“Vì biết cuộc đời khổ với không
Nên con gác lại mối thương lòng.
Hoằng dương chánh pháp đền ơn nặng.
Cúc dục sanh thành thoả ước mong”
(Bây Giờ Mẹ Ở Đâu –thơ Thầy Lệ Ngọc)
Mạ ơi! Vậy là đã gần trọn một năm, chúng con không còn mạ nữa! Hơn ba trăm năm mươi ngày mạ rời xa chúng con. Gần 50 tuổi đầu rồi mà mỗi lần khởi lên suy nghĩ: Mình mất mạ rồi!, con lại rưng rưng… Giờ đây con lại càng thấm thía biết bao 2 câu thơ của Chế Lan Viên:
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con”
Từ sau ngày mạ ra đi, con tự nhủ lòng sẽ gom góp ký ức để viết về mạ, vậy mà cho đến hôm nay, gần ngày giỗ đầu của mạ rồi, mà con vẫn không viết nổi vài dòng.
Con thấy chữ nghĩa của mình thật quá nghèo nàn, bút lực quáđỗi yếu ớt, suy nghĩ hết sức nhỏ nhoi khi muốn viết vềmạ. Làm sao con có thể thâu tóm “biển Thái Bình” trong một bài viết? Làm sao con có thể “vẽ” nên vị ngọt của chuối ba hương, của xôi nếp một, của đường mía lau?
Năm ngoái khi mạ còn nằm trong phòng cấp cứu, vừa được các chị con cho hay, từ cao nguyên con vội vã quay về. Chuyến xe chiều hôm ấy sao quá chậm chạp khi con đang nôn nao, bứt rứt muốn về ngay với mạ . Trên xe con thiết tha cầu nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ cho mạ qua khỏi cơn bạo bệnh, đểmạ sẽ cònở lại với chúng con. Con đã thầm thì với mạ trong suốt hành trình: Mạ ơi! Mạ hãy vượt qua cơn ách nạn này như hai lần trước mạ đã kiên cường vượt qua nghe mạ. Mạ vẫn còn lời hứa với con đó mạ ơi. Con sắp thực hiện được ước nguyện của mạ rồi...
Sau hơn 7 tiếng đồng hồ, con mới về đến. Các em ra đón, con chỉ kịp hỏi: Mạ đang ởđâu? Rồi vội vã lên taxi đi nhanh đến phòng cấp cứu ở bệnh viện. Các chị con mừng rỡ khi thấy con về đến và mọi người đang phấn khởi vì mạ đã có dấu hiệu hồi tỉnh sau cơn hôn mê dài. Con vội vã đến bên mạ, cầm đôi tay gầy guộc yếu ớt nhăn nheo, con nao lòng rớm lệ, bài học thuộc lòng từ thuở bé thơ bỗng trào dâng: Mẹ ơi trên cõi đời này – Con yêu quí nhất bàn tay mẹ hiền – Chính bàn tay mẹ tay tiên – Bồng con suốt mấy năm liền mẹ ơi!. Mạ cố mở mắt nhìn con miệng mỉm móm mém cười mãn nguyện, lại đưa tay lên vuốt má con… Mọi người vui mừng và tin chắc rồi mạ sẽ qua khỏi thôi, mạ đã hồi tỉnh rồi kìa!…Có ngờ đâu đây là lần cuối cùng mạ nhìn con, lần cuối cùng con được thấy mạ cười với con, lần cuối cùng mạ vuốt ve con…
Chỉ vài phút sau mạ đã lịm dần, lịm dần và hôn mê cho tới ngày ra đi mãi mãi…Mạ đã cố chờ con về chỉ để được nhìn con, vuốt ve con lần cuối. Con cũng chỉ kịp thầm thì với mạ: Mạ ơi! Mạ cố gắng khoẻ lại nghe mạ, mạ phải có mặt trong ngày con được thọ Đại Giới, mạ đã hứa với con rồi đó, nghe mạ!
Lúc đó mạ khẽ lắc đầu mà con không nhận ra, không hiểu và có lẽ không muốn hiểu. Con không muốn tin rằng mạ sẽ bỏ chúng con dẫu cho tuổi mạ đã cao lại bị cơn tai biến trầm trọng đến lần thứ ba. Con không muốn tin vì con vẫn cần có mạ, vẫn cần biết bao tình yêu thương bao la vô bờ bến của mạ dành cho chúng con.
