Theo một số tài liệu chữ Hán nhà chùa còn lưu giữ được, thì chùa được xây dựng vào năm Bính Tuất (1886). Ban đầu, chùa có tên gọi là “An Hội Phúc tự” (thuộc thôn An Trạch), đến năm Giáp Thìn – 1904 (theo bức hoành phi gắn ở tiền đường) mới đổi tên là “Vĩnh Phước An tự” (thuộc thôn Vĩnh Lợi) và sử dụng tên gọi đó cho đến ngày nay.
Căn cứ theo sơ đồ, ngôi chùa cũ có tổng thể kiến trúc bao gồm: sân ngoài, tiền đường, sân chính, chánh điện, sân trong, nhà Tổ và hai bên tả hữu là nhà Tăng. Còn về cảnh vật xung quanh, người xưa cũng ghi chép lại rằng: “… dòng nước ngược chảy chầu. Nước chảy về huyền vũ (hình thế của long mạch trước khi vào huyệt trường). Đây là cuộc đất tốt nhất…, có trúc xanh chống đỡ, có thành bao ngoài kiên cố. Phật pháp rạng ngời. Thực là một ngôi chùa yên tịnh trên chốn đất này vậy”.
Nhưng do trải qua thời gian dài chiến tranh, ly tán, qua các cuộc trùng tu, sửa chữa mà hiện trạng ngôi chùa đã thay đổi đi ít nhiều. Song, về kết cấu kiến trúc, bộ khung cũng như tranh ảnh, tượng thờ nhà chùa vẫn còn lưu giữ được nhiều và vẫn hằng nguyên giá trị. Ngày nay, tổng thể mặt bằng chùa bao gồm: sân ngoài, tiền đường, chánh điện, sân trong (hai bên là lầu chuông, trống), nhà Tổ và khu mộ tháp. Còn dòng nước, rừng trúc, tường thành đều đã mất và thay vào đó là khu dân cư đông đúc.
Theo khảo sát sơ khởi, chùa hiện có 54 tượng gỗ lớn nhỏ. Tất cả đều bằng gỗ căm xe và được tạc nguyên khối. Trong đó, có những tượng tiêu biểu như: Di Đà Tam Tôn, Thập điện Diêm vương, Địa Tạng, Lục Tổ, Hộ pháp… Nhưng nổi bật và giá trị hơn cả, theo chúng tôi, đó là bộ tranh về Thập điện Diêm vương đang phán xử. Tranh được vẽ trên vải với nhiều màu sắc phong phú. Mỗi bức tranh, là một quang cảnh xử án khác nhau và tác giả đã thật tinh tế, tài tình trong việc thể hiện khuôn mặt, trạng thái của người đang phán xử cũng như của những tội đồ. Chính điều này, đã làm cho bộ tranh thật sinh động. Ngoài ra, chùa vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị khác như: Đại hồng chung, lư hương (đồng), bát nhang (gốm), … và một số tài liệu bằng chữ Hán.
Theo lời kể của ông Trương Văn Nhan (51 tuổi) – người ở từ (vị cư sĩ trông coi chùa và nhang khói), thì những di sản nghệ thuật này đã có từ xưa, lúc mới dựng chùa. Và trước đây, còn có rất nhiều những tranh, tượng khác nữa. Nhưng do trải qua một thời gian chiến tranh, thiên tai, chùa lúc có người trụ trì, lúc không nên những di sản này đã ít nhiều bị hư hại, mất mát…
Lẽ dĩ nhiên, hệ quả tất yếu của những việc làm tự phát này là điều mà chúng ta không cần phải bàn cãi. Song, theo như ý của người dân nơi đây, làm vẫn hơn không khi mà các cơ quan chức năng vẫn chưa hề quan tâm đến. Và quan trọng hơn, là không thể đứng nhìn ngôi chùa, cũng như các pho tượng rồi sẽ sụp đổ, hủy hoại vì mối mọt.