Đêm thiền trà và triển lãm tranh thư họa có tựa đề: “Vầng trăng của Phật”. Ttheo như lời giới thiệu của TT trụ trì chùa Từ Tân Thích Viên Giác thì “vầng trăng của Phật” là chỉ cho sự giác ngộ viên mãn của Đức Phật và sự giác ngộ đó được trao truyền từ khi đức Phật nhập diệt tới nay đã hơn 2500 năm. Người Phật tử cần học theo tấm gương giác ngộ của Đức Phật để rồi nhận ra, không chỉ Phật mới có sự giác ngộ mà ai cũng đã sẵn có sự giác ngộ này, chỉ vì mê mờ nên không nhận ra thôi.
Các Phật Tử tham quan triển lãm tranh thư pháp trước khi tham dự buổi thiền trà. Số lượng các bức họa thư pháp tuy không nhiều, nhưng ý nghĩa lại rất sâu sắc trong từng nội dung, từng nét chữ. Nổi bật nhất trong các bức tranh thư pháp là bức họa Bồ Tát Chuẩn Đề. Các nhà thư pháp không chỉ sử dụng nét bút để viết thư pháp mà còn nhờ công nghệ hiện đại sáng tạo chân dung bồ tát Chuẩn Đề với 3 mắt và 18 tay. Bồ tát Chuẩn Đề là vị bồ tát được coi là một trong các hóa thân của bồ tát Quán Thế Âm và là vị bồ tát phát nguyện hộ trì cho người tu tập trong thời mạt pháp gặp nhiều chướng ngại. 3 con mắt và 18 tay biểu lộ uy lực vĩ đại trong việc hàng trừ ma chướng và công năng màu nhiệm ủng hộ người tu của ngài. Hai bên của Bồ Tát Chuẩn đề có hai bức tranh thư pháp với nội dung “Tri túc thường lạc” và “an nhiên tự tại” – khi biết thế nào là đủ thì sẽ thường được an vui và khi tâm yên ổn bình thản một cách tự nhiên ta sẽ luôn ung dung thảnh thơi. Đó phải chăng chính là ý nghĩa và kết quả của người tu theo con đường mà đức Phật đã chỉ dạy?
Trước khi bắt đầu tham dự buổi thiền trà, các Phật tử đi kinh hành để lắng tâm mình dần yên ổn lại khi bước những bước chân nhẹ nhàng, thanh thản từ chánh điện 1 lên chánh điện 2 – nơi tổ chức buổi thiền trà, mạn đàm về “Vầng trăng của Phật”.
Thiền trà có lẽ là một hình thức sinh hoạt độc đáo của chùa Từ Tân. TT Thích Viên Giác đã đích thân cẩn thận lựa chọn các dụng cụ phục vụ cho thiền trà mang đậm bản sắc dân gian truyền thống. Từ chiếc bàn tre đơn sơ, mộc mạc cho đến những dụng cụ bằng sứ mỏng chuyên dùng cho uống trà như: tách, đĩa, bình trà đều được làm theo đơn đặt hàng đặc biệt của thầy. Những dụng cụ này được TT bảo quản rất cẩn thận, chỉ khi nào tổ chức thiền trà mới được đem ra sử dụng. Dụng cụ phục vụ cho uống trà thì dân dã, nhưng đặt trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh của ngôi chùa thì sự dân dã lại trở thành tao nhã, khiến người tham dự sinh tâm cảm mến ngay khi bước chân vào. Ai đã từng tham dự buổi thiền trà tại chùa Từ Tân hẳn không thể quên được ấn tượng này.
Sau nghi lễ dâng hương, bắt đầu nghi thức thắp nến. Ngọn nến tượng trưng cho ánh sáng, cho sự tự giác ngộ và đối ngược với ánh sáng là mê mờ, tăm tối hay còn gọi là vô minh. Thắp sáng ngọn nến bên ngoài cũng biểu trưng cho việc chúng ta cần tự mình thắp sáng ngọn nến trong tâm của ta theo lời sách tấn của đức Phật “hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Một khi ngọn đèn tâm đã sáng, thì bao lớp vô minh sẽ theo đó mà tan.