Ba mất sớm khi mạmới ngoài 40 tuổi, bỏ lại mộtđàn con nheo nhóc, bơ vơ. Năm đó, anh cả của con cũng chỉ mới đôi mươi, còn thằng út em con mới tròn 4 tuổi.
Nhìn tình cảnh ấy ai cũng xót xa và lo lắng cho mạ không biết làm sao cáng đáng nổi việc nuôi dạy đàn con dại, khi trụ cột gia đình bỗng gãy đổ bất ngờ. Quý thầy ở Phật học viện BT, nơi mạ là một thành viên đắc lực trong việc ngoại hộ cho chư Tăng tu học, không khỏi băn khoăn. Ôn Từ Quang, bậc kỳ đức tòng lâm thạch trụ của giáo hội, người luôn xem mạ như đứa con gái, thương xót đến rơi lệ, thườngân cần khuyên nhủ mạ cố gắng đứng lên để lo cho đàn con. Gạt nước mắt, gác lại nỗi đau đứt ruột nát gan, mạ vất vả chăm nom nuôi dạy chúng con cho tới ngày khôn lớn.
Cả đời mạ chỉ có hai việc, hai bổn phận: chăm lo cho chồng con và phụng sự Tam Bảo. Lấy chồng từ thuở thanh xuân, mạ luôn chu đáo thu vén trong ngoài. Dẫu đồng lương công chức của ba không có dư dả bao nhiêu, nhưng chúng con luôn được sống trong sung túc, ấm êm vì mạ ngày đêm tảo tần ngược xuôi buôn bán để kiếm thêm tiền phụ trợ ba.
Lo cho con cái vật chất đủ đầy rồi, mạ còn lại hướng dẫn cả nhà quy hướng Tam Bảo. Chúng con ngày hôm nay, mỗi người dẫu có hoàn cảnh khác nhau, nhưng ai nấy cũng đều có được nguồn vốn quí giá mà mạđã trao cho chúng con từ thuởấu thơ, đó làniềm tin chí thành, sự quy ngưỡng trọn vẹn sâu xa đối với Tam Bảo.
Từ nhỏ, anh em chúng con đã được mạ dẫn đến chùa, quy y Tam Bảo và tất cả, từ lớn tới nhỏ, đều sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử, (ngoại trừ anh P và anh L vì đã được mạ và ba cho xuất gia từ hồi 8 tuổi). Cứ thế, tụi con lớn lên trong tình thương bao la của mạ, sự chăm sóc chu đáo vẹn toàn từ thể chất đến tinh thần. Trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo, mạ là một thành viên hết sức năng nổ và tích cực. Hưởng ứng chủ trương Phật hoá gia đình của Giáo hội ngày ấy, mạ đã áp dụng triệt để trong gia đình của mình. Mạ hướng dẫn cả nhà ăn chay niệm Phật để luôn xứng đáng là một Phật tử. Mạ chỉ dạy cả nhà tụng kinh cầu an vào ngày rằm và mùng một, còn ngày 14 và cuối tháng thì tụng sám hối. Chú Đại Bi con đã thuộc lòng từ năm lên 10 cũng nhờ những khoá lễ nhật tụng ở nhà trong những năm xưa.
Con còn nhớ ngày xưa, mỗi tháng nhà mình ăn chay 10 ngày, mạ dạy chúng con trước khi ăn phải tụng kệ Tam Đề (Nguyện trừ tất cả việc ác – Nguyện làm tất cả việc lành – Thệ độ tất cả chúng sanh). Những ngày không ăn chay cũng tuyệt đối không bao giờ được sát sanh để ăn. Buổi tối trước khi đi ngủ, phải niệm danh hiệu Phật cho đến lúc đi vào giấc ngủ. Ba mất sớm, với đồng lương công chức bậc trung, đâu có để lại tài sản của nả gì, mạ thì tần tảo sớm hôm, vất vả thu vén cũng chỉ vừa đủ nuôi các con ăn học, thế nhưng, tất cả chúng con đều thấy rằng mình đã được thừa hưởng gia tài lớn lao, vô giá mà mạ đã gắng công gầy dựng, vun bồi và trao lại cho chúng con.
