Người Hàn gọi Phật Đản là “Ngày Đức Phật đến” (부처님 오신 날, Bucheonim osin nal). Mình thích cách gọi giản dị này, bởi giản dị mà mang ý nghĩa rất thiêng liêng. Đức Phật đã đến với nhân gian trong ánh hào quang ngời sáng và kể từ giây phút đó, những người con Phật đã được che chở trong vầng mây Chánh pháp. Vì vậy, với người dân xứ này, Phật Đản thực sự là một ngày hội lớn, mang tầm quốc gia, có sức hút mạnh mẽ và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều tầng lớp trong xã hội. Ngoài những nghi thức đặc biệt của Phật giáo (như tụng kinh, rước Phật, tắm Phật), người ta còn tổ chức triển lãm văn hóa Phật giáo, nhảy múa, diễu hành,… khắp nơi, mọi chốn. Không phân biệt già hay trẻ, thanh niên hay phụ nữ, trẻ em hay người lớn, họ tự nhiên nhảy múa, reo hò.
Tất cả đứng ngồi trật tự hai bên đường hàng mấy tiếng đồng hồ chờ đợi đoàn diễu hành đèn lồng đi qua rồi vẫy tay, cúi chào hay hét to trong niềm vui tưởng như vỡ ra trong lồng ngực.
Lễ hội diễu hành rước đèn lồng trên đất nước này với sự hiện diện của lãnh đạo Phật giáo và Phật tử của nhiều quốc gia trên thế giới như: Việt Nam, Nhật Bản, Myanma, Thái Lan, Mông Cổ, Sri Lanka…
Với biểu tượng Chùa Một Cột lung linh, với những động tác điêu luyện của đội múa Lân, với những chiếc lồng đèn mang đậm bản sắc Việt Nam và những tà áo dài truyền thống duyên dáng nhiều sắc màu cùng với một tinh thần nồng nhiệt mà thân thiện, đoàn Phật tử Việt Nam thực sự đã mang “Hồn Việt” đến với lễ hội xứ người và để lại ấn tượng sâu sắc cho những người tham dự lễ hội cũng như người dân Hàn Quốc, suốt hành trình từ sân vận động trường đại học Dongguk đến chùa Jogye-sa.