Một nội dung không thể thiếu được trong buổi thiền trà chính là tọa thiền trước khi uống trà. Dù chỉ ngồi theo tư thế thoải mái nhưng bắt buộc lưng phải được giữ cho thẳng rồi yên lặng thư giãn và theo dõi hơi thở trong vòng 5 phút, nếu Phật tử nào thực hành đúng theo hướng dẫn của TT trụ trì thì sẽ cảm nhận rõ sự an lạc của tâm mình vì những lăng xăng, những vọng động trong tâm đã lắng xuống.
Và bắt đầu THƯỞNG THỨC TRÀ. Những người tham dự thiền trà được TT Thích Viên Giác hướng dẫn cách thưởng thức hương vị của trà trong không khí trang nghiêm, giản dị của buổi mạn đàm và sự thanh thản, bình yên của tâm mình. Trà không tự nhiên có, không tự nhiên đến với chúng ta. Chén trà trước mặt chúng ta ngày hôm nay là sự hợp thành của vô vàn nhân duyên trong vũ trụ. Khi ta nâng chén trà và quán chiếu, ta sẽ thấy toàn thể vũ trụ có mặt trong chén trà này. Trong một chén trà có tất cả vũ trụ và nhân duyên trong toàn thể vụ trũ hợp lại tạo nên chén trà này. Đó cũng chính là ý nghĩa của thuyết “trùng trùng duyên khởi” trong kinh Hoa Nghiêm. TT trụ trì cũng giải thích rõ thêm ý nghĩa và tại sao tên gọi của buổi mạn đàm này lại là: “Vầng trăng của Phật”. Đức Phật được sinh ra tại vườn Lâm Tỳ Ni vào đêm trăng rằm tháng 04 và khi ngài nhập diệt dưới cội cây sala cũng trong một đêm trăng rằm. Trăng có mối duyên đặc biệt với Đức Phật và cũng là biểu tượng cho sự tự giác ngộ viên mãn của Đức Phật. Đức Phật đã từng nhắc tới trăng trong bài kinh Pháp Cú:
Ai dùng các hạnh lành
Làm xóa mờ điều ác
Chói sáng rực đời này
Như trăng thoát mây che.
Không chỉ đức Phật mới ví tâm của chúng ta với trăng. Các chư tổ và các thiền sư trong thiền tông cũng mượn mặt trăng để chỉ cho chúng ta cái sẵn có của chúng ta nhưng lại luôn bị mây dụ cho vô minh, vọng niệm che lấp nên ta không thấy cái đã sẵn có ấy. Nếu tâm ta phẳng lặng như mặt nước hồ không gợn sóng thì:
“Ngàn sông có nước ngàn trăng hiện
Muôn dặm không mây muôn dặm trời”
Thiền sư Ryokan – Nhật Bản sau khi tặng tên ăn trộm tài sản duy nhất là bộ đồ đang mặc trên người của mình đã ngồi ngắm trăng và trầm ngâm suy nghĩ “ Anh bạn tội nghiệp, ước gì ta có thể cho anh vầng trăng xinh đẹp này”. Vầng trăng biểu trưng cho sự giác ngộ mà sự giác ngộ thì lại không thể cho đi như cho một tài sản, mà sự giác ngộ phải từ ngay chính bản thân mỗi người tự ngộ, tự nhận lấy đúng như tôn giả A-nan đã khóc than với đức Phật trong kinh Lăng Nghiêm rằng: ai tu nấy chứng, không thể ỷ mình là em của Phật mà không chịu tu thì cũng không nhờ đức Phật cứu độ mà chứng quả được. Cũng như vậy, nếu người Phật tử chỉ biết kêu cầu Phật mà không chịu tự mình lóng lặng hồ tâm của chính mình để sống với ánh sáng chân thật sẵn có thì sự kêu cầu không có hiệu quả.
Cuối buổi thiền trà, TT trụ trì không quên sách tấn những người con Phật phải tinh tấn hơn nữa trên con đường tu tập để rồi sẽ có một ngày, ai cũng đều nhận được chân lý, được sống với vầng trăng chân thật của mình như đức Phật.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!