Chúng con thấy mình thật hạnh phúc quá đỗi bởi ngay khi còn bé thơ đã được mạ dẫn dắt đến với ánh sáng chân lý của Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni, được thấm nhuần đạo đức căn bản của người Phật tử, được luôn tắm gội trong nguồn pháp lạc an lành. Cho nên đến ngày hôm nay, ngoài anh cả và con đã được xuất gia theo Phật tu hạnh giải thoát, những anh chị em khác cũng có một đời sống tuy không dư dả gì nhưng không bao giờ cảm thấy khổ đau, bất hạnh, luôn tìm được sự an vui nhẹ nhàng với tinh thần thiểu dục tri túc vì ít nhiều đã thấm nhuần giáo lý của Đức Thế Tôn. Có gia tài nào có thể so sánh cho bằng?
Con là đứa con kề út trong gia đình, khi ba mất con chỉ mới hơn 5 tuổi. Cũng như 2 anh của con, từ nhỏ, mạ đã cóý hướng con vào con đường xuất gia. Mạ thường dẫn con đi nghe pháp, nhất là sau ngày giải phóng, chùa nào có pháp hội mạ đều dắt con theo cùng. Có lần khi nghe con hỏi tại sao mạ đặt tên con nghe như tên con gái, thì mạ cười và kể con nghe giấc mộng của mạ trước khi sinh con.
Mạ kể rằng, một đêm vào khoảng tháng 5 năm 1963, trong chiêm bao mạ mộng thấy thầy TM và thầy NB- là hai vị giảng sư trong đoàn Như Lai Sứ Giả ở miền Trung lúc bấy giờ- bế một bé trai trao cho mạ với lời dặn dò hãy nuôi giúp cháu bé này.
Vì vậy, sau khi sinh con, mạ đặt tên cho con, tuy giống tên con gái, chính là để hàm ý sự quý giá. Lúc ấy con thật vui vì thấy mình dường như “có giá”, đâu ngờ rằng giấc mộng ấy cũng dự báo cho con con đường xuất ly sau này, dẫu khá muộn màng.
Mạ lại kể thêm, suốt thời gian cưu mang con trong bụng, là cả quãng thời gian mạ đối mặt với bao gian nguy trong mùa Pháp nạn 1963. Là một thành viên xông xáo và năng nổ, mạ đã ngày đêm sát cánh cùng chư Tăng và các bác trong khuôn hội đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo, chống kỳ thị Phật giáo của chế độ lúc ấy.
Sau này mạ kể lại, kề bên nhà mình là gia đình của viên đại uý công an của chế độ NĐD. Ông ta đã có lần nhắc khéo ba rằng: ông nên bảo vợ ông bớt đi chùa đi, tôi e bà nhà có ngày sẽ gặp tai nạn đó. Ba nghe xong cũng khá lo sợ nói lại với mạ, thì mạ thản nhiên đáp: Khi nghiệp lực đến thì ngồi trong nhà cũng chết, việc gì phải sợ! Phật giáo đang trong cơn hiểm nạn, bổn phận người Phật tử phải dấn thân lo cho Đạo pháp. Tui đến chùa lo cho quý ôn, quý thầy là làm Phật sự, có chết tui cũng vui…
Nghe mạ nói cứng cỏi ba cũng yên lòng. Lại có lần ba về nhà tâm sự với mạ: Tui chừ đang gặp khó quá mạ nó nờ! Họ kêu tui đừng có đi chùa và bảo mạ mấy đứa cũng đừng đi chùa nữa thì sẽ được giữ công việc hiện tại và còn có thể thăng cấp nữa, ngược lại thì…
Mạ liền đáp ngay: Bị đuổi việc thì anh đi đạp xích lô, còn tui thì đi bán xôi, bán bánh mà nuôi con! Mình là Phật tử mà lại từ bỏ lý tưởng của mình chỉ vì bị hăm doạ mất miếng cơm manh áo thì thật là hèn…
Ba nghe mạ nói vậy lại càng thêm quí trọng mạ. Tuy nhiên, nhờ chư Phật gia hộ cho nên cả nhà đều an ổn qua cơn Pháp nạn.
