành một trường Phật học với việc tổ chức hoạt động nề nếp và giáo dục đào tạo có hiệu quả là những việc cần phải có bầu nhiệt huyết tràn đầy và quyết tâm, nỗ lực vô ngã vị tha, nghĩ đến chân pháp một cách tuyệt đối mới có đủ nhiệt tâm.


Một câu nói có giá trị ngàn đời trong Phật giáo: “Tạo tự dễ, tạo Tăng khó”. Thật vậy, xã hội ngày nay muốn xây một ngôi chùa khang trang cũng tương đối dễ, nhưng để đào tạo được một thế hệ Tăng Ni kế thừa đủ tài đức, đủ đạo đức để lãnh đạo Giáo hội cần phải có sự nỗ lực tích cực từ mọi phía là Giáo hội và đông đảo bà con Phật tử.


Bên cạnh đó, chính những Tăng Ni đã xuất thân từ các trường Phật học cần nhận thức về việc này, cần thấy được việc truyền đăng tục diệm chính là việc được xuất phát từ môi trường Phật học. Thấy rõ trách nhiệm và bổn phận thiêng liêng sau khi được đào tạo nghiêm túc từ môi trường giáo dục này để về các địa phương nhận lãnh trách nhiệm hoằng dương Phật pháp ở các chùa và bằng những hành động thiết thực để có nguồn kinh phí tiếp tục đào tạo các khóa học cho thế hệ Tăng Ni sinh đàn em sẽ có điều kiện thuận lợi để an tâm học hành, nghiên cứu trên đường phát triển trí tuệ, nhân cách.


Hiện nay, Báo Giác Ngộ đã có đủ uy tín và có một vị trí vững chắc trong lòng độc giả không những trong cả nước mà còn đối với độc giả đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Do đó, thiết nghĩ Báo Giác Ngộ cũng cần ra sức hỗ trợ trách nhiệm này với Phật giáo ở các tỉnh thành đang có trường Phật học, bằng cách thiết lập một nguồn quỹ, kêu gọi bạn đọc và Phật tử khắp nơi đóng góp một cách tích cực. Hàng tháng, ngân qũy này sẽ được công bố trên mặt báo một cách công khai như những ngân quỹ Ban Từ thiện xã hội Báo Giác Ngộ và Ban Từ thiện xã hội Trung ương mà Báo Giác Ngộ đã và đang thực hiện.