Từ nhỏ con được mạ âm thầm hướng dẫn con đến con đường xuất gia, thế nhưng vì con phước mỏng nghiệp dày, túc trái tiền khiên, nợ trước chưa xong nên mãi đến hơn bốn mươi tuổi đầu, con mới thực hành được ước nguyện của mạ và của con.
Khi con bé thơ, mạ dẫn đến chùa để con được quy y Tam Bảo, rồi cho đến khi con đã qúa tuổi trung niên, với hai mặt con đã lớn, vẫn chính mạ dắt con lên Đà Lạt bái yết HT Trúc Lâm để xin cho con xuất gia. Sau khi thu xếp được chuyện nhà êm ấm, cô bạn và 2 cô con gái đã vui lòng chấp thuận cho con đi xuất gia, con đã về bên mạ, lạy mạ lần cuối trước khi ra đi. Mặc dù hết sức hoan hỉ, tuy nhiên lẽ thường lòng mẹ thương con, làm sao cho khỏi bịn rịn bồi hồi rưng lệ.
Con vẫn nhớ đinh ninh lời mạ dạy con khi con quỳ lạy ra đi: “Bây giờ mạ chẳng biết nói chi…Mạ chỉ cầu ơn trên Tam Bảo gia hộ cho con tinh tấn tu học…Phần mạ không mong cầu chi con nữa. Chỉ cầu mong con tu cho được chứng đạo, không bao giờ thối chuyển. Con phải luôn ghi nhớ, bắt đầu từđây về sau, con không được thối chuyển. Con phải luôn ghi nhớ mạ vẫn luôn còn đây, mạ còn đây thì con không được vì bất cứ chuyện chi mà lui sụt. Mạ chỉ cầu chừng đó thôi. Mạ không cầu con đem của đem tiền gì về cho mạ cả!”
Mạ ơi! Hơn ba năm liền khép mình trong tu học trong thiền viện, do nghiệp chướng nhiều đời, lớn tuổi rồi mới được xuất gia, thế nên con đã phải hết sức nỗ lực để hoà nhịp cùng đại chúng. Có đôi khi thoáng gợn não phiền, tâm hư vọng lại sanh bề thối chí, bỗng dưng nghe lời mạ dạy vang vọng nhủ khuyên, thế là con lại vươn mình tiến lên. Làm sao con dám buông lung trong khi mạ đã già rồi mà hằng ngày vẫn đủ 2 thời toạ thiền một thời sám hối? Làm sao con dám biếng lười, trong khi mạ, dù khi cảm mạo lúc trái gió trở trời, vẫn dậy sớm công phu?
Ngày mạ lâm bệnh, cơn tai biến tái phát lần thứ 3, khi đo mạch, các y bác sĩ phải một phen kinh ngạc vì huyết áp lên đến 24! Hai lần trước mạ đã qua khỏi một cách kỳ diệu, nhưng lần này, lẽ vô thường đã thắng thế, mạ đã ra đi.
Buông xác phàm, thuyền đã mục nát – Trọn đời tu vun phước trợ đời.- Vượt qua bờ giác mẹơi!Tây phương cõi tịnh thảnh thơi mẹ về.(Tuệ Kiên)
Được mạ dạy dỗ, hun đúc nên chúng con đón nhận việc rời xa mạ với tâm thế không rối loạn. Chúng con đã bình tĩnh thực hiện các bước lo hậu sự cho mạ đúng chánh pháp, đúng theo lời mạ vẫn thường căn dặn cách đây hơn 3 năm, khi mạ bị cơn tai biến lần đầu năm mạ 82 tuổi.
Chúng con đau buồn vì mất mạ nhưng sâu xa trong lòng, ai cũng có cảm giác bình an, thanh thản vì mạ ra đi thật an nhiên với nét mặt dường như mỉm cười, trong sự tĩnh lặng tuyệt đối. Trong nhà, con cháu lớn nhỏ hơn 50 người nhưng không hề có tiếng khóc than, chúng con không dám khóc sợ làm kinh động mạ, chỉ để mặc cho dòng nước mắt tuôn dài hoặc nuốt nghẹn vào bên trong.
Văng vẳng trong không gian ngôi nhà nhỏ suốt cả ngày đêm là tiếng niệm Phật và thỉnh thoảng là lời khai thị của thầy trụ trì Trúc Lâm, bổn sư của con (bậc thầy lúc sinh thời mạ vô cùng kính quý, ngưỡng vọng), mà trước đó con đã xin thâu lại lời khai thị của thầy để về mởcho mạ nghe trong lúc mạ chập chờn giữa hai bờ sanh tử.
Chúng con đau buồn vì mạ mãi mãi không bao giờ còn hiện diện trên cõi đời này nữa, nhưng chúng con vẫn có được niềm hỷ lạc chân chánh khi xác tín mạ chắc chắn vãng sanh về cõi an lành. Ngay khi mạ vừa trút hơi thở cuối cùng trên tay con, con đã nhận thấy thật rõ rệt hơi ấm toát ra trên đỉnh đầu của mạ.
Theo Ðại sư Kirti Tsenshab Rinpoche thì: “ …trước khi thần thức người ấy thoát ra khỏi xác thì trên thi thể họ sẽ có một điểm nóng được tụ lại duy nhất có màu đỏ hoặc màu trắng, điểm nóng tụ lại ở đâu thì thần thức sẽ thoát ra ở chỗ đó. Ví dụ, nếu điểm nóng hội tụ ở đỉnh đầu thì chúng ta tin rằng người ấy sẽ tái sinh vào cõi lành”.
Chúng con có đầy đủ niềm tin đó vì lúc giã từ cõi tạm này, mạ ra đi trong tâm thế của người xuất gia. Niềm vui lớn nhất của tất cả chúng con là mạ đã hoàn thành ước nguyện được xuất gia – dẫu chỉ gieo duyên – với Hoà thượng Trúc Lâm Đà Lạt, năm đó mạ 76 tuổi. Mười năm mạ sống với tư cách người xuất gia, cho dù, vì lớn tuổi không thể nhập chúng, mạ phải vềở nhà riêng để chúng con gần gũi phụng dưỡng.
Chúng con đau buồn vì từ nay và mãi về sau không còn được nhìn thấy hình bóng mạ liêu xiêu từng bước chân yếu ớt chậm chạp trong căn nhà nhỏ nơi ngoại ô thanh vắng, nơi mạ vẫn hằng ngày lễ Phật tụng kinh, toạ thiền và hương khói cho ba và các anh của con. Mãi mãi chúng con không còn được nghe tiếng mạ nói nữa, không còn được nghe mạ kể chuyện ngày xưa, thuở mạ đang còn thanh xuân cùng các bạn đạodũng mãnh dấn thân vào gian nguy để góp phần bảo vệ Đạo pháp.
Cả đời mạ chỉ có một dạng bằng hữu là các bác trong ban Từ thiện, ban Hộ niệm.Các bác ấy cũng kiên trung và sắt son với Đạo pháp như mạ, và trước đó cũng đã lần lượt ra đi, năm trước là bác TQ và bác Th, đến năm này mạ là người cuối cùng trở về với Phật. Chúng con tin rằng, ở nơi xa kia, mạ và các bác lại trùng phùng với nhau, cùng hân hoan bên nhau trong niềm tin sắt son với Tam Bảo, lại vui với nhau trong những công việc ngoại hộ cho Phật giáo. Suốt cả đời mạ, chuyện mạ ưa thích kể đi kể lại cả ngày không chán chỉ là chuyện về chùa chiền, chuyện về quý Thầy, quý Cô. Là đứa hay lân la nghe mạ kể chuyện, từ khi còn nhỏ ở với mạ, cho đến lúc trưởng thành có gia đình riêng, con chưa từng nghe mạ kể chuyện gì khác ngoài hai chủ đề đó cả.
Chúng con mất mạ chỉ trên hình tướng, bởi trong mỗi chúng con, mạ vẫn luôn mãi hiện hữu. Thân xác chúng con đây do mạ nâng niu chăm sóc “thịt xương này, Mẹ nhọc nhằn hôm mai”(TCS). Mạ vẫn còn mãi trong mỗi chúng con, mỗi mộ tmột giọt máu, một tế bào, do mạ trao cho chúng con. Thấm nhuần lời dạy của Đức Từ Phụ, khi mang thai mỗi đứa chúng con mạ áp dụng ngay phương pháp thai giáo, như câu tục ngữ xứ Huế quê mạ “Con vào dạ, mạ đi tu”, mạ tụng kinh lễ Phật suốt chín tháng cưu mang. Lời kinh câu kệ đã thấm đẫm trong mỗi chúng con từ khi còn nằm êm ấm trong bụng mạ. Ai rằng công mẹ như non. Thực ra công mẹ lại còn lớn hơn.
Mạ ơi! Con làm sao nói lên được một phần dẫu vô cùng ít ỏi về công đức cao dày của mạ? Dẫu cho gom hết tất cả những câu hát đẹp nhất, thiết tha nhất, trang trọng nhất, huy hoàng nhất trên thế gian này để hát ca về mạ, con cũng cảm thấy lạc lẽo vô duyên.
Hôm nay, mùa Vu Lan lại về, lần đầu tiên con cài hoa trắng lên ngựcáo. Nhớ ngày xưa, khi trong những buổi lễ cài hoa hồng cho các em đoàn sinh GĐPT, nhìn các em cài hoa trắng con luôn xúc động rưng rưng, nhất là nhìn vào những gương mặt buồn tủi, những đôi mắt ướt lệ của các em đang còn thơ dại.
Trong nỗi xót xa ấy, trong lòng con lại thầm dâng lên một niềm vui ích kỷ vì mình vẫn đang còn mẹ. Để rồi năm nay, “một đoá hồng cài áo sẽ xa con!”(Thơ Huỳnh Ngọc Thành). Tuy nhiên, dù cài hoa trắng trong con, biểu tượng cho việc mất mẹ, trong mỗi đứa con của mạ, vẫn luôn hiện hữu, mạ chưa bao giờ mất. Mạ vẫn kề bên chúng con mỗi khi chúng con gặp chuyện buồn tủi, khó khăn.
Riêng con, mạ vẫn luôn có mặt trong từng hơi thở, trong từng niệm, từng sát na. Mạ vẫn luôn bên con mỗi khi con có điều trăn trở thao thức trên con đường tu tập, những vướng vất não phiền đã tan nhanh mỗi khi con nhớ về mạ. Thảng hoặc, niệm buông lung dấy khởi, đường tu tập bỗng muốn dừng chân thì hình bóng mạ lại hiện ra. Đôi mắt đau đáu yêu thương nhưng nghiêm khắc nhìn con. Bên tai con lại vẳng nghe lời mạ dạy khi con về lạy mạ để xuất gia. Mỗi lần như thế, con lại thấy vô cùng hổ thẹn với những mống ý nhu nhược, yếu hèn của mình, để rồi dường như được tiếp thêm sức mạnh con lạivững bước lên đường, tiếp tục cuộc hành trình mà mạđã dồn hết tâm huyết để vun bồi, dẫn đạo cho con.
Mạ ơi! Mùa Vu Lan đã về, noi gương hiếu hạnh của Đức Đại Mục Kiền Liên, con xin nguyện gắng công tu tập. Bao nhiêu công đức lành con nguyện xin hồi hướng cho mạ vĩnh ly mọi cảnh giới khổ đau, sinh trong đường lành. Mạ ơi xin nhớ nguyện xưa mạ từng nói con nghe: khi sinh trở lại cõi này, nguyện làm người cư sĩ tại gia có đầy đủ những phương tiện thù thắng như Cấp Cô Độc, như Tỳ Xá Khư (1) để ngoại hộ đắc lực cho Phật pháp. Con vững tin rằng, ước nguyện của mạ sẽ sớm thành tựu, bởi Phật giáo bao giờ cũng cần những vị thuộc hàng đệ tử tại gia, hàng trụ tín cư sĩ như mạ và những người bạn thân thiết của mạ, góp sức cùng hai chúng xuất gia hoằng dương Phật pháp, khiến cho ngôi Tam Bảo trụ thế dài lâu.
Thế nên, cho dù năm nay chúng con cài hoa trắng,chúng con mãi luôn có mạ…
Cảm tác nhân giỗ đầu của Mạ
Mùa Vu Lan PL 2556
Thích Trúc Thái Triệt
[1]Tên của 2 vị cư sĩ bên nam và nữ từng ngoại hộ đắc lực cho giáo đoàn thời Đức Phật còn tại thế